Cái chết thảm của bà mua ve chai

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Cái chết thảm của bà mua ve chai

Vùng quê Phước Trạch 1, xã Ea Phê, huyện Krông Pach, tỉnh Đắk Lắk từ lâu vốn rất yên bình bỗng dậy sóng bởi một vụ giết người, cướp tài sản vô cùng dã man.

26/09/2014 08:30 AM
680

Chuyện bắt đầu vào chiều 4/2/2007, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đắk Lắk nhận tin báo: khoảng hơn 14 giờ cùng ngày, một người dân ở thôn Phước Trạch 1, xã Ea Phê phát hiện một thi thể phụ nữ bên lô cà phê vắng với nhiều thương tích trên đầu. Ngay lập tức các trinh sát, điều tra viên cùng các đơn vị nghiệp vụ có mặt tại hiện trường. Công tác khám nghiệm hiện trường và tử thi được tiến hành nhanh chóng và tỉ mỉ. Những vết thương trên phần đầu cho thấy nạn nhân bị đập bằng vật cứng cùng dấu hằn sợi dây siết cổ.

Nạn nhân được xác định là bà Huỳnh Thị Công (SN 1961, ngụ thôn 1, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pach). Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, bà Công tính tình hiền lành, sống không mất lòng ai. Gia cảnh bà thật xót xa: chồng ốm yếu bệnh tật triền miên, bốn đứa con, lớn nhất mới 16 tuổi, nhỏ nhất đang học tiểu học.

Cuộc sống cả nhà chủ yếu dựa vào sự bươn chải của người phụ nữ gầy gò lam lũ ấy. Hằng ngày bà phải đạp xe hàng chục cây số thu mua phế liệu, ve chai về bán kiếm lời nuôi chồng con. Người nhà bà Công cho biết, khi đi mua phế liệu bà thường đem theo khoảng vài ba trăm ngàn đồng, trên cổ bà cũng có đeo một sợi dây chuyền vàng, trị giá không lớn. Nhưng khi phát hiện bà Công bị sát hại, những tài sản ấy không còn.

Nguyễn Trường Sơn “diễn” lại hành vi giết bà Công

Dấu vết hiện trường và tử thi cho thấy đây là vụ giết người cướp tài sản, kẻ gây án có khả năng ở gần hiện trường phát hiện xác tử thi. Các mũi trinh sát tỏa xuống khu vực xung quanh hiện trường và nơi cư ngụ của bà Công để xác minh truy tìm manh mối. Phối hợp với Công an xã Ea Phê, trinh sát thấy nổi lên đối tượng nghi vấn Nguyễn Trường Sơn (SN 1990, trú cùng thôn với bà Công).

Một số người dân gần nhà bà Công cho biết, trước và sau khi phát hiện bà Công chết, Sơn có đi xe đạp vào khu vực hiện trường. Theo công an xã, Sơn bỏ học từ lớp 6, lười lao động, thường chơi bời lêu lổng, trộm cắp vặt, nhiều lần lấy trộm tài sản gia đình đi bán lấy tiền ăn xài hoang phí. Ba năm trước, hắn từng chặn đường một học sinh tiểu học lấy sợi dây chuyền vàng. Lúc này Sơn còn nhỏ nên công an xã chỉ xử lý hành chính, buộc hắn trả lại tài sản cho em học sinh. Cuối năm 2006, gia đình gởi Sơn về Quảng Nam cho một người bà con phụ làm bánh mì những mong hắn bỏ thói trộm cắp và làm ăn đàng hoàng.

Ở nhà bà con, ngoài được nuôi ăn học, hắn còn được trả công 900.000 đồng mỗi tháng. Nhưng hắn vẫn chứng nào tật nấy, lấy trộm của người bà con này sợi dây chuyền vàng đem bán lấy tiền ra Huế rong chơi. Thấy không bảo bọc, giáo dục được Sơn, người này trả hắn về cho gia đình. Khi Sơn trở về, cha mẹ hắn dắt lên công an xã nhờ giáo dục răn đe. Sơn tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời, sáng thứ hai hàng tuần, đối tượng lên công an xã trình diện, báo cáo việc tu dưỡng rèn luyện trong một tuần qua. Dĩ nhiên những biểu hiện bên ngoài của hắn cũng làm cho công an xã yên tâm phần nào về sự ăn năn hối cải của hắn. Nhưng chỉ có hắn mới biết trong thâm tâm mình đang nghĩ gì, muốn gì. Hắn chỉ muốn có tiền để thỏa mãn ăn chơi. Một chi tiết đáng chú ý nữa là bà Công thường đến nhà Sơn mua ve chai, phế liệu.

Nghe công an xã trao đổi về “thành tích bất hảo” của Nguyễn Trường Sơn, các trinh sát nhận định có thể Sơn đã nâng cấp sự hư hỏng lên mức độ phạm trọng tội là giết người cướp tài sản, đã ra tay sát hại bà Công. Tuy nhiên về bằng chứng thì các anh phải chờ xem hắn có biểu hiện gì không. Bí mật giám sát Sơn, trinh sát phát hiện hắn ngày một bộc lộ những biểu hiện bất thường. Từ báo cáo xác minh nghi phạm của trinh sát, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra xét thấy đã có cơ sở đấu tranh, không cần kéo dài thời gian nên đồng ý cho triệu tập Sơn lên làm việc.

Lúc đầu hắn tỏ vẻ ngơ ngác không biết gì, khi các trinh sát hỏi: “Trưa 4/2, anh đi đâu, làm gì?” thì Sơn ấp úng, không trả lời rành mạch. “Anh còn nhớ lần về Quảng Nam ở nhà người bà con và lấy trộm của họ một sợi dây chuyền vàng đem bán rồi ra Huế chu du chứ?”. “Dạ nhớ”, hắn trả lời. Anh trinh sát hỏi tiếp: “Phải chăng khi bà Công vào nhà hỏi mua phế liệu, anh thấy trên cổ bà có sợi dây chuyền nên nảy sinh mưu đồ chiếm đoạt, đúng không?”. Câu hỏi điểm huyệt này càng khiến Sơn lúng túng hơn, hắn lắp bắp “dạ dạ” rồi cúi gằm mặt xuống bàn. “Im lặng là đồng ý, đúng không, vậy anh giết bà Công như thế nào, khai thật chi tiết may ra còn được khoan hồng” - anh trinh sát động viên.

- Dạ, trưa 4/2, cô Công vào nhà hỏi mua phế liệu, con bảo nhà không có gì để bán. Thấy trên cổ cô Công có sợi dây chuyền, con nảy sinh ý định cướp lấy. Con nhanh chóng nghĩ ra một kế hoạch trong đầu và thực hiện ngay. Con lừa cô Công rằng, con có một số ống nhựa để trong lô cà phê, cô vô con bán cho. Khi vào gần đến lô cà phê, thấy đường vắng con liền giật sợi dây chuyền, cô Công la lên và bỏ chạy. Nhưng cô Công không chạy nhanh bằng con nên con đuổi kịp, vật đè cô xuống, dùng dây rút quần đùi siết cổ cô chết. Chưa yên tâm, con lấy đá đập vào đầu cô nhiều nhát. Sau đó con lấy sợi dây chuyền và lục túi cô lấy 400 ngàn đồng.

- Dây chuyền vàng đó đâu rồi? - trinh sát hỏi.

- Dạ, khi có người phát hiện cô Công chết, sợ bán dây chuyền sẽ bị lộ nên con gói trong vỏ bao thuốc lá rồi đem đến hiện trường khi có đông người và lén bỏ lại.

Từ lời khai của Sơn, ngay trong đêm các trinh sát, điều tra viên trở lại hiện trường tìm kiếm và thu giữ được sợi dây chuyền.

Vụ án được làm rõ sau 12 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận tin báo. Các trinh sát, điều tra viên tham gia vụ án chẳng ai vui vì trong lòng đau đáu nỗi buồn trước cái chết quá thảm thương của người phụ nữ suốt đời lam lũ.

Theo Congan.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý