Cám cảnh những người già dính vòng lao lý

mesu mesu @mesu

Cám cảnh những người già dính vòng lao lý

Hầu hết những phạm nhân cao tuổi mà chúng tôi gặp đều có chung một tâm trạng là dễ mủi lòng trước sự thăm hỏi cho dù từ phía người lạ. Họ thường khóc, tỏ ra hối hận về lầm lỗi của mình nhưng tuyệt nhiên không có ai nói đến hai chữ “giá như” bởi tuổi tác khiến họ không còn mơ hồ nữa.

05/03/2015 08:14 AM
495

Kỳ 1: Tổ trưởng dân phố và nỗi mặc cảm ở tù

 - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Vừa bước chân vào phòng, đôi mắt phạm nhân Trần Thị Tứ, người đàn bà tuổi thất thập đã đỏ hoe. Kéo vạt áo lên chấm nước mắt, bà Tứ không giấu vẻ mặc cảm của mình, nỗi mặc cảm của người hơn chục năm làm tổ trưởng dân phố, chuyên đi hòa giải những mâu thuẫn láng giềng, khúc mắc vợ chồng nay phải vào tù vì tội đánh bạc.

Thế nên sau câu chào xã giao, phải mất một lúc ngắc ngứ, bà Tứ mới giãi bày được những u uất trong lòng. Dường như xen lẫn sự mặc cảm là nỗi cô đơn, tủi hổ của một phận người đã bước về phía bên kia của nửa cuộc đời, đâu ngờ có ngày phải vào chốn tù tội, dẫu rằng bản án của người phụ nữ này chỉ là 9 tháng.

Lạc điệu thú vui tuổi già

Vừa ngồi xuống ghế, chưa nói được câu gì, bà Tứ đã sụt sịt: “Tôi già cả ốm đau, có mấy người bạn cùng cảnh thường túm tụm chơi với nhau, tán gẫu mãi cũng chán thì lôi bài ra đánh, vài đồng bạc gọi là văn hóa văn nghệ cho vui ấy chứ có ăn thua gì đâu, ai ngờ thành tội…”. Đôi mắt nhăn nheo, bà Tứ bảo lúc trẻ khổ đã đành, tưởng cuối đời bớt khổ ai ngờ còn khoác thêm sự nhục nhã. Nói đến đây bà ôm mặt khóc. Tuổi già thường mau nước mắt, bà Tứ cũng vậy.

Sinh ra ở quân Lê Chân, Hải Phòng bà Tứ cũng được cha mẹ lo cho ăn học tử tế. Thời ấy con người ta thì tìm cửa đi thoát ly. Còn bà chọn con đường theo nghề may mặc của bố mẹ. Hỏi bà tại sao lại không xin làm một nghề gì đó, bà cười móm mém: “ Thời bao cấp. cái gì cũng tem phiếu, xếp hàng,làm tự do thu nhập còn cao hơn lương người nhà nước thì ở nhà làm ngoài cho thoải mái”. Theo nghề may của bố mẹ, bà Tứ cũng dành được chút vốn riêng để về nhà chồng. 18 tuổi, bà bước lên xe hoa, kết duyên với một người đàn ông khác phố. Vợ chồng bảo ban nhau lam làm nên bắt đầu có của ăn của để nhưng mong mỏi lớn nhất của bà về những đứa con thì chẳng thấy đâu.

Sống với bố mẹ chồng, bà Tứ thường xuyên phải nghe những câu chửi bóng gió của mẹ chồng về việc lâu có con của mình. Những câu đại loại như: “Nuôi con chó, con mèo cốt để nó đẻ con, không đẻ được thì ném ra ngoài đường”; “Tội bất hiếu của người đàn bà là không sinh nở được” rồi “ năm nay mà nó không đẻ thì cho thằng Hiền đi gửi chỗ khác”…cứ như xát muối vào lòng dạ của người con dâu trẻ. Không đành lòng trước những giọt nước mắt âm thầm của vợ nên dành dụm được bao nhiêu tiền, chồng bà lại dẫn vợ đi hết viện nọ, tỉnh kia, ai mách thầy lang nào hay, thầy thuốc nào chữa vô sinh giỏi, đều tìm đến. Chồng chữa, vợ chữa nhưng kết quả nhìn thấy chỉ là tiền của đội nón ra đi trong khi caí bụng bà mỗi ngày một lép xẹp. Áp lực con cái đã khiến tình cảm giữa hai vợ chồng bà nhiều lúc ở vào hai thái cực mà đôi khi “muốn nói muốn hỏi nhưng chẳng biết nói cái gì nên đành im lặng”.

“Cũng có lúc ông ấy ngả nghiêng vì sức ép từ phía gia đình nhưng chắc là tại ông trời bắt tội chúng tôi phải sống cô quả nên cuối đơì chỉ có tôi với ông ấy”, bà Tứ kể. Vì con cái không có nên vợ chồng bà chả sắm sửa gì, vẫn ở thế trong ngôi nhà cấp bốn, ngày ngày kiếm vài đồng nhì nhằng bên chiếc máy khâu cọc cạch. Khách của vợ chồng bà đa số là những người quen cũ hoặc học sinh nghèo, chủ yếu đến vá, sửa quần áo. Những lúc rỗi rãi, bà Tứ lại sang nhà những chị em cùng cảnh già cả, ở góa trò chuyện rồi đánh bài cho quên thời gian.

Theo bản án, tối 13/6/2012, sau khi ăn cơm xong, bà Tứ lên giường mở radio ra nghe thì bà Đoàn Thị Tỵ ở cùng phường tới chơi. Một lúc sau bà Hoa, bà Nhật đều là láng giềng với bà Tứ sang chơi. Trong số đó, chỉ có bà Nhật là công chức nghỉ hưu còn tất cả đều cảnh nghèo khó như nhau. Biết bà Tỵ đang rất kẹt tiền vì chồng ốm nằm bệnh viện, mọi người đề hỏi thăm tình hình và động viên bà cố gắng. Bà Tỵ giở ví tiền ra kheo với mọi người rằng vừa đi mượn được gần hai triệu đồng, thừa trả viện phí cho chồng nên không phải lo lắng nữa. Chuyện tới chuyện lui rồi chả hiểu sao bốn người đàn bà đứng tuổi rủ nhau đánh bài.

“Chúng tôi có chơi nhiều nhặn gì cho cam, đằng này toàn là 5 nghìn 10 nghìn gọi là vui vẻ ấy mà”, bà Tứ kể. Mỗi người bỏ ra một ít tiền, người nhiều thì vài trăm, người ít thì 50 ngàn đồng, thế là thành một hội “phỏm”, đang đánh thì công an ập vào bắt. Số tiền trên chiếu chỉ là mấy trăm ngàn nhưng số tiền có trong người 4 phụ nữ này thì lên đến 3 triệu, đủ để đưa cả 4 người ra vành móng ngựa.

Xin đi tù vì “đằng nào cũng thế”

“Trong bốn người chúng tôi chỉ có bà Tỵ bị tạm giam một tuần vì bà ấy có nhiều tiền nhất. Khổ thân bà ấy, tiền vừa vay để đóng viện phí cho chồng nhưng nói ra chẳng ai tin. Ba người chúng tôi được tại ngoại chờ hầu tòa nhưng tôi nhục nhã lắm. Dẫu gì thì tôi cũng là tổ trưởng dân phố gần chục năm rồi, toàn đi động viên, hòa giải, nói chuyện đạo đức với người ta thế mà…”, bà Tứ lại khóc.

Không con cái nên khi được tổ dân phố mời tham gia công tác xã hội, bà Tứ đã nhận lời. Chồng bà cũng không phản đối vì muốn vợ đi làm cho vui, cho đỡ buồn. Vậy là ngoài thời gian làm may, bà lại chăm chỉ tham gia công tác xã hội. Nhà nào lục đục, vợ chồng đánh chửi nhau hay hàng xóm mât hòa khí, bà lại tìm đến, lựa lời khuyên giải. Rồi bà tham gia vào tổ chống ma túy, tổ an ninh của phường,…Nói đến bà Tứ thợ may, những người ở phường Trại Cau ai cũng biết bởi hầu như những đợt thanh niên nhập ngũ đầu năm nào bà cũng có mặt. Bà bảo mình không có con nhưng nỗi ao ước có một mụn con với bao nỗi vất vả, nhọc nhằn khiến bà đồng cảm với nỗi lo lắng của những người mẹ có con đi lính nghĩa vụ. Thế nên thấy nhà nào có con đi lính mà tư tưởng không được vui lắm là bà Tứ tìm đến, trò chuyện, phân tích, động viên. Bà bảo nhiều lần đi hòa giải, chưa kịp để bà đả thông tư tưởng, có người đã ác khẩu: “ Bà làm gì có con mà bà biết” hay “ vợ chồng bà không con, không cháu thì làm gì có chuyện mà cãi nhau”… khiến bà lắm lúc tự ái tủi thân lắm nhưng nghĩ công việc đã nhận rồi nên lại cố gắng. Chính vì thế nên khi bị tòa triệu tập, bà Tứ xấu hổ lắm.

“Bình thường tôi cũng lắm bệnh rồi, toàn bệnh người già thôi nhưng nghĩ trước sau rồi cũng phải đi trả án, không trả rồi biết đâu chết vẫn còn mang nợ nên dù đang ốm tôi cũng quyết tâm đi”, bà Tứ kể.

Đang nằm viện điều trị bệnh viêm phổi cấp, bà Tứ được hoãn thi hành án nhưng bệnh vừa dứt là bà xin đi trả án. Với 9 tháng tù giam về tội đánh bạc, bà Tứ được về trại giam Hoàng Tiến cải tạo. Công việc của bà là nhặt cỏ, nhặt lá cây xung quanh khuôn viên buồng giam nhưng 4 tháng nay bà thường xuyên có mặt lại là bệnh xá phân trại. Sức bệnh tuổi già nên hầu như ngày nào bà Tứ cũng được các y, bác sỹ khám sức khỏe trước khi cho đi làm. Bà bảo nghĩ cái tội của mình thì mặc cảm lắm, chẳng muốn gặp ai nhưng đi tù cũng là một cái may cho bà bởi ở đây, bà được khám sức khỏe, được cấp thuốc uống hàng ngày.

“Ngày mới nhập trại, tôi phải có người dìu mới đi nổi nhưng giờ thì đỡ hơn rất nhiều. Tôi không còn béo bệu như trước, đã có thể tự đi lại mà nhúc nhắc làm được một số việc”, bà Tứ kể, nét mặt chợt sáng lên nhưng rồi chùng ngay xuống khi nghĩ tới ngày trở về. Dường như người đàn bà cô quả này chỉ quen vận động người khác songs tốt hơn bà không thể vượt qua được trước những điều tiếng thị phi dành cho mình. Bà bảo không biết khi ra trại, sẽ bán nhà rồi xin vào một trung tâm dưỡng lão nào đó để đỡ chạm mặt người quen.

Cũng may là ông nhà tôi khuất núi được 4 năm rồi chứ không để đau hết nhụcj. Cũng vì sống có một mình nên chị em cùng cảnh hay sang bầu bạn, ai ngờ…”, bà Tứ lại sụt sịt. Nhìn nét mặt đau khổ của người đàn bà luôn mặc cảm về số phận hẩm hiu của mình, tôi liền lảng sang chuyện khác bằng cách hỏi bà ăn tết thế nào, mùa đông vừa rồi có lạnh không, bệnh viêm phế quản có tái phát … Bà cười ngay, khoe được mấy người em vào thăm, mang cho nhiều quà bánh và khăn ấm.

Nhìn bà Tứ cười móm mém, trong lòng chúng tôi chợt dâng lên cảm xúc khó tả về thân phận những người già, cuối đời còn vướng vòng lao lý.

Hẹn nhau quyết chiến sinh tử, người chết, kẻ ngồi tù

Hoàng Châu

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý