Cấm doanh nghiệp lấy tên 'phạm húy' danh nhân: Doanh nghiệp bị phiền hà?

daigia1 daigia1 @daigia1

Cấm doanh nghiệp lấy tên 'phạm húy' danh nhân: Doanh nghiệp bị phiền hà?

Bày tỏ quan điểm về việc cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp đại diện doanh nghiệp cho rằng quy định này vừa vi phạm quyền lợi vừa làm khó doanh nghiệp trong việc lựa chọn tên, nhất là khi chưa có hướng dẫn cụ thể tên danh nhân nào bị cấm.

29/10/2014 09:32 AM
2,178

Theo quy định trong thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về việc Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, từ ngày 25-11 tới đây, doanh nghiệp không được dùng tên của danh nhân đặt tên cho doanh nghiệp.

Thông tư đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng như giới luật sư và doanh nhân.

Doanh nghiệp bị phiền hà

Thông tin trên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đại Duy, cho rằng quy định này vừa vi phạm quyền lợi vừa làm khó doanh nghiệp trong việc lựa chọn tên, nhất là khi chưa có hướng dẫn cụ thể tên danh nhân nào bị cấm. “Khái niệm danh nhân còn chưa rõ trong khi thời hạn thực hiện quy định trên đã gần kề mà chưa có danh sách hướng dẫn cụ thể. Có những trường hợp doanh nghiệp ưa thích một tên gọi nào đó nhưng cơ quan cấp phép lại cho rằng trùng với tên tuổi một vị danh nhân và yêu cầu dùng tên khác thì rõ ràng phiền cho doanh nghiệp” - ông Thạc nói.

Ông Thạc cũng đặt vấn đề doanh nghiệp đang có tên trùng với tên danh nhân thì có phải đổi tên không. “Nếu không phải đổi tên thì tạo sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp khác. Còn nếu phải đổi tên thì lại rất phiền hà cho doanh nghiệp, thậm chí thiệt hại không nhỏ vì phải làm lại con dấu, giấy tờ, mọi hoạt động giao dịch với khách hàng cũng bị ảnh hưởng, chưa kể mất bạn hàng, mất uy tín…” - ông Thạc chỉ ra.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho rằng cấm hay không cấm cần có sự đánh giá, phân tích kỹ càng và phải lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo doanh nghiệp không bị gây khó khăn hoặc mất quyền lợi. “Theo tôi hiện nay vẫn chưa nên cấm vì hoàn toàn chưa có cơ sở và chưa có thông lệ” - ông Việt nêu ý kiến.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp phá sản rất nhiều, các cơ quan quản lý nên có nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, hoàn toàn không nên “đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh muốn thành lập, đặt tên doanh nghiệp cũng phải hết hơi dò xem tên gọi có “phạm” vào tên danh nhân hay tội đồ hay địa danh bị cấm nào không”.

 - Ảnh 1

Đại diện doanh nghiệp cho rằng quy định này vừa vi phạm quyền lợi vừa làm khó doanh nghiệp trong việc lựa chọn tên. (Ảnh minh họa)

Khó như định nghĩa danh nhân

Trao đổi trên báo Thế Thao & Văn Hóa, theo PGS-TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình, thông tư đưa ra quá nhiều cụm từ mơ hồ, mông lung. Đơn cử như từ trọng tâm của Thông tư là “danh nhân”. “Rất khó để phân biệt và cắt nghĩa từ này. Hồi soạn Bách khoa Toàn thư, việc lựa chọn danh nhân đưa vào từ điển cũng đã có nhiều tranh luận. Bởi việc đánh giá một nhân vật lịch sử để gắn với danh xưng danh nhân rất khó. Thêm nữa, nếu áp dụng Thông tư của Bộ, những nhân vật đương đại, nổi tiếng đóng góp rất lớn cho đất nước có được coi là danh nhân không?” - ông Phạm Văn Tình nói.

Cũng theo PGS-TS Phạm Văn Tình, trên thế giới, việc đặt tên người nổi tiếng cho thương hiệu là khá phổ biến. Bởi bản thân tên những danh nhân ấy đã mang những lớp nghĩa thể hiện giá trị của sản phẩm. “Và với thế giới, việc đặt tên cho những doanh nghiệp mang tên những nhân vật ưu tú của cộng đồng thể hiện sự tự tôn dân tộc và khát vọng tiếp bước. Tôi nghĩ dùng tên danh nhân theo góc độ này cũng thể hiện tính tích cực của ngôn ngữ” - ông Phạm Văn Tình cho biết.

Ông Phạm Văn Tình nói tiếp: “Thông tư này cũng làm giảm đi sự tự do của ngôn ngữ, giảm “quỹ từ vựng” trong việc đặt tên các doanh nghiệp. Cụ thể, dù tiếng Việt rất phong phú song việc không được đặt tên doanh nghiệp trùng nhau do yếu tố bản quyền, giờ lại “xiết” tên doanh nghiệp không được trùng với danh nhân khiến việc đặt tên doanh nghiệp bị bó hẹp”.

Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc kết luận: Chung quy lại, tôi nghĩ điều chúng ta cần bận tâm là việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, của cộng đồng thay vì đưa ra những quy định cứng nhắc. Ở phương Tây, các bậc cha mẹ có phong tục lấy tên của những người mà mình quý mến để đặt cho đứa trẻ khi chào đời. Việt Nam có thể không hợp với điều ấy. Nhưng theo thời gian, khi tập quán xã hội được điều chỉnh dần, chúng ta sẽ coi việc một doanh nghiệp trùng tên với một nhân vật lịch sử là rất bình thường.

 - Ảnh 2

Theo bà Hương, việc xác định những ai là “danh nhân” mới đang trong quá trình Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL đề xuất để Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ quyết định xem ai là danh nhân không được doanh nghiệp đặt tên. (Ảnh minh họa)

Đơn vị soạn thảo thông tư nói gì?

Tin tức trên báo Tuổi Trẻ Online, bà Ninh Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, thuộc Bộ VH-TT&DL, đơn vị trực tiếp soạn thảo thông tư này - cho biết, “Bộ VH-TT&DL không tự nghĩ ra những điều khoản trong thông tư này, mà đây là những quy định được bộ soạn thảo căn cứ trên nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ năm 2013 về đăng ký doanh nghiệp.”

Bà Hương chia sẻ, Bộ VH-TT&DL ban hành thông tư đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Việc cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp đã được quy định tại khoản 3, điều 14, nghị định về đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ trước đó rồi. Nên nếu mọi người hỏi lý do vì sao lại cấm thì nên hỏi Chính phủ chứ không thể hỏi Bộ VH-TT&DL được. Việc đặt tên đường, tên trường, tên đơn vị hành chính được mà tên doanh nghiệp không được thì bộ cũng không trả lời được”.

Theo bà Hương, việc xác định những ai là “danh nhân” mới đang trong quá trình Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL đề xuất để Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ quyết định xem ai là danh nhân không được doanh nghiệp đặt tên. Lúc đó mới thực hiện thông tư này được.

Bà Hương nói: “Khi chưa có văn bản quy định những ai được coi là “danh nhân” thì các doanh nghiệp được đặt tên bình thường, còn khi nào có văn bản quy định những ai là “danh nhân” thì lúc đó doanh nghiệp mới bị cấm đặt tên. Còn bây giờ, kể cả sau ngày 25-11-2014, mà vẫn chưa có văn bản xác định những ai là “danh nhân” thì doanh nghiệp chưa bị ràng buộc bởi điều khoản không lấy tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp của thông tư này”.

Bà cũng nói thêm thông tư quy định chỉ áp dụng cho những trường hợp doanh nghiệp đặt tên sau này, không quy định doanh nghiệp về mặt hồi tố, nên các doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì không phải sửa đổi.

Điều 2, Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL nêu việc đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc như sau:

1. Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp;

b) Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

2. Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.

3. Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.

An Nhiên (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý