Cắm sổ đỏ sang Libya, về nhà không dám ngủ vì sợ nợ

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Cắm sổ đỏ sang Libya, về nhà không dám ngủ vì sợ nợ

Nhiều lao động đã không kìm được nước mắt khi nhớ lại những ngày tiếng súng văng vẳng bên tai, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn họ lại phải đối mặt với những nỗi sợ trước mắt như thất nghiệp và nợ nần vì cắm sổ đỏ trước khi sang Libya.

15/08/2014 06:29 AM
1,106

Gánh nặng trả nợ chồng chất khi về nước

Bác Nguyễn Văn Cường, quê ở Thanh Hóa, vừa bước xuống máy bay mệt mỏi ngồi bệt tại bậc ra vào sân bay Nội Bài, hút liên tục 2 điếu thuốc, trên khuôn mặt sạm đi vì vất vả và sự lo lắng bao trùm. Câu hỏi lấy tiền đâu mà trả nợ luôn ám ảnh bác từ khi nghe tin sẽ phải về nước.

“Đây là lần thứ 2 tôi sang Libya làm việc, thế nhưng cả hai lần tôi đều phải về nước vì chiến tranh. Lần trước may mắn được xem là hòa vốn, lần này mới sang được 3 tháng còn chưa kịp thu lại chi phí bỏ ra”, bác Cường buồn rầu kể.

Theo bác kể thì để sang Libya gia đình đã phải cắm sổ đỏ chi hết gần 50 triệu. Bây giờ về nước với khoản nợ nần treo trước mắt, trên đường về đây đã nghĩ nhiều cách mà không biết làm sao để trả nợ.

 - Ảnh 1

Bước xuống máy báy nhiều công nhân lo lắng vì gia đình còn phải nợ số tiền quá lớn.

Anh Đinh Văn Công (Hà Nội) buồn rầu đứng một góc chờ xe công ty, thỉnh thoảng vò đầu bứt tóc, mặt đăm đăm suy nghĩ làm cách gì để đi làm kiếm tiền trả nợ. Số tiền vài chục triệu quá lớn đối với gia đình hộ nghèo như anh.

Anh Công lắc đầu: “Thú thực là tôi chưa biết về nhà đối mặt với gia đình như thế nào, nghĩ đến cảnh 3 đứa con háo hức chờ bố đưa tiền về nộp tiền học, mua thịt ăn là tôi không chịu được. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ, số tiền kiếm được đều dành dụm gửi về cho vợ trả nợ, chỉ cần thêm mấy tháng nữa thôi, thế mà…”

Ước muốn của anh là được công ty hỗ trợ phần nào, nếu không thì tạo điều kiện cho anh được xuất khẩu lao động sang nước khác, làm việc khác cũng được. Bởi không phải anh tự ý phá hợp đồng bỏ về mà do chiến tranh, thế nên hỗ trợ lao động là chuyện đương nhiên, nhưng cho đến giờ anh vẫn chưa được nghe tin là sẽ được hỗ trợ gì sau khi về nước.

Hơn nữa sau khi về quê anh cũng chưa biết làm gì để sống, công việc trước kia của anh là đi phụ hồ, làm thuê, bữa được bữa mất, tiền kiếm được chẳng là bao. Giờ quay lại nghề cũ thì thậm chí không đủ ăn nói gì tới việc nuôi 3 con ăn học.

 - Ảnh 2

Về với gia đình là niềm hạnh phúc nhưng câu hỏi sẽ làm việc gì vẫn còn bỏ ngỏ với người lao động.

Anh Nguyễn Văn Đông (Thanh Hóa), chia sẻ: “Tôi về nhà được 2 hôm rồi, nhưng có hôm nào ngủ trọn giấc đâu, phần thì vui vì gặp được gia đình hàng xóm, phần thì sợ hãi không biết kiếm tiền đâu ra trả nợ, số tiền ấy thật quá lớn với những người lao động nghèo như chúng tôi”.

Được về nước an toàn, giữ được mạng sống về với gia đình thật là hạnh phúc. Tuy nhiên, nỗi trăn trở về cơm áo gạo tiền luôn hiện diện trước mắt, về nhà mà khi nào cũng lo lắng, trong đầu các lao động luôn đặt câu hỏi: Về làm nghề gì nuôi gia đình? Làm sao trả nợ số tiền đã vay? Làm sao để tiếp tục sống?...

Nhà nước chỉ hỗ trợ trước mắt, hướng đi nào lâu dài cho người lao động?

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ký quyết định mức hỗ trợ với người lao động làm việc tại Libya phải về nước trước thời hạn.

Theo đó, người lao động sẽ được hỗ trợ một khoản tiền mặt, cao nhất là 5 triệu đồng với người làm việc đủ 3 tháng trở xuống; 3 triệu đồng nếu làm 3-6 tháng; 2 triệu đồng nếu làm 6-12 tháng; thấp nhất là một triệu đồng với người làm việc trên một năm.

Ngoài ra, những lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc tại Libya theo Quyết định 71 ngày 29/4/2009 của Thủ tướng sẽ được hỗ trợ thêm 50% mức quy định như trên. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.  Như vậy, lao động có mức hỗ trợ cao nhất sẽ được 7,5 triệu đồng/người.

Theo tin tức từ ông Bung Hun Jung - Trưởng VP Đại diện Công ty Huyndai Engineering tại Hà Nội thì Công ty cũng cam kết thanh toán đầy đủ lương cho những ngày làm việc cuối cùng của lao động Việt Nam tại Lybia.

 - Ảnh 3

Các cơ quan chức năng cần tìm những giải pháp cụ thể để người lao động có việc làm ổn định.

Tuy nhiên, điều này chỉ giống như mưa rào giữa nắng hạn khi các món nợ trên đầu lao động vẫn treo lơ lửng, rõ ràng bước đi tìm việc làm lâu dài với thu nhập ổn định vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Người lao động sẽ phải nỗ lực tự kiếm hướng đi cho mình trước khi chờ được các cách giải quyết hợp lý từ các cấp chính quyền có liên quan.

Đến giờ lời hứa của ông Nguyễn Việt Hải có thể xem là niềm hi vọng mong manh để người lao động bấu víu, khi GĐ Công ty Vinamex cho biết, trong thời gian tới, Vinamex sẽ miễn phí hoàn toàn cho các lao động có thời gian làm việc ngắn tại Libya vừa về nước để sang Ả rập Xê út, Quarta, Dubai... làm việc, nếu họ có nguyện vọng.

Ngoài ra, đại diện Huyndai ở Hà Nội còn cho hay sẽ ưu tiên xem xét sử dụng lao động Việt Nam tại các dự án khác của Công ty.

Anh Ngọc

Xem thêm video clip : Phản đối phần tử cực đoan đốt quốc kỳ Việt Nam ở Campuchia

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý