Cần gấp một hành lang an toàn

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Cần gấp một hành lang an toàn

Theo tính toán của Ủy ban ATGT Quốc gia, vài năm trở lại đây có tới 90% những vụ tai nạn xe khách là do xe khách giường nằm gây nên.

26/09/2014 02:59 PM
526

Một lần nữa lại dấy lên cảnh báo độ an toàn của những chiếc xe giường nằm vốn được người ta gọi với cái tên lạnh người “quan tài bay” này. Rất nhiều câu hỏi đặt ra, liệu xe khách giường nằm có phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay? Đã có “hành lang an toàn” đối với xe giường nằm hay chưa?

Phát triển ồ ạt, hậu quả khôn lường

Do nhu cầu đi lại của nhân dân ngày càng cao, các công ty vận tải đã cho ra đời 1 loại hình vận tải hành khách là xe giường nằm, chủ yếu di chuyển vào ban đêm khi mà các tuyến giao thông đường dài đã được giảm tải lượng xe lưu hành. Không thể phủ nhận được những ưu điểm mà loại xe này mang lại cho việc di chuyển của người dân, hơn nữa giá thành so với di chuyển bằng tàu, máy bay lại rẻ hơn rất nhiều.

Với thiết kế chia làm hai tầng, có ghế nằm cho hành khách, trang bị đầy đủ tiện nghi máy lạnh vào mùa hè, máy sưởi vào mùa đông. Nhiều nhà xe còn có cả dịch vụ như đồ ăn nhẹ, đồ uống, khăn lạnh. Đặc biệt hành khách luôn có cảm giác thoải mái với toa lét trên xe, rồi thái độ phục vụ niềm nở, chu đáo. Ban đầu xe giường nằm chỉ có lộ trình từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Nhưng sau này do tính ưu việt của nó, nhiều nhà xe nhận thấy đây là “mảnh đất màu mỡ” đã mở ra rất nhiều tuyến, nhiều lộ trình khác. Có những tuyến chỉ 200 km cũng có xe giường nằm, hoặc lộ trình miền núi, đường dốc khó đi xe giường nằm vẫn hoạt động.

Theo thống kê, hiện bến xe Mỹ Đình có tới 130 xe; Giáp Bát có trên 50 xe, còn lại số lượng lớn tập trung tại bến xe Nước Ngầm, với tần suất khoảng 30 phút – 1 tiếng có một chuyến xuất bến. Và do phát triển ồ ạt, thường chạy vào ban đêm nên các tuyến đường dài dày đặc loại hình xe khách tốc hành hai tầng giường nằm lưu hành.

Sau một thời gian dài xe khách giường nằm phát triển ồ ạt, nhưng có vẻ cơ quan chức năng vẫn chưa có một “lộ trình an toàn” để quản lý loại hình vận tải này một cách hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, trong các vụ tai nạn giao thông xe khách cơ quan chức năng đã thống kê, xe giường nằm chiếm tỷ lệ 90%.

Mới đây, vào ngày 1/9, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra. Dư luận bàng hoàng khi chiếc xe khách giường nằm của hãng Sao Việt gặp sự cố lao xuống vực trên đoạn đường từ khu du lịch Sa Pa về Lào Cai. Vụ tai nạn này khiến 12 người thiệt mạng và 41 người bị thương.

Hình ảnh kinh hoàng vụ tai nạn xe khách giường nằm tại Lào Cai.

Chiếc xe khách mang BKS 29B-08582 của Công ty Minh Thành Phát do tài xế Nguyễn Văn Thọ điều khiển, đến vị trí Km 122+8 trên quốc lộ 4D thì va chạm với xe Kia Morning mang BKS 16N–56208. Nguyên nhân ban đầu được xác định, chiếc xe khách mang BKS 29B-08582 của nhà xe Sao Việt chở 53 người gây tai nạn thảm khốc là xe chạy “chui” lên Sa Pa.

Khi xảy ra tai nạn, xe chở quá tải 6 người. Đây là xe tăng cường cho dịp nghỉ lễ 2/9, chỉ được phép chạy đến Lào Cai, nhưng nhà xe đã cố chở thêm khách lên Sa Pa (cách địa điểm theo giấy phép 40km đường đèo dốc). Sau khi trích xuất dữ liệu hộp đen, cơ quan chức năng cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, xe chạy xuống dốc với tốc độ 38 km/h.

Vào tháng 12/2013, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khác xảy ra tại Km 359+400, đoạn qua khu vực đèo Pha Đin, xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La). Các nhân chứng tại hiện trường cho biết, vào thời điểm xảy ra tai nạn, ôtô khách giường nằm mang BKS 27B-000.46 chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên, do Nguyễn Văn Nghĩa (37 tuổi) điều khiển đã đâm thẳng vào taluy dương, bật lùi rồi rơi xuống vực sâu khoảng 70 m.

Hậu quả, ông Trịnh Văn Vệ (65 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Gia Khánh, Ninh Bình) chết tại chỗ và 2 người bị thương nặng (trong đó có lái xe), được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Những hành khách còn lại may mắn chỉ bị thương nhẹ.

Cũng vào tháng 10/2013 một vụ tai nạn thảm khốc khác xảy ra trên quốc lộ 1A thuộc đoạn thị trấn Phương Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) làm 1 người chết và 20 người bị thương. Nguyên nhân được xác định là do xe khách giường nằm BKS 77B–00486 chạy hướng Bắc Nam với tốc độ nhanh, không làm chủ được tốc độ đã đâm mạnh vào xe container mang BKS 85T-1534 bị hỏng dừng sửa chữa trên đường.

Sau đó một chiếc xe khách khác mang BKS 76B–003.78 cùng chiều ngay phía sau đâm vào xe vừa gặp nạn. Vụ tai nạn khiến hai xe khách bị hư hỏng nặng phần đầu, làm 1 người chết và hơn 20 người bị thương khá nặng phải nhập viên ngay trong đêm, trong đó có 4 người nguy kịch. Tóm lại từ khi có loại hình xe tốc hành giường nằm tham gia giao thông cho đến nay không thể kể hết các vụ tai nạn thảm khốc mà con số người thương vong, tử nạn lên đến hàng trăm người.

Rõ ràng sau những vụ tai nạn thảm khốc do xe khách giường nằm gây ra rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân có phải do chủ quan của lái xe hay do lỗi kỹ thuật? Nhiều nhà phân tích còn cho rằng hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa phù hợp với việc lưu thông loại xe khách giường nằm.

Nhiều tai nạn thương tâm, nguyên nhân vì đâu?

Đã có không ít những chuyên gia từng mổ xẻ, phân tích nguyên nhân những vụ tai nạn thảm khốc do xe khách giường nằm gây ra. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có thể là do hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa phù hợp với loại hình vận tải này. Trên thế giới xe giường nằm thường được sử dụng trong các lộ trình dài cả nghìn kilômét, xuyên quốc gia.

Nó được coi như một ngôi nhà di động của hành khách. Đã có những quốc gia từng cấm loại xe khách du lịch này. Ở Việt Nam, địa hình nhiều đồi núi, quanh co, trong khi đó đường giao thông còn khá nhỏ. Chính điều này cơ quan chức năng cần nghiên cứu thật cụ thể tuyến đường nào xe khách giường nằm có thể hoạt động được. Bởi những khúc cua gấp, chạy tốc độ cao rất dễ bị lật.

Nhìn hình ảnh tai nạn xe khách giường nằm này không ít người phải run sợ.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ: “Những vụ tai nạn thảm khốc thường xảy ra trên những tuyến đường hiểm trở. Trước đây, đã từng có kiến nghị từ chối việc cho xe giường nằm tham gia tuyến cố định, do địa hình rừng núi nguy hiểm với loại xe này. Tuy nhiên, luật không cấm nên xe giường nằm vẫn phát triển. Ngoài ra cũng đã có kiến nghị về việc hạn chế loại xe này chạy ban đêm, để đảm bảo an toàn. Song qua thời gian các kiến nghị này cũng rơi vào quên lãng”.

Thực tế giá của mỗi chiếc xe giường nằm khá cao, rơi vào khoảng 3 tỷ đồng. Điều đáng ngại nếu doanh nghiệp mua xe cũ, cải biến thành xe giường nằm là rất nguy hiểm. Việc hoán cải này có những khác biệt rất lớn so với xe giường nằm nguyên bản. Như không có cửa thoát hiểm thiết kế theo kiểu đóng mở; không có nhà vệ sinh trên xe. Những chiếc xe giường nằm nguyên bản có cốp để đồ rất rộng. Nguyên nhân nữa dẫn đến việc không an toàn các lái xe thường xuyên không tuân thủ quy định, cứ 4 tiếng xe chạy thì tài xế phải cho dừng nghỉ 30 phút. Một ngày tài xế chạy không quá 10 tiếng. Mặc dù quy định như vậy nhưng ai sẽ là người quản lý giám sát?

Trong quá trình hoạt động vận tải, một số doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Đặc biệt trong những ngày lễ tết vẫn cố tình nhồi nhét hành khách nên khi xảy ra tai nạn hậu quả rất thảm khốc. Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT chia sẻ: “Theo tôi, Ủy ban ATGT Quốc gia cần có đề nghị điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, kết cấu xe để cho an toàn hơn, phù hợp với điều kiện đường sá nước ta hơn. Khi vận hành nhà xe cần sắp xếp hành lý phù hợp, sao cho trọng lượng của toàn xe cân bằng nhau. Trong quá trình vận chuyển hành khách sẽ lên xuống thường xuyên.

Lúc đó trọng tâm của xe sẽ có thay đổi lớn. Việc sắp xếp người ngồi trên xe cũng là 1 việc vô cùng cần thiết. Nếu không may gặp những đoạn đường xấu, ổ gà, ổ voi đường cua, dốc sự mất cân bằng trọng lượng cũng rất dễ gây ra lật xe”.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có một “hành lang an toàn” cho xe giường nằm hoạt động, để đảm bảo tài sản cho nhà xe và đặc biệt an toàn cho tính mạng của người dân.

Xe khách giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi

Ngày 3/9, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo cần đưa vào thông tư quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co vì rất dễ nghiêng lật.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, vụ tai nạn xe khách giường nằm đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai ngày 1/9 là dịp để cơ quan chức năng rút ra nhiều bài học.

Đó là phải sửa đổi các quy định xe giường nằm, như nhà sản xuất phải trang bị dây an toàn trên xe và hành khách phải đeo dây an toàn. Công tác cứu nạn ban đêm phải có máy phát điện, thang dây...

Người đứng đầu ngành giao thông cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát toàn bộ hộ lan trên quốc lộ 4D đoạn Sa Pa - Lào Cai, bởi qua quan sát tại hiện trường cho thấy hộ lan bằng sắt khá yếu và thấp.

"Phải thử tải hộ lan nơi đèo dốc nguy hiểm. Những đoạn hộ lan trên đường cho thấy đơn vị thi công chỉ cố tình tiêu tiền chứ không lo tính mạng người dân", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

 

Theo Cand.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý