Cần ưu tiên vốn ODA cho các dự án kinh tế -xã hội thiết thực

thienlong thienlong @thienlong

Cần ưu tiên vốn ODA cho các dự án kinh tế -xã hội thiết thực

Tại Hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam 20 năm nhìn lại” vừa qua, vấn đề sử dụng vốn ODA thế nào cho hiệu quả đã được các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý tập trung phân tích, thảo luận.

12/08/2015 07:53 PM
95

Thành tựu sau 20 năm

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, trong 20 năm huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn, góp phần đưa nền kinh tế từng bước hội nhập với kinh tế thế giới. Nguồn vốn ODA cung cấp một lượng vốn hết sức quan trọng cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước, xã hội chưa được phát huy cao độ, còn nhiều hạn chế. Với lượng vốn qua 20 năm cam kết chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn xã hội, đóng góp vào tổng nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam.

Theo báo cáo tại Hội thảo, chặng đường 20 năm (1995-2015) là chặng đường mang tính bước ngoặt, khẳng định đường lối đổi mới và hội nhập đúng đắn của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam. Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế thông qua nguồn vốn ODA là động lực quan trọng về cả vật chất và tinh thần để Việt Nam vượt qua khó khăn, đặc biệt là hai cuộc khủng hoảng 1997-1999 và 2008-2009; khắc phục những bất ổn, yếu kém để đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội.

Với sự thành công của Hội nghị bàn tròn về viện trợ cho Việt Nam tại Paris ngày 9 và 10/11/1993, sự kết nối giữa Việt Nam và các nhà tài trợ ngày càng chặt chẽ và thường xuyên. Tính đến tháng 12/2012 đã có 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị CG thường niên) được tổ chức. Từ năm 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các Nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB).

Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%; ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%. Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh, các kết quả đã đạt được của BIDV trong quản lý và thực hiện các chương trình, dự án nguồn vốn ODA đã góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế. Qua đó, tạo được sự tin tưởng của các Nhà tài trợ trong quá trình hỗ trợ Việt Nam nguồn vốn phát triển. Điển hình, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam là nước triển khai thành công nhất mô hình dự án Tài chính nông thôn trên thế giới, cả về mặt mô hình thực hiện, công tác quản lý, tổ chức triển khai cũng như về hiệu quả đầu tư và tác động kinh tế - xã hội đối với khu vực nông thôn.

Những tồn tại, hạn chế

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu, trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA cũng còn tồn tại một số hạn chế, chưa được hài hòa; năng lực quản lý chưa theo kịp... Trước hết là năng lực hấp thụ ODA của các ngành, địa phương còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đã ký còn thấp. “Một nguồn lực hết sức to lớn như vậy nhưng mà chúng ta giải ngân chậm, có nghĩa là hiệu quả sử dụng nguồn  vốn còn thấp”.

Bên cạnh đó, khuôn khổ thể chế, pháp luật quản lý ODA đã được cải thiện qua nhiều năm, song quy trình, thủ tục vẫn còn rất phức tạp, phiền hà; năng lực quản lý chương trình, dự án ở một số nơi, một số địa bàn vẫn chưa theo kịp yêu cầu quản lý ngày càng cao trong nước và quốc tế.

Việt Nam là nước triển khai thành công nhất mô hình dự án Tài chính nông thôn từ nguồn vốn ODA

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, hơn 20 năm qua, việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA có nhiều thành tựu nhưng bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do: Thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn; các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA; các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu; vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA

Ông Cao Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết sự thay đổi đầu tiên về chính sách viện trợ của các nhà tài trợ đối với Việt Nam dễ nhận thấy là quy mô vốn ODA ưu đãi, bao gồm viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi sẽ giảm dần. Trên thực tế, sau khi đạt đỉnh vào năm 2009, cam kết vốn ODA cho Việt Nam bắt đầu xu hướng giảm dần.  Trong bối cảnh đó, theo ông Cao Mạnh Cường, cần đề xuất Chính phủ có những định hướng chiến lược, quan điểm và giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng ODA của Việt Nam cho giai đoạn tới.

 Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng thời gian tới cần tập trung thu hút và sử dụng vốn ODA cho các dự án phát triển kinh tế xã hội có khả năng tự hoàn vốn nhanh; ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.

Ông Trần Bắc Hà cũng đề xuất xem xét đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng thông qua các hình thức: Thu hút các nguồn lực của xã hội để bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA thông qua việc cho phép các thành phần kinh tế (Nhà nước và tư nhân) tham gia đầu tư cho các dự án dưới hình thức BOT, BT, PPP, qua đó giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước…

TS. Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho rằng sử dụng vốn ODA cần gắn với khả năng tạo nguồn thu để trả nợ, những dự án nào xét thấy không hiệu quả và phù hợp với mục tiêu sử dụng thì từ chối. Khi nguồn vốn ODA giảm, chúng ta cần đổi mới phương thức sử dụng ODA, có thể tăng mạnh sử dụng ODA như nguồn vốn mồi để thực hiện các dự án theo phương thức PPP.

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên nguồn vốn ODA mới cho những nhu cầu về khí hậu, nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, những vùng tác động mạnh của biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về ODA của Việt Nam theo hướng hài hòa với qui trình và thủ tục của nhà tài trợ.

Về vấn đề này, TSKH Võ Đại Lược đề xuất một số giải pháp như: Cần có quy hoạch dài hạn đối với việc sử dụng vốn ODA, cân nhắc hiệu quả kinh tế - xã hội cho từng lĩnh vực cần vốn ODA. Cần tập trung vốn vào những vùng, tuyến phát triển quan trọng của đất nước, tạo ra những cực tăng trưởng có tác động dẫn truyền. Đổi mới cơ chế quản trị việc sử dụng nguồn vốn ODA theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng. Loại bỏ những dự án ODA kém hiệu quả. Chỉ chấp nhận những dự án có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý