Căng thẳng Biển Đông ảnh hưởng đến đối thoại Mỹ- Trung

mesu mesu @mesu

Căng thẳng Biển Đông ảnh hưởng đến đối thoại Mỹ- Trung

Congly.vn Ngày 9/7 tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED) thường niên lần thứ sáu và Tham vấn cấp cao về giao lưu nhân dân (CPE) lần thứ năm.

11/07/2014 03:29 PM
758

Những căng thẳng Biển Đông với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một trong những nội dung đề cập tại cuộc đối thoại.

Mỹ không tìm cách "kìm hãm" Trung Quốc…

Trong bài phát biểu khai mạc S&ED, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa và cả hai bên cần phải tôn trọng lẫn nhau và đối xử một cách công bằng. Ông Tập Cận Bình nêu rõ cả hai nước cần tăng cường hợp tác chống khủng bố và thúc đẩy đàm phán về hiệp định đầu tư song phương nhằm sớm đạt được thỏa thuận.

 Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc rằng việc tìm cách tạo ra một hiện trạng mới ở các biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp với các nước láng giềng, là điều “không thể chấp nhận”. Ông hối thúc Trung Quốc sử dụng các cơ chế quốc tế để giải quyết những tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau.

Trước thềm khai mạc S&ED, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ không tìm cách "kìm hãm" Trung Quốc. Ông Kerry nhấn mạnh Mỹ hoan nghênh một nước Trung Quốc hòa bình, ổn định, thịnh vượng đóng góp cho sự ổn định và phát triển trong khu vực cũng như thể hiện vai trò trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế.

Đối thoại An ninh chiến lược Trung- Mỹ trước thềm S&ED, ngày 8/7

Theo Reuters, Washington bày tỏ lo ngại trước những hành động ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông. Mỹ có thể kêu gọi Trung Quốc và những quốc gia liên quan làm rõ những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của mình, bảo đảm rằng chúng phải phù hợp luật pháp quốc tế.

VOA News dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẽ đưa vào nội dung đối thoại Mỹ-Trung vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Mỹ luôn nhấn mạnh rằng, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng đã chỉ trích Trung Quốc đưa giàn khoan xuống khu vực Biển Đông.

GS Hillary Mann Leverett ở Đại học Mỹ cho rằng, có nhiều nước liên quan tranh chấp ở biển Đông, trong đó Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị thiệt hại nhất. Bà nhận định: “Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định an ninh với Mỹ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này. Nhưng chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Vì vậy, Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn Nhật Bản hay Philippines”.

Theo chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Kinh doanh Mỹ, việc Washington không thể hiện lập trường rõ ràng về các tranh chấp ở biển Đông không phải điều hay. Ông nói: “Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm được”. Ông Auslin cho rằng, thái độ đó đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung.

Ông Jia Qingguo, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cố vấn chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc, cho rằng, với hàng loạt mối bất đồng sâu sắc, cuộc đối thoại chiến lược thường niên Mỹ-Trung (kéo dài 2 ngày) có thể không đạt được nhiều kết quả. Quan hệ hai nước đang trong thời kỳ sa sút. Vai trò của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế giờ đây chỉ có tác dụng nâng đỡ quan hệ đôi bên, không để rơi vào tình trạng xấu hơn.

… Nhưng không thể làm ngơ trước hành động của Trung Quốc

Sức mạnh quân sự ngày càng lớn và thái độ hung hăng giá tăng của Trung Quốc, đặc biệt trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh trên biển Đông và biển Hoa Đông, đang đặt ra thách thức cho nước Mỹ.

“Đối với nước Mỹ, ngày càng khó để tách riêng quan hệ với Trung Quốc khỏi mối quan hệ với các nước láng giềng của nước này. Khi mà quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước khác xấu đi, điều đó chắc chắn có ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung”, ông Evan Feigenbaum, Phó chủ tịch viện nghiên cứu Paulson Institute của Mỹ, nhận xét.

Trước đó, ngày 8/7, một quan chức trong thành phần phái đoàn tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh để tham dự Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 6 cho rằng, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông là "mơ hồ", và những hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

 

Mỹ gần đây cáo buộc Trung Quốc có những hành vi gây mất ổn định, đồng thời hối thúc Bắc Kinh duy trì tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng. Hãng thông tấn Pháp AFP trích lời quan chức này nhấn mạnh, Mỹ muốn Trung Quốc tôn trọng và giữ những cam kết thực hiện biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết các yêu sách.

Đài tiếng nói Hoa Kì (VOA) ngày 8/7 cũng đăng bài viết với tiêu đề “Bất đồng Biển Đông bao trùm các cuộc đối thoại Mỹ-Trung”, với nhận định của các chuyên gia về quan điểm của Mỹ tại các cuộc đối thoại với Trung Quốc lần này. Theo các chuyên gia, mặc dù Mỹ không có một hiệp ước quốc phòng với Việt Nam như Nhật Bản và Philippines, nhưng Mỹ cũng không thể làm ngơ trước hành động của Trung Quốc.

Sự thật sẽ luôn được tôn trọng

Dư luận quốc tế cũng tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Báo Bloomberg của Mỹ cho rằng, với mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đang đưa ra hành động đối đầu nguy hiểm với các nước láng giềng Đông Nam Á và Mỹ.

Theo chuyên gia phân tích viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Singapore Richard Bitzinger, người Trung Quốc tin rằng họ có quyền trở thành một cường quốc, và những gì chúng ta đang thấy đó là một lập trường cực đoan về vị trí của họ trên thế giới. Các chuyên gia cũng nhận định, tham vọng của Trung Quốc hiện không chỉ dừng lại ở đường 9 đoạn, mà mục tiêu lâu dài của Trung Quốc đó là tìm kiếm sự “bình đẳng” với khả năng hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh hiện nay, một giải pháp được các bên ủng hộ đó là thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn đang lâm vào bế tắc. Tờ báo hàng đầu của Philippines Bản tin Manila ngày 8/7 trích dẫn nhận định của các chuyên gia và nhà bình luận chính trị về khả năng đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Mark Valencia của Viện nghiên cứu các vấn đề nghiên cứu Biển Đông Philippines cho rằng, những bất đồng cơ bản đang khiến Trung Quốc và ASEAN khó có thể tiến tới một thỏa thuận. Trong 12 năm qua kể từ khi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) được kí giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, các bên đến thời điểm hiện nay chỉ thảo luận về những nguyên tắc chung “cơ bản”.

Những nguyên tắc cơ bản này bao gồm tăng cường sự tin tưởng chính trị, tuân theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển… Mặc dù vậy, những nguyên tắc cơ bản này thậm chí cũng đã bị vi phạm và “lờ đi” nhiều lần. Ông Valencia cũng bày tỏ không mấy lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận COC, do những tuyên bố chồng lấn, lập trường chính trị khác biệt và cách hiểu khác của Trung Quốc so với ASEAN trong cách tiếp cận về COC.

Trung Quốc thời gian qua liên tiếp có những hành động sai trái tại Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, đúng như nhận định mới đây của chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba ông Rivislei Gonzalez Saez, cho rằng dù thế giới có thể tràn ngập thông tin, nhưng sự thật sẽ luôn được tôn trọng.

Ông Saez nói, mỗi ngày sẽ có thêm hàng nghìn trí thức, nhà ngoại giao, quân nhân và nhân dân trên thế giới hiểu và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Đây không còn là vấn đề của Việt Nam hoặc của Đông Nam Á mà là vấn đề cả thế giới phải quan tâm và lên tiếng bởi lẽ nó đã vượt quá phạm vi của sự ổn định khu vực.

Phương Nam

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý