Cảnh giác trước các chiêu lừa đảo đi xuất khẩu lao động

nhidong nhidong @nhidong

Cảnh giác trước các chiêu lừa đảo đi xuất khẩu lao động

(Công lý) Hơn 20 người lao động đã tham gia khóa học tiếng Nhật 6 tháng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn phát triển Việt Nhật Vinh Ron như ngồi trên đống lửa vì đã trót đóng một khoản phí từ 1.500 – 3.000 USD mà chưa được sang Nhật làm việc.

03/08/2015 04:24 PM
159

Theo phản ánh của người lao động, ngoài khoản phí ban đầu này, họ phải đóng mỗi người thêm 6 triệu đồng tiền học tiếng Nhật nhưng đã 9 tháng nay vẫn chưa thấy công ty nói gì ngoài những lời hứa và đề nghị đóng thêm tiền.

Lợi dụng thiếu thông tin của người lao động

Theo phản ánh của người lao động đã đóng tiền cho Công ty Việt Nhật Vinh Ron ở địa chỉ 28/1/21 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), đa số họ đến từ Tây Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), biết đến công ty này qua môi giới tại địa phương.

Khi mới tới, họ được nhân viên của công ty thông báo không phải đóng phí, cứ ghi danh để học tiếng Nhật trước đã. Sau khoảng 2 tuần, người lao động được thông báo, Giám đốc công ty là ông Wada (người Nhật) và bà Đoan Phương (Phó giám đốc) cho biết phải đóng phí mỗi người từ 1.500 USD mới được tiếp tục học, với lý do tạo niềm tin giữa người Nhật và học viên. Trong khi đó người lao động vẫn phải đóng tiền học phí 6 tháng là 6 triệu đồng.

 - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thị Bé, quê ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trong giấy nhận tiền có điều khoản quy định, trong vòng 6 tháng, nếu không làm được visa nhập cảnh vào Nhật thì công ty sẽ hoàn lại đủ số tiền mà người lao động đã đóng. Thế nhưng đã học hết 6 tháng lâu rồi, khi chúng tôi yêu cầu trả lại tiền, giấy tờ, bằng cấp (bản gốc) thì công ty tìm đủ mọi cách thoái thác, hứa hẹn”.

Theo chị Bé, để có được số tiền 2.500 USD đóng cho Công ty Việt Nhật Vinh Ron, chị đã phải vay mượn nhiều người. Nếu không được đi làm việc tại Nhật và công ty không trả lại số tiền đã đóng, thì chị không biết lấy tiền đâu để trả nợ.

Cũng giống trường hợp của chị Bé, chị Phan Thị Ngọc Em ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình chị đã phải vay mượn họ hàng mới có 2.500 USD để đóng cho công ty, những mong sớm được đi xuất khẩu lao động, để có thu nhập giúp đỡ gia đình. Nhưng đã hơn 9 tháng trôi qua, thời hạn học tiếng cũng đã xong nhưng không thấy công ty đả động gì đến việc đi xuất khẩu lao động tại Nhật.

Bức xúc với cách làm việc của công ty, nhiều người lao động trong đó có chị Ngọc Em khiếu nại đề nghị ông Wada và bà Nguyễn Thị Đoan Phương phải trả lời rõ ràng về lộ trình, thời gian đưa người lao động đi Nhật.

Trước sức ép của người lao động, ngày 20/7, lãnh đạo công ty đã phải đối chất với người lao động.Theo luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn (người được người lao động ủy quyền bảo vệ quyền lợi) cho biết: Phía công ty đã không đưa ra được văn bản pháp lý nào chứng minh công ty có giấy phép xuất khẩu lao động. Các giấy tờ biên nhận tiền của người lao động cũng được đóng bằng nhiều con dấu khác nhau. Qua đây thể hiện sự thiếu trung thực, mập mờ trong hoạt động tuyển dụng và làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật của Công ty Việt Nhật Vinh Ron.

Luật sư Phạm Hoài Nam cho biết thêm, có khoảng 20/100 người lao động đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhờ can thiệp. Còn phía Công ty Việt Nhật Vinh Ron vẫn tiếp tục hứa hẹn với người lao động là ai không muốn tiếp tục đi xuất khẩu lao động thì công ty sẽ hoàn lại phí trong vòng 7 ngày kể từ ngày 20/7, còn ai muốn tiếp tục thì phải đóng thêm tiền để công ty làm các thủ tục đưa sang Nhật làm việc.

Thực tế, thời gian qua ở các địa bàn khu vực phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An... đã xuất hiện nhiều nhà môi giới đưa người lao động đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đài Loan... với thu nhập cao. Nhưng sau khi thu một khoản phí từ 1.500 – 3.000 USD của người lao động thì họ “biến mất”, hoặc tìm cách bán hợp đồng cho công ty khác hưởng “hoa hồng”.

Cơ quan công an cũng đã khám phá nhiều vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, hay sử dụng giấy phép xuất khẩu lao động giả để lừa người lao động tuy nhiên do nhu cầu việc làm với thu nhập cao ở các nước phát triển, cộng với việc thiếu thông tin của người lao động nên dịch vụ mơi giới lao động vẫn phát triển.

Cảnh giác với các hành vi lừa đảo

Luật sư Phạm Hoài Nam - Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn, cho biết: Thông tin về nhu cầu lao động, việc làm tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Arab Saudi, Quata... đang rất nóng trên thi trường bởi thu nhập cao. Lợi dụng sự thiếu thông tin của người lao động ở các vùng quê, nhiều kẻ đã dụ dỗ, lôi kéo họ vào đường dây lừa đảo đưa lao động đi nước ngoài làm việc.

Cùng với đó là tình trạng móc ngoặc với nhau để lừa đảo người lao động ngày một gia tăng. Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã rút giấy phép hoạt động của một số doanh nghiệp không đủ điều kiện đưa người lao động đi làm việc ngoài nước mà vẫn tuyển dụng, khởi tố một số cá nhân sai phạm, nhưng tình trạng lợi dụng sự thiếu thông tin của người lao động để lừa đảo vẫn âm ỉ diễn ra.

Trả lời báo chí liên quan đến vụ việc tại Công ty Việt Nhật Vinh Ron, ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định: Công ty Việt Nhật Vinh Ron không có chức năng xuất khẩu lao động và chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động. Việc công ty trả lời người lao động là không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng sẽ tuyển người và kết nối với công ty khác để đưa người lao động đi là không đúng với quy định của pháp luật.

Theo quy định, các doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động bắt buộc 100% vốn tổ chức, cá nhân là người Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Thực tế, phần lớn người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài đều xuất thân từ nông thôn, trình độ hiểu biết hạn chế nên họ không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm các thủ tục để được xuất khẩu lao động.

Lợi dụng điểm yếu đó, các đối tượng xấu vẫn có đất sống, dẫn đến các vụ lừa đảo liên tục tăng lên với diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Sự nhẹ dạ, cả tin, tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở những nước có thu nhập cao… khiến người lao động rất dễ bị các đối tượng môi giới, cò mồi lợi dụng.

Theo thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, 6 tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 56.173 người, trong đó thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất vẫn là Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc. Bên cạnh đó cùng với sự tăng trưởng về số lượng, thị trường tiếp nhận lao động cũng được mở rộngsang Arab Saudi, Algeria, Quata... với số lượng hơn 10.000 lao động.

Để không mắc phải các chiêu lừa đảo, người lao động ở các tỉnh xa nếu có nhu cầu xuất khẩu lao động thì nên tim hiểu thông tin qua cơ quan quản lý lao động tại địa phương, qua các kênh thông tin chính thức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, không nên nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của các cò mồi.

Bên cạnh đó người lao động cần tham khảo thông tin trên website www.dolab.gov.vn/ của Cục Quản lý lao động ngoài nước để biết thông tin về 228 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hiện nay.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý