Cấp cứu tại chỗ khi trẻ bị dị vật đường thở

tyh tyh @tyh

Cấp cứu tại chỗ khi trẻ bị dị vật đường thở

Cái chết của cháu bé 2 tuổi ở Long Biên, Hà Nội do nghẹn thạch ngày 18.4 vừa qua gây không ít xót xa, bàng hoàng cho gia đình và những người xung quanh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nếu biết xử trí tại chỗ thì sẽ bớt nguy hiểm, có khả năng cứu được người gặp nạn

27/04/2009 03:14 PM
42,363

Hóc khác với dị vật đường thở

Cần phải phân biệt dị vật đường thở và hóc nói chung. “Hóc” là chỉ đường ăn, phổ biến là tình trạng đang ăn bị hóc xương. Hóc nhiều khi không cần đi bệnh viện cũng tự khỏi. Còn dị vật đường thở chỉ tình trạng nói chung khi có dị vật vào đường thở, đặc biệt nguy hiểm bởi nếu không được cấp cứu kịp thời, sau vài phút người gặp nạn có thể tử vong. Vì vậy, khi phát hiện có người bị dị vật đường thở, điều nghĩ đến đầu tiên là cấp cứu tại chỗ để dị vật thoát ra được một phần hoặc toàn phần. Mọi phương án đưa đến bệnh viện dù gần nhất mà không có cấp cứu tại chỗ thì đều nguy hiểm.

Khi bị dị vật đường thở, trẻ tím tái, trợn mắt. Còn bị hóc dị vật, trẻ chỉ kêu đau, đang ăn không ăn được, nuốt đau nhưng vẫn nói được. Trường hợp bị hóc, cần theo dõi thêm. Một số trường hợp xương nhỏ như xương cá, nếu có nuốt, uống ngụm nước to… cũng có thể trôi. Nếu hóc nặng, cần đi bệnh viện. Các mẹo như nuốt cục cơm, hay lấy đũa cả để ngang đầu rồi vỗ vào đỉnh đầu… đều có hại nhiều hơn lợi. Đã có trường hợp nuốt cục cơm to để trôi đi vật nhỏ lại mắc thêm cục cơm và bác sĩ phải cho ống xông vào cấp cứu.

Cấp cứu tại chỗ

Trường hợp trẻ nhỏ bị dị vật đường thở, người nhìn thấy cần ngay lập tức dốc ngược đầu đứa trẻ, quay sấp người, vỗ một cái vào lưng. Yêu cầu vỗ nhanh, đủ mạnh, mục đích để đứa trẻ ho bật, hoặc ọe. Nếu vỗ 1 cái chưa được có thể vỗ thêm 2 – 5 cái, lực vỗ tùy độ tuổi và thể trạng đứa trẻ. Trẻ nhỏ thì vỗ lực vừa, trẻ lớn vỗ mạnh hơn, nhưng cần vỗ dứt khoát. Tuyệt đối không day hay vuốt ngực cho xuôi bởi điều này sẽ gây nguy hiểm.

Có những trẻ lớn, người cấp cứu không thể dốc ngược được thì có thể bế cho nằm sấp ngang trên người mình rồi vỗ. Cũng có thể đặt trẻ ngồi, người cấp cứu ngồi phía sau, lấy hai bàn tay chụm lại để ở xương ức trẻ và giật nhanh vào bụng trẻ, tức là cũng giật hướng về phía bụng mình, khi giật hơi sốc người trẻ lên.

Khi ho được, dị vật bật ra ngoài, đứa trẻ sẽ tỉnh ngay. Nếu dị vật chỉ bật một phần thì có thể cho tay vào móc ra. Trường hợp cấp cứu cho người lớn, hoặc trẻ có thể trạng cao to thì cho người bị nạn nằm ở mặt phẳng bất kỳ, đầu nghiêng sang một bên, dùng tay với lực mạnh ấn vào ngực (giữa vùng xương ức). Hoặc để nằm nghiêng, vỗ mạnh vào giữa lưng.

Để tránh bị dị vật đường thở, cần rèn trẻ không vừa ăn vừa đùa nghịch hay nói chuyện. Ở trẻ nhỏ, khi ăn thạch hoặc các đồ ăn có hạt (na, hồng…) cần có sự giám sát của người lớn, bỏ hạt cho trẻ trước khi ăn, giải thích cho trẻ sự nguy hiểm của dị vật. Trẻ nhỏ kể cả khi chơi cũng cần sự giám sát của người lớn, không cho trẻ chơi đồ chơi có thể nuốt lọt (đồng xu, hòn bi, hạt na, hạt nhãn…). Khi phát hiện trẻ bị dị vật đường thở, cần bình tĩnh và cấp cứu tại chỗ như trên. Nếu đã dị vật đường thở, mọi sự chậm trễ, quýnh quáng gọi và chờ xe cấp cứu đều ảnh hưởng đến tính mạng người gặp nạn.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý