Cầu Long Biên trở thành điểm du lịch: Ai quản lý?

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Cầu Long Biên trở thành điểm du lịch: Ai quản lý?

Khi cầu Long Biên trở thành điểm du lịch, ai sẽ là đơn vị đứng ra quản lý và duy tu toàn bộ công trình hơn 100 năm tuổi này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đặt vấn đề.

19/04/2015 08:04 AM
338

   - Ảnh 1

Bản mô phỏng vị trí của cây cầu đường sắt mới nằm cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.

Thời gian gần đây, khi phương án “Xây mới cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75m” chính thức được UBND TP Hà Nội trình chính phủ xin ý kiến phê duyệt, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Kèm theo đó là vấn đề khi cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng, cầu Long Biên – một công trình lịch sử mang tính biểu tượng của Thủ đô sẽ trở thành địa điểm tham quan, phục vụ khách du lịch. Vậy ai sẽ là đơn vị đứng ra quản lý, bảo dưỡng và duy tu toàn bộ công trình hơn 100 năm tuổi này?

Đó là băn khoăn của ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khi chia sẻ với PV Người Đưa Tin về việc nếu xây dựng một cây cầu đường sắt mới cạnh cầu Long Biên thì việc quản lý cây cầu lịch sử này sẽ như thế nào? Ai là người quản lý, bảo dưỡng, duy tu khi chỉ phục vụ cho mục đích đón tiếp khách du lịch? Và nhiều câu hỏi liên quan…

   - Ảnh 2

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.

Đối với mỗi người dân Hà Nội, hình ảnh cây cầu Long Biên dường như đã in sâu vào tâm khảm như một chứng tích lịch sử của một thời hào hùng trong bom đạn chiến tranh, vẫn sừng sững đứng đó kiêu hãnh chứng kiến sự đổi thay và phát triển của Thủ đô anh hùng. Tuy nhiên, chịu ít nhiều tác động của cơ chế thị trường và áp lực phát triển kinh tế mà từng có ý kiến nên thay thế cây cầu trụ thép hiếm hoi này bằng một cây cầu mới hoàn toàn. Và đương nhiên, ý kiến đó đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía và được "chốt" lại bởi quyết định của Thủ tướng yêu cầu giữ lại cầu Long Biên.

Video tham khảo:

Thông tin về cầu Long Biên có nguy cơ sập cục bộ?

Ông Bùi Danh Liên chia sẻ, trải qua nhiều cuộc tham vấn ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước (kể cả chuyên gia Pháp, Nhật), phía UBND TP Hà Nội đã đưa ra phương án xây dựng cầu mới nhưng vẫn phải giữ nguyên trạng cầu Long Biên để làm bảo tàng sống để phục vụ du khách tới tham quan, du lịch.

“Đây là một quyết định hợp lòng dân, nó góp phần bảo vệ một di tích lịch sử mang tính biểu tượng cho Thủ đô có tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Làm cầu mới phải dịch chuyển về phía thượng lưu, chấp nhận nắn đường sắt qua khu trung tâm nội đô tức khu tháp nước Hàng Đậu, qua chợ Đồng Xuân, đường Phùng Hưng rồi hòa cùng vào tuyến đường sắt quốc gia hiện có”, ông Liên cho biết.

   - Ảnh 3

Cây cầu dầm thép có tuổi đời 100 năm vẫn đang tiếp tục đảm đương xứ mệnh vận chuyển, giao thông cho hàng ngàn lượt người đi qua mỗi ngày.

Theo phương án này, vị trí của cầu mới sẽ nằm cách xa cầu Long Biên 75m thì đảm bảo được 3 yếu tố: Giữ được nguyên trạng cầu Long Biên để làm bảo tàng cho du khách tham quan, du lịch; Khối lượng GPMB ở hai đầu cầu ít nhất; Giữ được tuyến cầu cũ từ đường Phùng Hưng, có thể mở rộng vòng cua mà không phải nắn tuyến. Bởi các điểm trên mà đã nhận được sự đồng thuận của đa số các nhà khoa học khi phải đảm bảo bài toán phát triển kinh tế với gìn giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu chứng tích lịch sử này.

Tuy nhiên, người đứng đầu Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng băn khoăn về hai vấn đề khá nan giải. Đó là khâu đền bù giải phóng mặt bằng bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và việc phân bổ kinh phí, nhân lực quản lý khi cầu Long Biên chính thức trở thành bảo tàng phục vụ khách du lịch.

Công trình cầu mới vượt sông Hồng này thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yến Viên – Ngọc Hồi) đã được Bộ GTVT đưa ra từ năm 2013 tới nay mới được lãnh đạo Thành phố Hà Nội chấp thuận. Đi kèm với đó là việc các bên liên quan nên nghiên cứu phương án cụ thể là giao cho đơn vị nào sẽ đứng ra quản lý, bảo dưỡng duy tu khi cầu Long Biên không đảm nhận chức năng của đường sắt nữa mà sẽ được dùng để trưng bày.

Theo tính toán, để có thể tiến hành bảo dưỡng, duy tu cây cầu này đặc biệt là đường sắt thì phải cần tới rất nhiều kinh phí. “Đơn cử như việc sơn lại thành cầu thôi thì mỗi đội sơn cũng mất tới cả năm trời mới làm xong. Đó là chưa kể các khâu như hàn, cắt, vá các chi tiết của cầu phục vụ mục đích tham quan, du lịch… Tất cả đều phải có kinh phí khá lớn để duy trì tình trạng cho cây cầu này. Liệu chỉ phụ thuộc vào nguồn tiền thu được từ bán vé tham quan có đủ để duy trì công tác bảo tồn cây cầu?”, ông Bùi Danh Liên chia sẻ thêm.

Ngoài ra, vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội còn nhấn mạnh tới việc lựa chọn đơn vị đứng ra để quản lý, duy tu cầu Long Biên cũng cần phải được lựa chọn kỹ lưỡng. “Đó phải là đơn vị đủ năng lực cả về chuyên môn và nguồn lực tài chính. Nếu có thể thì nên tiến hành xã hội hóa công tác bảo tồn cầu Long Biên nếu làm bảo tàng”.

Những băn khoăn này của Chủ tịch Hiệp hội vận tải thiết nghĩ cũng là tâm tư của không ít người dân Thủ đô. Rất mong Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu cùng với lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan để có phương án tối ưu nhất có thể để đảm bảo cho việc giữ gìn một công trình lịch sử, vừa giải được bài toán cho giao thông đô thị trong thời gian sớm nhất.

Đình Tuệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý