Chánh án Huỳnh Văn Nghệ - người “thi tướng rừng xanh”

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Chánh án Huỳnh Văn Nghệ - người “thi tướng rừng xanh”

Congly.vn Cuối năm 1946, thực dân Pháp liên tục gây hấn, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, Tỉnh ủy Biên Hòa chỉ đạo xây dựng căn cứ địa vững chắc, xây dựng lực lượng, đẩy mạnh du kích chiến tranh.

12/09/2014 10:58 AM
1,080

Trong bối cảnh lịch sử khốc liệt đó, Tòa án quân sự tỉnh Biên Hòa được thành lập. Người vinh dự được cử làm Chánh án là ông Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977), Trung đoàn trưởng 310, người “thi tướng rừng xanh”, nhà chỉ huy quân sự tài ba nổi tiếng về tài thi ca của nước ta…

Vụ án nữ gián điệp “đội lốt” ca sỹ

Trong tình thế cách mạng có nhiều chuyển biến phức tạp, Tỉnh ủy Biên Hòa đã triệu tập hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh lần thứ II tại Mỹ Lộc (nay thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vào tháng 7/1947. Hội nghị kiểm điểm phong trào địa phương từ khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Ở Biên Hòa, phong trào kháng chiến ở địa phương có bước phát triển nhưng sự lãnh đạo của Đảng chưa toàn diện. Hội nghị đã cử ra một số cán bộ giữ vị trí cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy, trong đó, ông Huỳnh Văn Nghệ được giao nhiệm vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính, kiêm Ủy viên Quân sự tỉnh, kiêm chức vụ Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh Biên Hòa.

Tòa án Quân sự tỉnh Biên Hòa xét xử các vụ án trên địa bàn huyện Tân Uyên. Ngoài ông Huỳnh Văn Nghệ, Trung đoàn trưởng 310 làm Chánh án, Hội đồng xét xử gồm có các ông Đào Văn Quang (Trung đoàn phó 310) làm Phó Chánh án; ông Trần Bá Đạt làm Thẩm phán; ông Phạm Thuận (Phó Trưởng ty Công an) làm công tố; ông Huỳnh Văn Lũy (Chủ tịch Mặt trận Liên Việt) và ông Trần Văn Lai (Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn) làm Hội thẩm nhân dân; ông Mai Sơn Việt (Mai Thanh Chí) cán bộ quân khu làm thư ký. Tòa án Quân sự tỉnh Biên Hòa hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn, thử thách, cùng Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà vừa chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ quyền lợi dân chủ, tính mạng, tài sản của đồng bào.

Tòa án Quân sự tỉnh Biên Hòa đã xét xử nhiều vụ án gián điệp, trong đó nổi tiếng nhất là vụ án các nữ gián điệp “đội lốt” ca sỹ. Phiên tòa được tổ chức năm 1947 tại địa điểm xã Bình Chánh xét xử vụ án bốn tên gián điệp. Nhóm bốn tên gián điệp, trong đó có hai nữ được người Pháp đào tạo ở Sài Gòn, chuyển đến làm việc tại phòng Nhì tiểu khu Biên Hòa, dưới quyền chỉ huy của đại úy mật thám Waro. Bọn chúng được cải trang làm viên chức cho một công sở rồi tìm cách “cấy” vào Ban công tác quân sự số 5 của Trung đoàn 310 đóng tại làng Bửu Hòa. Sau đó, hai nữ gián điệp này dùng nhiều cách để vào làm ca sỹ của Đoàn văn nghệ khu 7 và hai nam gián điệp vào làm việc ở một đơn vị trung đoàn. Chúng được sử dụng và thường tỏ ra “tích cực làm việc” và “đối xử hài lòng” với mọi người. Bọn chúng đã xâm nhập thành công và thu thập được nhiều thông tin, tài liệu quan trọng về quân sự để chuyển ra cho phòng Nhì tiểu khu Biên Hòa, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho cách mạng.

Hội đồng xét xử do Chánh án Huỳnh Văn Nghệ làm chủ tọa đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, cùng thảo luận nghiêm túc và dân chủ về việc định khung hình phạt cho bốn tên gián điệp. Sau khi nghị án, Tòa đã tuyên án tử hình hai tên gián điệp nam là cán bộ trưởng, phó nhóm. Việc thi hành án được tiến hành ngay trước công chúng tại ấp Bưng Kè, do Công an tỉnh và Ban Kiểm soát quân sự thực hiện. Đối với hai nữ gián điệp, HĐXX tuyên án phạt ba năm tù giam cho mỗi bị cáo, thi hành án giam tại Trại Giáo hóa.

Chánh án Huỳnh Văn Nghệ (ảnh tư liệu)

Trước tình hình địch tung gián điệp chui sâu, leo cao vào lực lượng cách mạng diễn ra phức tạp, năm 1948, Trung đoàn ủy thực hiện chủ trương về việc làm trong sạch bộ đội, phát động cán bộ, chiến sỹ nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng. Qua đó, cách mạng đã phát giác được hai tên gián điệp Đao và Khương chui vào nội bộ phá hoại kháng chiến. Đao và Khương đã phải ra trước Tòa án Quân sự tỉnh Biên Hòa để chịu sự trừng phạt của pháp luật. HĐXX đã tuyên án tử hình hai tên gián điệp này tại xã Mỹ Lộc (nay là Tân Mỹ), do Ty Công an Biên Hòa thi hành án vào tháng 6/1948. Người dân đến dự khán phiên tòa rất đông và tỏ rõ sự đồng tình với bản án nghiêm minh của Tòa án Quân sự tỉnh Biên Hòa dành cho những phần tử gián điệp nguy hiểm, chống phá cách mạng.

Sau tháng 2/1951, chấp hành chủ trương của Đại hội lần thứ II của Đảng, Trung ương cục miền Nam và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đã phân lại chiến trường từ ba khu thành hai phân liên khu: Phân liên khu miền Tây và Phân liên khu miền Đông có đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và ba tỉnh mới: Bà Rịa - Chợ Lớn gọi là Bà - Chợ, Thủ Dầu Một - Biên Hòa gọi là Thủ - Biên, Gia Định - Tây Ninh gọi là Gia Định - Ninh. Đến tháng 5/1951, các cơ quan tỉnh Thủ - Biên sáp nhập lại thành từng khối. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh có 21 đồng chí, Chánh án Huỳnh Văn Nghệ được giao nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng tỉnh Biên Hòa. Ông Nguyễn Minh Chương, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đảm nhận chức vụ Chánh án TAND tỉnh Thủ - Biên.

Người Chánh án “thi tướng tài hoa”

Trong thời gian giữ chức Chánh án Tòa án Quân sự tỉnh Biên Hòa, ông Huỳnh Văn Nghệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông được đánh giá là một nhà hoạt động cách mạng và là một chỉ huy quân sự tài hoa của nước Việt Nam. Chính ông Huỳnh Văn Nghệ là người đã xây dựng căn cứ kháng chiến lấy tên là “Chiến khu Đ”. Ngày từ năm 1946, với cương vị là thành viên Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa phụ trách quân sự, ông Huỳnh Văn Nghệ đã triệu tập hội nghị quân sự quyết định hai vấn đề, thể hiện tư tưởng và tầm nhìn của ông: Thành lập lực lượng vũ trang thống nhất (tập hợp các lực lượng khác lại) lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hòa và xây dựng Chiến khu Đ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Phó Chính ủy Quân khu VII, bày tỏ sự kính trọng đối với ông Huỳnh Văn Nghệ: “Với tố chất thủ lĩnh, lại nổi tiếng về thao lược, ông Huỳnh Văn Nghệ đã từng bước chỉ huy phát triển lực lượng vũ trang kháng chiến. Tâm phục ông, các bộ phận vũ trang là công nhân, nông dân, thanh niên dân tộc thiểu số tự nguyện xin gia nhập đội quân do ông chỉ huy. Ông Huỳnh Văn Nghệ cũng là người rất có công phát hiện vị trí, địa thế lợi hại của vùng rừng Tân Uyên lập căn cứ mà tiến có thể đánh, lùi có thể giữ”. Các chiến công của quân dân miền Đông Nam Bộ đều có những đóng góp rất to lớn và quan trọng của ông Huỳnh Văn Nghệ. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì có những đóng góp lớn lao trong thời kỳ chống Pháp.

Ngoài tài năng lãnh đạo quân sự, ông Huỳnh Văn Nghệ còn rất nổi tiếng về tài thi ca, có những câu thơ được nhiều người truyền tụng. Ông là tác giả của những vần thơ hào sảng, nồng nàn tình yêu đối với quê hương đất nước. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là "Thi tướng rừng xanh":

Ai đi về Bắc ta theo với

Thăm lại non sông giống Lạc - Hồng

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…

(bài Nhớ Bắc)

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Bạch Đằng đánh giá: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây có thể gọi là những câu thơ thần, tuyệt bút của thời đại!’’. Thơ và con người ông mang đậm tố chất rất đặc trưng của đất phương Nam phóng khoáng hào hùng. Di sản văn nghệ của ông còn có nhiều vần thơ có ý nghĩa văn sử rõ nét bởi văn chương giàu hình tượng, các tác phẩm như: “Tiếng hát trên sông Đồng Nai”, “Trận Mãng xà”, “Anh Chín Quì”, “Sấu đỏ mũi”... Trong đó, nhiều nhà phê bình đánh giá, chỉ riêng với những dòng thơ trong bài thơ “Nhớ Bắc” cũng đủ để tên tuổi của ông sống với nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có quân dân miền Đông Nam bộ gian lao mà anh dũng.

Gần 50 bài thơ của ông đã được chọn in trong tập Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ. Ngoài ra, ông còn viết truyện ký, tự truyện được tập hợp trong hai tập sách “Quê hương rừng thẳm sông dài” và “Những ngày sóng gió”. Tháng 12/2006, các tập thơ “Chiến khu xanh”, “Bên bờ sông xanh”, “Rừng thẳm sông dài” được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Với những đóng góp của mình, ông Huỳnh Văn Nghệ đã vinh dự được Nhà nước trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Giáo sư Trần Hữu Tá so sánh: “Nếu như xứ Bắc có nhà thơ cách mạng Tố Hữu thì Nam Bộ có Huỳnh Văn Nghệ. Về cảm xúc, thi tứ cũng như Tố Hữu, Huỳnh Văn Nghệ đã mở lòng ra, cảm thông, chia sẻ với những số phận nghèo khổ, bất hạnh, chẳng hạn như một cảnh đưa ma tức tưởi, thảm hại trong bài thơ “Đám ma nghèo”, 1938; ý thức sâu sắc thân phận mất nước, cảnh cá chậu chim lồng trong bài “Trăng lên”, 1937. Trong thơ, ông cũng đã thể hiện rõ tình cảm của người chỉ huy luôn biết lắng nghe, biết đồng cam cộng khổ, chia sẻ với đồng đội, thuộc cấp - những người mà thơ ông cảm nhận đến tột cùng vẻ đẹp tâm hồn, khí phách hiên ngang cho dù đang đối mặt với quân thù trong tình thế hiểm nghèo. Nhưng hơn hết, ở thi sĩ này, ý thức rất rõ cái tình dân tộc, hòa hợp dân tộc, sự thống nhất hai miền Nam - Bắc thể hiện rõ qua bài thơ “Nhớ Bắc” - bài thơ mở đầu cho chùm thơ hào khí cách mạng, cảm hứng anh hùng của thơ ca Huỳnh Văn Nghệ.

(Trích từ Hội thảo khoa học Huỳnh Văn Nghệ - Cuộc đời và sự nghiệp)

 

 

An Dương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý