Chi 400 triệu cho phòng học 3D: 'Nhà nghèo khoe... áo gấm'?

biettuot biettuot @biettuot

Chi 400 triệu cho phòng học 3D: 'Nhà nghèo khoe... áo gấm'?

Sự kiện trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đi tiên phong trang bị công nghệ 3D làm phương tiện dạy học cho học sinh đã cho thấy sự mạnh tay trong đầu tư giáo dục của ngôi trường này. Tuy nhiên, sau khi thông tin được báo chí đăng tải, nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra e ngại trước hiệu quả mà phương tiện dạy học thời thượng này mang lại.

15/12/2013 01:11 AM
1,218

Chất lượng có tỷ lệ với tiền đầu tư!?

Thời gian qua, nhiều học sinh lớp 8A10 tỏ ra hứng thú trong tiết dạy sinh học của thầy Tô Huỳnh Thiên Trọng, khi tiết học này được được áp dụng bảng tương thích 3D. Giải thích về điều này, nhiều giáo viên cho rằng, công nghệ 3D với ưu điểm nổi trội cùng tâm lý lần đầu tiếp cận phương tiện dạy học hiện đại đã tạo nên sự hưng phấn cho các em là điều dễ hiểu. Nhưng xét về bản chất, việc sử dụng bảng tương thích 3D không khác mấy so với việc sử dụng băng hình hay  trình chiếu trong các tiết học trước đây.

Điều khiến nhiều nhà giáo tỏ ra lo lắng chính là việc áp dụng bảng tương thích 3D sẽ vấp phải nhiều hạn chế như việc sử dụng băng hình video, trình chiếu trong dạy học hiện nay. Nguyên nhân chính được nhiều giáo viên cho rằng, bài dạy áp dụng trình chiếu, hay băng hình sẽ tạo thói quen máy móc, xơ cứng, hiệu quả mang lại không được như ý muốn.

Thầy Nguyễn Xuân Thành, giáo viên dạy hoá ở Bắc Ninh thổ lộ với PV: "Trong quá trình giảng dạy, tôi có sử dụng video ghi lại quá trình thí nghiệm một số phản ứng hoá học cho các em, giúp các em quan sát tốt hơn.  Nhưng việc sử dụng video chỉ ở những phản ứng đơn giản và cơ bản, trong khi kiến thức phổ thông có tính trừu tượng rất cao nên chỉ áp dụng vào một số bài học nhất định". Theo quan điểm của thầy Thành, muốn áp dụng bảng tương thích, cần lập trình bài giảng trước giống như việc sử dụng trình chiếu Power Point. Trong khi dạy học xét theo bản chất không thể lập trình một cách máy móc. Bởi, thực tế khi dạy học, các tình huống sư phạm luôn đến một cách bất ngờ. Do đó, mọi lập trình sẵn sẽ không bao giờ giải quyết được các tình huống bất ngờ xảy ra.

Được biết, dạy học ứng dụng Power Point, giai đoạn đầu khá rầm rộ, nhưng cuối cùng nhiều nhà giáo tâm huyết đã chủ động quay trở lại với cách dạy học truyền thống với bảng đen phấn trắng. Lý giải về vấn đề này, thầy Thành nhấn mạnh: "Sử dụng bảng trình chiếu thực chất là đưa giáo án soạn sẵn lên chiếu ở màn hình. Mà tất cả giáo viên giỏi đều hiểu rằng, giáo án chỉ đơn thuần phản ánh việc chuẩn bị nội dung cho bài giảng chứ trên thực tế một tiết học chưa bao giờ diễn ra đúng như thế. Một giáo viên giỏi không bao giờ phụ thuộc hoàn toàn vào giáo án soạn sẵn".

Tiết học sử dụng bảng tương thích 3D tại trường Lương Thế Vinh, TP. Hồ Chí Minh

Đồng quan điểm với thầy Thành, cô giáo Vũ Như Anh, giáo viên dạy Văn tại Hà Tĩnh cũng cho rằng, áp dụng công nghệ hiện đại vào dạy học là một xu thế của giáo dục hiện nay, nước ta cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc áp dụng như thế nào đang khiến nhiều nhà giáo băn khoăn. Thực tế, nhiều giáo viên tâm huyết đã quay trở lại với việc dùng bảng đen truyền thống, bởi nó giúp giáo viên tha hồ "ngẫu hứng" trong một tiết dạy, tha hồ vẽ, viết tuỳ thích, tiết dạy sẽ mang đậm cá tính hơn.

Nhà giáo này dẫn chứng ví dụ, khi dạy tác phẩm văn học, nhiều trường hợp học trò còn bình hay hơn giáo viên, do đó, nội dung cho các em ghi tham khảo không phải là của bản thân giáo viên mà chính là của học sinh. "Cũng nhờ học sinh, bất chợt tìm được cách cảm thụ mới hay hơn nên tôi sẵn sàng viết ngay lên bảng để các em có thể chép lại tham khảo. Những điều tôi chia sẻ đúng bản chất của sư phạm. Theo tôi đó là lý do nhiều nhà giáo bỏ trình chiếu để quay về dạy học theo lối truyền thống", cô Anh chia sẻ.

Không loại trừ chiêu PR sản phẩm

Việc áp dụng bảng tương thích với công nghệ 3D vào dạy học tiềm ẩn nhiều điểm hạn chế. Trong khi chi phí lên đến 400 triệu đồng, nhiều người cho là quá đắt đỏ và lãng phí. Nguồn kinh phí lấy từ đâu, việc phụ huynh đóng góp như vậy có quá sức? Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: "Việc đầu tư một phòng học như vậy hơi tốn kém, không nên chạy theo hình thức".

Ở Hà Nội, đã từng có trường đưa ra ý kiến xây dựng lớp học VIP 300 triệu đồng nhưng bị sở Giáo dục phản đối bởi chi phí quá lớn trong khi chất lượng dạy học chưa thể đảm bảo dẫn tới nguy cơ lãng phí. Cũng theo ông Cương, một thời gian chúng ta đầu tư nhiều phương tiện dạy học, trang bị nhiều thiết bị  giảng dạy cho các môn học nhưng trên thực tế ít được sử dụng, thậm chí đắp chiếu để mốc. Vì sử dụng các phương tiện, thiết bị vào tiết học tốn nhiều thời gian, dẫn tới giáo viên hạn chế sử dụng và sử dụng không hiệu quả.

Xét một cách khách quan, bảng tương thích có ưu điểm là trình chiếu, hình ảnh sống động hơn, nhưng hạn chế lớn nhất chính là bắt buộc phải sử dụng giáo án điện tử có sẵn. Việc dạy theo giáo án điện tử luôn bộc lộ điểm yếu cố hữu đó là không theo kịp các tình huống sư phạm diễn ra trong một giờ học. "Ở các nước có điều kiện kinh tế phát triển cao, việc họ mua sắm các thiết bị giáo dục đắt tiền không có gì lạ. Nước ta còn nghèo, không nên chạy theo thời thượng để rồi gây lãng phí, đặt gánh nặng lên phụ huynh học sinh", nhà giáo này nhận định.

Có cái nhìn tương đối thận trọng, không ít người tỏ ra lo lắng khi áp dụng bảng tương tác 3D vào dạy học. Đơn giản, khi áp dụng một phương tiện dạy học mới đòi hỏi thời gian tập huấn cho giáo viên, soạn giáo trình chuẩn, cùng nhiều kỹ năng sư phạm đặt ra… liệu các trường có tự đảm đương nổi? Ở một khía cạnh nào đó, không ít người tỏ vẻ hoài nghi đây là chiêu PR sản phẩm của nhà sản xuất. Họ lấy trường Lương Thế Vinh làm thí điểm, mục đích quảng bá, bán sản phẩm này tại thị trường Việt Nam. Nhiều trường học có thể "cắn câu", sẵn sàng chi trả 400 triệu đồng, đơn giản "vì con gà tức nhau tiếng gáy". Cũng không ngoại lệ, nhiều trường sẵn sàng đầu tư bảng tương thích 3D vào dạy học, xem đó như một cách nhanh nhất để "lên đai đẳng cấp", đặc biệt nhằm hút học sinh.

400 triệu đồng không phải vấn đề lớn!?

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM, việc đầu tư công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả dạy học là điều cần khuyến khích. Vấn đề quan trọng là cần sử dụng cho thật hiệu quả chứ không nên đầu tư xong rồi đắp chiếu. Tới đây, khi các phòng học 3D ở trường THPT Lương Thế Vinh chứng minh được hiệu quả cao, sở GD&ĐT sẽ cho nhân rộng. Với nhiều trường THPT ở TP. HCM, mức đầu tư 400 triệu đồng cho mỗi phòng học 3D  không phải là vấn đề lớn.

Trinh Phúc

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý