Chiếu phim miễn phí dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5

msstit msstit @msstit

Chiếu phim miễn phí dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5

Trong các ngày từ 20/4/2015 đến ngày 20/5/2015, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sẽ diễn ra đợt chiếu phim miễn phí với những bộ phim vô cùng đặc sắc.

28/04/2015 09:00 AM
1,273

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khán giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm phim lịch sử Việt Nam hoàn toàn miễn phí tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia.

Đây là đợt chiếu phim miễn phí kéo dài một tháng, nằm trong "Đợt phim kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), các ngày lễ lớn 1/5, 7/5 năm 2015 và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015)".

Các bộ phim được công chiếu trong đợt phim gồm : phim tài liệu "Đỉnh Cao Chiến Thắng" và 3 phim truyện "Đường Xuyên Rừng", "Những Đứa Con Của Làng" và "Thầu Chín ở Xiêm".

Cùng với các tác phẩm trên, Điện ảnh Quân đội đã hoàn thành bộ phim Tài liệu "30/4 - Ngày thống nhất" (2 tập, mỗi tập 30 phút) và sẽ khởi chiếu vào các ngày 28, 29, 30/4.

"Đỉnh Cao Chiến Thắng" là tác phẩm phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

   - Ảnh 1

Bốn tập phim (120 phút) đã khái quát được bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược phi nhân tính của đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh vĩ đại, chính nghĩa, mang đậm chất anh hùng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Đường Xuyên Rừng" là bộ phim tài liệu được chuyển thể từ tiểu thuyết “Con đường xuyên rừng” của nhà văn Lê Văn Thảo, tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2012).

   - Ảnh 2

Phim mô tả một cuộc vượt rừng của những người tình cờ gặp nhau trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, khi Mỹ thực hiện cuộc hành quân càn quét quy mô lớn mang tên Gian-xơn-xi-ty vào năm 1967, nhằm tấn công vào Trung ương Cục Miền Nam tại Tây Ninh. Bên cạnh những cảnh vượt rừng kịch tính, khốc liệt, bộ phim không thể thiếu những khoảnh khắc lãng mạn, ngọt ngào của tình yêu đôi lứa trong khói lửa chiến tranh. Phim có sự góp mặt của Tăng Huỳnh Như và Trương Thế Vinh.

"Những Đứa Con Của Làng" được thực hiện bởi đạo diễn Nguyễn Đức Việt, là bộ phim đẫm cảm xúc về số phận con người thời hậu chiến, về nỗ lực hóa giải hận thù và hàn gắn vết thương chiến tranh.

   - Ảnh 3

 

Bộ phim đã đạt 4 giải thưởng cao tại Cánh diều Vàng 2014: Cánh diều Bạc cho phim (không có Vàng), Giải Báo chí phê bình điện ảnh, Biên kịch xuất sắc (Phạm Dũng), Nam diễn viên phụ xuất sắc (Huy Cường).

"Thầu Chín ở Xiêm" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), tác phẩm kể về thời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1928-1929 ở Thái Lan, xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.

   - Ảnh 4

Bộ phim được xây dựng từ kịch bản cùng tên (tác giả kịch bản Đinh Thiên Phúc) được Ban Tuyên giáo Trung ương trao Giải Nhất dành cho tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác để hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2014, bộ phim đã được trao giải Quay phim xuất sắc (Lý thái Dũng), Họa sĩ thiết kế xuất sắc (Đinh Hiếu - Nguyễn Trung Phan).

"30/4 - Ngày thống nhất" được thực hiện bởi đạo diễn Lê Thi cùng biên kịch Phạm Minh Lợi.

   - Ảnh 5

Phim kể về hồi ức của những tướng lĩnh cầm quân sẽ góp phần làm sáng tỏ những sự kiện chiến trường dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông minh, sáng tạo, quyết đoán, độc lập, tự chủ; sử dụng tổng hợp sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao, sức mạnh 3 thứ quân, 3 vùng chiến lược, 3 mũi giáp công; kết hợp tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Bộ phim tài liệu đã khai thác và sử dụng tư liệu tương đối công phu và thành công. Ở đây, bộ phim tài liệu không chỉ tái hiện lại cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc mà những vấn đề lịch sử còn được nhìn nhận dưới góc độ mới, khách quan, mang một màu sắc mới mẻ.

Nam Phong

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý