Chính sách với lao động dôi dư sau cổ phần hóa: Người lao động cần được hỗ trợ sau khi rời doanh nghiệp

nhidong nhidong @nhidong

Chính sách với lao động dôi dư sau cổ phần hóa: Người lao động cần được hỗ trợ sau khi rời doanh nghiệp

(Công lý) Mặc dù các chế độ giải quyết lao động dôi dư đã được Nhà nước quan tâm song chủ yếu mới tập trung vào mục tiêu giải quyết cho người lao động rời khỏi doanh nghiệp mà chưa chú ý đến việc tạo điều kiện và cơ hội cho lao động dôi dư tìm việc làm mới.

02/08/2015 07:08 AM
193

Chính sách mới với lao động dôi dư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thay thế Nghị định số 91/2010/NĐ-CP, trong đó mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, đồng thời, bổ sung một số chính sách đối với lao động dôi dư.

Nghị định số 91/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 20/8/2010, quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Qua 5 năm thực hiện cho thấy chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sắp xếp lại lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; người lao động ổn định cuộc sống khi thôi việc và được tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề để tìm việc làm mới.

 - Ảnh 4

Người lao động sau dôi dư cần được hỗ trợ tạo việc làm mới

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại như không quy định trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; công ty nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; người được công ty thực hiện sắp xếp lại cử làm người đại diện phần vốn của công ty tại công ty khác khi hết nhiệm kỳ hoặc thôi việc; cách tính chế độ trợ cấp, hỗ trợ tính theo từng giai đoạn điều chỉnh lương tối thiểu phức tạp, mức thấp hơn so với quy định của Bộ luật Lao động về trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc. Cùng với đó, Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013 cũng có những thay đổi cơ bản về tiền lương...

Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung về các chính sách lao động dôi dư. Cụ thể, đối với người lao động được nghỉ hưu trước tuổi thì chỉ thay thế mức hỗ trợ một khoản tiền theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương bình quân 5 năm cuối bằng mức hỗ trợ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng lương cơ sở.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 21/4/1998 khi công ty thực hiện cổ phần hoá, bán hoặc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, đơn vị sự nghiệp thì thay thế trợ cấp một tháng lương bằng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động và hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 26/4/2002 khi công ty bị giải thể, phá sản thì được trợ cấp thôi việc theo quy định Điều 48 của Bộ luật Lao động và hỗ trợ một khoản tiền thay vì trợ cấp một tháng lương như quy định trước.

Nghị định mới cũng bổ sung chính sách đối với lao động dôi dư là người đại diện phần vốn của công ty. Cụ thể, người đại diện phần vốn của công ty được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động…

Sau dôi dư, người lao động vẫn cần được hỗ trợ

Giải quyết số lao động dôi dư sau cổ phần hoá vẫn đang là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là khi Nghị định 41 của Chính phủ không được áp dụng cho những đơn vị CPH trước 12 tháng khi Nghị định ra đời. Số lao động dôi dư tại thời điểm cổ phần hoá cần đào tạo, đào tạo lại để bố trí việc làm mới trong công ty cổ phần trước đây được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đến nay thì doanh nghiệp không còn được hỗ trợ nữa khiến cho khả năng hoạt động của doanh nghiệp bị hạn chế.

Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sở hữu, người sử dụng lao động muốn cơ cấu lại lao động đã gặp phải vướng mắc vì nhiều người lao động không muốn rời khỏi doanh nghiệp nên việc đàm phán lại hợp đồng lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với số lượng lao động cũ có hợp đồng không xác định thời hạn. Một khó khăn nữa đối với việc giải quyết lao động dôi dư sau cổ phần hoá là các cổ đông không muốn chi trả trợ cấp một lần cho những lao động này vì sợ giảm cổ tức của mình.

Theo các chuyên gia, các chế độ giải quyết lao động dôi dư tuy đã được Nhà nước quan tâm song chủ yếu mới tập trung vào mục tiêu giải quyết cho người lao động rời khỏi doanh nghiệp mà chưa chú ý đến việc tạo điều kiện và cơ hội cho lao động dôi dư tìm việc làm mới, để người lao động yên tâm khi rời khỏi doanh nghiệp. Vì vậy, để tháo gỡ những vướng mắc này, Nhà nước cần có chính sách để xử lý lao động dôi dư, có nguồn tài chính để thực hiện chính sách này trước khi cổ phần hoá.

Chính sách đối với người lao động phải phù hợp với thực tế, quyền lợi cần được bảo đảm, nhất là đối tượng lao động không bố trí được việc làm được hưởng các quyền lợi như: được mua cổ phần ưu đãi, hưởng quỹ phúc lợi khen thưởng còn dư tại thời điểm cổ phần hoá công bằng như những người lao động tiếp tục được làm việc tại công ty cổ phần, chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng theo thời gian đã đóng.

Cần có chính sách kích cầu lao động như hỗ trợ vốn ban đầu cho những người kinh doanh nhỏ, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển các chương trình tạo công ăn việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động, qua đó giảm sức ép về dư thừa lao động, chuyển dịch lao động dư thừa ở doanh nghiệp sau cổ phần hoá sang khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chính sách giảm cung về lao động, bao gồm các chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình, chính sách di dân sang khu vực ít bị sức ép dư thừa lao động.

 Công ty khi cổ phần hoá phải luôn luôn kịp thời cập nhật các thông tin, văn bản pháp quy của Nhà nước quy định cho các doanh nghiệp cổ phần để thực hiện cho đúng quy định của pháp luật và điều hành công ty được tốt đồng thời bảo đảm được quyền lợi của người lao động và các cổ đông. Cần thu thập thông tin, học hỏi kinh nghiệm kinh nghiệm tốt, các mô hình hay của các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá về giải quyết lao động dôi dư để phổ biến cho người lao động hiểu rõ hơn các chế độ chính sách.. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động để kịp thời ngăn chặn tình trạng thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giải quyết lao động dôi dư, vì tổ chức công đoàn thực hiện những công việc như: tổ chức tuyên truyền cho người lao động, cổ đông về chủ trương của Đảng và Nhà nước về cổ phần hoá, các chế độ chính sách đối với công ty cổ phần để người lao động hiểu rõ mục đích, yêu cầu, quyền lợi, trách nhiệm của người lao động nhằm tạo ra sự nhất trí cao trong công ty để thực hiện đạt kết quả tốt.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý