Cho vay ngoại tệ: 'Nới' thời hạn cho vay đến hết năm 2015

ban ban @ban

Cho vay ngoại tệ: 'Nới' thời hạn cho vay đến hết năm 2015

Thời gian cho vay ngoại tệ với 2 lĩnh vực: Cho vay vốn trong nước để thực hiện các dự án sản xuất hàng xuất khẩu mà DN có nguồn thu ngoại tệ; cho vay ngoại tệ với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, sẽ được “nới” thêm 1 năm, thay vì đến ngày 31/12/2014.

19/12/2014 02:58 PM
1,207

“Nới” thời hạn cho vay ngoại tệ đến hết năm 2015

Tin tức trên báo Dân trí, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) dừng cho vay ngoại tệ từ ngày 31/12/2014, chiều 18/12, trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thông tin này không chính xác và chưa đầy đủ.

Theo Thông tư số 29 của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD được phép cho vay ngoại tệ đối với các nhu cầu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thực hiện thanh toán hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài về hoặc khách hàng có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các TCTD được quyền quyết định các khoản vay ngoại tệ với doanh nghiệp. Trong thông tư cũng quy định, đối với một số nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, hay dự án trọng điểm của Chính phủ, NHNN có thể chấp thuận bằng văn bản sau khi TCTD đã thẩm định về dự án.

Trong năm 2013 - 2014, trước tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tín dụng chưa mở rộng nhiều do sức hấp thụ, cầu trong nước còn thấp, vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, NHNN cho phép các TCTD được tự quyết định cho vay với 2 nhu cầu: cho vay vốn trong nước để thực hiện các dự án sản xuất hàng xuất khẩu mà DN có nguồn thu ngoại tệ; cho vay ngoại tệ với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức, thực hiện đến hết 31/12/2014.

Như vậy, thông tin NHNN dừng hoàn toàn hoạt động cho vay ngoại tệ, theo khẳng định bà Nguyễn Thị Hồng là không chính xác, vì thực tế NHNN chỉ quy định dừng cho vay với 2 lĩnh vực trên, các lĩnh vực khác vẫn được vay bình thường.

Tuy nhiên, đánh giá tình hình hoạt động cho vay ngoại tệ thời gian qua, cũng như cân nhắc trên cơ sở mục tiêu mà Quốc hội đề ra về tăng trưởng kinh tế đạt 6,2%, NHNN tiếp tục cho phép các TCTD được tự quyết định cho vay với 2 lĩnh vực trên, thực hiện đến hết năm 2015. Tức là thời gian cho vay với 2 lĩnh vực này sẽ được “nới” thêm 1 năm, thay vì đến ngày 31/12/2014.

Bà Hồng cho hay, cuối tuần này hoặc sang tuần sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chính thức thay thế Thông tư 29.

Cũng theo bà Hồng, NHNN sẽ chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán. “Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ”, bà Hồng nói.

Hiện tín dụng ngoại tệ đang trở thành lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ ở mảng ngoại tệ tăng trên 20,77%, cao gấp 5 lần tín dụng tiền đồng, trong khi huy động ngoại tệ không theo kịp.

 - Ảnh 1

Tác động đến tỷ giá là không lớn

Tin tức trên báo VnEconomy, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay ngoại tệ của hai nhu cầu vay nói trên (được kéo dài thêm năm 2015) chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối chiếm khoảng 6%, còn nhu cầu cho vay đối với dự án xuất khẩu 24%.

Điểm mà thị trường quan tâm là việc kéo dài hoạt động cho vay ngoại tệ nói trên sẽ tác động thế nào đến tỷ giá USD/VND năm tới. Theo dẫn giải của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tác động được đánh giá là không lớn.

Lãnh đạo chuyên trách này phân tích: Việc cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ với hai nhu cầu vay vốn trên có thể sẽ giúp giảm nhu cầu mua ngoại tệ đến thời điểm các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn trong tương lai khi các khoản nợ đến hạn có tăng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng đó có nguồn thu ngoại tệ hay không.

Đối với những nhu cầu vay để thực hiện dự án sản xuất hàng xuất khẩu thì các dự án này sẽ có nguồn thu nhập trả nợ các khoản vay.

Đối với nhu cầu vay vốn để nhập khẩu xăng dầu thì thường không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Nhưng theo bà Hồng, dư nợ tín dụng ngoại tệ đối với nhu cầu vay vốn này chỉ chiếm khoảng 6% nên không có tác động lớn với thị trường.

“Ngoài hai nhu cầu vay vốn ngoại tệ nêu trên, trong thời gian qua, nhằm tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt chấp thuận cho một số nhu cầu vay vốn để phục vụ dự án trọng điểm của Chính phủ cũng như nhu cầu vay vốn để thực hiện trong lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Tuy nhiên trong quá trình xem xét, Ngân hàng Nhà nước đã phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở thanh toán ngoại tệ của toàn hệ thống cũng như các tổ chức tín dụng.

Tới đây Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo các khoản nợ khi đến hạn để giúp kiểm soát, đảm bảo thị trường ngoại hối ổn định”, bà Hồng cho biết thêm.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý