Cho ý kiến về Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL: Đề xuất không nên bỏ Thông tư của Tòa án nhân dân

mesu mesu @mesu

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL: Đề xuất không nên bỏ Thông tư của Tòa án nhân dân

Khắc phục hệ thống pháp luật “khung”, luật “ống” hiện nay cũng như ngăn chặn được “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng pháp luật… là điều mà Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng tới.

22/08/2014 01:29 AM
1,057

Đề xuất thành lập cơ quan chuyên soạn thảo VBQPPL

Trình bày trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại buổi thẩm tra ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới với nhiều quy định liên quan trực tiếp đến phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Quy định mới của Hiến pháp là cơ sở hiến định quan trọng cho việc thể chế hóa trong các đạo luật, trong đó có Luật Ban hành VBQPPL.

Theo đề xuất của Chính phủ, Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sẽ đơn giản được hệ thống VBQPPL, tách khâu hoạch định chính sách với xây dựng pháp luật, đặt nặng trách nhiệm cho giai đoạn làm chính sách trước khi xây dựng pháp luật. Với chủ trương này, Bộ Tư pháp sẽ thành lập Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật có vai trò là cơ quan thẩm định các chính sách, nội dung của từng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Dự thảo Luật đề xuất không bắt buộc thành lập Ban soạn thảo các dự án luật, vì trên thực tế, hoạt động của nhiều Ban soạn thảo chưa hiệu quả. Theo ý kiến của một số thành viên Ủy ban Pháp luật, điều đó phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của các thành viên Ban soạn thảo, là hạn chế của khâu tổ chức chứ bản thân hoạt động của Ban soạn thảo với đại diện của nhiều cơ quan khác nhau sẽ làm cho quá trình xây dựng pháp luật dân chủ hơn, khách quan hơn, chất lượng hơn, tránh được tình trạng cục bộ trong quá trình xây dựng VBQPPL.

Phiên họp toàn thể lần thứ 16, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị, không trình Dự án Luật nếu dự thảo không tiếp thu ý kiến thẩm định vì lâu nay, việc thẩm định Dự án Luật không hiệu quả khi ý kiến thẩm định nhiều khi chỉ được trình như một ý kiến bảo lưu trong hồ sơ Dự án Luật mà thôi.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật đề xuất, để khắc phục tình trạng chậm trình hồ sơ Dự án luật, pháp lệnh, đề nghị bổ sung quy định: Cơ quan chủ trì thẩm tra, thẩm định phải từ chối thẩm tra, thẩm định trong trường hợp hồ sơ dự án gửi không đúng thời hạn.

Để góp phần tăng cường vai trò thực sự của Ban soạn thảo, Nhóm nghiên cứu đề nghị thành lập một cơ quan chuyên soạn thảo VBQPPL. Cơ quan này sẽ thể hiện các chính sách đã được Chính phủ thông qua thành VBQPPL để bảo đảm sự thống nhất trong kỹ thuật văn bản, tăng cường chất lượng văn bản, bảo đảm tiến độ soạn thảo cũng như hạn chế được những quy định mang lợi ích nhóm trong các VBQPPL.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng: Cơ quan chủ trì soạn thảo thường có xu hướng xây dựng Dự thảo luật thuận tiện cho công tác quản lý; cần có cách xử lý, thông qua trách nhiệm đến cùng của Ban soạn thảo và tạo điều kiện cho cơ quan trình bảo vệ ý kiến hoặc đề nghị Quốc hội không thông qua Dự án luật.

Không nên bỏ hình thức ban hành Thông tư của Tòa án

Về cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhà nước trong ban hành văn bản QPPL, Dự thảo Luật đã quy định về việc giám sát, kiểm tra VBQPPL của nhiều chủ thể khác nhau. Nhóm nghiên cứu đề nghị thể hiện rõ hơn quy định thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc “đề nghị UBTVQH xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó được UBTVQH tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất”.

Dự thảo Luật cũng đề xuất: “Trong trường hợp bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quyền đình chỉ việc thi hành VBQPPL của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân có nội dung trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra ý kiến đề nghị phân tích rõ hơn việc tại sao chỉ quy định đối với văn bản cấp Bộ trở xuống? Vậy, trường hợp văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn như văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có nội dung trái với Hiến pháp, luật thì xử lý như thế  nào?

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật còn quy định: “Không quy định hình thức văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, giữa UBTVQH hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, các nội dung liên quan tới nhiều lĩnh vực thì sẽ do văn bản cấp trên ban hành”. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần giữ lại hình thức văn bản liên tịch giữa Chánh án TANDTC với Viện trưởng VKSNDTC, giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án TANDTC, vì đây là những văn bản quan trọng được áp dụng nhiều trong quá trình xét xử và tạo thuận lợi trong quá trình thi hành pháp luật.

Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng cũng cho rằng, không nên bỏ hình thức ban hành Thông tư, Thông tư liên tịch của TANDTC vì đó là những văn bản để phục vụ cho hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án trong quá trình xét xử. Hơn nữa, Tòa án là cơ quan nhà nước được quy định trong Hiến pháp, vì vậy, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan này được ban hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Về Thông tư liên tịch của Viện trưởng VKSNDTC, Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị cân nhắc việc bỏ hình thức, thẩm quyền ban hành các văn bản QPPL của những cơ quan này.

Mai Thoa

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý