Chuẩn bị xử phúc thẩm ‘đại án’ Huyền Như

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Chuẩn bị xử phúc thẩm ‘đại án’ Huyền Như

Sau phiên tòa sơ thẩm vụ Huyền Như có tới 61 lá đơn bao gồm kháng cáo, kháng nghị được gửi tới tòa đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.

03/12/2014 09:01 AM
757

Theo tin tức trên báo Vnexpress ngày 2/12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM cho biết, đại án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank chi nhánh TP HCM) và đồng bọn lừa gần 4.000 tỷ đồng sẽ được đưa ra phúc xử vào ngày 15/12. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến hết tháng.

 - Ảnh 1

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo đó, sau khi xét xử sơ thẩm, đã có một kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.HCM, nhiều kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.

Cụ thể, ngày 11/2/2014, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM có kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm tăng hình phạt về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với hai bị cáo là Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, sơ thẩm tuyên 20 năm tù), Đào Thị Tuyết Nhung (sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù) với lý do: Bản án sơ thẩm xử phạt nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội.

Riêng bị cáo Huyền Như, ngày 9/2/2014, Như có đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét về phần dân sự xin lại một trong những căn nhà đang bị kê biên và đề nghị cấp phúc thẩm trả lại villa H2 thuộc dự án Nam Hai Resort (tại Hội An, Quảng Nam) có diện tích gần 3.000 m2, trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ bị cáo là bà Nguyễn Thị Lang.

Ngoài văn bản kháng nghị và kháng cáo trên, còn có 19 đơn kháng cáo của 19 bị cáo khác với nội dung như đề nghị xem xét lại tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự trong vụ án. 11 nguyên đơn dân sự, người bị hại và 29 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo.

Ngoài ra, ngày 10/2/2014, bà Nguyễn Thị Lang có đơn kiến nghị gửi tòa phúc thẩm đề nghị triệu tập bà tham gia phiên tòa phúc thẩm với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đề nghị tòa phúc thẩm tuyên trả lại cho bà villa trị giá 43 tỷ đồng nói trên.

Như vậy, chưa tính văn bản kháng nghị của Viện kiểm sát, sau phiên tòa sơ thẩm đã có 61 lá đơn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.

Với gần 4.000 tỷ đồng, số tiền thiệt hại trong vụ án quá lớn nên bên cạnh trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự trong vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Phần tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra khá căng thẳng bởi những quan điểm trái chiều.

Phía nguyên đơn dân sự, người bị hại và luật sư của họ đều cho rằng hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như là hành vi phạm tội “tham ô tài sản” chứ không phải “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng truy tố, Vietinbank là đơn vị bị thiệt hại, là nguyên đơn dân sự chứ không phải là những đơn vị, cá nhân này. Cũng từ quan điểm đó, luật sư cho rằng Vietinbank phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho những cá nhân, đơn vị này.

Tuy nhiên, quan điểm trên không được chấp nhận. Sau khi tòa tuyên án Vietinbank không có nghĩa vụ phải bồi thường, Ngân hàng ACB và hàng loạt nguyên đơn dân sự, người bị hại đã kháng cáo đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự liên quan đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo đó, ACB khẳng định quan hệ tiền gửi giữa ACB với Vietinbank là hợp pháp nên yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả cho ACB tổng cộng hơn 913,3 tỷ đồng bao gồm 718,9 tỷ đồng tiền gốc và 194,4 tỷ đồng tiền lãi. Đại diện ACB cũng kháng cáo về tội danh của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, cho rằng bị cáo này phạm tội “tham ô tài sản” trong việc chiếm đoạt số tiền mà ACB gửi tại Vietinbank chứ không phải lừa đảo.

Các nguyên đơn dân sự, người bị hại còn lại cũng kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm tuyên buộc Vietinbank phải có nghĩa vụ bồi thường. Như vậy, trách nhiệm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng trên thuộc về ai, điều đó sẽ được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Từ năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, Như nảy sinh ý định lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các khách hàng rồi chiếm đoạt.

Với tư cách là trưởng phòng giao dịch, Như đã đưa ra mức lãi suất cao để dụ các tổ chức, cá nhân sau đó thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.

Hồi cuối tháng 1, sau gần một tháng xét xử, TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân.

Được xác định là người đóng vai trò giúp sức tích cực cho Như trong việc chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, Võ Anh Tuấn - nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè - nhận mức án 20 năm tù, Đào Thị Tuyết Nhung 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra bị cáo Nhung còn bị phạt 2 năm tù về tội Cho vay lãi nặng.

Liên quan, 20 bị cáo khác phải nhận mức án từ 1 năm tù treo đến 17 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Cho vay lãi nặng...

Gia Huy (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý