Chủng vi rút cúm A(H7N9): Biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao

daikieu daikieu @daikieu

Chủng vi rút cúm A(H7N9): Biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao

Theo thông báo của WHO, FAO, đã ghi nhận sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen vi rút cúm ở người cũng như ở gia cầm.

14/05/2017 03:06 PM
156

Theo thông báo của WHO, FAO, đã ghi nhận sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen vi rút cúm ở người cũng như ở gia cầm.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3/2013 với 5 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 5 diễn ra từ tháng 10/2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với 541 trường hợp mắc.

Dịch đạt đỉnh vào tháng 2/2017 với khoảng 50-60 trường hợp mắc mới/tuần, sau đó từ tháng 3 đến nay có xu hướng giảm dần với khoảng 18-34 trường hợp mắc mới/tuần. Từ 3/2017 đến nay đã ghi nhận thêm 3 địa phương thuộc khu vực Cam Túc, Tây Tạng và Thiểm Tây có trường hợp bệnh mới. Như vậy trong đợt dịch thứ 5 đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại 17 tỉnh tại Trung Quốc.

Chủng vi rút cúm A(H7N9): Biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao  - Ảnh 1

Gần đây dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới với nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh.

Tại tỉnh Quảng Tây, riêng trong tuần từ 8/2 – 9/3/2017 ghi nhận sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người với 14 trường hợp trong khi năm 2015 -1016 tỉnh này không ghi nhận trường hợp mắc. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO), sự gia tăng này có thể là do gia cầm đã được vận chuyển từ tỉnh Quảng Đông sang Quảng Tây sau khi tỉnh Quảng Đông công bố đóng cửa chợ gia cầm. Các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là cao nhất kể từ năm 2013 do lo ngại Quảng Tây cũng sẽ áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm nên gia cầm sẽ được vận chuyển vào Việt Nam nếu không có các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ.

Trên người, đã phát hiện gen độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) tại Quảng Đông và một bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) ở Đài Loan (theo Thông báo ngày 25/02/2017 của WHO). Ở gia cầm, FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm và môi trường (30 mẫu ở gà, 1 ở vịt và 10 mẫu môi trường) được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây và Hà Nam. 

Chủng vi rút cúm A(H7N9): Biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao  - Ảnh 2

Kết quả nghiên cứu cho thấy vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1000 lần so với vi rút có độc lực thấp. Sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người và WHO cũng chưa khuyến cáo về các thay đổi quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc và những biến đổi độc lực của vi rút, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ rất cao vi rút cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào nước ta.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các công điện, công văn chỉ đạo tập trung việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Nếu người dân nào có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nam Anh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý