Chuyện vị Lương y bỏ quê lên núi trị bệnh cho người nghèo

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Chuyện vị Lương y bỏ quê lên núi trị bệnh cho người nghèo

Với nhiều người dân huyện Ea Súp, Đắk Lắk, lương ybác sĩ Phan Thành Nguyên thực sự là “vị cứu tinh” của họ bởi với tấm lòng lương y như từ mẫu, nhiều năm nay ông đã cứu hàng trăm mạng người...

04/05/2015 07:30 AM
352

Lương y bỏ quê lên núi chữa bệnh cho người nghèo

Bác sĩ - Lương y Phan Thành Nguyên sinh năm 1940, quê ở Châu Thành, An Giang. Lên 6 tuổi, ông theo một người thầy thuốc trong làng sang Thái Lan học văn hóa đồng thời học thêm về đông y. Đến năm 18 tuổi, ông vào Đại học Y khoa Sài Gòn chuyên khoa ngoại tổng quát. Tốt nghiệp xong ông lại học thêm y học cổ truyền dân tộc. Năm 1961, ông xin vào làm cho một phòng khám nhân đạo ở An Giang, bắt đầu sự nghiệp từ thiện của mình.

   - Ảnh 1

Lương y Phan Thành Nguyên.

Mỗi ngày, lương y Phan Thành Nguyên khám bệnh phát thuốc cho khoảng 100 người và tất cả đều miễn phí. Hàng ngày từ sáng sớm, tại phòng khám từ thiện của ông có cả trăm người từ khắp các tỉnh thành trong cả nước tìm đến khám bệnh. Vào thứ bảy, chủ nhật, ông thường dành thời gian đi rừng lấy thuốc nên không khám bệnh, nhưng vẫn có nhiều người tìm đến, kiếm chỗ tá túc đợi đến ngày khám.

Theo Hội Đông y huyện Ea Súp, bác sĩ - lương y Phan Thành Nguyên biết khoảng 900 vị thuốc chữa bệnh, trong đó ông chọn lấy 150 vị để bào chế chữa các bệnh như viêm gan, xơ gan, viêm xoang, gan, máu nhiễm mỡ, viêm đường tiết niệu, thoái hóa cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, tai biến, hành tá tràng, sỏi thận, tiểu đường, thận ứ nước...

Những vị thuốc được ông dùng nhiều như kiêm mai, nhàu, sừng trâu, nhân trần, đỗ trọng, hoa thiên lý trinh, bình bát, chòi mòi, muồng cua, bồ công anh... và được ông mua ở An Giang, TPHCM, một số loại thì ông lên rừng hái về sao chế.

Từ khi mở phòng khám từ thiện cho đến nay, lương y Phan Thành Nguyên đã chữa khỏi bệnh, giảm bệnh cho khá nhiều người, trong đó không ít bệnh nhân đã bị bệnh viện trả về.

Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, anh Nguyễn Thanh Nhất trú tại thôn 6, xã Cư Ma Lanh, thỉnh thoảng vẫn đến thăm ân nhân của mình. Anh Nhất kể năm 2009 anh bị xơ gan, bụng chướng to, đến bệnh viện điều trị một tuần thì bệnh viện trả về. Về nhà anh nằm một chỗ, sức khỏe suy kiệt, người nhà xác định tư tưởng lo hậu sự cho anh.

Khi bác sĩ Nguyên đến khám rồi đưa cho anh mấy thang thuốc bảo rằng thang đầu tiên sẽ là thang quyết định anh có qua được không, rồi tự tay đi sắc thuốc nói anh Nhất phải uống bằng hết chén thuốc đầu tiên.

Sau khi uống xong chén thuốc đầu tiên khoảng 10 phút thì anh Nhất nôn ra máu, toàn máu bầm đen. Vợ con anh thấy vậy khóc lóc ầm lên nghĩ anh không qua khỏi, nhưng bác sĩ Nguyên lại thở phào, bảo máu độc ra được thì việc điều trị sẽ thuận lợi. Anh Nhất sau đó vẫn uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ Nguyên thì 5 ngày sau anh bắt đầu thèm cơm, 7 ngày sau ăn được cơm và một tháng sau anh gần như bình phục. Để chắc chắn anh đến bệnh viện khám thì được kết luận hoàn toàn khỏe mạnh.

Hay như trường hợp của anh Y Jiêm Kdrai (xã Ea K’Tur, huyện Cư Kuin) được gia đình đưa về sống đời sống thực vật sau khi tai biến, nằm phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk 2 tháng. Sau 3 tháng uống thuốc của thầy Nguyên, anh Y Jiêm đã bập bẹ tập nói, tự cầm thìa xúc cơm ăn được.

Trọn nghĩa lương y

Tuy nhiên khá nhiều người thấy bất ngờ khi bác sĩ Nguyên không phải là chủ nhân của Phòng khám từ thiện này. Năm 2008, ông Lư Văn Chiêu - chủ DNTN Phát Đạt ở xã Chư Ma Lanh, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị ung thư tuyến tiền liệt, chạy chữa khắp nơi, uống đủ loại thuốc không thuyên giảm.

Một lần về quê ở tỉnh An Giang, ông Chiêu nghe nói lương y Phan Thành Nguyên từng cứu mạng nhiều người nên tìm đến. Sau một thời gian uống thuốc, sức khỏe ông Chiêu tiến triển tốt, sau đó khỏi bệnh một cách kỳ diệu. Nghĩ mình từ cõi chết trở về, ông Chiêu cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tìa phát tâm làm việc thiện, mở phòng khám từ thiện ở huyện Ea Súp và mời lương y Phan Thành Nguyên đến chữa bệnh miễn phí.

Kể từ đó cho đến nay, bác sĩ-lương y Phan Thành Nguyên vẫn gắn bó với phòng khám, với những bệnh nhân để giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật. Được biết vợ và các con ông hiện ở An Giang, nhưng ông vẫn gắn bó với nơi đây, ông bảo: “Người dân ở đây còn nghèo khổ, thiếu thốn quá, mắc bệnh mà không có tiền chữa trị nên tôi muốn ở lại giúp. Vợ con tôi luôn ủng hộ, động viên nên tôi rất yên tâm làm việc”.

   - Ảnh 2

Bác sỹ Nguyên khám bệnh cho bệnh nhân.

Với việc làm nhân nghĩa của mình, lương y Phan Thành Nguyên đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều tổ chức từ thiện và mới đây một phòng khám nhân đạo y học cổ truyền đã được khai trương tại số 60 đường Hai Bà Trưng, tổ 10, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông.

Đây là phòng khám y học cổ truyền đầu tiên tại Đắk Nông và phòng khám này do bác sĩ, lương y Phan Thành Nguyên phụ trách. Mọi hoạt động khám chữa bệnh, bốc thuốc tại phòng khám đều miễn phí. Phòng khám hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần (thứ 7, chủ nhật nghỉ). Buổi sáng, phòng khám bắt đầu khám bệnh, bốc thuốc vào lúc 7h – 11h và buổi chiều bắt đầu từ lúc 13h đến 17h.

Tham dự lễ khai trương phòng khám nhân đạo y học cổ truyền, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, đây là phòng khám nhân đạo đầu tiên và duy nhất tại Đắk Nông. Bà cũng nhấn mạnh rằng, phòng khám nhân đạo này sẽ giúp bà con tiếp cận và sử dụng cây thuốc Nam vào việc điều trị bệnh.

Điều này sẽ giúp bệnh nhân giảm chi phí điều trị bệnh cũng như có thể tận dụng lợi thế của Đông y vào điều trị những bệnh mà Tây y chưa thể can thiệp và chữa trị dứt điểm. Bà mong muốn bác sỹ - lương y Phan Thành Nguyên sẽ gắn bó lâu dài với tỉnh Đắk Nông để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Vì tinh thần làm việc cũng như những đóng góp trong thời gian qua, bác sỹ - lương y Nguyên đã nhận được rất nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban chấp hành Trung ương Đông y Việt Nam, Ban chấp hành Hội Đông y tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với lương y Nguyên, ông luôn cố gắng để chữa được nhiều bệnh cho càng nhiều người càng tốt, để được trọn nghĩa với hai chữ “lương y”.

Văn Phương

Video tham khảo:

Gặp người phụ nữ nuốt 250 con thằn lằn để chữa bệnh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý