Chuyện cảm động về cựu phạm nhân tặng quản giáo 2 chiếc ách cày

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Chuyện cảm động về cựu phạm nhân tặng quản giáo 2 chiếc ách cày

(ĐSPL)  Thành vi phạm pháp luật và bị bắt vào năm 2010 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Được sự động viên, giúp đỡ của một cán bộ quản giáo, Thành đã chấp hành xong bản án. Cảm kích trước tấm lòng của người quản giáo ấy, Thành trở lại trại với món quà là hai chiếc... ách cày.

05/03/2015 11:16 PM
444

Người quản giáo công tâm

Tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của Trại giam số 3 (Tổng cục VIII – Bộ Công an) tổ chức vào cuối tháng 1/2015 vừa qua, tôi đã được nghe câu chuyện rất cảm động từ lời kể của một cán bộ quản giáo.

Đại úy Võ Tuấn Anh, cán bộ quản giáo thuộc Phân trại số 1 đã mang đến hội nghị câu chuyện của cá nhân anh với một “cựu” phạm nhân, khiến cho nhiều đại biểu tham dự xúc động. Tôi tạm đặt tên cho câu chuyện đó là: Hai chiếc ách cày.

 - Ảnh 1

Đại úy Võ Tuấn Anh tham gia giao lưu tại Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua Vì ANTQ.

Đại úy Anh cho biết, gắn bó với công việc của một quản giáo đã nhiều năm, chứng kiến nhiều câu chuyện buồn vui trong trại, trong đó cuộc đời của “cựu” phạm nhân Võ Khắc Thành (SN 1970, quê ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình) để lại trong anh nhiều suy tư hơn cả.

Phạm nhân này bị bắt vào ngày 19/7/2010 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và đã từng có một tiền án cùng tội danh trên. Đại úy Anh để ý từ khi vào Trại giam số 3, Thành rất tích cực lao động, luôn hoàn thành chỉ tiêu trại đặt ra, thái độ cải tạo tốt, thậm chí có nhiều sáng kiến đóng góp tích cực trong lao động sản xuất, nhưng kết quả xếp loại cải tạo không vượt quá mức trung bình. Hỏi ra mới hay, chỉ vì phạm nhân này không có số tiền 5,2 triệu đồng nộp hình phạt bổ sung.

Tìm hiểu thêm về trường hợp này, Đại úy Anh được biết, Võ Khắc Thành có 2 vợ và 3 đứa con. Thành từng có một tổ ấm hạnh phúc ở quê nhà. Nhưng sau 20 năm chung sống với gia tài là 3 đứa con gái, hạnh phúc ấy bị rạn nứt, dẫn đến tan vỡ, đường ai nấy đi. Chán nản chuyện gia đình, Thành dạt vào Thanh Hóa lập nghiệp.

Tại đây, Thành gặp người đàn bà thứ hai. Không có nghề nghiệp ổn định, Thành làm đủ mọi việc, miễn là có tiền, từ lái xe ôm, phụ hồ, bốc vác... Sau đó, do không làm chủ được bản thân trước cám dỗ của đồng tiền, Thành sa chân vào con đường buôn bán ma túy. Đến tháng 7/2010, Thành bị bắt.

Kể từ khi vào trại, Thành chưa một lần được người thân thăm nuôi. Khi biết chuyện, Đại úy Anh luôn trăn trở về trường hợp này. Suy nghĩ tìm cách để giúp cho phạm nhân Thành được xếp loại khá và xét giảm án theo tiêu chuẩn luôn thường trực trong anh. Anh trực tiếp đến gặp riêng Võ Khắc Thành, động viên phạm nhân này viết thư về cho gia đình trình bày hoàn cảnh, xin tiền đóng án phí.

Tuy nhiên, bức thư Thành gửi về cho gia đình, suốt một thời gian dài không có hồi âm. Cả phạm nhân Thành lẫn cán bộ quản giáo đều thấp thỏm chờ đợi. Thời gian này, Đại úy Võ Tuấn Anh cũng hướng dẫn Thành viết tiếp đơn trình bày hoàn cảnh gửi tới các cơ quan pháp luật.

Sau khi Thành bị bắt, cuộc sống gia đình ở quê có nhiều biến động, mọi người đều đã ly tán, tha phương cầu thực xứ người. Bức thư Thành gửi về đã lâu nhưng không có hồi âm là vậy. Người quản giáo ấy vẫn không bỏ cuộc, anh tiếp tục động viên Thành viết bức thư gửi tới những người hàng xóm, nơi Thành sống trước đây để nhờ giúp đỡ. Cũng trong bức thư ấy, anh viết thêm mấy dòng gửi gắm.

Không ngờ một tháng sau, Thành nhận được thư hồi âm của hàng xóm cũ. Phạm nhân này tay run run cầm lá thư mà ứa nước mắt vì xúc động. Còn Đại úy Anh nhận tin đó như chính niềm vui của mình. Nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng cho mượn, phạm nhân Võ Khắc Thành đã nộp được khoản tiền phạt và được xếp loại khá, đồng thời được xét giảm án theo quy định. Một thời gian sau, Thành được ra tù trước thời hạn.

Nhớ lại ngày về của phạm nhân này, Đại úy Anh cho biết, khi nhìn thấy Thành lủi thủi bước ra khỏi cánh cổng trại giam mà không có một người thân nào tới đón, anh thương lắm. Như có một điều gì đó thôi thúc khiến anh chạy đuổi theo Thành, dúi vào tay Thành 600 nghìn đồng làm lộ phí về quê và chiếc điện thoại “cục gạch” của mình, để Thành tiện liên lạc. Thành tạm biệt người quản giáo mà nước mắt lăn dài.

Và món quà đặc biệt

Sau khi bước ra khỏi cánh cổng trại giam, với số tiền người quản giáo dúi vội lúc chia tay, Thành trở về Thanh Hóa cùng vợ hai làm lại cuộc đời. Nghĩ đến tấm lòng của Đại úy Anh và những hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ mình, Thành quyết tâm hoàn lương. Thành chăm chỉ lao động, không sa vào các tệ nạn xã hội, nên dần dần cũng tích góp và trả đủ số tiền đã mượn để nộp hình phạt bổ sung.

Thời gian đầu tái hòa nhập cộng đồng, với hai bàn tay trắng, không người thân thích, Thành gặp không ít khó khăn. Nhưng nghĩ đến ánh mắt hy vọng của vị quản giáo nhân hậu ấy, Thành lại quyết chí vượt qua, quyết không nghe theo những lời rủ rê quay về đường cũ của nhóm người xấu.

Giữa tháng 3/2014, sau khi cuộc sống đang dần ổn định, Thành trở lại Trại giam số 3 để xin gặp Đại úy Anh. Thành muốn để người quản giáo ấy biết được rằng mình đã thực sự hoàn lương. Hai người đàn ông gặp nhau vẫn còn những khoảng cách cán bộ - phạm nhân, nhưng họ đều thấy vui.

Điều khiến Đại úy Anh ngạc nhiên và xúc động hơn cả, chính là món quà mà Thành mang đến. Hai chiếc ách cày đã được Thành buộc chặt sau xe máy chạy một quãng đường dài từ Thanh Hóa vào tận huyện Tân Kỳ (Nghệ An) để làm quà cho Đại úy Anh và Đội 12, nơi anh đang quản lý. Món quà này do chính tay Thành tự đục đẽo lấy, gắn liền với công việc thường ngày của cả đội. Anh rất trân trọng món quà mộc mạc này, bởi đó còn là tình cảm chân thành của một con người lầm lỗi đã biết quay đầu hướng thiện.

Sau lần trở lại trại đó, Thành về gia đình, tiếp tục công việc, cần mẫn, rèn giũa bản thân trên bước đường hoàn lương của mình. Còn Đại úy Anh, mỗi lần nhìn hai chiếc ách cày mà “cựu” phạm nhân Võ Khắc Thành tặng, anh luôn dặn lòng phải biết đồng cảm với những người xung quanh hơn, dẫu họ đã từng có quá khứ lệch lạc.

Nói thêm về Đại úy Võ Tuấn Anh, theo chia sẻ của một số cán bộ Trại giam số 3, chúng tôi được biết, trong thời gian công tác tại Đội 12, anh Anh được đánh giá là người có trái tim nhân hậu, luôn hết lòng giúp đỡ người khác, được đồng nghiệp tin yêu, phạm nhân kính trọng. Gặp bất cứ ai khó khăn, anh đều giúp. Trong câu chuyện góp vui bên bát nước chè trong trại, các quản giáo đã kể cho tôi nghe một ví dụ cụ thể. Hôm đó là một ngày đầu tháng 6/2013, trong lúc đang làm nhiệm vụ đưa các phạm nhân trong đội đi lao động sản xuất bên ngoài khuôn viên trại, Đại úy Anh gặp một người bị tai nạn giao thông, nằm bất tỉnh bên lề đường. Không một phút suy nghĩ, anh chạy lại làm công tác sơ cứu, rồi nhờ người đi đường cùng mình đưa nạn nhân vào bệnh viện.

Trong lúc cứu người, anh Võ Tuấn Anh đã nhặt được chiếc ví (bên trong có nhiều tiền) và chiếc điện thoại của nạn nhân. Sau khi người gặp nạn được đưa đi cấp cứu, anh đã đến UBND xã gần đó để giao nộp lại toàn bộ tài sản trên. Đây chỉ là một trong số những việc tốt anh đã từng làm để giúp đỡ người khác. Những hành động thiết thực này đã khiến người dân và chính quyền địa phương, đặc biệt là gia đình những người gặp nạn rất cảm động, khâm phục.

Đại úy Anh tâm niệm, làm người là phải có tâm, biết giúp đỡ lẫn nhau. Thấy người khó khăn, hoạn nạn, mình giúp được gì cho họ thì nên giúp. Những phạm nhân tuy có một quá khứ lầm lỗi, nhưng cần cho họ một niềm tin để có động lực hướng thiện.

LOAN NGUYỄN

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý