Chuyện cán bộ huyện từ chối tiền tỉ để bảo tồn hơn 40 cây xà cừ

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Chuyện cán bộ huyện từ chối tiền tỉ để bảo tồn hơn 40 cây xà cừ

Sau 2 năm được “cứu” khỏi nguy cơ bị chặt bỏ, hơn 40 cây xà cừ có tuổi thọ trên 100 năm vẫn tỏa bóng.

29/03/2015 04:18 PM
14

Trong quá trình mở rộng Quốc lộ 8A, đoạn đi qua xã Đức Long, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), buộc phải phá bỏ hơn 40 cây xà cừ được trồng từ những năm 1960. Khi nghe tin, rất nhiều thế hệ người dân Đức Thọ lo lắng, đứng ngồi không yên.

Bởi, hàng cây này mang nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa, gắn liền với tiến trình phát triển của địa phương. Thậm chí, nó còn được xem là hình tượng của người dân Đức Thọ anh hùng. Thế nhưng, nhờ một quyết định đúng đắn của UBND huyện này, hàng cây xanh ấy đã thoát được “án tử”. Và sau 2 năm di dời, những cây xà cừ ngày nào đã bén rễ, đẻ nhánh, vươn mình tỏa bóng dọc Quốc lộ 8A.

Nỗ lực cứu sống hàng cây

Hôm nay, đi trên Quốc lộ 8A, đoạn qua xã Đức Long, con đường đã được mở rộng rãi, thênh thang, rợp bóng cây xanh mát, lòng người dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thấy vui.

Thay vì bị “bức tử”, những cây xanh này được duy trì sự sống, tiếp tục căng nhựa với đời.

 - Ảnh 1

Sau 2 năm di dời, hàng cây cổ thụ đã hồi sinh sức sống bên Quốc lộ 8A.

Trước đó, dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 8A, đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh lên thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), do Ban quản lý đường bộ IV của bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 1.200 tỉ đồng. Dự án này được phê duyệt, triển khai nhằm đưa Quốc lộ 8A trở thành một huyết mạch quan trọng trong việc đẩy mạnh hợp tác giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam với nước bạn Lào.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng đã xuất hiện một vấn đề nan giải, khiến đông đảo người dân Đức Thọ lo lắng. Đó là hàng chục cây xà cừ được trồng từ năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác Hồ đang có nguy cơ bị chặt bỏ.

Với quyết tâm bảo vệ hàng chục cây xà cừ có giá trị lịch sử, văn hóa, thời gian ấy, UBND huyện Đức Thọ đã kiến nghị tỉnh cũng như nhiều lần làm việc với Ban quản lý tìm phương án hợp lý nhất, vừa không làm ảnh hưởng tới dự án, vừa đảm bảo sự sống còn cho hàng cây.

Quá trình làm việc, hai bên đã đi đến thống nhất di dời, trồng lại gần 2/3 số cây trên ở vị trí mới của Quốc lộ 8A. Số cây còn lại không phải di dời vì chủ đầu tư đã tiến hành điều chỉnh tuyến trong quá trình nhà thầu thi công nâng cấp quốc lộ.

Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Tài chính huyện Đức Thọ cho biết: “Quá trình triển khai, huyện Đức Thọ chịu chi phí giải phóng mặt bằng, còn Ban quản lý đường bộ IV chịu chi phí di dời hơn 10 triệu đồng/cây. Ngoài ra, cả hai bên quyết định chỉ thanh toán chi phí khi cây trồng sống để ràng buộc với nhà thầu”.

Chiều ngày 03/1/2013, hàng chục cây xà cừ cổ thụ trên Quốc lộ 8A đã được di dời. Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thắng Trung được tin cậy đảm nhận công việc này. Đây là một công ty có uy tín lâu năm trong việc tiến hành di dời, trồng mới các công trình quan trọng tại một số tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

 - Ảnh 2

Quá trình di dời cây cổ thụ vào ngày 03/1/2013.

Và sau 2 năm về vị trí mới, đến nay, theo kiểm tra, đánh giá của UBND huyện Đức Thọ và Ban quản lý, số lượng cây được di dời đảm bảo sống 100%. Như vậy, hằng ngày người dân lưu thông qua đây vừa có đường đẹp để đi, lại vừa được hàng cây cổ thụ tỏa bóng che mát.

Một quyết định hợp lòng dân

Nói chuyện với PV, cụ Phạm Văn Mãn (81 tuổi), trú tại xóm Cầu Đôi 1, xã Đức Long (có nhà ở ngay cạnh hàng cây) vui vẻ cho biết: “Tui thấy giải pháp thay vì chặt những cây cổ thụ có tuổi thọ lâu đời ấy bằng việc di dời chúng về vị trí mới là rất hợp lý. Hồi đó, khi nghe tin để phục vụ cho việc mở rộng đường Quốc lộ 8A, buộc phải chặt bỏ hết những cây này, bà con rất lo lắng vì từ khi mô đến dừ, hàng cây như một hình ảnh, biểu tượng thân quen của người dân Đức Thọ rồi. Tôi cũng dám chắc dãy cây này là hàng cây đẹp nhất trong tỉnh, khi nhiều du khách đi qua ghé lưu lấy những tấm hình”.

Là một trong những người gắn bó lâu dài nhất với hàng cây xanh này cho đến nay, ông Nguyễn Văn Luận (83 tuổi), cựu Chủ tịch UBND xã Sơn Long (Đức Thọ) kể lại quá khứ cho chúng tôi nghe: “Sở dĩ người ta bảo hàng cây này gắn với lịch sử của huyện Đức Thọ là vì nó có công lao rất lớn trong các cuộc chiến tranh.

Năm 1964, khi địch đánh vào ga Đức Lạc (Đức Thọ), nhờ có hàng cây này, người dân đã có chỗ trú ngụ, lá cây để ngụy trang che mắt quân thù. Khi nào không có máy bay địch rà qua, mọi người lại tăng gia sản xuất. Nhờ có hàng cây tỏa bóng mát, bà con ngồi nghỉ ngơi sau những đường cày, trẻ chăn trâu cũng có nơi chơi đáo...

Tuổi thơ của chúng tôi gắn với hàng cây này nên nhiều người rất hoang mang, lo lắng khi nghe tin phải chặt bỏ chúng để mở rộng đường đi. May nhờ cán bộ UBND huyện Đức Thọ hồi đó có hướng giải quyết đúng đắn. Việc cho di dời hàng cây thay vì chặt bỏ đi rất hợp lý, lại thuận lòng dân. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn một giá trị lịch sử của địa phương.

Sau này, mỗi lần muốn kể cho con cháu nghe về một thời hào hùng của dân tộc, của quê hương, chúng tôi còn có chứng tích mà nói. Ngay cả bây giờ, ở cái tuổi 83, thỉnh thoảng tôi vẫn đạp xe đi dưới hàng cây, ngắm nhìn nó và ôn lại cái thời hào khí ấy”.

 - Ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Luận: “Đó là một giải pháp hợp lý, được lòng dân”.

Chị Nguyễn Thị Hợi (SN 1983), chủ quán nước vui vẻ bảo: “Không trải qua thời kỳ chiến tranh, nhưng với lớp trẻ như vợ chồng em, dãy cây xà cừ này rất có giá trị. May mắn có được 2 cây ở ngay vị trí trước cổng nhà, quanh năm suốt tháng không khí trong nhà em mát rượi. Đường vẫn được làm đẹp, không còn bụi mù mịt như xưa mà mấy cây cổ thụ này vẫn sống, rứa là đẹp cả đôi đường”.

Từ chối hàng tỉ đồng để giữ lại sự sống cho cây

Ông Trần Hữu Hùng cho biết thêm: “Khi nghe nhà thầu thông báo phải chặt bỏ hàng cây để mở rộng Quốc lộ 8A, chúng tôi, vừa là những người cán bộ, vừa là những người con của Đức Thọ đã đứng trước một bài toán khó. Phần lớn số cây phải chặt đều là cây lâu năm, có đường kính lớn, thậm chí có cây đường kính 1m50. Nếu tiến hành chặt cây rồi bán đi thì cho giá trị kinh tế rất cao.

Hồi đó, một số chủ gỗ nghe ngóng được thông tin, cũng đã đặt vấn đề thu mua lại với giá tiền tỉ. Thế nhưng, đứng trước mong muốn giữ lại một phần chứng tích lịch sử của bà con địa phương, chúng tôi quyết tâm phải bằng mọi cách giữ lấy hàng cây này. Đó là sự quyết tâm rất cao của cán bộ và nhân dân huyện nhà.

Chúng tôi đã xin ý kiến của tỉnh, rồi nhiều lần làm việc với Ban quản lý để tìm phương án giữ lại chúng. Cuối cùng, chúng tôi đã đi đến thống nhất di dời một số cây, và số còn lại thì được nắn tuyến để không phải chặt bỏ. Không thể diễn đạt hết niềm vui của cả huyện lúc ấy. Hồi đó, dân đồng tình lắm, thậm chí để phục vụ di dời, phải đào những cái hố rất to ngay cạnh nhà, trong sân vườn..., vậy mà họ vẫn vui vẻ cho mình đào!

Video xem thêm:

Chặt hạ cây xanh: Ai xé những tờ giấy 'kêu cứu'?

Chi phí di dời một cây mất trên 10 triệu đồng, tổng số tiền sử dụng gần 200 triệu đồng. Sau khi tính toán kinh tế, thấy việc bỏ ra từng đó, ngân sách huyện có thể đáp ứng được, chúng tôi đã quyết làm”.

Kết thúc buổi làm việc với ông Hùng, tôi chợt nghĩ, giá mà chúng ta có nhiều cán bộ tâm huyết với cây, hiểu lòng dân thì các “cụ” cây ở Hà Nội và nhiều nơi khác không phải ứa lệ như vậy.

Tôi cũng nhớ đến câu nói của anh Nguyễn Văn Hà (chồng chị Hợi): “Mấy bữa nay xem thời sự thấy dân tình phản đối dữ dội chuyện chặt hàng loạt cây xanh ngoài Hà Nội, tôi càng thấy cán bộ huyện mình làm đúng”.

Loan Nguyễn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý