Chuyện ít biết về làng tò he

biettuot biettuot @biettuot

Chuyện ít biết về làng tò he

Ở làng tò he Xuân La (xã Phượng Rực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) dịp gần tết người dân lại gói gém đồ nghề rời khỏi làng đi tứ xứ.

07/01/2016 10:08 AM
65

Trái hẳn với những ngôi làng khác mỗi dịp cuối năm là sự náo nức, nhộn nhịp của những người con làm ăn xa trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, thì những người làm tò he ở Xuân La lại tỏa đi khắp nơi để mưu sinh mỗi dịp lễ Tết.  Trong mỗi gia đình chỉ còn lại những người già và trẻ nhỏ.

 “Tết đến xuân về là lúc mọi người quây quần sum họp với gia đình, nhưng lại là mùa người dân Xuân La phải xa gia đình để tha hương hành nghề”. Ông Đặng Đình Bé, một người làm tò he lâu năm chia sẻ.

Chuyện ít biết về làng tò he

Người làng Xuân La thường tỏa đi các nơi để bán tò he

Ông Nguyễn Văn Thuận (một người nghệ nhân đã từng được mời sang Nhật dự triển lãm làng nghề Việt Nam năm 2005) tâm sự: “Nghề làm tò he đã có từ lâu nhưng chẳng ai biết được chính xác là có từ bao giờ. Đến như cụ thân sinh ra tôi, gắn bó với nghề đến khi mắt mờ chân chậm mà cũng không biết là nghề có từ khi nào. Thời trước chúng tôi chỉ gọi nôm na nghề này là nặn chim cò. Chứ còn cái tên tò he là sau này mới có do xuất hiện trên tivi, báo, đài…”.

Chuyện ít biết về làng tò he

Các con vật ngộ nghĩnh được làm bởi bàn tay khéo léo của người dân xã Xuân La

Ở những phiên chợ quê hay dịp hội đầu xuân, người làng Xuân La thường nặn những con giống mang đi bán để làm quà cho trẻ chơi ngày hội xuân. Từ chỗ là nghề làm trong lúc nông nhàn, giờ đây nghề nặn tò he của người làng Xuân La được duy trì hoạt động quanh năm. Vào dịp đầu năm, người làng tỏa đi các lễ hội ở khắp nơi, hết hội này lại đến hội khác. Vào mùa lễ hội từ tháng giêng đến tháng 3, người làng Xuân La hiếm khi nào có mặt ở nhà.

Ông Thuận chia sẻ: “Mỗi lần đi xa như vậy, chúng tôi chỉ cần mang theo bột khô với nồi niêu xoong chảo là có thể đi hết hội này tới hội khác. Người đi gần thì đến các làng lân cận, xa hơn thì đến Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí cả đất Mũi Cà Mau.Thường thì chúng tôi đi cho đến hết hội xuân mới về, trừ khi ở nhà có công việc gì đột xuất cần lắm chúng tôi mới trở về nửa chừng”.

Chuyện ít biết về làng tò he

Tò he được cắm vào que tre với nhiều hình thù bắt mắt

Tò he giờ đã được khắp nơi biết đến. Ở miền Bắc, mỗi dịp lễ hội, hình ảnh những người nặn tò he đã trở thành quen thuộc đối với những du khách đi thưởng xuân. Chỉ cần một hộp gỗ trong có chứa các thứ đồ nghề như bột nặn, que tre... là các “nghệ nhân” có thể đi khắp mọi nơi, từ lễ hội này sang lễ hội khác.

Thời nay tò he phổ biến trong các dịp lễ hội là loại được nặn cắm vào que tre với đầy đủ hình thù bắt mắt từ hình ảnh gắn liền với nông nghiệp như: con trâu cái cày, con gà, con lợn cho đến cả những con vật linh thiêng cổ quái như: con Rồng, kỳ Lân, hay các nhân vật trong hoạt hình như Doremon, siêu nhân… đều được những bàn tay tài hoa của người thợ nặn tò he tạo ra, chỉ với những động tác véo bột vê vê bằng hai ngón tay trỏ và ngón tay cái rất linh hoạt. Trong ít phút, từ những cục bột vô tri vô giác bỗng chốc “hóa” thành một vật có hồn.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý