Chuyện ít biết về nơi Vọoc gáy trắng sống chung với người

daikieu daikieu @daikieu

Chuyện ít biết về nơi Vọoc gáy trắng sống chung với người

Ở vùng Thạch Hóa xa xôi của tỉnh Quảng Bình có những con người tình nguyện bảo vệ loài Voọc và chúng đã trở thành người bạn thân thiết với người dân nơi đây.

09/02/2016 09:49 AM
12

(ĐSPL) - Voọc gáy trắng là loài động vật hoang dã nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam. Ngoài Hà Tĩnh thì Quảng Bình được xem là nơi lý tưởng cho loài Voọc sinh sống. Điều đặc biệt, ở vùng Thạch Hóa xa xôi có những con người tình nguyện bảo vệ loài Voọc và chúng đã trở thành người bạn thân thiết với nhiều người dân nơi đây.

Đội quân tình nguyện bảo vệ Voọc

Trong khi các loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì sự tàn phá của con người thì chắc hẳn sự gắn bó giữa con người và loài vật sẽ làm nhiều người hoài nghi. Nhưng khi đến với xã Thạch Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) sẽ làm cho chúng ta ngộ ra nhiều điều.

Ở một nơi tưởng chừng như xa xôi ấy lại có những con người thật văn minh và biết nhìn ra giá trị đích thực mà thiên nhiên ban tặng cho họ. Họ luôn nâng niu trân trọng, tìm cách bảo vệ, quyết tâm duy trì đến cùng để Voọc và người cùng tồn tại mãi mãi.

Từ trung tâm tỉnh Quảng Bình, phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được với xã Thạch Hóa. Địa hình nơi đây phần lớn là núi đá vôi, với cây cối còn khá um tùm, người dân chủ yếu dựng nhà và sản xuất ngay dưới chân núi.

Một cán bộ kiểm lâm cho chúng tôi hay, chính điều kiện thiên nhiên như thế là nơi lý tưởng để loài Voọc gáy trắng sinh sống. Tại đây, khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về loài Voọc này, cụ Nguyễn Văn Đông (80 tuổi), một người dân xã Thạch Hóa hồ hởi giới thiệu với dáng vẻ say sưa và tự hào.

Cụ Đông cho biết: “Cách đây 20 năm, loài Voọc đã chọn sinh sống ở đây rồi. Lúc đó tới giờ, mọi người cứ gọi là vượn thôi chứ không biết là Voọc gáy trắng đâu. Mỗi lúc tôi ra sau vườn để sản xuất là bọn Voọc nó xuống như để trò chuyện với tôi ấy. Có khi nó còn xuống quấn lấy chân tôi luôn. Điều hay là ở đây chúng tôi trồng nhiều ngô, khoai, sắn, lạc nhưng chưa khi nào bị chúng phá phách hay lấy trộm cả”.

Ánh mắt đầy tự hào và say sưa của cụ Đông cũng đã giải đáp được phần nào thắc mắc về sự gắn bó giữa người dân Thạch Hóa và loài Voọc này. Có lẽ sự quý trọng loài Voọc của cụ Đông đã tiếp thêm ý chí và sức mạnh cho người con trai Nguyễn Thanh Tú trở thành người đi đầu trong công tác bảo vệ loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này.

Chuyện ít biết về nơi Voọc gáy trắng sống chung với người - Ảnh 1Phóng to

Chuyện ít biết về nơi Voọc gáy trắng sống chung với người - Ảnh 2Phóng to

Ông Nguyễn Thanh Tú với công việc bảo vệ đàn Voọc của mình.

Vốn là một chiến sỹ biên phòng khi được về nghỉ chế độ, ông Tú mới có nhiều thời gian quan tâm đến loài linh trưởng hiền lành này. Ông Tú tâm sự: “Trước đây, khi đang đi làm nhiệm vụ của chiến sỹ biên phòng tôi đã từng được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình mời đi tập huấn để nhận biết và bảo vệ các loài linh trưởng. Rồi khi trở về quê hương lại nghe mọi người nói là ở Thạch Hóa có vượn chứ không hề biết là Voọc đâu.

Trong một lần tình cờ đi làm rẫy, trong lúc mắc võng nằm nghỉ, tôi thấy có tiếng gì sột soạt trên ngọn cây rồi thấy con gì giống con vượn. Đến khi chúng xuống gần thì tôi thấy có cái gáy trắng, còn đuôi thì dài. Sau đó, tôi gọi cho tổng đài của nơi bảo vệ động vật quý hiếm nhưng mãi không có hồi âm. Lúc đó là vào năm 2012.

Một thời gian sau, biết tin có nhiều cá thể voọc đã bị người dân giết hại, tôi đã báo với lực lượng kiểm lâm và được Chi cục kiểm lâm Quảng Bình ra tay kịp thời".

Ông Tú cho biết thêm, sau khi lực lượng kiểm lâm chứng kiến sự có mặt của nhiều cá thể Voọc, họ cũng khuyến khích ông bảo vệ đàn Voọc nếu thực sự có tâm huyết. Thế là như được tiếp thêm sức mạnh, không có một đồng tiền lương hay trợ cấp nào, ông Tú hàng ngày lầm lũi vào những nơi có Voọc sinh sống để kiểm tra xem có điều gì bất thường không, rồi đi vận động bà con không giết hại Voọc.

Nhiều người thấy ông tâm huyết và say mê với loài Voọc nên cũng tình nguyện vào tổ cộng đồng của ông để cùng nhau bảo vệ. Hiện nay, tổ cộng đồng của ông đã có 9 người tình nguyện bảo vệ Voọc. Bất kể vào thời gian nào và hễ có động tĩnh gì nơi đàn Voọc sinh sống là mọi người tự giác có mặt ngay. Vì thế cho nên cái tên Tú “Voọc” cũng gắn ông từ đó. Đến nỗi khi ông bước ra đường thì câu đầu tiên hàng xóm hỏi ông là câu “Đi lên thăm Vọoc hả chú?”. Mỗi lần nghe hỏi điều này, cũng làm ông Tú rất đỗi xúc động và có phần tự hào.

“Lúc đầu, nhiều người thấy tôi làm việc này họ cũng buồn cười vì họ cho là tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng sau đó có cơ quan chức năng vào cuộc, tuyên truyền, vận động nên người dân nơi đây đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ loài Voọc rồi!", ông Tú vui vẻ nói.

Cần lắm sự chung tay bảo vệ loài Voọc của cả cộng đồng

Loài Voọc gáy trắng được công bố khoa học đầu tiên vào năm 1970. 25 năm sau mới được ghi nhận và phát hiện lại ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (năm 1995). Và vào đầu năm 2015, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã vào cuộc, xác nhận loài Voọc gáy trắng đang có mặt ở xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, huyện Tuyện Hóa. Đây là phát hiện mới về phân bố có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn loài Linh trưởng quý hiếm này trong bối cảnh các quần thể Voọc gáy trắng tại các khu vực khác đang bị suy giảm về số lượng.

Chuyện ít biết về nơi Voọc gáy trắng sống chung với người - Ảnh 3Phóng to

Chuyện ít biết về nơi Voọc gáy trắng sống chung với người - Ảnh 4Phóng to

Một số hình ảnh đàn Voọc ở xã Thạch Hóa.

Tuy nhiên hiện nay, khu vực mới phát hiện này đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: săn, bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi… Tất cả những yếu tố trên là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến công tác bảo tồn quần thể Voọc gáy trắng. Vì vậy, việc xây dựng phương án bảo tồn khẩn cấp loài Voọc gáy trắng tại các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác kiểm lâm.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho hay, việc bảo tồn Voọc gáy trắng phải được tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với điều kiện hiện nay. Vì thế, sau khi quần thể Voọc gáy trắng được phát hiện, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp tại tỉnh Quảng Bình đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các giải pháp tạm thời nhằm bảo vệ quần thể Voọc gáy trắng khỏi nguy cơ tác động tiêu cực của con người.

Đặc biệt, Chi cục đã kết hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước, chuyên gia Linh trưởng Việt Nam và tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát và hội thảo về quần thể Voọc gáy trắng tại địa bàn hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa nhằm xây dựng phương án bảo tồn quần thể Voọc gáy trắng.

Ông Thái cho biết thêm: “Việc quy hoạch và xây dựng đề án bảo tồn loài và sinh cảnh đối với quần thể Voọc gáy trắng là hết sức cấp bách và cần phải làm ngay. Trong đó lưu ý đến việc đưa bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc gáy trắng vào quy hoạch của tỉnh, xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc gáy trắng, xây dựng các bước điều tra cụ thể tạo cơ sở khoa học để thành lập khu bảo tồn”.

Hiện số lượng đàn Vọoc gáy trắng được ghi nhận khoảng 10 đàn với số lượng khoảng 115 cá thể bao gồm con non và con trưởng thành sinh sống trên diện tích 175 ha thuộc 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa.

Và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đang đề xuất thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc gáy trắng nhằm có chiến lược bảo vệ tốt hơn cho loài Voọc gáy trắng này. Đồng thời, với những gì đã cống hiến không mệt mỏi cho việc bảo vệ loài Voọc, cá nhân ông Nguyễn Thanh Tú đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong công tác bảo vệ rừng.

XUÂN HƯƠNG

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý