Chuyện kể về nhà thầu khoán đào hầm chứa vũ khí trong lòng địch

daikieu daikieu @daikieu

Chuyện kể về nhà thầu khoán đào hầm chứa vũ khí trong lòng địch

Ông Trần Văn Lai trong vai nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, nhận trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập, một cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn.

28/04/2016 10:16 PM
20

Một trong số đó là nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, tức Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm U.S.O.M) được cấp trên tin tưởng giao phó.

Từ vỏ bọc nhà thầu khoán…

Ông Trần Văn Lai quê ở một vùng quê nghèo xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 13 tuổi, ông rời quê lên tỉnh, giúp việc nhà cho một ông chủ người Pháp. Khi người Pháp này về nước, số phận run rủi đưa ông đến giúp việc cho quan Án sát Phạm Gia Nùng. Nhờ khôn khéo, Trần Văn Lai được nhận làm cháu trong gia đình của quan Án sát. Do đó, khi tham gia cách mạng, với lý lịch vô cùng thuận lợi ấy, ông được tổ chức đưa vào Sài Gòn làm tình báo.

Để được hoạt động an toàn lâu dài ở nội thành Sài Gòn, tổ chức đã sắp xếp cho ông giả làm chồng bà Phạm Thị Phan Chinh (tên thật là Phạm Thị Chinh), cháu của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, một trong những tài phiệt giàu có nhất Sài thành lúc bấy giờ. Bà Phạm Thị Chinh cũng là đảng viên Đảng Cộng sản và là một chiến sỹ Biệt động thành. Sự đồng cam cộng khổ của hai người cùng chí hướng trở thành mảnh đất cho tình yêu nảy nở. Từ vợ chồng trên danh nghĩa, họ thực sự trở thành một gia đình. Nhưng không may, năm 1964, vì bảo lãnh cho hai cán bộ cấp cao của ta đang bị giam giữ tại Côn Đảo là ông Phạm Quốc Sắc và ông Phan Trọng Bình, bà Phạm Thị Chinh bị địch bắt tra khảo ngày đêm. Không khai thác được gì, địch phải thả bà ra và một thời gian ngắn sau thì bà mất vì bị thương tích quá nặng. Thương người vợ trẻ, hận kẻ thù dã man, Trần Văn Lai càng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao.

Ông từng là thành viên của Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và cũng là cán bộ nằm vùng tổ chức xây dựng cơ sở tại Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đầu năm 1963, do nhu cầu chiến lược cần phát động mạnh phong trào vũ trang đánh địch ngay trong lòng địch, ông được chuyển sang Đơn vị 159 Biệt động thuộc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và được kết nạp vào Đảng năm 1966.

Với khả năng đặc biệt về nghi trang, cải dạng trong mọi hoàn cảnh, ông tìm cách thâm nhập một cách hợp pháp vào các cơ sở của địch. Bằng sự khéo léo của bản thân cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức và gia đình giàu có bên vợ, ông dần dần tạo được vỏ bọc vững chắc trong vai nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, nhận trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập, một cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn.

Chuyện kể về nhà thầu khoán đào hầm chứa vũ khí trong lòng địch

Ông Lai bên căn hầm bí mật

Nhiệm vụ của ông Trần Văn Lai thời điểm ấy là trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch và tạo điều kiện cho các cán bộ của ta ra vào kiểm tra, trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn. Sau này, ông Võ Thành Tâm, lúc đó là chủ nhiệm bảo đảm trong Ban chỉ huy F100 kiêm Chỉ huy phó ban hậu cần, nguyên thủ trưởng đơn vị bảo đảm chiến đấu Quân khu Sài Gòn - Gia Định nói về thành tích của ông Trần Văn Lai đã khẳng định: “Tại các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy, các tin tức do đồng chí Trần Văn Lai điều tra tình hình và báo cáo về Quân khu đều có giá trị”.

Chỉ trong một thời gian không dài, ông đã xây dựng trên 20 cơ sở bảo đảm có khả năng vừa cất giấu vũ khí, vừa giấu cán bộ để hoạt động bí mật, hơn 100 quần chúng nòng cốt có thể giao được nhiều nhiệm vụ khó khăn.

... Bí mật đào hầm và chuyển vũ khí vào nội thành

Vào thời điểm năm 1962, ông được đồng chí Ba Đen giao nhiệm vụ xây dựng hầm vũ khí và phải bảo đảm bí mật tuyệt đối để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài ngay tại nội thành, đến năm 1964 thì căn hầm mới được đào xong. Đó là hầm chứa vũ khí tại đường Võ Văn Tần, quận 3 (tên cũ là đường Trần Quý Cáp), mà sau này Đội 5 Biệt động Sài Gòn dùng để tấn công vào dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân năm 1968. Để phụ giúp cho ông, tổ chức đã phân công bà Đặng Thị Thiệp, một cán bộ quê Quảng Ngãi đến ở với ông dưới danh nghĩa vừa là người làm việc nhà, vừa là “vợ bé” của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế nhiều thế lực. Dù nhỏ hơn Năm Lai 20 tuổi, nhưng cảm phục trước tài trí và tấm lòng của người chiến sỹ cách mạng, dần dần tình yêu nảy sinh giữa cô gái Quảng Ngãi và người chiến sỹ biệt động. Tháng 5/1966, tổ chức chấp thuận cho họ “Xây dựng gia đình trong điều kiện đơn tuyến để đảm bảo bí mật cơ sở theo yêu cầu cách mạng".

Theo lời kể lại của ông Trần Văn Lai, sau nhiều lần đi lại tìm hiểu tình hình, ông quyết định chọn địa chỉ 287/70 đường Trần Quý Cáp, quận 3 (nay là đường Võ Văn Tần). Đây là khu dân cư lao động đông đúc, kẻ thù ít để ý đến. Ông đã bán căn nhà lớn của mình, nộp tiền vào ngân hàng làm quỹ chiến đấu và mua một căn nhà nhỏ trong hẻm đông người dể làm căn hầm. Để bảo đảm bí mật, việc chọn mua nhà và tiến hành thiết kế, xây dựng, đào hầm đều được ông thực hiện một cách kín đáo. Bà Đặng Thị Thiệp, người vợ sau chính thức của Năm Lai nhớ lại: “Ông nhà tôi mua căn nhà này xong, đầu tiên mướn một thợ đào. Ổng nói với dân chúng ở đây là đào hầm chứa nước. Đào hầm chứa nước xong, ông nhà tôi mới xử lý một mình. Còn tôi chỉ phụ với ổng, ổng tự tay đào tiếp và xử lý đất. Ông nhà tôi có cái ôtô, đất vô bao, cho vào giỏ để chất vào xe, chờ tối chở đi đổ ở các bãi rác. Đêm nào về tới nhà là đào hầm, trong một năm mới đào xong cái hầm này".

Vào đầu năm 1965, chừng một tháng sau hầm được đào xong, Quân khu cử đồng chí Ba Đen đến kiểm tra căn hầm, ông nhận được chỉ thị chuẩn bị tiếp nhận vũ khí. Với đặc quyền riêng của một nhà thầu trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập, ông Lai không chuyển vũ khí theo kiểu nhỏ giọt mà đánh từng chuyến xe lớn. Cuộc đấu trí với địch của những người chiến sỹ biệt động thành thuộc tổ “bảo đảm chiến đấu” được bắt đầu nâng lên một bậc.

Để thiết lập được những đường dây vận chuyển vũ khí từ mật khu Hố Bò (Củ Chi) về nội đô Sài Gòn quả là một thử thách quá sức con người. Một thử thách mà người thực hiện biết mình có thể chết bất cứ lúc nào! Thế nhưng, không ít nông dân sẵn sàng đóng góp những tài sản cuối cùng của mình cho cách mạng để ngụy trang đưa vũ khí vào nội thành Sài Gòn. Lão nông Dương Văn Ten (tức Chín Ten) ở Củ Chi là một con người như thế. Bà Dương Thị Phiên nhớ mãi sáng kiến ngụy trang giấu vũ khí của cha mình: “Cái cây cắt khúc ra thế này, chẽ ra, đục bỏ, nối vô, ráp lại. Lần thứ hai, móc ruột tấm ván đưa chất nổ, lựu đạn tùy theo rồi ngụy trang. Có khúc sau này gần tới ác liệt không còn cái gì. Nhà tôi có cái tủ thờ, anh Ba Đen bảo cha tôi tháo cái tủ thờ, đưa súng cối vô”. Có biết bao cái tủ thờ, bộ ván ngựa như thế đi vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Điều thiêng liêng nhất, của cải quý giá nhất và cả mạng sống của cả gia đình đều được người nông dân sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc.

Chuyện kể về nhà thầu khoán đào hầm chứa vũ khí trong lòng địch

Chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai 

Chăm chỉ như "kiến tha mồi về tổ", địa điểm nhận “hàng” từ ngoài chuyển vào nội thành mỗi lần mỗi khác, ông Lai phải tự lái xe, đưa tiếp xe chở vũ khí về nhà của mình để bảo đảm bí mật. Dù về đến nhà an toàn, hàng chục tình huống nguy hiểm vẫn có thể xảy ra trong khâu chuyển vũ khí xuống hầm. Kế căn nhà của Năm Lai là là căn nhà của vợ chồng một tên cảnh sát Ngụy. Cứ cuối tuần là chúng thường tụ về nhậu nhẹt. Ông biết mỗi sơ suất nhỏ đều phải trả giá lớn cho gia đình và cho cả tổ chức. Chính vì thế, lúc nào ông cũng phải cảnh giác cao độ. Tính ra đến trước chiến dịch Mậu Thân, ông đã "tha" về hầm bí mật của mình khoảng 2,5 tấn vũ khí các loại. Một nhiệm vụ tưởng chừng không khả thi nhưng đã được ông thực hiện một cách hoàn hảo.

Căn hầm để ém quân và cất giấu vũ khí hoàn toàn do Năm Lai thiết kế và thực hiện đúng theo yêu cầu của đồng chí Ba Đen. Đây là một nơi bí mật và an toàn. Chính những đồng đội thuộc Đội 5 Biệt động anh hùng của ông cũng không ngờ tới quy mô của nó.

Ông Trần Minh Sơn (tức Bảy Sơn) nguyên Phó Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt Động Sài Gòn ngày ấy, đánh giá rất cao sự hy sinh quả cảm của ông Trần Văn Lai: “Những hầm hố mà xây dựng trong thành phố này tôi cho là một chuyện làm mà thế giới cũng không lường được. Anh có thể thử nghĩ rằng, là một người mà chứa trong nhà mình hàng tấn vũ khí, một loại bom nổ chậm có thể giết hết cả nhà”.

Được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang

Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 cùng được tiến hành trên 6 thành phố lớn, 44 thị xã và hàng trăm quận lị ở miền Nam Việt Nam. “Mậu Thân” của Sài Gòn - Gia Định thực sự bắt đầu vào rạng ngày 31/1 nhằm đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết. Đúng 2 giờ sáng, bộ phận phối thuộc của Tiểu đoàn 268, Phân khu 2 ở phía Tân Sơn Nhất bắn 8 quả súng cối vào sân bay làm hiệu lệnh tấn công Sài Gòn. Thế là “Giờ G” đã được báo hiệu, các đơn vị trên các mặt trận vào một cuộc chiến đấu đầy bi hùng.

Trước đó, Đội 5 Biệt động gồm 15 chiến sỹ do Đội trưởng Trương Hoàng Thanh chỉ huy đã ém quân tại hầm giấu vũ khí trong nhà ông Năm Lai tại đường Trần Quý Cáp. Ngay trong đêm mồng 1 Tết, các chiến sỹ khui hầm vũ khí, lắp ráp các thiết bị, lau chùi súng đạn và làm trái nổ. Đúng giờ G, tất cả các vũ khí, trái nổ cùng các trang thiết bị chiến đấu khác được đưa lên 2 xe ôtô riêng của ông Lai do hai chiến sỹ biệt động lái tiến thẳng về Dinh Độc Lập. Đây là cơ quan đầu não quan trọng nhất của địch nên luôn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Bị địch phát hiện sớm từ xa chống cự quyết liệt, hai chiến sỹ biệt động hy sinh ngay loạt đạn đầu. Không tấn công vào trong Dinh được, đơn vị triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du, bên hông trái của Dinh.

Trận chiến không cân sức, mỗi phút giây trôi qua là mỗi phút giây ác liệt. Đến khi trời gần sáng, Đội 5 hy sinh 7 chiến sỹ biệt động, trong đó có Đội trưởng Trương Hoàng Thanh. 8 chiến sỹ còn lại bị thương hết 4, đành rút vào ngôi nhà cao tầng 56 Thủ Khoa Huân cố thủ ở lầu 3. Ông Phan Văn Hôn nhớ rất rõ từng phút giây cận kề cái chết ấy: Cả Đội 5 Biệt động chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, những chiến sĩ còn sống chuyển qua nấp trong một ngôi nhà khác trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay) và lần lượt bị địch bắt. Địch ráo riết bố ráp, hàng loạt cơ sở cách mạng bị phá vỡ, nhiều gia sản của ông Lai bị tịch thu. Dù địch tìm ra căn nhà của ông ở đường Trần Quý Cáp, nhưng không phát hiện được căn hầm bí mật nơi chứa vũ khí và ém quân. Chính quyền Sài Gòn treo giải thưởng lớn cho ai bắt được nhà thầu khoán Mai Hồng Quế. Ông phải thay hình đổi dạng, thay đổi chỗ ở liên tục. Năm 1972, ông bị địch bắt giữ và tra tấn dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, bất khuất không để địch khai thác được gì. Đến cuối năm 1972, gia đình ông phải chạy tiền hối lộ, địch thả ra nhưng vẫn kiểm soát ông chặt chẽ. Trong suốt những năm trốn tránh ấy, ông Trần Văn Lai ��ã có lúc phải giả làm một người điên để qua mắt quân thù.

Khi hòa bình lặp lại, ông Trần Văn Lai về công tác tại Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu năm 1981. Căn nhà số 287/70 đường Võ Văn Tần, quận 3 được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2015, ông Trần Văn Lai vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý