Chuyện khó tin về cô dâu “bỏ trốn” lên đường đi chiến dịch

daikieu daikieu @daikieu

Chuyện khó tin về cô dâu “bỏ trốn” lên đường đi chiến dịch

Thời điểm lễ cưới cận kề, bà Hồng Minh lại được giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị nữ.

26/12/2016 08:17 AM
70

(ĐSPL) - Thời điểm lễ cưới cận kề, bà Hồng Minh lại được giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị nữ. Khi bà lên đường nhận nhiệm vụ thì đúng như kế hoạch, lễ cưới vẫn diễn ra. Chú rể cùng đoàn đón dâu chở đồ lễ rượu nho, bánh ga- tô từ Cao Bằng về Thái Nguyên, nơi đơn vị cô dâu đóng quân thì chỉ nhận được lá thư cô dâu để lại...

Cô dâu “bỏ trốn”... lên đường đi chiến dịch

Giờ đây, người nữ y tá Nguyễn Thị Hồng Minh, chính trị viên của Đội điều trị 2 năm xưa đã bước sang tuổi 85. Dù sức khỏe không còn dẻo dai như trước nhưng bà vẫn minh mẫn, đặc biệt là khi nói về ký ức trong những ngày hoạt động kháng chiến tại chiến trường Tây Bắc. Khi chúng tôi gợi nhắc về câu chuyện tình xúc động và "đám cưới hụt” “có một không hai”, đôi mắt vị nữ y tá ánh lên sự trẻ trung, tinh anh khác thường. Trầm ngâm, bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình của vợ chồng bà.

Sinh năm 1930, Nguyễn Thị Hồng Minh lớn lên trong bối cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc. Năm 1946, bà cùng gia đình tản cư lên Phúc Yên và nhập ngũ vào Quân y. Từ một nữ sinh Hà thành ngây ngô, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhập ngũ, trở thành nữ chính trị viên khi tuổi đời vừa tròn 20. Bà Hồng Minh cùng các nữ quân y chăm sóc thương binh và lo hậu cần trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Quảng Hồng năm 1951.

Trong hồi ức của nữ y tá già, những chặng đường hành quân chiến dịch cùng nhiều hình ảnh cứu thương cho thương binh, đồng đội hiện lên sống động. Bà Minh nhớ lại, năm 1951, bà tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Quảng Hồng. Đội đã hành quân 24 ngày mới tới mặt trận. Lúc đầu hành quân ban ngày, sau địch oanh tạc nhiều, đội phải chuyển hành quân vào ban đêm. Những ngày đầu hành quân, mọi người hăng hái, mỗi ngày đi được 30km. Sau đó, phần vì mỏi mệt do mang vác nặng, lại hành quân đêm nên các ngày sau chặng đường hành quân giảm dần. Đội đến rừng Thùng thì phải tiếp nhận nhiều thương binh của một số đơn vị bộ đội bị máy bay địch oanh tạc bất ngờ. Chiến sĩ bị thương nằm la liệt.

Trong hoàn cảnh ấy, mọi người đều cố gắng phân công nhau điều trị cho đồng đội bị thương. "Phần tôi phụ trách lo hậu cần đã nhanh chóng tổ chức các tổ, các đội tiếp lương, tải thương, cứu chữa, chăm sóc, động viên các thương binh để các anh em yên tâm điều trị. Tổ tiếp lương phải vào các vùng địch tạm chiếm để mua thịt, đường, sữa, rau và các nhu yếu phẩm khác để về phục vụ thương binh” - bà Minh nhớ lại. “Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và cũng có một “chiến dịch” nữa trong đời con gái của tôi, đó là “chiến dịch” chỉ có hai người”, bà Hồng Minh bồi hồi nhớ lại.

ình cảm giữa nữ chiến sĩ Hồng Minh và anh Hồ Toàn, cán bộ quân y đội điều trị 2 rất gắn bó. Cả hai quyết định tổ chức đám cưới vào ngày 26/12/1951 và giấy mời đã gửi hết cho tất cả bạn bè gần xa.

Chuyện khó tin về cô dâu “bỏ trốn” lên đường đi chiến dịch - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Lòng thủy chung sắt son

Với bà Minh, chiến dịch Hoàng Hoa Thám cũng là chiến dịch đặc biệt. Bởi, nơi đây, bà không chỉ chứng kiến sự ác liệt của cuộc chiến dội vào tâm thức, mà còn chính là nơi nữ y tá tuổi đương xuân gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với anh Hồ Toàn.

Thời điểm lễ cưới cận kề, bà Hồng Minh lại được giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị nữ. Trước khi lên đường, Cục trưởng Quân y biết bà Minh sắp cưới liền hỏi: “Đồng chí có phân vân gì không?”, bà Minh sau hồi ngập ngừng đã nói: “Anh yên tâm, Tổ quốc là trên hết, giặc tan em mới về”. Khi đó, chồng sắp cưới của bà là ông Hồ Toàn đang ở xa, nên không liên lạc để hoãn đám cưới kịp. Sau đôi lần trao đổi với những thề nguyền, hẹn ước, hai người đồng chí, đồng đội trên chiến tuyến đã đi đến hẹn ước nên duyên vợ chồng.

Nữ y tá nhớ lại, tưởng chiến dịch đã kết thúc vào ngày 26/12/1951, hai gia đình đã thống nhất và gửi giấy mời cho tất cả bạn bè xa gần đến dự đám cưới. Nhưng bất ngờ đã xảy đến, sát ngày cưới, bà Minh phải lên đường nhận nhiệm vụ. "Tôi được giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình. Vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị là nữ. Khi đón nhận thông tin này, thú thực, tôi cũng thoáng chút phân vân, nhưng nhiệm vụ lúc bấy giờ là trên hết” - bà Minh nhớ lại.

Khi bà Hồng Minh lên đường nhận nhiệm vụ thì đúng như kế hoạch, lễ cưới vẫn diễn ra. Chú rể cùng đoàn đón dâu chở đồ lễ rượu nho, bánh ga-tô từ Cao Bằng về Thái Nguyên- nơi đơn vị cô dâu đóng quân thì chỉ nhận được lá thư cô dâu để lại với lời xin lỗi vội vàng. Đón nhận lời xin lỗi chuyển vội, ông Hồ Toàn dù rất buồn nhưng vẫn viết cho người vợ tương lai một lá thư dài 23 trang bày tỏ nỗi lòng thương nhớ cùng mấy câu thơ đầy khích lệ: "Em ơi em chớ có lo!/ Kiến trong miệng chén khó bò đi đâu/ Vì em anh phải nhỡ tàu/ Xuân này ta sẽ gặp nhau: "em... đền!”. Khi chiến dịch Hoà Bình kết thúc, tháng 2/ 1952, nữ y tá Nguyễn Thị Hồng Minh vội vàng thu xếp trở về. Lúc này, trong tâm trí của nữ y tá trẻ tràn ngập sự hồi hộp, vui sướng xen lẫn đôi chút lo lắng.

Trải qua 17 ngày băng rừng, lạc bước khiến cô chân sưng vù, mọc mủ, nhiễm trùng, về phải treo chân lên tường. Kết quả là trong ngày cưới, cô dâu không thể đi trọn đôi giày cưới. Song, giống như hoàn cảnh đặc biệt hai người gặp nhau, ngày vui nhất của hai chiến sĩ nặng tình cũng diễn ra ngày 20/3/1952 bằng một lễ cưới ở ATK, Thái Nguyên, sau nhiều lần trì hoãn. "Đêm tân hôn mấy chị em trong đơn vị đã lấy chăn bộ đội quây thành căn phòng nhỏ làm "buồng uyên ương” cho chúng tôi” - bà Minh xúc động kể.

Kết thúc chiến tranh, hai người lính lại bước ra cuộc đời với bao lo toan của cuộc sống gia đình. Nhưng ở họ vẫn luôn giữ trọn một lòng chung thủy, son sắt. Có lẽ, sóng gió của cuộc chiến cùng những trải nghiệm trong thời bình đã giúp hai người lính năm xưa trân trọng hơn những tình cảm được hun đúc từ khói lửa chiến tranh. Nữ y tá năm xưa giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại trong một gia đình hạnh phúc giữa Thủ đô. Ông đã mất cách đây ít năm, nhưng với bà Minh, hình ảnh, tình cảm của chồng vẫn thấp thoáng và che chở cho gia đình. Tiếng “anh” thân thương vẫn được bà dành cho người chồng đã khuất và nói về ông với tất cả niềm tự hào, sự gần gũi.

*Bài viết được đăng lại trên báo Hôn nhân & Pháp luật số 147

THỤY ANH

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý