Chuyện ly kỳ dưới tán rừng lộc vừng hơn 400 tuổi

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Chuyện ly kỳ dưới tán rừng lộc vừng hơn 400 tuổi

Đã hơn 400 năm nay, người dân quanh vùng vẫn thường truyền miệng nhau những câu chuyện kỳ bí về rừng lộc vừng linh thiêng bảo vệ làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Không chỉ là nhân chứng lịch sử đánh giặc giữ nước, rừng lộc vừng còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và tâm linh của con người nơi đây.

05/02/2014 08:00 PM
2,023

Mấy năm gần đây, giá cây lộc vừng lên cao nhưng người dân trong làng vẫn giữ được nguyên rừng và xem nó như một báu vật che chở cho cả làng.

Báu vật của làng

Về làng Phú Thọ, chúng tôi được người dân trong vùng kể cho nghe những câu chuyện ly kỳ về khu rừng bí ẩn này. Dưới sự hướng dẫn của người dân trong vùng, chúng tôi có cơ hội “mục sở thị” báu vật hiếm có này. Đứng giữa rừng lộc vừng cổ thụ, chúng tôi có cảm giác như đứng giữa khu rừng rậm xanh ngút ngàn với những thân cây to tạo thành một khối bao trùm cả làng Phú Thọ.

Người dân nơi đây cũng không thể xác định được một cách cụ thể, chính xác, có người còn cho rằng rừng cây này đã có cách đây hàng trăm năm. Từ khi sinh ra, họ đã nghe ông bà, cha mẹ kể về nó với những câu chuyện đầy bí ẩn. Người nắm giữ nhiều bí mật cũng như những câu chuyện bí hiểm về cây đã qua đời gần hết.

 - Ảnh 1

Dưới tán lộc vừng hơn 400 tuổi đã có bao chuyện ly kỳ xảy ra và được truyền từ đời này sang đời khác.

Người dân làng Phú Thọ cũng không biết hương ước giữ rừng của làng mình có từ đời nào. Lớn lên, họ đã thấy những cây đại thụ của rừng đứng vững chãi, che chắn mưa bão cho làng. Đến mùa hoa nở, từng chùm hoa buông tỏa đỏ thắm, hương thơm phảng phất khắp đường làng ngõ xóm.

Cụ Châu Văn Mạnh (SN 1931), nguyên Hội trưởng hội Người cao tuổi cho biết, khi ông sinh ra, rừng lộc vừng của làng đã có rồi, dựa vào sử sách và theo các cụ cao niên trong làng thì làng Phú Thọ đã hình thành khoảng 400 năm. Trước đây, khi hình thành làng, các bậc tiền nhân của làng muốn trồng lộc vừng để chắn gió, sóng khi lũ lụt về nhằm bảo vệ nhà cửa của nhân dân. Bên cạnh đó, mục đích của việc trồng rừng lộc vừng còn là nơi để bà con trong làng mỗi khi đi làm đồng về ngồi tránh nắng...

Không những thế, trong kháng chiến chống Pháp, rừng lộc vừng còn là nơi để du kích của thôn tản cư về ẩn nấp nhằm đánh Pháp. Theo các văn tự thời trước của làng, trong kháng chiến chống Pháp, ở vùng Lệ Thủy có đồn giặc ở An Lạc cai trị dân dữ dằn. Phong trào chống Pháp nổi lên mạnh mẽ, du kích làng thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng lộc vừng đánh Pháp nhiều trận táo bạo.

Thấy vậy, bọn thực dân Pháp bèn xua quân đến, chặt phá nát cánh rừng. Ấy vậy mà những gốc còn lại được phù sa nuôi dưỡng tái sinh mãnh liệt, trở lại hùng vĩ như ngày nay. đó còn được rừng lộc vừng lưu giữ trên thân mình, với những vết dao chặt chi chít và những gốc cây có dăm ba nhánh đâm lên từ thân cây bị phạt ngang.

Người dân trong làng truyền tai nhau một câu chuyện hết sức ly kỳ về khu rừng lộc vừng này. Khi thực dân Pháp đem quân đến chặt nát cánh rừng, trời đang nắng chang chang bỗng dưng mưa và sấm chớp đã giết chết mấy tên giặc. Chúng sợ quá, kể từ đó, không dám bén mảng đến rừng nữa.

Và có câu chuyện về “linh hồn” rừng phạt kẻ xâm phạm cũng không kém phần bí ẩn được người dân lưu truyền cho đến bây giờ. Bất cứ ai vào trong rừng chặt cây lộc vừng về làm củi hay bán cây sẽ bị “linh hồn” của rừng phạt một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Có người vào giữa rừng đốn cây về làm củi ngay lập tức bị ốm nằm liệt giường, chỉ đến khi vào rừng xin “linh hồn” mới khỏi. Kể từ đó, không còn ai dám bén mảng tới rừng để chặt cây.

 - Ảnh 2

Ông Châu Văn Mạnh kể về những câu chuyện kỳ bí xung quanh báu vật của làng.

Những chuyện ly kỳ về nơi bất khả xâm phạm

Những câu chuyện ly kỳ về khu rừng lộc vừng cứ kéo dài mãi nhưng đó chỉ là những câu chuyện đồn thổi, chưa ai khẳng định nó là có thật. Nhưng một thực tế cho thấy, rừng lộc vừng của làng vẫn còn đến ngày nay là do những bản hương ước của làng và nghị quyết của chi bộ. Điều đáng quý là không chỉ có người dân trong làng bảo vệ mà ngay cả những cư dân nơi khác cũng không ngừng bảo vệ rừng lộc vừng. Có lẽ, đối với người dân làng Phú Thọ, khu rừng lộc vừng ly kỳ không chỉ là vật chắn gió, sóng, cản bão mà quan trọng hơn, về ý nghĩa tâm linh, nó còn được coi là báu vật, có ý nghĩa quyết định trong việc gìn giữ sự còn, mất, thịnh, suy của làng...

Theo ông Mạnh: "Rừng lộc vừng có thế tựa rồng, với đầu rồng bắt đầu từ mũi Viết ngã ba chợ Thùi và đuôi rồng nằm ở cuối làng Dọc theo đường quan, dưới có đình làng, trên có điện thờ Khổng Tử thời phong kiến nên rất linh thiêng. Rừng lộc vừng của làng đang nằm ở vị trí lưng rồng, có ý nghĩa tâm linh là che chắn, bảo vệ làng.

Hiện nay, rừng lộc vừng Phú Thọ rộng khoảng 3ha, với hàng ngàn cây lớn nhỏ, trong đó có khoảng 300 cây có đường kính 0,6 - 1,2m và nhiều gốc cây to với một người ôm không xuể. Hiện nay, tính theo giá , rừng lộc vừng Phú Thọ có giá trị hàng trăm tỷ đồng...

Việc bảo vệ rừng lộc vừng được người dân trong làng Phú Thọ xem là kỳ tích. Bởi trước đây, trào lưu chơi cây cảnh chưa rộ nên mọi người chưa quan tâm đến cây lộc vừng nhưng mấy năm gần đây, cây lộc vừng bỗng nhiên sốt giá khiến cho việc gìn giữ rừng lộc vừng này đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Để giữ những cây lộc vừng này, làng đã lập ra một ban bảo vệ riêng, liên tục tuần tra các ngày trong tuần, với lực lượng nòng cốt là hội Cựu chiến binh, công an viên, tổ bảo vệ đồng của thôn.

Mặc dù, làng đã cử ra một đội tuần tra như vậy nhưng có rất nhiều kẻ xấu đến nhòm ngó. Bất chấp luật lệ của làng, năm 2010, có một đối tượng trong làng đã cấu kết với một số đối tượng xấu ở ngoài địa bàn tiến hành đào vài cây bán cho một số người chơi, nhưng khi đang tiến hành đào cây, bà con trong làng phát hiện và tiến hành xử lý.

Đối với người dân làng Phú Thọ, họ xem chuyện bảo vệ rừng lộc vừng như một lẽ tất nhiên. Bởi ở đây luật của làng đã được truyền từ đời này sang đời khác, cho dù chẳng có ai trả công và cũng chưa bao giờ nhận được khen thưởng nhưng họ quyết chí giữ rừng lộc vừng bằng ý chí, bằng tấm lòng.

Hiện nay, những hạt lộc vừng từ các gốc cổ thụ đã được nhiều người dân trong làng ươm thành cây giống để cung cấp cho các trang trại cây cảnh. Điều đó không chỉ làm giảm áp lực cho công cuộc giữ rừng mà còn đưa cây lộc vừng Phú Thọ đến với người dân khắp nơi.              

Mong Nhà nước cấp sổ đỏ cho rừng lộc vừng

Ông Lê Văn Tiến (Trưởng làng Phú Thọ) cho biết:  "Rừng lộc vừng được người dân xem như là báu vật của làng. Do gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất này, người dân nơi đây đã ưu ái đặt cho cây lộc vừng làng mình thêm một biệt danh là "thần hộ mệnh". Người dân trong làng đã bảo vệ nó bằng những quy định ghi rõ trong hương ước. Ai vi phạm sẽ bị làng xử phạt; Nhẹ thì bị cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi rừng. Chúng tôi rất mong Nhà nước nhanh chóng cấp sổ đỏ cho làng để người dân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. 

Hà Hằng- Loan Nguyễn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý