Chuyện tự thiêu trên vọng gác của đệ nhất mỹ nhân Oda Oichi

mesu mesu @mesu

Chuyện tự thiêu trên vọng gác của đệ nhất mỹ nhân Oda Oichi

Là một mỹ nhân được mệnh danh là “đệ nhất mỹ nhân” của Nhật Bản, song Oda Oichi lại sinh ra vào đúng thời kỳ tao loạn bậc nhất của lịch sử xứ xở này. Và không có gì lạ khi bi kịch của mỹ nhân tuyệt thế này cũng bắt đầu từ sự tranh giành quyền lực của những người đàn ông…

18/10/2014 08:59 PM
1,087

Đệ nhất mỹ nữ

Từ cuối thời kỳ Muromachi (từ năm 1336 đến 1573) tới thời kỳ Azuchi-Momoyama (từ năm 1568 đến 1603) được ghi nhận như là thời kỳ “Chiến Quốc” của nước Nhật. Trong suốt hơn 100 năm, các võ tướng thi nhau tranh giành quyền lực, chiến tranh liên miên ở khắp mọi nơi. Oda Oichi sinh ra vào đúng thời điểm mà những cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất và bi kịch của mỹ nhân tuyệt thế này cũng bắt đầu từ sự tranh giành quyền lực của những người đàn ông.

Oda Oichi sinh năm 1547 trong dòng họ Oda lừng danh và quyền lực. Anh của cô là Oda Nobunaga, một võ tướng khét tiếng thời bấy giờ. Mặc dù là em gái, song Oichi kém anh trai Nobunaga của mình tới 13 tuổi. Thực tế, Nobunaga có tới 5 cô em gái khác nhau và Oichi là cô em gái nhỏ tuổi nhất của ông.

Oichi từ nhỏ đã rất đáng yêu, lanh lợi lại ngoan ngoãn nên được rất nhiều người yêu mến. Càng lớn lên, Oichi càng trở nên xinh đẹp và quyến rũ hơn. Vì vậy, dù chỉ mới 13-14 tuổi, Oichi đã được truyền tụng là “mỹ nhân đẹp nhất thiên hạ” và trở thành tâm điểm của các võ tướng trẻ tuổi ở nước Nhật thời bấy giờ.

Nobunaga cũng rất yêu quý cô em gái út này của mình, vì thế, dù Oichi đã đến tuổi lấy chồng song Nobunaga vẫn không gả cô cho ai. Mãi tới năm Oichi 16 tuổi (độ tuổi khá muộn để lấy chồng thời bấy giờ), vì nhu cầu chính trị, Nobunaga đã gả Oichi cho Azai Nagamasa, lãnh chúa vùng Omi với mục đích là thiết lập liên minh Oda-Azai.

Năm đó, Nagamasa mới chỉ 18 tuổi, là một võ tướng trẻ tuổi, khôi ngô, tuấn tú nhưng cũng rất cương nghị và trưởng thành. Nagamasa đã ái mộ tài năng và sắc đẹp của Oichi từ lâu, do vậy, khi lấy được Oichi, Nagamasa vô cùng hạnh phúc.

Sử sách chép rằng, mặc dù trước khi lấy Oichi, Nagamasa đã từng lấy vợ, song kể từ sau cuộc hôn nhân với Oichi, ông đã không nạp thêm bất cứ thê thiếp nào nữa. Trong thời chiến loạn lúc bấy giờ, việc thay đổi thê thiếp với các võ tướng là chuyện diễn ra ngày một. Do vậy, việc Nagamasa không lấy thêm vợ bé sau khi kết hôn với Oichi được coi là một chuyện cực kỳ hãn hữu.

Hai vợ chông Oichi và Nagamasa đã trải qua cuộc sống hôn nhân đầy hạnh phúc, khiến nhiều người phải ghen tị. Để thể hiện tình yêu dành cho Oichi, Nagamasa còn cho người xây dựng hẳn một tòa thành có tên Oichi dành tặng nàng. Chính vì thế, sau này, Oichi còn được gọi là Phu nhân Odani. Có thể nói, mặc dù là cuộc hôn nhân xuất phát từ mục đích chính trị, song giữa Oichi và Nagamasa đã nảy sinh tình yêu thật sự và nhờ vậy, hai người đã có cuộc sống hạnh phúc. Sử sách chép rằng, Oichi sinh cho Nagamasa 5 người con, 2 con trai và 3 người con gái, những người sau này sẽ trở nên rất nổi tiếng trong lịch sử nước Nhật.

Họa vô đơn chí

Tuy nhiên, người xưa nói không sai: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cuộc sống hạnh phúc của Oichi kéo dài chưa được bao lâu thì sóng gió bắt đầu kéo đến. Năm 1570, Nobunaga muốn tấn công lãnh chúa Asakura, song Asakura lại là đồng minh với dòng họ Nagamasa, hơn nữa dòng họ Asakura cũng từng có ơn với dòng họ Nagamasa, chính vì vậy, mặc dù là em rể, song Nagamasa đành phải phản bội lại thỏa thuận với Nobunaga. Nagamasa đã bí mật phối hợp với Asakura để tấn công Nobunaga.

Mặc dù được gả về cho Nagamasa, song Oichi vẫn rất lo lắng cho số phận người anh trai của mình đang bị hai đội quân của chồng và đồng minh phối hợp tấn công. Vì thế, Oichi đã quyết định giúp đỡ anh trai mình thoát khỏi đòn tấn công gọng kìm này. Cô đã gửi tặng anh trai một món quà để báo tin. Món quà đó là một túi đậu được dùng dây thừng thắt ở hai đầu, ám chỉ, quân của Nobunaga sẽ bị quân của Nagamasa và quân của Asakura tấn công từ hai phía. Nhờ “món quà” này của Oichi, Nobunaga đã kịp thời rút quân, tránh được đợt tấn công của Nagamasa và Asakura.

Cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài 3 năm sau đó cho đến khi dòng họ Asakura và những lực lượng chống lại quân đội của Oda Nobunaga đều bị tiêu diệt hoặc suy yếu đến mức không còn sức kháng cự nữa, trong đó có quân của chồng Oichi. Mặc dù vậy, Oichi vẫn theo sát bên Nagamasa ngay cả khi hai người buộc phải rút về căn cứ cuối cùng là thành Odani.

Đến năm 1573, thành Odani bị thuộc tướng của Nobunaga là Hideyoshi vây hãm và thất thủ. Nagamasa trong cơn tuyệt vọng đã cùng với cha mình rạch bụng tự sát. Khi đó, Oichi cũng muốn chết theo chồng mình, tuy nhiên, Nagamasa nhất định không đồng ý. Trước khi tự vẫn, viên võ tướng đã nhờ người mang 2 đứa con trai của mình đi trốn, đồng thời gửi Oichi và 3 người con gái về chỗ của Nobunaga.

Tuy nhiên, bi kịch của nàng Oichi vẫn chưa dừng lại ở đó. Chưa đầy 1 năm sau, Nobunaga lại phái Hideyoshi truy lung hai đứa con trai của Nagamasa và giết đi để trừ hậu họa. Về phần Oichi và 3 cô con gái, Nobunaga vẫn niệm tình xưa, không giết mà gửi cả bốn người về chỗ của một người em trai. Oichi đã trải qua nhiều năm tháng buồn tẻ tại nơi đây.

Bi kịch hồng nhan

Năm 1582, tướng Akechi Mitsuhide – một thuộc tướng thân cận của Nobunaga đã mưu phản, dẫn quân vây hãm chùa Homo, tại Kyoto và buộc Nobunaga cùng vợ phải tự sát. Sau cái chết của Nobunaga, các con trai và tướng lĩnh của ông chia làm hai phe do Hideyoshi và Katsuei đứng đầu. Đáng nói là cả hai người đều có tình ý với mỹ nữ lừng danh một thời Oichi.

Hideyoshi là người đã dẫn quân về kinh thành tiêu diệt kẻ phản bội Akechi, do vậy, uy tín và thế lực của Hideyoshi kho đó rất mạnh. Bản thân Hideyoshi cũng là một người vô cùng tham vọng, muốn trở thành người thống nhất Nhật Bản chứ không còn muốn phụng sự những đứa con của lãnh chúa cũ đã qua đời nữa. Sợ rằng, khi Hideyoshi thắng thế, mình sẽ không chỗ đứng nên Nobutaka, con trai của Nobunaga đã quyết định gả Oichi cho Katsuei để “giữ chân” lòng trung thành của viên tướng này nhằm chống lại Hideyoshi.

Bản thân Oichi cũng oán hận Hideyoshi vì viên tướng này là kẻ đã giết chồng và hai đứa con trai của mình, nên đã đồng ý lấy Katsuei theo sự sắp xếp của người cháu. Năm đó, Oichi đã 36 tuổi, song nhan sắc của cô không hề phai nhạt so với khi còn trẻ. Chính vì vậy, khi Katsuei lấy được Oichi đã hết sức vui mừng. Đáng tiếc, khi đó, Katsuei đã quá già, sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người đã như cha con nên mặc dù được gả về cho Katsuei song Oichi cũng không vì thế mà cảm thấy hạnh phúc.

Chưa đầy một năm sau, quân của Hideyoshi vây hãm thành của Katsuei. Katsuei khẩn cầu Oichi bỏ trốn cùng các con gái của mình song Oichi nhất định không nghe. Trước khi công hạ thành, Hideyoshi cho người tới ra điều kiện rằng, nếu như Katsuei và Oichi tự sát thì sẽ thả 3 người con gái. Oichi đã đồng ý. Ngay sau đó, Oichi cùng chồng bước lên một vọng gác có chất đầy thuốc súng, phóng hỏa tự sát. Trong phút chốc, vọng gác lửa cháy ngút trời, Oichi và Katsuei cũng biến thành tro bụi.

Phong Nguyệt

Xem thêm video clip : Hà Nội: Tai nạn liên hoàn khiến 1 người tử vong

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý