Chuyện về 2 nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất Việt Nam

biettuot biettuot @biettuot

Chuyện về 2 nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất Việt Nam

(Dân Việt) “Đời tôi có 2 người thầy đáng kính nhất: Thầy Sỹ Tiến và thầy Vũ Khiêu. Nếu sân khấu miền Nam có Trần Hữu Trang thì ngoài Bắc có Sỹ Tiến là một tài năng lỗi lạc hết mình vì nghề” NSƯT Bích Được khẳng định.

27/09/2012 07:56 AM
1,608

Kỳ cuối - Không phải màn diễn cuối

Chinh phục hàng vạn khán giả

Học trò Bích Được say sưa khoe thầy Vũ Khiêu về sự thành đạt của con cháu. Có con cháu giỏi để khoe luôn là điều đáng yêu của các bà, các mẹ. Các con bà đều học hành thành đạt. Người con thứ 3 là NSƯT biên đạo múa Quốc Toản (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa Thăng Long) vừa nghỉ hưu, vẫn kín lịch được mời dựng khắp nơi.

NSƯT Khánh Hợi và NSƯT Bích Được chụp ảnh với thầy giáo Vũ Khiêu.

Người con thứ 4 là Bội Trân (SN 1954) sinh được 2 con gái: Minh Ánh (1975), Minh Anh (1977) thuộc Tam ca 3A nổi tiếng một thời. Minh Ánh là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội từ tháng 1.2012 và được phong tặng NSƯT đợt tháng 5 vừa qua. Các con của bà sống ở 4 quốc gia, nhưng đi đâu bà cũng chỉ mong về Hà Nội, ở khu phố cổ, nơi có ngôi nhà cũ và rạp hát gắn với cuộc đời nghệ thuật sinh nghề tử nghiệp của vợ chồng bà.

Bích Được chính là nàng Thanh Xà trong vở “Bạch xà nương” (Kim Xuân đóng Bạch Xà) của Sỹ Tiến. Bà tham gia nhiều vở: “Giai nhân bên suối”, “Tiếng hát bên nôi”, “Nhị độ mai”, “Đoàn người lữ thứ”. Bà nhớ vở “Phan Trần” của Sỹ Tiến viết, nhân vật đa số là sư. Và nhất là vở “Mạc Tuyết Lan”, lời thoại quá hay, dù không có vai nhưng bà vẫn thuộc. Những nghệ sĩ tài sắc của cải lương Bắc nức tiếng một thời ấy góp phần vào những trang vàng của sân khấu VN thời hoàng kim. Say chuyện, chẳng mấy mà trời tối. Hai bà so sức khỏe với thầy, tự nhận thua xa thầy vì hàng ngày không làm việc trí não lại dùng nhiều thuốc cho tim, huyết áp cao, bà nào cùng từng bị tai biến.

Cuộc gặp lưu luyến cũng là khi bà Khánh Hợi chào tạm biệt để sang Pháp, hẹn Tết Nguyên đán Quý Tỵ tái ngộ. GS Vũ Khiêu lấy sách ký tặng hai bà với dòng chữ: “Tặng nghệ sĩ Khánh Hợi/Bích Được, những người đã chinh phục hàng vạn khán giả từ 70 năm trước”. GS đề nghị hai bà tặng ông các bức ảnh thời xuân sắc và những vai diễn để đời để ông lưu vào album những người bạn quý.

Sân khấu đã in vào cảnh đời

Con đường 12km từ Mỹ Đình về phố Mã Mây, họ lại say sưa kể chuyện lưu diễn 3 miền, nhắc đến các bạn cùng thời, lớp sau, ai còn ai mất. Bà Khánh Hợi chỉ dạy cho đàn em trong đoàn, còn bà Bích Được là giảng viên từ 1969 – 1982 (đến lúc nghỉ hưu), dạy được 4 khoá cải lương ở Trường Nghệ thuật Hà Nội, nơi cháu ngoại Minh Ánh tiếp nối bà. Trong các học trò thành đạt của bà có Như Quỳnh học khoá 1, NSƯT Trần Quang Hùng (hiện là Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, chính tại rạp Chuông Vàng ngày nào). Taxi đến Mã Mây, nơi bà Hợi sống cùng con gái Kim Duyên, bà Được vẫn chưa muốn về, lại cùng lên gác.

Trò chuyện với NSƯT Khánh Hợi - nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất VN hiện nay, tôi hết sức cảm động khi bà, người đã nổi tiếng từ lúc 17 tuổi, vẫn nhớ lời thoại của nhiều vở diễn mà bà đóng từ kịch bản của chồng. Bà đã diễn cho tôi xem trong quán cà phê vắng gần rạp Chuông Vàng. Rồi bà Khánh Hợi lại thoại, tay vung lên biểu cảm, trên băng sau taxi, qua đèn đường sáng hắt vào, bên người em Bích Được say sưa phụ hoạ. Hiện về dung nhan xuân sắc của hai bà như thuở nào cuốn hút khán giả ngàn đêm trên sân khấu, nơi nghệ sĩ làm chủ; hiện về những lớp, cảnh sân khấu lộng lẫy xiêm y, rực rỡ ánh đèn những năm họ toả sáng ở thánh đường nghệ thuật mà họ yêu say cống hiến.

Nghệ sĩ Kim Chung đã dựng vở “Mạc Tuyết Lan” ở Paris năm 1982. Khi bà về Hà Nội báo tin vở diễn thành công, gặp lại người anh đáng kính Sỹ Tiến, thì cũng là lần cuối. Ông qua đời đêm đó, sau những phút minh mẫn mắt sáng lên tinh anh nhớ nghề.

“Mạc Tuyết Lan”- vở cải lương dã sử là 1 trong 5 cụm tác phẩm mà NSND Sỹ Tiến được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4. Vở ra mắt năm 1944, là một trong các vở đỉnh cao của đoàn Tố Như – đoàn hát nổi danh mà Sỹ Tiến đã dày công đào tạo, xây dựng kịch mục. Nghệ sĩ Kim Chung vai Mạc Tuyết Lan, Đinh Hùng do NSƯT Sỹ Hùng (nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương VN, em ruột NSND Sỹ Tiến đóng), Đinh Tả do Khánh Hợi thủ vai.

Bà Khánh Hợi làm tôi kinh ngạc và cảm động vô cùng về trí nhớ. Trí nhớ của lòng yêu nghề làm bà thuộc thoại của cả bạn diễn đến bây giờ. Ngành cải lương và sân khấu VN khi nào có những người như lớp nghệ sĩ năm xưa? Lớp người mà với họ, mỗi cảnh sân khấu đã in vào cảnh đời. Họ vẫn mong gặp lại nhau để “dắt nhau đến chỗ yêu đương”, lại thăm rạp Chuông Vàng, chỉ bảo học trò. Sân khấu là lẽ sống mà họ đã yêu say suốt, muốn hiến mình đến phút cuối đời. Duyên nghiệp làm nên số phận của những cuộc đời sân khấu.

Vi Vi

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý