Chuyện về lão ngư mù hàng ngày xả thân cứu người

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Chuyện về lão ngư mù hàng ngày xả thân cứu người

Bất kể đêm hay ngày chỉ cần nghe có người gặp nạn dưới sông là người đàn ông ấy bất chấp nguy hiểm để cứu người, mặc dù đôi mắt của ông không thể nhìn thấy như người bình thường.

04/05/2015 07:30 PM
348

Những ngày nắng nóng đầu tháng 5, chúng tôi tìm về ngôi làng nhỏ ven sông Đồng Nai để tìm gặp ngư dân Trần Văn Phước (52 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) một người “hùng” của miền sông nước được nhiều người dân biết đến với biệt tài bơi lội giỏi hơn người cũng như làm được nhiều việc thiện mặc dù đôi mắt của ông lại không nhìn thấy.

Khi chúng tôi đến khu vực nhà ông Phước thì được người dân chỉ rằng chỉ cần ra bờ sông sẽ gặp ông vì ông sống ở ngoài sông nhiều hơn ở nhà. Và sau đó việc tìm ông Phước không hề có khó khăn gì bởi vì khi nghe tiếng hỏi thăm thì qua lời ông, chúng tôi biết ngay mình đã tìm đúng người.

   - Ảnh 1

Thành quả lao động của ông Phước

Vừa thoăn thoắt đôi tay làm việc để mưu sinh, ông Phước vừa chia sẻ cuộc đời của mình với chúng tôi. Ông Phước sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, nhà ông nằm ven bờ sông Đồng Nai. Khi ông Phước lên 7 thì gặp trận sốt “thập tử nhất sinh”, mặc dù được cứu chữa nhưng sau khi khỏe lại mắt phải ông đã bị mù hẳn còn mắt trái cứ mờ dần theo thời gian, cho đến nay chỉ còn 1/10.

Mặc dù ông nhìn đời bằng 1 phần nhỏ của con mắt còn lại nhưng ông chưa bao giờ gục ngã mà còn giúp được cho rất nhiều người với khả năng bơi lội giỏi như rái cá của mình. Bởi sự thua thiệt ấy, nhưng may mắn “hiểu” được dòng sông Đồng Nai nên ông Phước chọn cho mình cái nghề đánh bắt cá trên sông. Một nghề vừa giúp ông mưu sinh hàng ngày lại có thể làm nghĩa cử cao đẹp đó là cứu những người gặp nạn trên sông.

Vừa suy ngẫm, ánh mắt vừa hướng về khúc sông rộng, ông Phước chia sẻ “Sông Đồng Nai đoạn qua Biên Hòa rất sâu, rộng nên nhiều người dễ gặp nạn do sẩy chân rồi bị nước cuốn. Có những người gặp chuyện không vui lại chọn cách tự tử để kết thúc vấn đề. Nhưng thật sự khi thấy những hoàn cảnh ấy, không thể khoanh tay đứng nghe tiếng kêu cứu. Tôi nghĩ mình cần làm gì đó để giúp họ, có lúc tôi kịp thời cứu được họ thoát nạn đó cũng là niềm vui. Nhưng cũng không ít lúc tôi tới muộn và họ đã ra đi thì bản thân cũng rất buồn”.

   - Ảnh 2

Ông Phước làm nghề đánh cá để mưu sinh

Và cuộc đời gắn bó với sông nước của ông cũng lắm những niềm vui, nỗi buồn, ông Phước nhớ lại “Từ trước tới nay tôi đã đưa hàng chục nạn nhân lên bờ, có người cứu được, có người thì cũng chỉ là giúp đưa thi thể họ lên bờ để họ sớm được yên nghỉ. Tôi nhớ có lần khi tôi đang đánh cá thì bất chợt có tiếng người gọi cứu. Nhìn về phía chân cầu thì thấy mờ mờ ai đó quơ tay vùng vẫy.

Lúc đó không có phao nhưng tôi vẫn bơi đến và  tới nơi thì thấy hai học sinh đang chìm nên ngay lập tức tôi kéo đứa gần bờ lên trước. Khi quay ra để kéo cháu thứ 2 thì trên mặt sông chỉ thấy sóng nước nên tôi phải lặn xuống mò mẫm mãi mới tìm thấy. Cũng may, khi đó còn kịp nên sau khi hô hấp, cháu bé đã thở được” nói đến đây ông Phước mỉm cười vì đã giúp được người khác.

Nhưng bên cạnh đó ông Phước vẫn còn trăn trở bởi nhiều lúc cuộc chiến với “thần chết” để giành lại sự sống của những người sắp bị “hà bá” nuốt chửng gặp không ít khó khăn bởi đôi mắt ông không được như người thường. Hơn nữa nhiều khi không cứu được người khiến ông Phước nhiều đêm trằn trọc mất ngủ.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Bửu Long (TP Biên Hòa, Đồng Nai), bà Lê Thị Thu Tâm nói “Tuy ông Phước kém may mắn nhưng ông ấy là người tốt, dũng cảm và biết xả thân cứu người. Ông Phước đã được nhiều cơ quan ban ngành trong tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen vì lòng tốt biết giúp đỡ người gặp nạn không màng nguy hiểm đến bản thân”.

Nguyễn Nhâm

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý