Chuyện về những ông bố đơn thân “siêu nhân”

mesu mesu @mesu

Chuyện về những ông bố đơn thân “siêu nhân”

Gạt đi nỗi buồn khi hôn nhân đổ vỡ, những ông bố đơn thân này cùng lúc sắm 2 vai: Vừa làm bố vừa làm mẹ.

24/09/2017 10:55 AM
1,277

Gạt đi nỗi buồn khi hôn nhân đổ vỡ, những ông bố đơn thân này cùng lúc sắm 2 vai: Vừa làm bố vừa làm mẹ. Cảnh “gà trống nuôi con” có bao giờ là dễ dàng, ấy vậy mà bằng tình yêu vô bờ, họ vượt qua mọi khó khăn để nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Hôn nhân ngắn chẳng tày gang

Từng có một tình yêu lãng mạn, chân thành, quyết tâm gắn kết cuộc đời lại với nhau để xây dựng gia đình riêng, cùng nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn cho tới khi con trai chào đời. Hạnh phúc chưa đầy gang tấc thì hôn nhân tan vỡ, người vợ ra đi, để lại người chồng một mình chăm con nhỏ... Bao nhiêu vất vả, cay đắng cứ thế đổ dồn khiến người đàn ông ngoài ba mươi tuổi tưởng như gục ngã.

Chuyện về những ông bố đơn thân “siêu nhân” - Ảnh 1Phóng to

Với anh Giang con trai là tất cả.

Đó là câu chuyện của anh Phan Văn Giang (35 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội). Anh và vợ từng có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Nhưng rồi, sau 3 năm xa chồng con sang nước ngoài tu nghiệp, vợ anh thay lòng đổi dạ bỏ lại đứa con nhỏ - bé Phan Lê Tấn Dũng cho chồng để tìm cuộc sống mới. Từ đây, cuộc sống của ông bố trẻ đầy những khó khăn.

Anh Giang chia sẻ: “Làm bố đơn thân không hề đơn giản khi bé là con trai lại rất hiếu động. Chưa kể, chuyện ăn uống với một đứa trẻ là rất cầu kỳ, rồi cách giáo dục con thế nào và khi con ốm đau phải làm sao?”.

Cũng theo anh Giang, để đảm bảo được cuộc sống của hai bố con, thời gian đầu, ngoài việc làm chính ở công ty anh còn phải làm thêm rất nhiều việc khác như: Bán nước mía, bán bánh mì, bán quần áo thuê, chạy xe ôm...

“Thời gian đầu khi mới ly hôn, tôi phải chật vật làm đủ nghề để có tiền nuôi con. Mỗi khi con ốm, tôi lại phải xin nghỉ việc, chấp nhận bị trừ lương... Chưa kể, khi 6 tuổi bé bị mắc chứng rối loạn giấc mơ, cứ 12h đêm lại thức dậy rồi hoảng hốt lao ra ngoài. Thương con, xót con, hôm nào tôi cũng phải thức qua 1h rồi mới ngủ. Sau 4 năm, con khỏi bệnh thì tôi lại mắc chứng mất ngủ...”, anh Giang nhớ lại.

Chăm sóc một đứa trẻ quả không hề đơn giản, với anh Giang, mỗi lần con ốm anh lại phải đưa con xuống viện Nhi lấy thuốc và thăm khám. Thuốc dùng cho căn bệnh mà bé Tấn Dũng mắc phải khá đắt đỏ, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 viên. Trung bình mỗi viên thuốc 100-200 nghìn đồng, chưa kể siro bổ thần kinh 500 nghìn đồng/lọ. Trung bình mỗi ngày anh phải chi 1,5 triệu đồng tiền thuốc cho con trai.

Cùng rơi vào cảnh ngộ “gà trống nuôi con” nhưng cuộc đời làm bố đơn thân của anh Nguyễn Văn Kiên (SN 1957) thôn Bùi Xá, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã trải qua 22 năm một mình chăm con bệnh tật.

“Tôi lập gia đình năm 1992, một năm sau đó vợ chồng tôi chào đón con gái đầu lòng, tôi đặt tên cho con là Liên. Thế nhưng, niềm vui chẳng đầy gang tấc khi con tôi bị chẩn đoán mắc chứng liệt bẩm sinh. Nỗi đau chưa dừng lại ở đó khi một thời gian sau, vì quá mệt mỏi nên vợ tôi nằng nặc đòi ly dị”, anh Kiên xót xa.

Dù anh Kiên đã cố gắng níu kéo nhưng do vợ anh một mực đòi chia tay nên đành mỗi người mỗi ngả. Anh Kiên nhớ lại: “Ngày ra tòa, quyền nuôi con thuộc về cô ấy, nhưng khi đó, cô ấy nói nếu phải nuôi, cô ấy sẽ đưa bé vào trại trẻ mồ côi. Tôi bật khóc và giây phút đó, tôi tự hứa sẽ yêu thương, chăm sóc cho con thật tốt. Bởi con đã quá thiệt thòi khi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo”.

Chuyện về những ông bố đơn thân “siêu nhân” - Ảnh 2Phóng to

Hơn 20 năm qua, anh Kiên vẫn luôn đồng hành cùng con gái.

Từ ngày đó, anh Kiên một mình chăm sóc cho đứa con gái đáng thương. Sáng nào anh cũng dậy sớm chuẩn bị cơm cháo cho con. Có hôm, con thèm ăn bát phở, anh chạy vội ra ngoài hàng để mua. Dù không nói được, nhưng bé Liên vẫn cảm nhận được tình cha, em dành cho cha những ánh mắt trìu mến, ấm áp.

Vốn là một nghệ sĩ, nhưng từ ngày vợ chồng chia tay, anh Kiên nghỉ hẳn việc để ở nhà chăm con. Thi thoảng anh nhận làm thêm bên ngoài để có tiền trang trải, thuốc thang cho con.

“Chăm sóc một đứa trẻ là điều không dễ dàng gì, nhất là khi con lại có bệnh trong người. Ngày ngày, ngoài việc lo cho con ăn cơm, uống thuốc đã mất gần nửa buổi, rồi vệ sinh cho con... Những khi trái gió trở trời, việc đó càng khó khăn gấp bội. Con gái tôi càng lớn càng hiểu chuyện, dù không nói ra, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn mỗi khi con rơi nước mắt. Để con yên tâm, tôi phải nói lời động viên con mỗi ngày, tôi kể cho con nghe chuyện thế giới bên ngoài”, anh Kiên tâm sự.

Cứ như thế, hai bố con nhọc nhằn vượt qua mọi khó khăn, những tưởng những bất hạnh đã qua đi, nhưng năm 2012, Liên ốm một trận thập tử nhất sinh, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh trả về vì không chữa nổi. Bé được chẩn đoán suy cầu thận, tràn dịch màng phổi, gan nhiễm mỡ, suy tim. Bé nằm viện 15 ngày không có dấu hiệu sống, bệnh viện bảo anh lo hậu sự... Nhưng vì thương con nên anh nhất quyết đưa con ra Hà Nội vào bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Cũng may, đợt đó, dù tốn kém, nhưng Liên qua được cơn nguy kịch.

Anh Kiên chia sẻ: “Tôi đã khóc, vì sợ điều chẳng lành, nhưng may mắn thay khi con bình an vô sự. Từ ngày đó, tôi càng cẩn thận hơn mỗi lần chăm con”.

Chỉ cần ở bên con

Cuộc sống của hai bố con anh Kiên cứ thế trôi qua, thấm thoắt đã hơn 20 năm, con gái anh giờ đã ở tuổi trưởng thành, giờ anh đã 50 tuổi, nhưng con gái anh sau bao nỗ lực chữa bệnh và phục hồi chức năng vẫn chỉ có ý thức và sinh hoạt bằng đứa trẻ mới sinh, chẳng thể tự lo cho bản thân mình, vẫn phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt của con hai mấy năm qua đều một tay anh làm, có nhờ hàng xóm thì cũng là cho con gái ăn.

Cũng bởi vậy, nên anh Kiên không có ý định đi bước nữa, phần vì muốn dành cả đời chăm sóc cho con, phần vì sợ không có người phụ nữ nào có đủ tình thương cho cô con gái bé nhỏ của mình. Hơn hết anh sợ sẽ có thêm một người phụ nữ nữa khổ vì anh. Hai năm trở lại đây, anh bắt đầu dạy con học, anh dạy con đếm từ số 1 đến 100, dạy con học bảng chữ cái, dạy con học cách bật ti vi, dùng điện thoại để gọi bố...

“Mỗi lần được bố dạy học, Liên vui lắm, ánh mắt sáng lên và tập trung vào những gì tôi nói. Giờ đây, con đã hiểu được những điều cơ bản nhất rồi. Con đã biết ra hiệu nói “Yêu bố”. Thấy con dần hiểu được chuyển động của cuộc sống xung quanh, tôi mừng lắm”, anh Kiên mừng mừng, tủi tủi.

Bé Liên tuy không thể nói chuyện nhưng ánh mắt em lúc nào cũng ánh lên tình thương dành cho bố, sự hiếu kỳ với thế giới bên ngoài giống như người bình thường. Khuôn mặt em luôn tươi tắn, nụ cười lúc nào cũng hiện hữu trên môi, xua tan hết mọi mệt nhọc ưu phiền của bố.

Còn anh Giang, nói về cuộc sống hiện tại, anh mỉm cười: “Bây giờ, hai bố con tôi đã quen với nền nếp, mỗi sáng tôi gọi con dậy để con tự vệ sinh cá nhân, sau đó hai bố con cùng đi ăn sáng. Tôi đưa con lên lớp, rồi quay lại với công việc mưu sinh của mình. Chiều chiều, đến giờ thì đón con về, dắt con ra chợ, hỏi xem con thích ăn gì rồi mua về hai bố con nấu ăn cùng nhau. Tôi không nấu tất cả cho con, mà khuyến khích con cùng làm với bố. Xong xuôi, hai bố con đi tắm, rồi cùng xem ti vi giải trí, sau đó học bài rồi đi ngủ”.

Với anh Giang, việc vừa làm cha vừa làm mẹ là cả một bài toán khó. Trong cuộc sống, anh luôn cố gắng giải đáp những câu hỏi đầu đời của con bằng những cách chân thật nhất, thông qua đời sống hàng ngày. Nhà có hai cha con, nên anh cũng dạy con tự lập, không dựa dẫm, ỷ lại vào bố. Và chính anh, cũng là tấm gương về sự nỗ lực để con noi theo.

Anh chia sẻ: “Để đảm bảo cuộc sống của hai bố con, tôi quyết định nghỉ việc ở công ty chuyển sang kinh doanh rất nhiều mặt hàng. Nói chung, đã kinh doanh thì gặp không ít khó khăn và rủi ro. Tuy nhiên, sau 5 năm, tôi đã có thể xây nhà mới để hai bố con ở. Với tôi, chỉ cần được ở bên con, chăm sóc cho con là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Những khi rảnh rỗi, anh Giang lại dành thời gian để cùng con nấu ăn. Anh chia sẻ thêm: “Với một ông bố đơn thân, việc đảm bảo dinh dưỡng cho con cũng là một vấn đề vô cùng khó khăn. Hằng ngày, tôi luôn nghĩ cần phải nấu như thế nào để hợp với khẩu vị của con. Làm thế nào để khơi dậy niềm đam mê ăn uống trong con... Và thế, tôi lên mạng xem và mua sách tìm hiểu thêm. Giờ đây, tôi khá hài lòng khi đã hiểu được khẩu vị của bé và thay đổi thực đơn theo ngày”.

Con trai là niềm an ủi, điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống hiện tại của anh Giang. Bé Tấn Dũng càng lớn càng kháu khỉnh và rất thương bố.

“Con rất ngoan và nghe lời bố, chưa bao giờ cháu cãi bố vì bất kỳ lý do gì. Tối nào ngủ cũng chui vào lòng bố, đòi đấm lưng rồi hỏi bố có mệt không, bố thích ăn gì để con làm... Rồi con kể chuyện ở trường lớp, những khi đó, tôi cảm động rơi nước mắt”, anh Giang chia sẻ.

Thanh Bình - Vân Anh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý