Clip mì Hảo Hảo đốt cháy có mùi khét: Acecook VN lên tiếng

baybykiu baybykiu @baybykiu

Clip mì Hảo Hảo đốt cháy có mùi khét: Acecook VN lên tiếng

(ĐSPL) Mới đây một clip quay lại cảnh gói mì ăn liền Hảo Hảo đốt cháy có mùi khét như cao su được một cư dân mạng chia sẻ đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. Nhưng theo đại diện Acecook, mì ăn liền hoàn toàn có thể bị bắt cháy khi tiếp xúc với lửa...

28/11/2015 03:21 PM
659

Nội dung thông tin trong clip cho rằng, đây là sản phẩm Hảo Hảo do Trung Quốc làm giả, sợi mì làm từ cao su nên mới có thể đốt cháy. Clip đã gây nên nhiều sự lo lắng, hoang mang cho người tiêu dùng cũng như thu hút sự quan tâm của truyền thông.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam - Vietq.vn, ông Kagoshima Shigeto – Giám Đốc Khối Marketing – Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cho biết: "Mì ăn liền được làm từ nguyên liệu là bột mì, chứa các chất bột, đường, dầu. Bên cạnh đó, mì ăn liền được chiên bằng dầu nên lượng nước trong mì mất đi, làm cho mì hoàn toàn khô ráo. Do đó, mì ăn liền hoàn toàn có thể bị bắt cháy khi tiếp xúc với lửa. Đây là một hiện tượng vật lí bình thường. Không chỉ đối với mì ăn liền, đối với các sản phẩm khô như bún, phở, hủ tiếu ăn liền, bánh tráng, miến khô… cũng sẽ có những hiện tượng tương tự khi tiếp xúc với lửa.

  - Ảnh 1Phóng to

Mì ăn liền hoàn toàn có thể bị bắt cháy khi tiếp xúc với lửa. (ảnh: Infonet)

Với phương châm đặt an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu, Acecook Việt Nam nhận thấy cần phải có trách nhiệm trong việc thông tin chính xác, mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng. Với suy nghĩ này, công ty chúng tôi mong rằng người tiêu dùng có thể ngưng sử dụng phương pháp đốt cháy sản phẩm bằng lửa như trên để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đây là một phương pháp không an toàn, rủi ro và có thể gây tổn hại đến sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng".

Ông Kagoshima Shigeto cho biết thêm: “Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều được sản xuất bằng công nghệ hiện đại Nhật Bản, quy trình khép kín với nguyên vật liệu có nguồn gốc, xuất xứ từ các nhà cung cấp uy tín. Do vậy, chúng tôi luôn cam kết cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn vệ thực phẩm đến người tiêu dùng”.

Bày tỏ quan điểm về đoạn clip trên, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Mì tôm vốn được làm từ tinh bột mì và chiên qua dầu. Sau đó, mì tôm còn được sấy khô nên độ ẩm rất thấp. Vì thế, mì tôm đóng gói mở ra lấy tay bẻ giòn tan và dễ bắt lửa vì đã chiên qua dầu. Các loại thực phẩm như thịt, bánh mì nếu chiên qua dầu và sấy khô đều dễ dàng cháy như thế.”

Ông Thịnh nói thêm: "Người ta thấy mì tôm cháy rất lạ là vì từ trước đến nay chưa có mấy người mang mì tôm ra đốt lửa như thế. Nếu bánh mì có ruột bình thường, độ ẩm cao không bén lửa nhưng đem sấy khô, độ ẩm thấp như mì tôm thì nó cũng bén lửa bình thường như hình ảnh của miếng mì tôm kia”.

Báo Gia đình Việt Nam thông tin, chưa bàn đến chuyện thực hư, việc một món ăn vốn được hàng triệu người Việt yêu thích bỗng nhiên dính nghi án hàng nhái, hàng kém chất lượng khiến không chỉ dư luận mà đến cả các chuyên gia về kinh tế, dinh dưỡng cũng hết sức hoang mang, lo lắng.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia đứng đầu về việc tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền. Tuy nhiên, việc sử dụng thường xuyên sản phẩm này sẽ có nguy cơ dẫn đến việc mắc nhiều chứng bệnh. Theo nghiên cứu mới nhất của tổ chức Y tế thế giới và tổ chức Dinh dưỡng thế giới, những ai tiêu thụ mỳ ăn liền trên 3 lần mỗi tuần sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Ngoài ra, mì gói còn được coi là đối thủ "khó xơi" đối với hệ tiêu hóa.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải minh bạch hóa các thành phần trong mì ăn liền để cảnh báo đến người sử dụng. Chuyên gia này chia sẻ: “Tôi đọc báo thấy các nhà khoa học phân tích về vấn đề dinh dưỡng của sản phẩm này thì rất sợ. Tuy nhiên, mì vẫn là một món khoái khẩu của nhiều người. Vấn đề là cho dù chúng ta có thích đến đâu thì vì sức khỏe và chất lượng cuộc sống, chúng ta cũng không thể đánh đổi được”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, các nhà sản xuất và cơ quan truyền thông cần công khai minh bạch hóa các thành phần trong mì ăn liền để phân tích tính hai mặt của sản phẩm này để người tiêu dùng biết và lựa chọn sử dụng hay không sử dụng.

Trong một thí nghiệm đặc biệt gần đây, tiến sỹ Braden Kuo, công tác tại Bệnh viện cộng đồng Massachsetts (Mỹ) chỉ ra rằng, những sợi mỳ ăn liền khi được đưa vào cơ thể con người sẽ không dễ dàng phân hủy sau 2 giờ chúng ta ăn. Nghiên cứu của TS Braden Kuo cũng cho thấy mì ăn liền là sản phẩm "ngậm chất độc" bởi nó chứa chất phụ gia chống oxy hóa, là sản phẩm phụ dùng trong ngành công nghiệp dầu khí, thường được xem như là một chất chống oxy hóa. Tại một cuộc họp gần đây, các chuyên gia thuộc tổ chức FAO và WHO đã xác nhận, nếu tiêu thụ chất chống oxy hóa này vượt quá mức "an toàn" (vượt mức 5 gram) sẽ có thể tử vong.

Năm 2012, cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hàn Quốc đã tìm thấy chất Benzopyrene (một chất gây ung thư) trong 6 loại nhãn hiệu mì ăn liền của công ty Nong Shim. Vụ việc sau đó buộc công ty này phải thu hồi sản phẩm và tạo nên một làn sóng lo sợ về thực phẩm đối với người dân quốc gia này. Một điều khiến chúng ta lo sợ nữa đó là bột ngọt trong mỳ ăn liền có khả năng kích thích tế bào thần kinh, khiến bộ óc chúng ta bị tổn thương, thậm chí gây tử vong. Nó cũng có thể gây ra các căn bệnh như Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh Lou Gehrig... Những lo sợ về tính an toàn của mì ăn liền khiến nhiều người đặt ra câu hỏi làm sao để hạn chế việc sử dụng sản phẩm này trong khi các nhà sản xuất vẫn ồ ạt tung ra ngập tràn thị trường. 

AN NHIÊN (Tổng hợp)





Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý