'Có những khoản chi thế giới biết trước Quốc hội'

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

'Có những khoản chi thế giới biết trước Quốc hội'

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nói về tính công khai của chi ngân sách trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

18/04/2015 11:38 AM
328

   - Ảnh 1

Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách bế mạc ngày 17/4 (Ảnh VOV).

Sáng ngày 17/4, sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bế mạc.

Trước đó, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị cần bổ sung vào trong Dự thảo Luật cơ chế để bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả, chấm dứt cơ chế xin cho ngân sách.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, khi xây dựng Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi lần này phải bàn bạc để “làm sao Quốc hội phải kiểm soát được ngân sách, còn Quốc hội mà không kiểm soát được ngân sách thì tôi nghĩ quyền lực Nhà nước cấp cao đến cỡ nào cũng không có gì cao cả”.

Theo đại biểu này: “Hiện nay chúng ta lồng ghép, không tách bạch rõ ràng nên cái cần tự chủ thì không cho tự chủ, cái không được tự chủ lại lồng ghép tự chủ nên mới có chuyện lấy tiền làm trường để xây trụ sở”.

“Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã mở để cho Quốc hội kiểm soát ngân sách, vấn đề còn lại là Quốc hội có muốn làm hay không?”, ông Lịch bày tỏ.

“Ngân sách có tầm rất quan trọng. Một năm bình quân 60 ngày làm việc cho 2 kỳ họp, liệu chúng ta có dành 10 – 15% quỹ thời gian đó để bàn ngân sách không? Kỳ họp giữa năm chúng ta bàn nhiệm vụ chi, không bàn ở tổ mà bàn ở hội trường 3 ngày minh bạch nhiệm vụ chi. Kỳ họp sau cũng họp ở hội trường 3-4 ngày để quyết khung kỳ trước đã bàn.

Vấn đề gì đưa ra Quốc hội thảo luận minh bạch thì tốt, còn vấn đề gì để dấm dúi thì không tốt. Ngân sách là vấn đề cần minh bạch cao nhất nên phải đưa ra Quốc hội thảo luận. Tại kỳ họp rồi, cử tri hỏi, tại sao Hà Nội để lại 41%, TP HCM chỉ để lại 23% (thu ngân sách), tôi không biết trả lời thế nào. Nếu minh bạch thì không ai so bì, không ai thắc mắc”, vị đại biểu này tiếp tục nói.

Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng: “Ngân sách là vấn đề khó, không phải đại biểu nào cũng có thể hiểu được. Nhưng có một nguyên tắc là tất cả các khoản chi thì phải được Quốc hội phê duyệt."

“Trên thực tế có nhiều khoản chi lớn mà Quốc hội chưa được quyết định. Tôi đề nghị những khoản chi nào đã gọi là chi của quốc gia thì phải Quốc hội quyết. Ngay cả chi quốc phòng, an ninh, chúng ta cũng không giấu được, với cơ chế mở hiện nay, chúng ta chi việc gì cả thế giới đều biết, thậm chí thế giới biết trước đại biểu Quốc hội”, ông Nam phát biểu.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh cũng cho rằng, Quốc hội quyết định ngân sách là vấn đề hết sức lớn, nên dự toán phải chính xác.

Cho rằng quy trình lập ngân sách chưa chuyên nghiệp, mỗi năm chỉ họp hai lần nên khi họp luôn nhất trí về cơ bản với quy trình lập ngân sách, do đó, “khi Quốc hội thảo luận ngân sách hàng năm thì mọi việc đã đâu vào đấy”, ông Minh thẳng thắn nói.

Văn Dũng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý