Có những phẩm chất sau, bạn dễ trở thành nhà lãnh đạo tài ba

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Có những phẩm chất sau, bạn dễ trở thành nhà lãnh đạo tài ba

Một người muốn trở thành lãnh đạo không khó nhưng nếu muốn trở thành người lãnh đạo thực sự tài ba thì khó đấy bởi không thể thiếu những phẩm chất dưới đây.

03/05/2017 07:18 AM
747

Một người muốn trở thành lãnh đạo không khó nhưng nếu muốn trở thành người lãnh đạo thực sự tài ba thì khó đấy bởi không thể thiếu những phẩm chất dưới đây.

Hầu hết mọi người đều muốn phấn đấu để trở thành lãnh đạo. Chúng ta muốn làm điều gì đó xuất chúng, được đồng nghiệp nể trọng, kiếm được nhiều tiền hơn và nắm giữ nhiều trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không rõ cách làm thế nào để có được sự tôn vinh, tin tưởng và ngưỡng mộ từ các cộng sự.

Có những phẩm chất sau, bạn dễ trở thành nhà lãnh đạo tài ba - Ảnh 1

Trên thực tế, không có câu trả lời đơn giản nào giúp bạn hoàn thiện nhanh chóng kỹ năng lãnh đạo. Nó đòi hỏi sự cống hiến, thời gian, lòng kiên nhẫn, và quan trọng nhất là kiến thức. Hiểu rõ về nguyên nhân khiến ai đó có tầm ảnh hưởng hơn những người khác thì bạn mới có thể bắt đầu thay đổi niềm tin của người khác cũng như hành động của chính mình.

Một khi đã biết những tính cách tạo nên quyền lực ở một người, bạn mới có thể xây dựng kế hoạch để cải thiện những hạn chế, thay đổi các hành vi ngăn cản bạn đạt tới vị trí quản lý, điều hành.

Dưới đây là một danh sách các tính cách mà các chiến lược gia săn đầu người chuyên về bán hàng và marketing tìm kiếm ở các nhà lãnh đạo, và một số bài tập giúp tăng cường ảnh hưởng của bạn ở nơi làm việc.

1. Giao tiếp

Các nhà lãnh đạo có xu hướng giao tiếp rất tốt. Cho dù họ đang giao tiếp trên cơ sở 1-1 hay với một nhóm lớn hay đám đông, họ đều làm tốt. Một yếu tố trong đó là khả năng kết nối với người khác trên cùng một mức độ cảm xúc. Thuyết phục một ai đó theo bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu họ cảm thấy có cùng cảm xúc hay sự cảm thông ở bạn. Ngoài ra một nhà lãnh đạo nên học cách nói rõ ràng và với sự tự tin. Họ cần phải biết làm thế nào để trình bày quá trình suy nghĩ của mình một cách hợp lý, logic và mọi người đều hiểu.

2. Sự quan tâm

Nhiều người không nghĩ về yếu tố này khi nghĩ về một nhà lãnh đạo tuyệt vời, nhưng nó lại vô cùng quan trọng. Nhiều người tự nguyện theo một nhà lãnh đạo vì họ tin rằng họ sẽ được cải thiện cuộc sống theo cách nào đó. Nếu những người khác biết rằng bạn quan tâm đến họ, họ thường sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót và đi theo bạn. Nếu bạn thực sự không quan tâm, bạn sẽ không thể giả vờ bạn quan tâm vì điều đó rất khó và mọi người cuối cùng sẽ nhìn ra mà thôi.

3. Kiến thức

Không gì có thể làm xói mòn khả năng lãnh đạo của một người hiệu quả hơn sự thiếu hiểu biết. Nếu những người trong nhóm hay tổ chức có thể cảm nhận họ hiểu biết nhiều hơn bạn, họ sẽ nhanh chóng đánh mất niềm tin vào bạn. Đây có thể là một trong những đặc điểm khó trau dồi nhất vì hiểu biết là vô hạn. Tuy nhiên, có vẻ như không công bằng cho lắm nhưng người ta thường mong đợi các nhà lãnh đạo của họ có thể trả lời mọi câu hỏi. Bởi vậy các nhà lãnh đạo nên không ngừng trau dồi kiến thức.

4. Sự tự tin

Đối với một số người, điều này hết sức dễ dàng để phát triển, trau dồi trong khi đối với một số người khác lại hết sức khó khăn. Sự tự tin là một điều hay thay đổi và thường có thể giả vờ. Câu nói “hãy cứ giả vờ đến khi thực hiện được” có thể dễ dàng áp dụng vào sự tự tin. Nhiều người tự tin và thành công cũng đã chia sẻ sự thiếu tự tin trong thời thơ ấu của họ và họ đã cải thiện chúng. Nếu bạn đang chật vật vì không thể có được sự tự tin, đừng lo lắng, sự tự tin cũng sẽ cải thiện nếu được luyện tập.

5. Trung thực

Một điều có thể nhanh chóng làm mất đi sự tôn trọng ở một nhà lãnh đạo là lời nói dối. Một nhà lãnh đạo tuyệt vời có thể bị mất đi sự tôn trọng chỉ với một câu nói dối đơn giản, ngay cả khi họ nghĩ họ làm vậy vì lý do chính đáng. Cũng như câu nói “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, rất khó có thể lấy lại sự tin tưởng của một ai đó sau khi bị phát hiện nói dối, và đặc biệt khó khăn cho các nhà lãnh đạo. Là một nhà lãnh đạo hãy kiên định rằng bạn sẽ luôn trung thực với những người bạn đang dẫn dắt ngay từ lúc bắt đầu.

6. Tập trung

Có những phẩm chất sau, bạn dễ trở thành nhà lãnh đạo tài ba - Ảnh 2

Người ta nói rằng khả năng lãnh đạo là đưa ra những quyết định quan trọng đầy tính sáng tạo. Điều này chắc chắn là đúng một phần. Nhưng theo Tim Ferriss, cần phải chú trọng tầm quan trọng của việc tập trung.

Bạn cần biết mình nên làm gì và không nên làm gì; đừng ôm đồm quá nhiều việc, nếu vậy thì bạn thuê nhân viên để làm gì? Hãy làm những việc của người lãnh đạo như đưa ra quyết sách chung, đường lối phát triển dài hơi và giải quyết những thứ mà nhân viên không thể; đừng quan tâm nhiều tới những chuyện "lông gà, vỏ tỏi", vì đó không phải là công việc của người lãnh đạo.

7. Mạnh mẽ

Hãy bắt đầu tạo cho mình tư thế đĩnh đạc và tự tin. Người ta luôn bị thu hút bởi sự tự tin và cũng thường né tránh sự căng thẳng, thiếu tin cậy hay bất an.

Cách bạn cảm nhận về mình sẽ cho thấy khả năng dẫn dắt và uy quyền của bạn. Về cơ bản, nếu bạn không thấy mình quan trọng và xứng đáng, đừng hy vọng đồng nghiệp của bạn sẽ thấy thế.

Nếu bạn từng tỏ ra lo lắng và thiếu quyết đoán trước đồng nghiệp trong quá khứ, đừng tập trung vào những hạn chế này. Các đồng nghiệp của bạn, như nhiều người khác, rất mau quên, và bạn cũng nên thế. Từ nay trở đi, hãy nghĩ về những trải nghiệm đã qua như một bài học hơn là căn cứ để dự đoán tương lai.

8. Năng lượng tích cực

Các nhà lãnh đạo thường thể hiện năng lượng tích cực và lạc quan, họ lan tỏa tới những người xung quanh quan điểm “có thể làm được”. Tầm nhìn này thu hút các cộng sự và mở lối cho phạm vi ảnh hưởng, thái độ tôn trọng và ngưỡng mộ họ từ những người khác.

Về phương diện lãnh đạo, năng lượng tích cực mang lại nhiều lợi ích. Khi tích cực, bạn nghĩ về các giải pháp chứ không phải trục trặc, bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có xu hướng linh hoạt và suy nghĩ sáng suốt hơn.

Thêm nữa, bạn quyết đoán hơn, sự thẳng thắn của bạn sẽ tạo nên cách trao đổi cởi mở hơn, nhanh chóng hơn với các nhân viên khác. Đây là nền tảng của sự lãnh đạo mạnh mẽ.

9. Đam mê

Đam mê công việc có nghĩa là bạn có hứng thú thực sự, sâu sắc và chân thành với công việc. Cảm hứng này có tính lan truyền rất tự nhiên và nó sẽ lôi kéo những người khác theo hướng suy nghĩ của bạn.

Có những phẩm chất sau, bạn dễ trở thành nhà lãnh đạo tài ba - Ảnh 3

Con người thường thích sự tích cực, hiệu quả, thông minh và linh hoạt. Tất cả những điều này là sản phẩm đi kèm từ việc yêu thích những việc bạn làm.

Trừ khi bạn học cách yêu công việc, nếu không, bạn khó hy vọng có thể bày tỏ năng lượng tích cực cần thiết mà một nhà lãnh đạo cần có.

Hoặc bạn chủ động tìm kiếm công việc hoàn hảo, hoặc tự đào luyện bản thân để trở nên đam mê với công việc hiện tại. Dù thế nào, bạn hãy có quyết định chắc chắn về việc đi hay ở để rồi tiếp tục với nó.

10. Vị tha

Các nhà lãnh đạo đều vị tha. Họ quan tâm nhiều hơn tới thành tựu của tập thể, ngay cả khi nó đối lập với những mục tiêu riêng của họ.

Bằng cách thường xuyên trao khuyến khích, quan tâm và ghi nhận, các đồng nghiệp sẽ bị bạn thu hút nhiều hơn. Bất kể việc bạn đã là một nhà quản lý hay chưa, hãy tranh thủ mọi cơ hội để “tiêm” thêm chất tự tin vào những con người đang tìm kiếm nó.

Hầu hết những điều quan trọng trong công việc cũng như trong cuộc sống đều đòi hỏi sự lao động, học tập, và quan trọng nhất, là hành động. Làm lãnh đạo cũng không có gì khác. Bạn hãy hiểu rằng, không ai sinh ra đã là một nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo đã quyết định để hun đúc mình thành một người như thế.

11. Minh bạch

Có những phẩm chất sau, bạn dễ trở thành nhà lãnh đạo tài ba - Ảnh 4

Keri Potts thuộc ESPN chia sẻ như sau: "Tôi chưa bao giờ tin tưởng khái niệm 'đeo mặt nạ'. Là một lãnh đạo, cách duy nhất mà tôi biết là làm thế nào để tạo nên sự tin tưởng 100 phần trăm và làm thế nào để nhận sự tin tưởng từ đồng đội cũng như đồng nghiệp của mình. Mặc dù thỉnh thoảng có thiếu sót, nhưng chúng tôi luôn đam mê công việc của chúng tôi. Điều này cho phép tôi tự do bày tỏ và luôn nhất quán trong công việc. Nhân viên sẽ luôn biết họ cần làm gì. Không có gì phải bất ngờ cả."

12. Chính trực

Ông Gunnar Lovelace cho biết: "Nhân viên của chúng tôi là người phản ánh trực tiếp đạo đức của các lãnh đạo. Nếu chúng ta cư xử theo lối phản kháng và lỗi thời thay vì làm điều đúng đắn; như vậy, sẽ giới hạn tiềm năng kinh doanh và mất đi nhân tài có đạo đức tốt. Nếu bạn cứ tập trung vào tính xác thực trong việc tương tác qua lại với nhau, điều đó sẽ gây ảnh hưởng tốt đến việc kinh doanh cũng như văn hóa của chính bạn."

13. Nguồn cảm hứng

Cựu thống đốc của California, ông Arnold Schwarzenegger, kể rằng: người ta thường hay bảo ông là người ăn nên làm ra nhờ chính sức mình; nhưng ông cho rằng không bao giờ có chuyện đó. Lãnh đạo không phải người tự làm bằng sức mình, mà là người dẫn dắt.

Lúc đến Hoa Kỳ, ông không có tiền bạc và chẳng có gì trong chiếc túi tập gym cả, nhưng không có nghĩa là ông hoàn toàn trắng tay. Những người khác đã cho ông nguồn cảm hứng và lời khuyên hữu ích. Ông nhận được năng lượng từ niềm tin của bản thân, cũng như sự dẫn dắt và lòng đam mê từ bên trong. Đó là lý do tại sao ông luôn sẵn sàng lên trang Reddit truyền đạt động lực cho bạn bè và các bạn đọc.

Ông còn cho biết thêm: "Tôi hiểu được sức mạnh của nguồn cảm hứng. Nếu có ai đó muốn đứng lên vai tôi để đạt những điều cao cả, tôi sẵn sàng nâng họ lên."

14. Đổi mới

Trong bất kỳ hệ thống nào thì nguồn tài nguyên luôn bị giới hạn, còn cộng đồng dân số thì cứ tăng lên không ngừng; do đó, đổi mới là điều cần thiết. Đổi mới không chỉ để thành công, nó còn giúp cho bạn sống sót. Những người đổi mới chính là lãnh đạo của chúng ta. Không thể nào tách biệt được sự đổi mới và lãnh đạo. Dù cho đổi mới về suy nghĩ, công nghệ, hay tổ chức, thì đổi mới chính là hy vọng duy nhất giúp bạn giải quyết các thử thách.

15. Kiên trì

Có những phẩm chất sau, bạn dễ trở thành nhà lãnh đạo tài ba - Ảnh 5

Kiên trì là sự can đảm thật sự, điều đó có nghĩa là, bạn đang kiểm tra sự tận tâm của bạn về lý do khiến bạn bắt đầu. Cánh cổng đến thiên đường luôn tràn ngập khó khăn. Nhưng lãnh đạo tài giỏi là người hiểu rõ khi nào nên từ bỏ, lúc nào nên tiếp tục theo đuổi chí hướng. Nếu tầm nhìn của bạn đã đủ vững chắc, thì sẽ có hàng trăm lý do cho bạn biết tại sao mục tiêu lại 'không thể hoàn thành'. Có rất nhiều thứ đến cùng lúc như: thị trường bên ngoài, sự cạnh tranh, tài chính, yêu cầu của người tiêu dùng và luôn luôn có một chút may mắn, để tạo nên một điều gì đó lớn lao hơn.

16. Chủ nghĩa khắc kỷ

Có một điều chúng ta không thể tránh khỏi: Thế nào thì chúng ta cũng sẽ gặp những tình huống trớ trêu trong đời; đó có thể là những lỗi lầm nghiêm trọng, thất bại không mong muốn hay thế lực thù địch vô đạo đức.

Chủ nghĩa khắc kỷ, cốt lõi của nó, là sự chấp nhận, dự đoán trước tình huống, nhờ thế mà bạn không bị kích động, phản ứng thái quá hoặc làm mọi thứ trở nên trầm trọng. Rèn luyện tinh thần thép, xem xét các tình huống tệ hại và điều chỉnh những phản xạ bản năng không cần thiết. Như vậy, những kết quả không mong muốn đảm bảo sẽ không xảy ra hoặc nếu xảy ra thì chúng ta cũng không bị suy sụp.

17. Tư tưởng cởi mở

Một trong những truyền thuyết về một lãnh đạo tài giỏi đó là: dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, phải luôn đưa ra những quyết định cứng nhắc để bám lấy mục tiêu. Điều này quả thật ngớ ngẩn! Các nhà lãnh đạo cần phải có một tư tưởng cởi mở, linh hoạt và tự điều chỉnh khi cần thiết. Bên cạnh đó, lắng nghe từ người khác cũng là điều nên làm.

Tổng hợp

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý