Cơ quan ông Tập dùng làm 'vũ khí' gây ảnh hưởng ở nước ngoài

sakura1 sakura1 @sakura1

Cơ quan ông Tập dùng làm 'vũ khí' gây ảnh hưởng ở nước ngoài

Chính quyền Trung Quốc đã nói về văn hoá, như kinh kịch hay xiếc như một hình thức truyền bá quyền lực mềm.

29/10/2017 06:40 PM
134

Mặt trận Thống nhất là cơ quan có nhiệm vụ gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc trên toàn cầu. Chính quyền Trung Quốc đã nói về văn hoá, như kinh kịch hay xiếc như một hình thức truyền bá quyền lực mềm.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ lâu đã được dẫn dắt bởi triết lý được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1990: "Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế. Duy trì ẩn mình và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu".

Trong bài phát biểu gần 30.000 từ, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không còn tránh né vị thế dẫn đầu trên thế giới. "Đã đến lúc chúng ta phải lên sân khấu trung tâm thế giới và đóng góp nhiều hơn cho nhân loại", ông Tập nói. Trung Quốc "sẽ đứng ở vị trí cao và vững chắc ở phía đông", trở thành "siêu cường hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21", ông đề cập đến tham vọng hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" của mình.

Cơ quan ông Tập dùng làm 'vũ khí' gây ảnh hưởng ở nước ngoài - Ảnh 1Phóng to

Bà Tôn Xuân Lan người đứng đầu Ban công tác mặt trận thống nhất Trung ương Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Những lời của ông Tập cũng phản ánh việc Trung Quốc gần đây ngày càng mở rộng các hoạt động của mình ra nước ngoài. Họ đã mở một căn cứ quân sự ở Djibouti, triển khai quân ở nước ngoài theo chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và mở rộng chương trình viện trợ quốc tế.

Sáng kiến Vành đai và Con đường do ông Tập đề xướng từ năm 2013 cũng được coi là cơ hội để Trung Quốc triển khai "quyền lực mềm" của mình tới những khu vực rộng lớn ở châu Á và châu Phi, đồng thời gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trên toàn cầu.

Trung Quốc còn có những động thái quyết liệt trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chỉ trích hành động của Trung Quốc, cho rằng họ thách thức trực diện luật lệ và các quy tắc quốc tế.

Johnson thấy còn có một yếu tố quan trọng trong bài phát biểu là việc ông Tập nhắc đến cụm từ từng được sử dụng trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiền nhiệm. Ông Tập nói Trung Quốc đang ở trong "thời kỳ cơ hội chiến lược".

Shen Dingli, phó chủ nhiệm Viện Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho rằng ông Tập có thể ám chỉ rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và biệt lập trên quốc tế đang tạo cơ hội vươn mình cho Trung Quốc. 

"Việc Mỹ thực hiện chính sách hướng nội dưới thời chính quyền Donald Trump, Anh rời EU đều là những lý do để ông ấy dùng từ 'cơ hội chiến lược'", ông Shen nói.

Ông Zeng cho biết trong những lần các lãnh đạo Trung Quốc sử dụng cụm từ này 15 năm qua, họ đều ám chỉ các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng Ukraine.

"Miễn là Mỹ đang bị phân tâm bởi vấn đề khác, Trung Quốc coi đó là cơ hội chiến lược", ông nói.

Bên cạnh khu tổ hợp trụ sở của các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc là một khu nhà không đề tên. Thông tin duy nhất được ghi trên tấm biển ngoài cổng là địa chỉ 135 đường Phủ Hữu. Đây là văn phòng của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương - trụ sở chính để thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc ở toàn cầu. Cơ quan được dẫn dắt bởi bà Tôn Xuân Lan, người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi thúc đẩy vị thế của nước mình trên trường quốc tế là một trong những mục tiêu cao nhất. Tòa nhà trải dài khoảng 200 m cho thấy quy mô tham vọng của Trung Quốc. Tài liệu chỉ đạo của Mặt trận Thống nhất được FT thu được có đoạn viết: "Mặt trận thống nhất là vũ khí thần thông có thể giúp chúng ta loại bỏ 10.000 vấn đề để giành chiến thắng".

Mục tiêu của cơ quan này là cố gắng "đoàn kết tất cả các lực lượng có thể thống nhất" được trên khắp thế giới nhưng cũng xây dựng "trường thành sắt" chống lại "lực lượng thù địch ở nước ngoài" muốn phân chia lãnh thổ Trung Quốc hoặc cản trở sự phát triển của nước này.

Mặt trận Thống Nhất đã bỏ ra nhiều nỗ lực để lấy lòng Hoa Kiều. Gần như tất cả sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài đều bao gồm các nhân viên được giao đảm đương nhiệm vụ của Mặt trận Thống nhất.

Mặc dù hơn 80% trong khoảng 60 triệu người Trung Quốc ở nước ngoài đã nhập tịch tại 180 nước chủ nhà, họ vẫn được Bắc Kinh chú trọng. "Sự thống nhất của Trung Quốc ở trong nước đòi hỏi sự thống nhất của những người con Trung Quốc ở nước ngoài", tài liệu của Mặt trận Thống nhất có đoạn viết.

Tài liệu liệt kê một số cách để Mặt trận Thống nhất giành được sự ủng hộ từ Hoa kiều. Một số cách đánh vào mặt tình cảm, nhấn mạnh mối quan hệ máu thịt với quê hương. Những cách khác nhắm vào ý thức hệ, kêu gọi họ tham gia vào mục tiêu "phục hưng dân tộc Trung Hoa". Nhưng đa phần là biện pháp về mặt vật chất như cung cấp tài chính hoặc các nguồn lực khác cho các nhóm và cá nhân Trung Quốc ở nước ngoài được coi là có giá trị đối với Bắc Kinh.

Một học giả người Hoa ở Anh đã tham dự một số sự kiện của Mặt trận Thống nhất. Ông mô tả ông được mời đến các bữa tiệc để chào mừng các ngày lễ quan trọng của Trung Quốc.

Các bài phát biểu trong sự kiện thể hiện tinh thần yêu nước khi các sinh viên xuất sắc, đặc biệt là các nhà khoa học, hứa trở lại Trung Quốc. Đổi lại, họ sẽ được nhận các khoản trợ cấp được tài trợ bởi một số tổ chức con của Mặt trận Thống nhất như Quỹ Hỗ trợ Học giả Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài.

Tuy nhiên, những lợi ích này cũng đi kèm nghĩa vụ. Tại Australia, Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) hoạt động để phục vụ mục đích chính trị của sứ quán Trung Quốc, theo Alex Joske và Wu Lebao, sinh viên của Đại học Quốc gia Australia. Chẳng hạn, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Canberra trong năm nay, CSSA đã đưa hàng trăm sinh viên Trung Quốc đến để đối trọng với người biểu tình chống Trung Quốc trên đường phố, Joske và Wu cho biết.

Rõ ràng, không phải tất cả sinh viên ở Australia hay bất cứ nơi nào khác ở phương Tây đều tự coi mình là những đại diện để thúc đẩy quyền lực mềm cho Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Australia đã nhấn mạnh rằng sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh đang gia tăng.

Năm 2010, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Canada cảnh báo rằng một số quan chức chính quyền địa phương ở Canada và nhân viên chính phủ là "đại diện gây ảnh hưởng" cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Australia nói rằng họ quan ngại về các hoạt động tình báo của Trung Quốc và các chiến dịch bí mật gây ảnh hưởng đến chính trị của nước này.

"Ngay từ đầu, chính quyền Trung Quốc đã nói về văn hoá, như kinh kịch hay xiếc như một hình thức truyền bá quyền lực mềm", Li Xiguang, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, nói.

"Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ấy hoàn toàn khác với các nhà lãnh đạo trước. Ông nói Trung Quốc nên có đầy đủ sự tự tin trong văn hoá, con đường phát triển, hệ thống chính trị và lý thuyết". 

Theo Vnexpress

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý