Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không?

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không?

Sau khi Bản án của Tòa án công nhận quan hệ cha con có hiệu lực, cháu bé sẽ được hưởng di sản thừa kế cho người cha để lại.

29/05/2016 06:48 AM
10

(ĐSPL) - Sau khi Bản án của Tòa án công nhận quan hệ cha con có hiệu lực, cháu bé sẽ được hưởng di sản thừa kế cho người cha để lại.

Hỏi: Trước đây, năm 2007, tôi có quan hệ ngoài luồng với một người đàn ông đã có gia đình và có với nhau 01 đứa con trai. Khi đó, vì bị gia đình người đàn ông đó đánh đuổi, cấm cản nên anh ta đã không đi đăng ký khai sinh cho con tôi, cự tuyệt quan hệ với mẹ con tôi và mẹ con tôi phải lưu lạc đi nơi khác. Tháng vừa rồi, nghe tin anh ta chết vì bạo bệnh, mẹ con tôi đã quay trở về quê đến nhà anh ta thì người nhà đuổi đánh, miệt thị và không cho mẹ con tôi thắp hương. Giờ, tôi muốn hỏi, anh ta chết rồi, theo quy định pháp luật, con tôi có được hưởng thừa kế tài sản do người đàn ông này để lại không? Tôi cần phải làm gì trong trường hợp này?

Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không? - Ảnh 1Phóng to

Ảnh minh họa.

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:

Để cháu bé được hưởng thừa kế di sản do người cha để lại, trước tiên cần phải thực hiện các thủ tục để nhận cha cho con. Luật Hôn nhân – Gia đình 2014 tại Khoản 1 Điều 9 quy định “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trường hợp cha, mẹ đã chết”. Do đó, trong trường hợp này, vì con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) nên chị với tư cách là người đại diện theo pháp luật của con cần thực hiện thủ tục nhận cha cho con trước khi thực hiện thủ tục hưởng di sản thừa kế.

Vì những người bên họ nội của cháu bé không thừa nhận cháu bé, có tranh chấp xảy ra nên chị không thể thực hiện thủ tục khai nhận cha cho con tại các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền theo Luật Hộ tịch và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan mà cần khởi kiện ra Tòa án. Cụ thể, chị cần khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người cha cư trú trước khi chết với yêu cầu xác định cha cho con (theo Khoản 4 Điều 27; điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2014)).

Khi đó, chị cần cung cấp cho Toà án các chứng cứ như giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha con hoặc yêu cầu Tòa án giám định AND giữa cháu bé với những người có quan hệ huyết thông bên nhà nội như ông bà nội với cháu bé, con của vợ chồng người cha với cháu bé…

Sau khi Bản án của Tòa án công nhận quan hệ cha con có hiệu lực, cháu bé sẽ được hưởng di sản thừa kế cho người cha để lại. Trường hợp người cha trước khi chết có để lại di chúc hợp pháp trong đó không chia di sản cho cháu bé thì cháu bé vẫn được hưởng di sản thuộc trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Khoản 1 Điều 669 Bộ luật Dân sự 2005 (con bị mất khả năng lao động). Trường hợp người cha chết không để lại di chúc, chị với tư cách là đại diện theo pháp luật của cháu bé có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật. Khi đó, cháu bé thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người cha (điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005), được hưởng di sản thừa kế ngang bằng cùng với những người thừa kế cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cháu bé, chị có thể tham khảo và thực hiện các thủ tục mà chúng tôi đã nêu trên.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

HUY LÂM
Nguồn: Người đưa tin

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý