Cụ bà 121 tuổi tiết lộ bí quyết sống thọ

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Cụ bà 121 tuổi tiết lộ bí quyết sống thọ

Sinh ra trong thập niên cuối của thế kỷ 19, chứng kiến hai cuộc kháng chiến vĩ đại của quân và dân ta, tận mắt thấy những đổi thay của đất nước, bà Nguyễn Thị Trù trở thành gạch nối giữa ba thế kỷ.

29/07/2014 07:12 AM
2,143

Tiếp đồ ăn cho bộ đội

Ngày 22/7 vừa qua, cụ bà Nguyễn Thị Trù (SN 1893, nguyên quán Cần Giuộc, Long An, hiện đang ngụ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam trao xác lập kỷ lục và huy hiệu kỷ lục Việt Nam, với danh hiệu cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi dễ dàng tìm đến nơi ở của cụ bà có tuổi đời hơn một thế kỷ này. Hiện nay, đã bước qua tuổi 121, sức khỏe cụ Trù vẫn còn khá tốt. Tuy trí óc không còn minh mẫn như trước, nhưng cụ Trù không hề đau ốm, bệnh tật, mỗi ngày cụ ăn đều đặn 2-3 chén cơm.

Được biết, nhiều năm nay, cụ Trù sống chung với vợ chồng người con trai út cũng đã bước vào độ tuổi "thất thập cổ lai hy" trong một căn nhà khá khang trang, ngăn nắp.

 - Ảnh 1

Đã bước qua tuổi 121, sức khỏe cụ Trù vẫn còn khá tốt.

Ông Nguyễn Hữu Phương (74 tuổi, con trai út của cụ Trù) tâm sự: "Mẹ tôi luôn tự hào vì bà là "đàn em" của thế hệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà chỉ sinh sau Chủ tịch ba năm. Ngày đầu óc còn minh mẫn, mẹ tôi chính là "quyển sách sử di động" của cả nhà.

Bà thường kể lại những ký ức về hai cuộc chiến tranh cho con cháu hiểu biết, ghi nhớ. Gia đình tôi là những người miền Nam "chính hiệu", thế hệ ông bà, tổ tiên đều cắm rễ tại vùng đất Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nghe mẹ tôi nói lại, ngày ấy vùng này còn hoang vu, đất đai bỏ hoang, không người khai phá. Cha mẹ đã tự tay đi khai hoang, mở đất để có tiền nuôi sống 11 anh chị em tôi. Nay gia đình tôi chỉ còn lại tôi và anh thứ tám, thứ chín. Những người khác đều đã qua đời.

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, cha và mẹ tôi ngoài việc nuôi sống gia đình đã tiếp tế lương thực cho các chiến sỹ bộ đội. Gia đình tôi nhiều đời làm nông, không học hành cao như những người khác. Mẹ tôi thường nói, lúc ấy bà thấy các chiến sỹ còn trẻ xa nhà đi chiến đấu nên thương rồi tiếp đồ ăn, thức uống cho họ”.

"Sau này, khi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chiến dịch di dời người dân để thành lập các ấp chiến lược năm 1962, gia đình tôi buộc phải rời bỏ vùng đất Cần Giuộc để di chuyển lên khu vực xã Đa Phước, huyện Bình Chánh và định cư tại đây từ đó tới nay.

Nhắc tới sự kiện này, mẹ tôi luôn thắc thỏm. Trong tâm tưởng của bà cụ, bà không muốn xa rời vùng đất đã gắn bó bao đời nay của họ tộc. Thậm chí, đến tận bây giờ, khi đầu óc không còn minh mẫn, không nhớ nổi họ tên mình là gì, bà cụ vẫn còn hoài niệm về quê cũ", ông Phương chia sẻ.

Chúng tôi hỏi thăm tên tuổi, sau một lúc thẫn thờ ngẫm nghĩ, cụ không nhớ nổi tên mình là gì, nhưng lại trả lời một cách vô thức: "ở đây tôi không có người quen lại ít đi ra ngoài, không ai biết tôi là ai nữa. Lúc xưa tôi sống tại Cần Giuộc, hằng ngày vẫn cùng người trong làng đi chợ, mua rau. Chắc chắn ở đó còn nhiều người biết tôi lắm".

 - Ảnh 2

Ảnh cụ Trù chụp lúc di chuyển vào ấp Chiến lược năm 1962.

Bí quyết nằm ở những thang thuốc "cây nhà lá vườn"

Vừa bước vào sân nhà cụ Trù, đập vào mắt chúng tôi chính là nhiều mẹt lá cây, rễ cây các loại được băm nhỏ phơi ngổn ngang trước hiên nhà. ông Phương tâm sự: "Vợ chồng tôi và mẹ đều đã cao tuổi, tuy trời ban cho chúng tôi sức khỏe tốt, nhưng cũng khó tránh khỏi những lúc bị bệnh vặt như cảm cúm, nhức đầu.

Nhiều năm nay, gia đình tôi chưa có ai phải đi bệnh viện. Hễ có ốm đau gì, chúng tôi tự lấy những cây thuốc quanh nhà về uống. Vợ chồng tôi và mẹ già yếu, không làm ra nhiều tiền bạc, cũng may là chỉ nhờ những thang thuốc "cây nhà lá vườn" này chúng tôi mới khỏe mạnh đến giờ".

Hằng ngày, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, ông Phương và con cháu đi hái những cây thuốc mọc hoang trên các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn... ông Phương cho hay: "Từ ngày nghỉ làm, tôi thường ngồi nghiên cứu sách thuốc và huyệt vị con người. Khi trong nhà có người đau ốm, bệnh tật tôi thường cho kết hợp uống thuốc nam và bấm huyệt để chữa trị.

Tôi không phải thầy lang, tôi chỉ nghiên cứu các bài thuốc chăm sóc sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Thực ra, theo quan sát của tôi, trong môi trường tự nhiên của chúng ta có vô số cây thuốc, thảo dược tốt. Chỉ cần chịu khó để ý, chúng ta sẽ tìm ra rất nhiều loại cây mọc dại có thể chữa trị những bệnh như cảm cúm, ho, viêm xoang... không cứ nhất thiết phải uống nhiều thuốc tây thì mới khỏi bệnh".

 - Ảnh 3

Bằng chứng nhận kỷ lục cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam của cụ Trù.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Trù chia sẻ bí quyết sống lâu: "Gia đình tôi đông con nên không có chế độ ăn uống sung sướng như những người khác. Hằng ngày, con cháu cho ăn gì thì tôi ăn nấy. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, không đòi hỏi gì hơn. Có lẽ, chính vì tôi thường ăn đồ thanh đạm, không quá nhiều thịt, mỡ nên mới sống được đến giờ".

Bên cạnh đó, ông Phương còn cho biết thêm, thời gian đầu óc còn tỉnh táo, cụ Trù thường xuyên đi lại vận động, ít ngồi một chỗ. Đặc biệt, cụ Trù là người luôn ăn uống đúng bữa. Bất kể nguyên nhân nào, bà cụ vẫn ăn cơm đều đặn, đúng giờ. Đồng thời, để bảo vệ sức khỏe cả nhà, gia đình ông Phương còn hạn chế ăn nhiều đường, nhiều muối, mỡ.

"Mẹ tôi không bao giờ uống nước ngọt có ga, nước trà hay cà phê. Bà cụ chỉ uống nước lọc. Thỉnh thoảng, chúng tôi cho cụ uống nước dừa để thay đổi. Bà ấy là người rất đơn giản, dễ chăm sóc. Chỉ cần cho bà ăn đúng giờ là được, bà không bao giờ đòi hỏi phải ăn món gì.

Có thể do đã quen với cách trị bệnh bằng thuốc nam, nên sức khỏe mẹ tôi khá tốt. Lâu nay, bà chưa từng phải uống một viên thuốc tây nào cả. Điều tiếc nuối duy nhất là mẹ tôi không còn nhận ra người quen nữa, ai đến bà cũng gọi bằng anh, bằng chị", ông Phương ngậm ngùi tâm sự.        

Niềm tự hào của xã

Ông Nguyễn Văn Kiêm, phụ trách hội Người cao tuổi xã Đa Phước, huyện Bình Chánh cho hay: "Cụ Trù là hội viên cao tuổi nhất và cũng là niềm tự hào của hội người cao tuổi chúng tôi. Các con của cụ cũng là những người có thâm niên trong hội. Nhiều năm nay, cụ nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cũng như người dân địa phương. Hằng năm, chúng tôi tổ chức những đợt thăm nom, trò chuyện cùng cụ. Có một điều rất đáng mừng là cụ vẫn khỏe mạnh, ăn được, ngủ được dù đã qua sinh nhật lần thứ 121. Chúng tôi mong rằng, cụ Trù luôn mạnh khỏe để vui vầy cùng con cháu".

Hoài Thương

Xem thêm video clip : Vụ máy bay MH17: Nhiều nạn nhân chưa được tìm thấy

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý