Cụ bà không gia đình nửa thế kỷ vất vưởng trên vỉa hè phố cổ

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Cụ bà không gia đình nửa thế kỷ vất vưởng trên vỉa hè phố cổ

Không người thân, không quê quán, không giấy tờ tuỳ thân, cả khu phố Hàng Giầy, phường Hàng Buồm, Hà Nội, nơi cụ bà này gắn bó gần nửa thế kỷ cũng chẳng ai biết chắc chắn tên thật của bà là gì!?

05/07/2015 03:07 PM
578

Chỉ biết rằng, bà bảo tên mình là Ái Liên. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng bà Ái Liên vẫn rất kiên cường, lạc quan. Khi đã già yếu, bà không muốn vào trại dưỡng lão vì đã quen với cảnh sống du mục nơi phố cổ, lấy hè phố làm nhà, tình thương của người qua lại làm lẽ sống…

Mưu sinh bằng nghề chẳng giống ai

Nhiều người sống lâu năm ở khu phố cổ kể lại, bà Ái Liên nghe đâu nhà ở tận quê xa, từ nhỏ đã đi ở cho một tên quan Tây người Pháp. Nhưng sau sự kiện Điện Biên Phủ 1954, gia đình này hồi hương nên bà Ái Liên không biết đi đâu về đâu, đành lang thang ra đường. Từ đó, bà Ái Liên lấy vỉa hè phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm nơi trú ngụ. Hơn 1 năm trước, khi đi qua nơi này, tôi đã thắt lòng khi đọc dòng chữ “Tôi là Ái Liên”, tự tay bà viết lên một chiếc bảng đặt cạnh chỗ ngồi bán hàng. Vì bà sợ, không may mình chết đi, người ta không biết bà là ai, tên tuổi là gì để làm bia mộ.

   - Ảnh 1

Bà Ái Liên ngồi bán hàng. Ảnh Thành Long.

Cụ bà Ái Liên, nhân vật mà chúng tôi đề cập trong phóng sự này là trường hợp hiếm hoi sống và gắn bó ở Hà Nội trên nửa thế kỷ nhưng lại không nhà, không cửa, không người thân và đặc biệt, không có bất cứ một giấy tờ tuỳ thân nào. Bà như người “du mục” lang thang trên biển người phố cổ tấp nập. Trong cái nắng 400C, hằng ngày bà Ái Liên vẫn bám lấy vỉa hè điểm giao đường Phan Đình Phùng-Hàng Đậu bán hàng mưu sinh. Hình ảnh cụ bà tóc bạc ngồi bán những đôi giày cũ và quần áo cũ cạnh tháp nước Hàng Đậu đã trở nên quen thuộc với người dân khu vực này. Đã nhiều năm qua, bất cứ trời mưa hay nắng, bà Ái Liên vẫn ra đây dọn hàng từ sáng sớm và ngồi miết cho tận tối mới về. Nhiều người kể rằng, trước đây bà ngồi bán hàng trên phố Phùng Hưng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bà chuyển đến khu vực này.

Theo quan sát của chúng tôi, mặt hàng mà bà Ái Liên bán là những tấm áo đã sờn cũ cùng những đôi giày lỗi mốt. Đó là những thứ người ta không còn dùng nữa và đem cho bà. Nói là bán hàng nhưng có lẽ bà Ái Liên cũng hiểu được những món hàng của mình rất khó để bán bởi những người dừng lại xem hàng của bà xuất phát từ sự hiếu kỳ hơn là sự hấp dẫn ở các món hàng bà bày biện. Không phải ai cũng biết rõ hoàn cảnh của bà nhưng thấy cụ già tóc bạc vẫn miệt mài ngồi dưới cái nắng như thiêu như đốt thì mọi người đều động lòng giúp bà những đồng bạc lẻ hay mua vội những đồ dùng cũ mà chẳng biết để làm gì ngoài việc muốn giúp bà có chút đồng ra đồng vào.

   - Ảnh 2

Thỉnh thoảng cụ bà Ái Liên lại đưa ánh mắt nhìn xa như cố tìm kiếm điều gì đó. Ảnh Thành Long.

Khi PV hỏi chuyện, bà Ái Liên thành thật chia sẻ: “Tôi bán hàng ở đây, ai thương tình thì họ cho vài chục ngàn chứ tôi chưa ngả tay xin ai bao giờ”. Những chiếc giày mà bà bày bán là người ta đem cho. Tất cả đều là giày cũ, sau đó đem về đánh xi rồi đưa ra đây bán. Có bao nhiêu đôi là bà đều bày ra hết, một đôi giá chỉ vài chục ngàn. Bên cạnh đám giày cũ, những tấm áo sờn vai được xếp ngay ngắn, cũng là thứ đồ người ta không còn dùng nữa đem cho bà. Ngoài giày và áo ra, cụ bà Ái Liên còn mang theo nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh khác, trong đó, có lẽ thứ quý giá nhất là chiếc radio đời cũ mà người ta tặng bà.

Xem cái cách bà nói chuyện về chiếc radio này cũng đủ hiểu nó là người bạn tâm giao gắn bó bấy lâu nay với cụ bà này như thế nào. Bà biết rất nhiều chuyện, nào trời nắng nóng khiến nhiều người đổ bệnh, “mà lý do chính là người ta ngồi điều hoà nhiều nên khi ra nắng mới thế”, bà chép miệng bảo. Rồi bà tâm sự vụ án mạng chồng giết vợ, chuyện người phụ nữ ôm con bỏ nhà ra đi nhảy sông tự vẫn mà đài mới đưa sáng nay. “Sao người ta giờ trở nên độc ác đến thế.

Có gia đình mà không biết tôn trọng yêu thương nhau”, bà Ái Liên buồn rầu nói.

Hình như những câu chuyện đó đã vô tình chạm vào tiềm thức mà cụ bà vô gia cư cố tình quên lãng hàng chục năm qua. Bà chia sẻ với tôi mà như nói với chính mình: “Nếu tôi có người thân chắc họ đã đi tìm tôi. Tôi cũng không thể biết được quê mình ở đâu...”, bà cụ buông một tiếng thở dài khiến tim tôi như bị ai bóp nghẹt vì thương cảm.

Xót xa bà cụ chưa từng được ăn cơm có thịt

Bao nhiêu năm sống bám nơi phố cổ, lấy vỉa hè làm nhà, làm kế sinh nhai, bà Ái Liên trở thành một phần của nhịp sống nơi đây. Với mái tóc bạc trắng như cước, da dẻ hồng hào, giọng nói khỏe khoắn, nếu gặp cụ bà Ái Liên trong một hoàn cảnh khác thì chẳng ai nghĩ bà lại có hoàn cảnh đặc biệt đến vậy. Điều bà Ái Liên tâm đắc nhất về bản thân chính là chưa từng bị ốm đau, chưa từng phải nhờ ai chăm sóc. Mỗi ngày, bà ăn khoảng năm ngàn tiền cơm. Thức ăn là rau, dưa cà và không có thói quen ăn thịt. Có lẽ vì cảnh sống khó nhọc, không có thịt để ăn nên đến giờ cơ thể của bà Ái Liên không quen ăn thịt. “Người ta cho tôi thịt để ăn nhưng tôi không tài nào nuốt nổi, đành mang cho người khác. Ăn rau, cà, khoẻ hơn nhiều”.

Ban ngày cụ bà Ái Liên bán hàng ở phố Hàng Đậu nhưng đêm đến, bà lại gồng gánh về phố Hàng Giầy để ngủ. Tranh thủ khi người ta dọn hàng còn lại những chiếc ghế dài trống không, bà lấy đó để ngả lưng. Những lúc mùa đông rét mướt, bà nhóm một ít củi để sưởi ấm. Bà Liên chia sẻ: “Sáng tôi thức dậy từ 3h, sau đó đưa đồ đạc ra khu vực tháp nước Hàng Đậu để bán”. Cứ thế, nhiều năm trời, khu phố này đã quen với sự có mặt của bà. Ở tuổi thượng thọ nhưng bà vẫn rất tự tin về khả năng chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của Hà Nội. Hàng chục năm quen sống vỉa hè, cũng có nhiều cá nhân, tổ chức xã hội muốn giúp đỡ nhưng bà nhất quyết từ chối.

“Nhiều người muốn đưa tôi vào trung tâm dưỡng lão, nhưng tôi nghĩ trong đó sống buồn lắm. Toàn là người già sống với nhau. Suốt ngày chả biết làm gì chỉ ngồi nhìn nhau. Trong khi ở ngoài, cuộc sống tự do, suốt ngày phố phường tấp nập, cảnh người đi lại nhộn nhịp vui hơn nhiều. Tôi vẫn thích sống ở vỉa hè hơn, trước mắt vẫn sống như vậy, nếu mai này có chuyện gì thì nhờ vào người dân giúp đỡ. Nguyện vọng đơn giản như vậy thôi”.

Rời khỏi nơi bà Ái Liên bán hàng, chúng tôi tìm đến phố Hàng Giấy để tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời của cụ bà đặc biệt này. Nhiều người dân nơi đây cho biết, bà cụ chỉ về đây khi chiều tối. Cả phố không ai biết đích xác tên tuổi, quê quán của bà. Họ chỉ biết, nhiều năm qua, có một cụ già tóc trắng, thường hay về nghỉ ngơi trước cửa ngôi nhà số 5. Cụ bà thường có thói quen uống bia để giải khát. Một ngày, bà uống một lon bia. Cứ thế, đã từ rất lâu, người dân đã quen với sự có mặt của bà. Rời phố cổ đầy ồn ào náo nhiệt, lòng tôi vẫn chưa thôi nghĩ về cuộc đời của cụ bà Ái Liên - một cuộc đời lênh đênh, vô định không bến bờ...

Không ai biết quê cụ bà ở đâu

Trao đổi với các chiến sỹ cảnh sát khu vực phường Hàng Buồm thì được họ cho biết, có cụ bà tối vẫn thường về ngủ ở phố Hàng Giầy. Tuy nhiên, không ai biết đích danh cụ tên gì, quê ở đâu. Hỏi bà thì bà cũng không biết. Nhiều tổ chức và chính quyền địa phương vận động bà đi vào nhà dưỡng lão nhưng bà nhất quyết từ chối. Các tổ chức vẫn thường tới chia sẻ và động viên bà. Tất cả cũng đã quen có sự hiện diện của cụ bà tóc bạc ở khu phố này.

Trinh Phúc

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý