Cuộc 'đổ bộ' của gà thải khiến ngành chăn nuôi điêu đứng

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Cuộc 'đổ bộ' của gà thải khiến ngành chăn nuôi điêu đứng

Nhiều doanh nghiệp đã đặt lợi nhuận, cố tình nhập khẩu loại gà thải ở nước bạn về làm “đặc sản” ở nước mình. Điều đó cũng phần nào khiến nền chăn nuôi nước ta điêu đứng.

17/12/2014 07:08 AM
813

Từ lâu, những sản phẩm tạp nham từ cổ, cánh gà và gần đây là gà dai thải loại từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã tuồn về Việt Nam. Đây là những sản phẩm chỉ được các nước sử dụng để chế biến thức ăn gia súc do chất lượng kém, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe người tiêu dùng, quên đi trách nhiệm xã hội với cộng đồng nên cố tình nhập khẩu thứ “bỏ đi” ở nước bạn về làm “đặc sản” ở nước mình. Điều đó cũng phần nào khiến nền chăn nuôi nước ta điêu đứng. Vì thế, lãnh đạo ngành chăn nuôi nước ta “than trời” vì cuộc đổ bộ của gà thải và kiến nghị cần có những quy chuẩn trong việc nhập khẩu loại gà này.

 - Ảnh 1

Doanh nghiệp nhập khẩu gà thải cần hài hòa giữa lợi nhuận và trách nhiệm với cộng đồng.

Than trời vì gà thải… đổ bộ

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, những trại gà ở Trung Quốc, Hàn Quốc sau khi đã khai thác hết trứng, gà bệnh, gà có dị tật bẩm sinh… đều được xếp vào loại gà thải loại. Loại gà này, sau khi khai thác hết trứng, thường bị thải ra để cho lớp gà tơ thế chỗ. Thông thường, thịt của loại gà thải loại được các trại nhập cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Loại thịt này được băm nhỏ, trộn với nhiều hợp chất khác, sau đó được xuất sang các nước châu âu làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là dùng làm thức ăn cho chó. Không chỉ ở Trung Quốc, nước xuất khẩu gà lớn trong khu vực châu á là Hàn Quốc cũng xử lý gà thải loại theo hình thức tương tự.

Mặc dù có giá thành rất rẻ nhưng người tiêu dùng nội địa của Trung Quốc hay Hàn Quốc không ăn loại thịt gà này vì rất nhiều lý do. Thứ nhất, loại gà thải loại thường trải qua nhiều lần đẻ trứng, nên thịt gà rất dai, không hợp khẩu vị của người tiêu dùng. Thứ hai, gà đẻ chỉ dùng để khai thác trứng, nên họ không chú ý đến chất lượng thịt, có thể trong quá trình nuôi, họ tiêm thuốc kích thích tạo trứng vào gà. Vì thế, mới có cái giá nhập khẩu rẻ gần như cho không vào nước ta như vậy.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi ăn phải loại gà này, các chất tồn dư như kháng sinh có thể làm giảm sức đề kháng của người tiêu dùng, dị ứng nếu người ăn dị ứng với kháng sinh, gây ra kháng thuốc, kháng kháng sinh ở người.

Cho dù việc trộn hormone tăng trọng đã bị cấm nhưng có thể người chăn nuôi vẫn lén lút sử dụng, vì thế, trong vật nuôi lâu năm có thể có dư lượng từ các chất tăng trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hormone của con người... Ngoài ra còn nhiều chất gây ung thư, tim mạch... có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người.

Số liệu của cục Chăn nuôi (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, trong sáu tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 45.000 tấn thực phẩm các loại, trong đó có tới 90% là thịt gà, còn lại là thịt lợn. Phần lớn các sản phẩm thịt gà được nhập về Việt Nam chủ yếu là các dạng “phế phẩm” như đùi, cổ, cánh, chân. Tình trạng gà lậu đổ vào nước ta để tiêu thụ, không những tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn khiến ngành chăn nuôi trong nước đã khó lại càng khốn đốn. Nhiều chủ trang trại đã phải bỏ chuồng, không dám đầu tư tái đàn vì thua lỗ. Tiền mua gà, vịt giống giá cao, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, song đến khi xuất chuồng, gà vịt khó bán, giá lại thấp khiến người chăn nuôi chịu lỗ quá nhiều.

TS.Nguyễn Đức Trọng (Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi) khẳng định, các loại gà dai Hàn Quốc được bày bán trong các siêu thị theo như phản ánh của phóng viên là được nhập theo đường chính ngạch; cụ thể cấp phép cho những đơn vị nào được nhập khẩu và nhập khẩu với số lượng bao nhiêu thì do bộ Công Thương quyết định. Số liệu về việc nhập khẩu gà bên hải quan họ cũng nắm được, còn cục Chăn nuôi không nắm được con số cụ thể.

Việc cho phép nhập khẩu loại gà nói chung và loại gà giá rẻ như gà thải Hàn Quốc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra, về dịch bệnh thì việc nhập khẩu loại gà giá rẻ sẽ khiến người chăn nuôi lao đao. ông Trọng cho biết, hiện nay giá gà ta trong nước đang có chiều hướng giảm, một trong những nguyên nhân khiến giá gà ta giảm là việc xuất hiện và xâm chiếm thị trường của gà thải Hàn Quốc. Từ siêu thị đến chợ cóc đều tràn ngập loại gà giá rẻ này.

Đừng vì lợi nhuận mà xói mòn thương hiệu

Cách đây mấy năm, thời điểm gà thải Hàn Quốc ồ ạt tràn vào nước ta, báo chí và cơ quan chức năng lên tiếng thì siêu thị B. đã tạm ngừng nhập khẩu loại gà này. Tuy nhiên, khi mọi thứ tạm yên ắng thì doanh nghiệp này lại nhanh tay nhập khẩu gà dai Hàn Quốc về bán trong hệ thống siêu thị. Theo nguồn tin của PV báo Người Đưa Tin, không chỉ nhập khẩu và bán trong hệ thống, siêu thị B. còn tuồn gà thải loại 2 ra ngoài cho các đầu nậu để bán trên thị trường.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV báo Người Đưa Tin đã đến liên hệ làm việc với lãnh đạo siêu thị BigC, tuy nhiên lãnh đạo siêu thị đã tìm cách tránh mặt. Sau nhiều lần đến đặt lịch hẹn, để lại giấy giới thiệu, thư ký giám đốc siêu thị báo rằng, lãnh đạo đi vắng và sẽ hẹn PV để làm việc vào một ngày khác. Thế nhưng, cuối cùng lãnh đạo doanh nghiệp này đã tìm cách im lặng trước đề xuất được làm việc với lãnh đạo siêu thị.

Liên quan đến việc một số doanh nghiệp nhập khẩu gà dai Hàn Quốc cố tình mập mờ về sản phẩm, nhiều người cho rằng, người kinh doanh thịt gà đẻ loại thải phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng hiểu, chứ không thể ghi chung chung là “gà dai Hàn Quốc” được. Ông Nguyễn Quốc Trung (tổng giám đốc một công ty chăn nuôi tại Việt Nam) nói: “Người kinh doanh phải vì quyền lợi người tiêu dùng. Họ phải ghi thông tin cặn kẽ lên bao bì để người tiêu dùng lựa chọn”.

Việc doanh nghiệp hoạt động đương nhiên phải có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận phải luôn đi đôi với trách nhiệm xã hội với cộng đồng và đi đôi với lợi ích của người tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ vì tìm kiếm lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội với cộng đồng, tên tuổi doanh nghiệp sẽ bị xói mòn…

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về câu chuyện này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, khi bán sản phẩm ra thị trường, ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, doanh nghiệp cũng phải nghĩ đến lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Chuyên gia này dẫn câu chuyện về một người đang kiếm lời tiền tỉ nhờ kinh doanh mực photocopy, nhưng sau khi biết loại hàng hoá mình đang bán gây độc hại cho người sử dụng, anh ta đã có quyết định bỏ nghề này.

 - Ảnh 2

Ông Nguyễn Xuân Dương (Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi): “Số liệu về việc nhập khẩu gà bên hải quan họ cũng nắm được, còn cục Chăn nuôi không nắm được con số cụ thể…”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương (Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi) nói, siêu thị và doanh nghiệp nhập khẩu gà loại thải cũng nên nghĩ đến lợi ích cộng đồng bên cạnh lợi ích doanh nghiệp. Họ phải nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của người sản xuất, chứ không thể chỉ vì lợi nhuận. Bởi theo ông Dương: “Nghĩ tới cộng đồng, làm vì cộng đồng có thể không thu được lợi nhuận lớn, nhưng qua đây, doanh nghiệp lại xây dựng được tên tuổi, hình ảnh, thương hiệu trong lòng người tiêu dùng”.

Cần lập hàng rào quy chuẩn để kiểm soát gà thải nước ngoài

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Đức Trọng (Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi - bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, loại gà thải này có giá trị dinh dưỡng rất thấp. Vì thế, chúng ta cần có các quy chuẩn, hàng rào để kiểm soát việc nhập khẩu gà loại thải từ Hàn Quốc, nếu không sẽ giết chết ngành chăn nuôi trong nước. Và ngay từ bây giờ, người chăn nuôi cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để vừa đảm bảo thu nhập cho chính họ, vừa đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia.

Hà Khê

Xem thêm video: Hoảng hồn 700kg gà thải Trung Quốc xâm nhập VN.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý