Cuộc đua tăng độ phân giải camera trước trên smartphone

vivi1 vivi1 @vivi1

Cuộc đua tăng độ phân giải camera trước trên smartphone

Nhu cầu chụp ảnh “tự sướng” phát triển mạnh mẽ được nhận định là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất smartphone không ngừng tăng số chấm cho máy ảnh trước.

28/08/2014 02:40 PM
1,918

Trong khi cuộc đua tăng độ phân giải máy ảnh chính trên điện thoại đã bùng nổ cách đây 2, 3 năm và đang có dấu hiệu chững lại thì cuộc đua mới về camera trước hứa hẹn sẽ hấp dẫn không kém. Khoảng một năm trở lại đây, nhiều nhà sản xuất trong đó đi đầu là các thương hiệu Trung Quốc liên tục ra mắt nhiều model với camera trước độ phân giải cao. Trong khi đó, các tên tuổi lớn như HTC, Sony cho thấy họ cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Sony Ericsson Z1010 ra mắt cuối năm 2003 được coi là điện thoại đầu tiên trang bị camera trước. Thiết bị có dạng nắp gập với máy ảnh độ phân giải 0,3 megapixel được đặt ở cạnh dưới màn hình và một cảm biến khác ở mặt sau. Trong khoảng 5 năm sau đó, các nhà sản xuất cũng chỉ trang bị máy ảnh trước độ phân giải tương tự bởi nhu cầu của camera trước lúc này chủ yếu dùng để gọi video. Với tốc độ truyền tải giới hạn thông qua mạng 3G, chất lượng mà máy ảnh VGA đem lại làm hài lòng người dùng cũng như tiết kiệm băng thông, cước phí cho người sử dụng.

Sony Ericsson Z1010 trang bị hai camera độ phân giải VGA.

Đi cùng sự bủng nổ của smartphone, mạng di động thế hệ mới tốc độ cao hơn thì camera trước được nâng lên 1,3 hay 2 megapixel. Với độ phân giải này, thiết bị đủ sức cho ra những đoạn video độ phân giải cao, có thể lên đến Full HD – nằm ngoài mục đích gọi video. Tuy vậy mạng xã hội phát triển đặc biệt là Facebook đã khiến nhu cầu chụp ảnh tăng cao nhất là là trào lưu selfie – tự chụp ảnh chính mình và đăng lên mạng. Các nhà sản xuất nhanh chóng nhận ra đối tượng khách hàng tiềm năng này và tung ra những mẫu smartphone đáp ứng nhu cầu cho các “tín đồ” selfie.

Ra mắt đầu năm 2013, Oppo Find Way gây chú ý khi được trang bị máy ảnh trước 5 megapixel – cao nhất thời điểm đó. Cùng độ phân giải này còn có Huawei Ascend P6 với thiết kế siêu mỏng. Cả hai thiết bị có camera sau 8 “chấm”, không cao hơn nhiều so với máy ảnh trước. Một năm sau đó, chính các nhà sản xuất Trung Quốc là người phá vỡ kỷ lục này trong đó Gionee Elife E7 sở hữu camera phụ 8 megapixel, bằng độ phân giải máy ảnh chính của rất nhiều điện thoại khác. Các model cùng có máy ảnh trước độ phân giải trên còn là Ascend P7, Xiaomi Mi 4… Hiện nay “đỉnh điểm” của cuộc đua này là chiếc Monkey King hay ZTE Nubia X6 với camera 13 megapixel cho cả máy ảnh trước và máy ảnh sau. Trong khi đó Oppo chọn giải pháp được đánh giá là khôn ngoan hơn khi thiết kế camera xoay từ sau ra trước 206 độ trên chiếc N1 và 195 độ N1 Mini. Như vậy với một máy ảnh 13 “chấm”, điện thoại của Oppo có thể đáp ứng cả hai yêu cầu.

Các nhà sản xuất smartphone đình đám có phần chậm chân trong cuộc đua tăng độ phân giải máy ảnh trước. Những model cao cấp như iPhone 5S, Galaxy Note 3, Xperia Z2 hay LG G3… mới dừng lại ở khoảng 2 megapixel. HTC bắt kịp xu hướng hơn khi tung ra One M8 hay Desire 816 với máy ảnh trước 5 megapixel. Đầu tháng 8, Sony giới thiệu chiếc Xperia C3 trang bị camera trước 5 “chấm” với góc rộng cho ảnh chụp tốt. Đây cũng là smartphone hiếm hoi trên thị trường hỗ trợ đèn flash trước nhưng danh hiệu thiết bị đầu tiên có công nghệ này đã thuộc về Acer với chiếc Liquid E3 ra mắt đầu năm nay. Tin đồn nói rằng, nhiều model từ các nhà sản xuất lớn khác sẽ sớm có camera trước độ phân giải cao. Ngay cả Microsoft (Nokia), hãng được đánh giá cao về camera trên smartphone cũng phải rục rịch tung ra mẫu Lumia đầu tiên chuyên chụp ảnh selfie, Lumia 730 vào đầu tháng 9 tới.

Nhu cầu chụp ảnh "tự sướng" mở ra hướng đi tăng độ phân giải máy ảnh trước cho các nhà sản xuất.

Bên cạnh phát triển phần cứng, các nhà sản xuất cũng không quên nâng cấp phần mềm cho nhu cầu chụp hình với camera trước. Các ứng dụng từ hãng thứ ba giúp người dùng làm mịn da, khắc phục một số nhược điểm trên khuôn mặt. Những tính năng này sau đó đã được tích hợp trực tiếp trên trình chụp ảnh mặc định. Một số tùy chọn thú vị khác như hẹn giờ, dùng cử chỉ hay giọng nói để chụp ảnh mang đến sự tiện lợi cho việc selfie.

Không chỉ giới trẻ mà những người nổi tiếng, chuyên gia công nghệ cũng yêu thích chụp ảnh "tự sướng". Một bài báo trên Telegraph nhận định, "cơn bão" selfie mang lại lợi nhuận vô cùng lớn với rất nhiều ngành công nghiệp xoay quanh. Có thể thấy trên smartphone, camera trước và camera sau dần có có vai trò bằng nhau.

Theo Vnexpress.net

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý