Đại biểu Quốc hội xấu hổ, có lỗi vì Điều 60 Luật BHXH

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Đại biểu Quốc hội xấu hổ, có lỗi vì Điều 60 Luật BHXH

Sáng 22/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, nhiều đại biểu bày tỏ tâm trạng xấu hổ, có lỗi vì từng nhấn nút thông qua điều luật bị người dân phản ứng

22/05/2015 05:31 PM
459

Báo cáo trước phiên họp Quốc hội ngày hôm qua 21/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thay mặt Chính phủ đề xuất sửa đổi điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng cho phép người lao động được chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội.

Đề xuất sửa đổi này được đưa ra sau khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 vừa được Quốc hội thông qua, chưa có hiệu lực nhưng thời điểm cuối tháng 3/2015, nhiều công nhân ở một số doanh nghiệp phía Nam đã ngừng việc để bày tỏ thái độ không đồng tình với quy định tại Điều 60 của luật Bảo hiểm xã hội 2014 về chế độ hưởng trợ cấp một lần. Cùng với đó, người lao động cũng đã có kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ về điều luật này.

Sau đề xuất sửa đổi của Chính phủ được đa số đại biểu Quốc hội tán thành, trong phiên họp tại tổ sáng nay 22/5 về điều 60 luật Bảo hiểm xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ tâm trạng xấu hổ, có lỗi và đề nghị Quốc hội nhận lỗi với người lao động.

   - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội cho rằng Quốc hội cần xin lỗi người lao động

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) nói, ông thấy buồn, thấy xấu hổ, và thấy cả trách nhiệm Đại biểu Quốc hội của mình. “Làm luật như vậy tôi thấy buồn, với tư cách Đại biểu Quốc hội, tôi xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng” - đại biểu Ngân chia sẻ.

Đại biểu Võ Thị Dung (Đoàn TPHCM) cũng chia sẻ, khi thấy công nhân phản ứng với điều 60, tâm trạng của bà là xấu hổ, thấy có lỗi với cử tri. Bà Dung cũng cho rằng, Quốc hội cần cầu thị trong sửa đổi điều này, cá nhân bà đã biểu quyết thông qua, giờ thấy không phù hợp thì phải sửa và nhận lỗi. Quốc hội phải nhận lỗi với người lao động chứ không chỉ "nhận sai cho có".

Theo bà Dung, đời sống người lao động tại các khu công nghiệp còn quá khổ, ngay chính sách Bảo hiểm xã hội "đóng 5 đồng chỉ nhận được 4 đồng rưỡi thôi là cũng không công bằng", việc biểu quyết các điều luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của dân thì tỷ lệ biểu quyết phải 2/3 mới nên thông qua.

“Điều 60 là vì quyền lợi lâu dài của chúng ta nhưng nhìn bộ phận góc khuất, những người còn đang khó khăn, hay có khi sống không đủ 60 tuổi thì tôi trách tôi đầu tiên” - đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) cũng cùng tâm trạng với các đại biểu Đoàn TPHCM.

Cùng với đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, người lao động phản ứng với điều 60 một phần do lương hưu quá thấp. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại biểu Quốc hội Trần Thanh Hải đưa ra câu chuyện một lao động đóng Bảo hiểm xã hội 20 năm được hưởng lương hưu là 947.000 đồng. Mức lương hưu này thấp xa ngay cả với chuẩn nghèo của TPHCM, do đó, ông Hải kiến nghị “lương hưu phải có thêm động lực để người lao động phấn đấu”.

Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng lao động của không ít doanh nghiệp khiến người lao động khó có thể đóng Bảo hiểm xã hội lâu dài. Ông Hải nói: "Người lao động bị sử dụng “tối đa” là sau 3 năm thì thải dần. Phổ biến chung là không quá 2 lần ký hợp đồng. Có nghĩa là, một bộ phận người lao động phải dịch chuyển khỏi vị trí làm việc và khả năng làm việc lâu dài là rất khó".

Đối với việc sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng cho rằng: "Nên để cho anh em công nhân có sự lựa chọn. Cho họ tiếp tục giữ bảo lưu thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội, có thể tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để về hưu, còn nếu sau 1-2 năm mà họ xin được công việc ở đơn vị khác, tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội là điều tốt. Nếu họ có nhu cầu nhận Bảo hiểm xã hội một lần thì nên đáp ứng nguyện vọng của họ".

Trong khi đó, vẫn có những ý kiến chưa đồng tình với đề xuất sửa đổi điều 60. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền và đại biểu Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) đề xuất không nên sửa Điều 60 trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mà Quốc hội nên ban hành Nghị quyết về lộ trình thực hiện quy định về Bảo hiểm xã hộ1 một lần và rà soát lại nội dung Luật.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn rằng nếu sửa đổi điều 60 thì chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt cho một bộ phận người lao động và có tác động không tốt tới chính sách Bảo hiểm xã hội, khó đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội. Thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần chiếm tới 80% tổng số người được giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội. Tình trạng này ảnh hưởng đến sự ổn định việc làm và chất lượng nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thì cảnh báo bằng câu chuyện chính sách "một cục" trước đây. “Sau Sông Đà, Nhà nước có quy định 176 cho những người phải nghỉ vì không có việc làm mỗi năm 1 hay 2 tháng lương gì đó. Nhưng sau khi tiêu hết “một cục” đó coi như là hết. Người lao động lại hoàn tay trắng. Cực kỳ khó khăn. Kết thúc Sông Đà, nhiều gia đình nhận một cục tạo ra một “Hậu Sông Đà” kéo dài dai dẳng, rất lâu dài"....


Đề xuất sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng 21/5 có nội dung sửa đổi theo hướng: trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội như quy định của luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hà An

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý