Đại diện SJC lí giải vì sao vàng SJC "một chữ" mất 40.000 đồng/lượng

bexinh bexinh @bexinh

Đại diện SJC lí giải vì sao vàng SJC "một chữ" mất 40.000 đồng/lượng

(ĐSPL) Vàng SJC miếng loại một ký tự bán ra đều bị khách hàng chê, không mua khiến lượng hàng tồn kho rất lớn. Điều này làm công ty mất cân đối về vốn, dẫn đến rủi ro vì giá vàng liên tục biến động. Do vậy SJC phải ra thông báo trừ phí đối với loại vàng này, đại diện công ty SJC cho biết.

01/04/2015 09:10 AM
1,089

Gần đây thông tin vàng miếng SJC có seri một ký tự (hay gọi là vàng "một chữ") đem đi bán sẽ bị trừ tiền khiến không ít người lo lắng.

Cụ thể, theo phông tin trên báo Pháp luật TPHCM,  ngày 18/3 Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đã có thông báo gửi các ngân hàng về việc điều chỉnh giá gia công vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng SJC có seri một ký tự. Theo đó, giá gia công vàng SJC móp méo là 140.000 đồng/lượng. Đối với vàng miếng có seri một ký tự công ty sẽ thu mua theo giá mua vào tại SJC và trừ 40.000 đồng/lượng.

Được biết, vàng miếng một ký tự chữ được sản xuất trước đây nhưng sau này SJC sản xuất vàng hai ký tự. Về chất lượng, vàng sản xuất trước và sau không khác biệt.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh sỉ Công ty SJC, không hiểu vì lý do gì cả năm qua vàng miếng loại một ký tự bán ra đều bị khách hàng chê, không mua khiến lượng hàng tồn kho rất lớn. Điều này làm công ty mất cân đối về vốn, dẫn đến rủi ro vì giá vàng liên tục biến động. Do vậy SJC phải ra thông báo trừ phí đối với loại vàng này. “SJC sẽ gom lại vàng loại một ký tự cộng với số vàng móp méo để xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia công lại” - ông Tường nói.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Tường cho biết thêm, số vàng một chữ bị tồn được công ty gom lại, cộng với số vàng móp méo để xin cấp phép gia công lại, mỗi lần khoảng 2.000 lượng. Thời gian chờ để có đủ số lượng xin cấp phép trung bình khoảng 2 tuần/lần, cộng với thời gian gia công tính ra công ty bị chôn vốn đến ba tuần.

Do vậy, mức trừ 40.000 đồng/lượng là để bù đắp chi phí vốn, rủi ro do biến động giá và phí gia công. Ông Tường cho biết trước ngày 1/4, người có miếng vàng SJC một chữ đến bán Công ty SJC vẫn mua bình thường và không trừ phí. Tuy nhiên, nếu muốn đổi sang miếng vàng hai chữ thì phải chịu chênh lệch giá.

Một lãnh đạo ở ngân hàng cho hay ngân hàng không muốn thu phí 40.000 đồng/lượng nhưng khi thu mua vào SJC trừ 40.000 đồng/lượng nên ngân hàng phải thu lại của khách hàng. “Chúng tôi cũng hiểu được nỗi khổ của SJC khi tồn kho loại vàng này nhiều, đem bán thì khách hàng chê nên bị chôn vốn lớn. Nhưng cũng không thể vì thế mà bắt khách hàng gánh được. Hiện ngân hàng cũng đang làm việc với SJC để có giải pháp tốt nhất” - lãnh đạo này chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho hay NHNN đang tìm hiểu sự việc này. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh vấn đề giá cả, mua bán là do doanh nghiệp tự quyết định. NHNN chỉ quản lý việc đăng ký, cấp phép kinh doanh vàng miếng và quản lý gia công vàng móp méo, cong vênh... Lần dập vàng móp méo, cong vênh sắp tới là ngày 2/4.

Đại diện SJC lí giải vì sao vàng SJC "một chữ" mất 40.000 đồng/lượng - Ảnh 1

Vàng SJC hai chữ (bên trái) và vàng SJC "một chữ" (bên phải).

SJC đẩy thiệt thòi về phía người tiêu dùng?

Thông tin trên báo Trí thức trẻ, theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện tượng này có thể ẩn chứa một điều gì đó bất thường, mà chưa được nói thẳng ra!

“Chẳng hạn như vàng có 1 chữ cái kém hơn loại có 2 chữ cái một chút về chất lượng, trọng lượng hoặc có điều gì đó đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường. Đôi khi chỉ là do suy diễn từ một phát ngôn hay câu chữ ở đâu đó của người có chức trách”.

Ông Đức đặt vấn đề: Nếu không có lý do gì đó thì không có chuyện chênh lệch giá. Vì đây là vàng miếng, không phải là vàng trang sức, mỹ nghệ, nên cùng một thương hiệu được sự bảo đảm của Nhà nước, thì giá mua bán chỉ còn phụ thuộc vào trọng lượng và tuổi vàng.

Bày tỏ quan điểm về việc những khách hàng gặp trường hợp thế này có thể tự bảo vệ được mình hay không? luật sư Đức cho biết: 

Tất cả các loại vàng miếng đều do SJC sản xuất và bán ra theo quy định chặt chẽ, thống nhất của pháp luật. Vì vậy, việc SJC phân biệt đối xử, mua loại này với giá cao, loại kia với giá thấp là điều không hợp lý, gậy thiệt thòi cho quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Việc này có thể ví như ngân hàng bắt khách hàng phải trả thêm phí khi nhận đồng tiền cũ, dù vẫn hoàn toàn đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Video: Tràn lan vàng trang sức nhập lậu.

Nếu SJC đã có cam kết trước đây về việc bảo đảm chất lượng và giá cả như nhau đối với các loại vàng miếng cùng loại, nhưng có ký hiệu khác nhau, thì đã vi phạm vào khoản 6, Điều 8 về “Quyền của người tiêu dùng”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Khi đó người tiêu dùng có quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.”

Luật sư Đức nói thêm:" Đối với những loại hàng hoá khác, dù không phân biệt được sự khác nhau, nhưng giá cả vẫn hoàn toàn có thể khác biệt và được thị trường dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, đối với vàng miếng, thì không dễ được chấp nhận tình trạng này tại chính nơi trực tiếp sản sinh và kinh doanh nó.

Vì vậy, cần phải xem xét lý do thực sự và cần phải xử lý theo hướng thực hiện việc mua bán thống nhất một giá để tránh gây tâm lý xấu và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu có thiệt hại từ việc không phân biệt giá, thì Nhà nước nên là người gánh chịu, vì đây không phải là hoạt động kinh doanh bình thường, mà chủ yếu nhằm để thực hiện chính sách quản lý vàng, quản lý ngoại hối của Nhà nước và góp phần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô."

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý