Đại gia Metro sở hữu bao nhiêu siêu thị trên toàn thế giới?

forlife forlife @forlife

Đại gia Metro sở hữu bao nhiêu siêu thị trên toàn thế giới?

Dù đã bán lại chuỗi 19 siêu thị Metro Cash &Carry tại Việt Nam, tập đoàn của Đức vẫn còn tới 744 siêu thị trên khắp thế giới.

11/08/2014 04:07 PM
3,026

Thương vụ Tập đoàn Metro (Đức) bán lại công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cùng chuỗi 19 siêu thị Metro tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều người.

Sau một thời gian thương thảo, một hợp đồng trị giá 655 triệu Euro, tương đương với 879 triệu USD đã được ký kết giữa hai tập đoàn này. Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản trực thuộc công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam). Quá trình chuyển đổi sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.

Một số thông tin cho biết, Metro buộc phải bán lại chuỗi siêu thị tại Việt Nam do kinh doanh không đạt được hiệu quả mong đợi. Khoản tiền thu về từ thương vụ này sẽ được Metro đầu tư vào mở rộng mạng lưới siêu thị tại Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mà thị trường đang phát triển rất mạnh mẽ.

Theo báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 của Tập đoàn Metro (Đức), doanh nghiệp này đang sở hữu 763 siêu thị Metro Cash & Carry trên khắp thế giới (tăng 11 siêu thị so với thời điểm cuối năm tài chính trước đó là 30/9/2013). Trong đó, riêng tại Đức là 107 siêu thị, khu vực Tây Âu (ngoại trừ Đức) là 236 siêu thị, Đông Âu là 289 siêu thị, châu Á và châu Phi là 131 siêu thị.

763 siêu thị của Metro hiện có 5.616 nghìn m2 diện tích mặt bằng (tăng 62 nghìn m2 so với thời điểm 30/9/2013), sử dụng 110.149 lao động chính thức (tăng 264 lao động so với 30/9/2013).

Tại Trung Quốc, Metro sở hữu 78 siêu thị (tăng 9 siêu thị trong 9 tháng qua) và tại Ấn Độ là 16 siêu thị (tăng 1 siêu thị).

Gần đây, Metro cũng đã “thanh lý” toàn bộ 2 siêu thị tại Ai Cập để rút ra khỏi thị trường này. Như vậy, cùng với Ai Cập, Việt Nam là thị trường thứ hai mà Metro buộc phải giương “cờ trắng”.

Báo cáo tài chính của Metro cho biết, doanh thu đến từ mảng siêu thị tại khu vực châu Á trong 9 tháng qua (tháng 10/2013 đến tháng 6/2014) đạt 2,7 tỷ Euro, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Sự chênh lệch tỷ giá đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của Metro.

Nếu xét theo đồng tiền bản địa, Metro ghi nhận mức tăng trưởng 8,2%. Một số thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng là Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, trong đó Ấn Độ có mức tăng trưởng gấp đôi.

 - Ảnh 1

Tập đoàn Metro (Đức), doanh nghiệp này đang sở hữu 763 siêu thị Metro Cash & Carry trên khắp thế giới.

Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?

Hiện, Metro Việt Nam đang sở hữu số siêu thị bán buôn lớn nhất với 19 siêu thị, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Mức độ mua sắm tại Metro cũng được đánh giá cao so với các siêu thị như BigC hay Lotte; các hàng hóa của Metro hiện đa số có nguồn gốc từ Việt Nam và đầy đủ chủng loại, chính vì thế mà dấu ấn của người tiêu dùng với Metro là rất lớn.

Theo một cuộc hội thảo tháng 4 tại Hà Nội, các tập đoàn của Đức hay Pháp chủ yếu khai thác thị trường bán lẻ, bán buôn của Việt Nam là chính nên việc đưa hàng của nước các nước Đức hay Pháp vào Việt Nam là rất ít. Tuy nhiên, đối với Thái Lan, câu chuyện này lại hoàn toàn khác bởi chúng ta đã có minh chứng từ Family Mart ở TP HCM.

Đầu năm 2013, hệ thống cửa hàng bán lẻ hợp tác giữa tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) và đối tác của Nhật là Family Mart đã bán đứt cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont. Không lâu sau đó siêu thị lớn thứ 3 tại Nhật vốn ăn nên làm ra tại Trung Quốc và Việt Nam đã bị thay tên đổi họ thành  B’s mart cho giống với chữ cái viết hoa đầu của Tập đoàn BJC. Bên cạnh đó, B’ Mart cũng thay đổi cách thức cung ứng khi có đến 60% hàng hóa Thái đã có mặt tại các hệ thống của thay vì hàng Việt hoặc hàng Nhật như trước kia.

Trao đổi với báo giới TP HCM, phía B’ Mart cho rằng họ không có chủ ý đẩy hàng Việt khỏi siêu thị: Việc thay đổi là nhắm đến thị hiếu người tiêu dùng bởi rất đông người dân TP HCM muốn mua hàng Thái Lan vì giá cả phải chăng và chất lượng tốt.

Rõ ràng, việc sính hàng ngoại, đặc biệt là các mặt hàng gia dụng, thực phẩm khô, bánh kẹo có nguồn gốc từ Thái Lan đang rất thịnh trong thời gian gần đây. Báo cáo mới nhất của Cục quản lý thị trường TP HCM, hàng hóa Thái hiện đang xuất hiện ngày một nhiều tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn. Hiện tượng nhiều cửa hàng chuyên đồ Thái được mở ra hàng loạt tại các phố đã cho thấy mức độ tiêu thụ hàng Thái đang rất lớn.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, chỉ riêng năm 2013, chúng ta đã nhập 6,31 tỷ USD các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, trong đó chủ yếu là đồ gia dụng, thực phẩm khô, bánh kẹo…

Rõ ràng một minh chứng điển hình cho sự thay thế của hàng Thái đang diễn ra, nó vừa có nguyên nhân khách quan như giá cả phải chăng, chất lượng tốt hơn hàng Việt nhưng đây cũng vừa là yếu tố chủ quan của các nhà tư bản Thái Lan khi xâm nhập thị trường. Không đơn giản người được mệnh danh là bộ não của giới kinh doanh Thái Lan đã khuyến khích được giới DN Thái Lan đổ xô đầu tư vào Trung Quốc hay cổ phiếu Mỹ và đến nay, tại Việt Nam, động thái của tỷ phú Chearavanont sẽ còn được nhiều DN Thái Lan làm theo. Lúc ấy, áp lực đối với hàng Việt không biết lớn đến nhường nào.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Video cho thấy điện thoại Xiaomi đang theo dõi người dùng?

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý