Đại gia nào vừa đầu tư gần 8.000 tỷ vào Kinh Đô?

forlife forlife @forlife

Đại gia nào vừa đầu tư gần 8.000 tỷ vào Kinh Đô?

Kinh Đô sẽ được Tập đoàn Mondelēz đầu tư 7.846 tỷ đồng, tương đương khoảng 370 triệu USD trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo.

12/11/2014 05:58 AM
15,082

 

Tập đoàn thức ăn nhẹ lớn nhất thế giới 'bắt tay' với Kinh Đô

Sáng ngày 11/11, ông lớn Mondelēz chính thức công bố sẽ đầu tư 7.846 tỷ đồng, tương đương khoảng 370 triệu USD, ứng với 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô (toàn bộ dự án được định giá khoảng 9.800 tỷ). Khoản đầu tư vào bánh kẹo của Kinh Đô chính là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn này tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô, trước khi Mondelēz International tiến hành đầu tư, Kinh Đô sẽ hoàn tất việc hợp nhất các bộ phận kinh doanh bánh kẹo, trở thành một doanh nghiệp riêng (BKD), trừ bộ phận kinh doanh kem KIDO và sản phẩm từ sữa cùng chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Thương vụ được kỳ vọng sẽ hoàn tất vào quý 2/2015, tùy thuộc vào phê duyệt của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới. Hiện Kinh Đô đang hợp tác với một số nhà sản xuất mì gói, cà phê, nước chấm... để tham gia vào các mảng kinh doanh này trong thời gian sớm.

Đại gia nào vừa đầu tư gần 8.000 tỷ vào Kinh Đô? - Ảnh 1

Tập đoàn Mondelēz chính thức công bố sẽ đầu tư 7.846 tỷ đồng, tương đương khoảng 370 triệu USD, ứng với 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô.

Mondelẽz International là một trong những công ty hàng đầu thế giới về thức ăn nhẹ với các thương hiệu bánh quy Oreo, chocolate Cadbury và bánh quy giòn Ritz.

Sản phẩm của Mondelēz International đang có mặt tại khoảng 165 nước và dẫn đầu trong lĩnh vực bánh kẹo, chocolate, cà phê, đồ uống hòa tan với các thương hiệu: bánh quy Oreo, LU và Nabisco; Cadbury, Cadbury Dairy Milk và Milka chocolate; cà phê hòa tan và Tang hòa tan.

Ông Tim Cofer, Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Đương, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi của Mondelẽz International nói: "Khoản đầu tư quan trọng của chúng tôi vào Kinh Đô và Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh tại châu Á, cũng như tăng cường mảng kinh doanh thức ăn nhẹ cốt lõi của chúng tôi tại thị trường đang phát triển năng động này".

Tập đoàn Mondelēz là một trong những công ty lớn nhất thế giới về thức ăn nhẹ với các sàn phẩm bánh kẹo, sô cô la, cà phê… với các thương hiệu bánh quy Oreo và Tiger Biskuat, phô mai Kraft, Cadbury Dairy Milk và sô-cô-la Toblerone, kẹo ngọt Hall, kẹo gum Stride và Vegemite. Doanh thu thuần năm 2013 của tập đoàn này lên tới 35 tỉ USD.

Trụ sở chính của Mondelēz Châu Á – Thái Bình Dương tọa lạc tại Singapore, hoạt động tại hơn 14 thị trường, bao gồm Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Tại khu vực này, Mondelēz Châu Á – Thái Bình Dương có hơn 16,000 nhân viên, hơn 30 nhà máy sản xuất và 10 trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Kinh Đô không chỉ là bánh kẹo

2014 sẽ là năm đáng nhớ với Công ty cổ phần Kinh Đô. Dù mảng bánh kẹo vẫn là hoạt động kinh doanh lõi, nhưng sau 21 năm hoạt động, mọi việc đang thay đổi. Thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng nhất ở thị trường nội địa cùng lúc công bố hợp tác với Vewong, Vocarimex và PhilDeli mở rộng ngành hàng sang các lĩnh vực mới: mì gói, dầu ăn và cà phê.

“Kinh Đô không tham gia thì thôi, nhưng đã bước chân vào ngành là sẽ phải ở top 3” - ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Kinh Đô khẳng định với các cổ đông trong Đại hội đồng cổ đông của Kinh Đô tổ chức vào cuối tháng 6-2014.

Ngoài lợi thế về thương hiệu, hiện tại, Kinh Đô có nhiều điều kiện để hiện thực mục tiêu tham vọng này.

Có hơn 200.000 điểm bán lẻ, Kinh Đô đang ở tâm điểm của thị trường bánh kẹo nội địa, chưa có đối thủ cạnh tranh xứng tầm với 30% thị phần.

Đại gia nào vừa đầu tư gần 8.000 tỷ vào Kinh Đô? - Ảnh 2

Cặp doanh nhân Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên.

Năm ngoái, Công ty đạt 4.560 tỉ đồng doanh thu, gấp 1,6 lần tổng doanh thu của 3 công ty bánh kẹo nội địa có thị phần đứng kế tiếp là Bibica, Hữu Nghị và Hải Hà. Bất chấp sức mua suy giảm của mùa Trung thu năm 2014, sản lượng bánh tiêu thụ của Công ty vẫn tăng 15% so với cùng kỳ. Cứ 10 sản phẩm bánh Trung thu bán ra, 7-8 sản phẩm mang thương hiệu Kinh Đô, theo ước tính từ chính Công ty.

“Lợi thế sở hữu thương hiệu mạnh giúp Kinh Đô duy trì vị trí dẫn đầu thị trường và tạo điều kiện thâm nhập mạnh mẽ cho các sản phẩm mới” - Báo cáo phân tích ngành hàng thực phẩm tiêu dùng của VP Bank Securities viết.

Với 3 nhà máy sản xuất bánh kẹo và một nhà máy sản xuất kem, Kinh Đô đang cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm, trải dài từ bánh kẹo tới kem, sữa chua, sữa nước, váng sữa. Công khai công bố chiến lược, phát triển mở rộng dựa trên hoạt động mua bán, sáp nhập, Kinh Đô hiện nắm trong tay gần 140 triệu USD tiền mặt, hướng tới các mục tiêu tham vọng M&A trong tương lai.

Năm 2014, anh em doanh nhân Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên bẻ lái Kinh Đô, mở rộng sang các ngành hàng mới, bên cạnh ngành bánh kẹo cốt lõi đã đưa thương hiệu Kinh Đô tỏa sáng suốt 21 năm qua.

Thành lập năm 1993 từ một phân xưởng tư nhân sản xuất nhỏ ở TP.HCM, nhờ tăng trưởng với tốc độ 30% nhiều năm liền, hiện vốn hóa thị trường của Kinh Đô đạt gần 750 triệu USD.

“Ngành bánh kẹo trong nước ‘miếng bánh’ có bấy nhiêu thôi. Doanh số 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 30% là 1.000 tỉ đồng. Muốn như trước chỉ còn cách liên doanh, liên kết mở rộng ngành hàng” - ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô nói trong buổi trả lời phỏng vấn người viết hồi đầu năm 2014.

Những bước đi đầu tiên của Kinh Đô trong sân chơi mới bắt đầu từ việc hợp tác với một số đối tác mới. Ông Phạm Đình Nguyên, doanh nhân bỏ ra 1 triệu USD mua thị trấn PhinDeli (Mỹ) và thành lập thương hiệu cà phê hòa tan cùng tên, tiết lộ Kinh Đô đã sở hữu hơn 50% cổ phần, dành quyền kiểm soát thương hiệu cà phê mới có một năm tuổi này.

Sau đợt IPO hồi mùa hè năm 2014, Kinh Đô trở thành cổ đông lớn nhất tại Vocarimex (Tổng công ty Dầu thực vật Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam), đơn vị đang kiểm soát 95% thị phần dầu ăn tại Việt Nam qua các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết như Dầu Tường An, Dầu Cái Lân, Nhà Bè Hope…

Kinh Đô cũng công bố hợp tác toàn diện với Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong, công ty mỳ gói có thị phần đứng thứ 5 tại Việt Nam. Theo đó, qua hình thức hợp tác, Ve Wong sản xuất mỳ ăn liền cho Kinh Đô, dự kiến tung sản phẩm ra thị trường cuối năm 2014.

Chắc chắn, doanh nhân Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên nhìn thấy các cơ hội ở các sân chơi mới. Báo cáo của Euromonitor cho biết thị trường dầu ăn và mỳ gói Việt Nam có quy mô xấp xỉ trên dưới 1 tỷ USD/năm trên mỗi lĩnh vực. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của mỗi thị trường đạt trung bình 16-17%.

“Lợi ích của việc tham gia vào thị trường mỳ ăn liền đối với Kinh Đô là sẽ gia tăng doanh thu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn. Ý tưởng đầu tư vào mỳ là để bổ sung những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng và có thể bán tốt cả năm…

Trong nhiều năm qua, Vocarimex đã hoạt động dưới dạng một doanh nghiệp nhà nước nên chắc chắn hiệu quả hoạt động sẽ tăng sau khi được Kinh Đô mua lại, mặc dù sẽ mất vài năm để thay đổi văn hóa làm việc” - Báo cáo phân tích của CTCK HSC đánh giá.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý