Đại gia Thái đổ bộ thị trường bán lẻ: Hàng Việt làm sao?

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Đại gia Thái đổ bộ thị trường bán lẻ: Hàng Việt làm sao?

Sau thương vụ Big C Việt Nam được bán cho Tập đoàn Thái Lan lần này, 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái.

05/05/2016 09:48 AM
57

(ĐSPL) - Sau thương vụ Big C Việt Nam được bán cho Tập đoàn Thái Lan lần này, 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái. Nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị 10 phần thì nay giảm xuống chỉ còn hai, ba phần.

Thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam đã kết thúc, khi Central Group giành thắng lợi với mức giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD).

Tin tức trên báo Đất Việt, cùng với thương vụ Big C Việt Nam, thị phần của Thái Lan về mạng lưới bán lẻ, doanh số tại Việt Nam rất lớn. Tổng số điểm của các siêu thị nước ngoài ở Việt Nam khoảng 100, thì Thái Lan chiếm một nửa, ngoài ra Lotte, Aeon, Emart...

Báo Tri thức trực tuyến thông tin, sau thương vụ Big C Việt Nam được bán cho Tập đoàn Thái Lan lần này, 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái.

“Big C như cô gái đẹp, ai cao giá thì bán”, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ.

“Kết thúc thương vụ này, đồng nghĩa cán cân thị trường bán lẻ Việt đã nghiêng hẳn về phía DN nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Thái nắm giữ “miếng bánh lớn” – ông Phú tiếp lời.

Từng nhiều lần phát biểu và bày tỏ sự hy vọng một trong số tập đoàn bán lẻ Việt có tiềm lực sẽ “mua” lại Big C Việt Nam, nhưng với kết quả thương vụ chuyển nhượng này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, ý đồ người Thái “đổ bộ” đầu tư cả sản xuất, phân phối hàng… tại Việt Nam coi như đã thành công.

Không ngạc nhiên trước thông tin Big C Việt Nam “về tay” người Thái bởi trước đây cũng đã từng đưa ra dự báo này, ngược lại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại cảm thấy buồn lòng: “Đừng vui, đừng lạc quan khi thấy Big C được người Thái mua lại. Đây lạ là cảnh báo đáng ngại cho thị trường bán lẻ Việt, người sản xuất và cả người tiêu dùng Việt”.

Đại gia Thái "đổ bộ": Hàng Việt làm sao để "đấu" với hàng Thái? - Ảnh 1Phóng to

Hàng Thái đang dần chiếm lĩnh tại một số hệ thống bán lẻ Việt Nam. Ảnh: PLO

Báo Pháp luật TPHCM thông tin thêm, tại cổng chính Siêu thị Metro, một khu vực chuyên bày bán hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ. Tại đây bán đủ các mặt hàng Thái từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm.

Thông thường khi mua bán, thâu tóm siêu thị tại Việt Nam, các đại gia ngoại luôn cam kết rằng họ sẽ ưu tiên số một cho hàng Việt. Nhưng thực tế có đúng như vậy không? Câu trả lời là không! Bằng chứng là sau khi Tập đoàn bán lẻ BJC của Thái mua lại hệ thống Metro, hàng của nước này đã dần phủ các kệ hàng.

Một số công ty Việt than thở sau khi Metro rơi vào tay người Thái, hàng hóa của họ đưa vào hệ thống siêu thị này giảm hẳn. “Dù họ không tuyên bố huỵch toẹt từ nay sẽ không lấy hàng của doanh nghiệp (DN) Việt nhưng họ tìm nhiều cách để hạn chế hàng Việt. Họ từng bước đưa hàng của nước họ vào siêu thị để thay thế hàng Việt. Chính vì vậy nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị được 10 phần thì nay giảm chỉ còn hai, ba phần” - đại diện một công ty sản xuất nước mắm thông tin.

Đáng lưu ý, không chỉ các siêu thị lớn như Metro, Big C mà hệ thống các cửa hàng tiện lợi như B’smart sau khi vào tay người Thái cũng “chê” hàng Việt. hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ. Giám đốc một DN nói: “Bây giờ chúng tôi không thể đưa hàng vào được vì họ không nhập hàng Việt Nam vào nữa!”.

Làm sao để “đấu” với hàng Thái?

Nhiều chuyên gia bán lẻ cho rằng hàng Thái từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt vì giá thấp và chất lượng tốt. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng hàng Việt có bị loại ra khỏi hệ thống bán lẻ hay không còn phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt với hàng Thái chứ không chỉ vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái.

“Khách hàng Việt thích hàng Thái nhiều nhưng không phải sản phẩm nào của Thái chất lượng cũng tốt. Do đó vấn đề là các công ty Việt phải làm sao để người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt” - ông Fredic W. Swiercrek, Giám đốc Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (A.I.T), khuyến cáo.

Nhìn nhận thời gian tới thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn bởi hàng Thái nhưng bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food, vẫn tự tin cho rằng sản phẩm của công ty sẽ trụ vững. Bà Lâm nói: “Chúng tôi sẽ không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo, khác biệt. Chúng tôi đổi mới công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập”.

Tương tự, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, từng phát biểu rằng lâu nay các công ty trong nước thường thiếu sự liên kết. Đặc biệt là phong cách làm việc tiểu nông, chụp giật, nay làm mai bỏ của siêu thị Việt sẽ là con dao tự mình hại mình. Do đó, các nhà bán lẻ Việt hãy tự đổi mới mình để làm cách mạng ngành bán lẻ Việt Nam. Trong đó vấn đề quản trị DN và văn hóa kinh doanh là thước đo cho sự tồn tại.

“Công ty Việt phải cạnh tranh với Thái Lan về chất lượng hàng hóa và cạnh tranh với Trung Quốc về hàng giá rẻ. Hạm đội thuyền thúng siêu thị Việt nếu không liên kết sẽ bị phá vỡ” - ông Phú cảnh báo.

TUYẾT MAI (Tổng hợp- Nguồn: PLO, Đất Việt, Zing.vn) 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý