Đại gia Việt chi trăm tỷ "song đấu" ông lớn ngoại

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Đại gia Việt chi trăm tỷ "song đấu" ông lớn ngoại

Nhiều đại gia Việt đã không ngần ngại chi trăm tỷ để làm chủ doanh nghiệp ngoại, phá vỡ con đường thâu tóm 1 chiều trong các vụ M&A.

26/05/2016 03:18 PM
21

(ĐSPL) - Nhiều đại gia Việt đã  không ngần ngại chi trăm tỷ để làm chủ doanh nghiệp ngoại, phá vỡ con đường thâu tóm 1 chiều trong các vụ M&A.

Tin tức trên báo VTC News, mới đây nhất, công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố thông tin quan trọng với cổ đông. Vinamilk được chấp thuận phê duyệt tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu USD vào Driftwiood. Như vậy, tổng số vốn đầu tư của Vinamilk tại đơn vị này tăng lên 10 triệu USD (khoảng  230 tỷ đồng) và tăng tỷ lệ sở hữu từ 70% lên 100%. Sau khi các thủ tục được hoàn thiện, Vinamilk sẽ là chủ duy nhất tại Driftwiood.

Trước đó, năm 2014, Vinamilk đã rót 7 triệu USD vào Driftwiood. Driftwood có trụ sở chính tại bang Califonia, Hoa Kỳ. Driftwood chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa đậu nành, kem sữa…), nước hoa quả và đồ ăn nhẹ…

Các sản phẩm được phân phối tại thị trường California và có thể được xuất khẩu. Năm 2012, Driftwood đạt doanh thu khoảng 100 triệu USD nhưng hoạt động chưa có lãi.

Cách đây không lâu, công ty cổ phần Hùng Vương cũng hé lộ kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp ngoại. Tại đại hội đồng cổ đông, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty đã trình cổ đông kế hoạch mua 51% công ty thủy sản Russia Fish. Russia Fish là công ty chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Dự kiến “Vua thủy sản” sẽ chi 15 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng) để thâu tóm doanh nghiệp này.

Ông Dương cho biết Russia Fish là công ty phân phối cá đứng đầu thị trường Nga với hơn 5% thị phần. Công ty có hệ thống kinh doanh lớn với 19 chi nhánh và 13 văn phòng đại diện giao dịch trên toàn nước Nga. Lợi nhuận sau thuế 2015 của công ty ước đạt 1,2 tỉ Ruble, tương ứng hơn 15 triệu USD.

Đại gia Việt chi trăm tỷ "song đấu" ông lớn ngoại trong các vụ thâu tóm DN - Ảnh 1Phóng to

Với nội lực và sự mạnh dạn, nhiều đại gia Việt đã rót hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm công ty nước ngoài. (Ảnh minh họa).

Trước đó, công ty cổ phần Tập đoàn Masan gây chấn động trong làng thức ăn chăn nuôi khi công bố mua lại 52% cổ phần công ty cổ phần Việt – Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và 70% và cổ phần công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) bằng việc mua lại 99.99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Sam Kim sau đó đã đổi tên thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science.

Hiện tại, những thương vụ thâu tóm của Vinamilk và Hùng Vương mới đang ở điểm xuất phát nên chưa đong đếm được hiệu quả. Nhưng những gì Masan đạt được đã cho thấy “con đường đi ngược” này đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Tập đoàn.

Masan là “ông lớn” ngành tiêu dùng. Vì vậy, những sản phẩm phổ biến như mì Omachi, mì Kokomi, nước mắm Chinsu, nước mắm Nam Ngư,... mang lại nguồn thu chính cho Masan. Nhưng đó chỉ là trước đây, còn hiện tại, tỷ lệ doanh thu các mặt hàng tiêu dùng đang sụt giảm trong tổng doanh thu của Masan.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2016 của Masan, trong kỳ, Masan đạt 8.769 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 144,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Masan Nutri-Science đóng góp 5.183 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng doanh thu.

Nhờ doanh thu tăng mạnh nên lợi nhuận quý 1/2016 của Masan có nhiều bước tiến vượt bậc. Trong kỳ, chỉ tiêu này đạt 393 tỷ đồng, tăng 336 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, việc thâu tóm Anco và Proconco đã mang lại lợi ích to lớn cho Masan.

Hay như tháng 6/2015, báo Trí thức trẻ đưa tin về việc Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã chính thức công nhận sở hữu Công ty Mass Noble và bàn giao nhà máy Ansen từ Quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM) của Mỹ.

Với việc phát hành thêm gần 20 triệu cổ phiếu DLG, tập đoàn phố núi Gia Lai đã hoán đổi thành công hơn 29 triệu cổ phiếu của Công ty Mass Noble, và trở thành chủ sở hữu nhà máy Ansen chuyên sản xuất linh kiện điện tử đặt tại Trung Quốc. Đây là một bước mở rộng ngành nghề sang lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử khai thác thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2014, Tập đoàn FPT đã mua lại thành công 100% Công ty RWE IT Slovakia - công ty con của một tập hàng đầu về năng lượng của Đức. Thương vụ đã giúp FPT có thêm gần 400 chuyên gia và một tập khách hàng mới tại thị trường châu Âu.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn này từng chia sẻ, FPT muốn thâm nhập vào thị trường châu Âu nhưng không biết ngành điện ở Đức tinh vi tới đâu. Do vậy, FPT phải mua bán sáp nhập.

Báo Vietnamnet đưa tin, trong nhiều lĩnh vực, thị trường đã thấy các doanh nhân Việt không ngại đại gia Mỹ, Nhật. Nhiều doanh nhân đang nỗ lực chứng tỏ vị thế của DN Việt qua các thương vụ thâu tóm, đấu trí đầy ngoạn mục với đối tượng ngoại.

Thương vụ Daewoo năm 2011, tưởng chừng khách sạn này đã rơi vào đại gia Lotte nhưng chung cuộc một đại gia Việt đã hợp tác với Hanel hiện thực hóa quyền “ưu tiên mua” của mình. Sau khi thâu tóm xong khách sạn Daewoo, đại gia khoáng sản Hợp Thành còn mang tiền xuống Hải Phòng mua cảng.

Cũng trong lĩnh vực khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng, đại gia Việt đã thâu tóm khá nhiều khách sạn nổi tiếng như Metropole, Hilton, Victoria, Furama Resort Đà Nẵng… Đó là những cái tên đang nổi lên mạnh mẽ như: Sovico Holdings của ông Nguyễn Thanh Hùng, Thiên Minh của doanh nhân Trần Trọng Kiên, BRG của bà Nguyễn Thị Nga…

Sự thật đằng sau những cú thâu tóm của đại gia Việt còn nhiều phức tạp nhưng xu hướng này cho thấy nhiều doanh nhân đã nhận thực được tầm quan trọng của việc phải lớn nhanh về quy mô, chiếm lĩnh thị trường trong nước khi độ mở theo hội nhập ngày lớn. Không ít tập đoàn Việt đã có những bước chuyển mình lớn nhanh thần kỳ nhờ quản trị tốt, công nghệ huy động vốn hiện đại và những vụ M&A ngoạn mục. Bên cạnh đó, hợp tác với đối tác ngoại cũng là một xu hướng tích cực.

Những quyết định thâu tóm công ty nước ngoài của các DN trong nước luôn được các nhà đầu tư quan tâm, bởi đó là những thương vụ lạ trên thị trường mua bán sáp nhập (M&A) của Việt Nam, vốn quen với việc các DN ngoại thâu tóm DN nội.

Có thể thấy, nếu trước đây, hầu hết các thương vụ thâu tóm đình đám xảy ra ở đó người bán là phía Việt Nam, người mua là đối tác ngoại. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều cái tên lớn của Việt Nam như kem đánh răng Dạ Lan, P/S, Tribeco, bia Huế,... lần lượt rơi vào tay các “ông lớn ngoại”. Dù cố ý “bán mình” hay bị lừa gạt, các thương hiệu này đều để lại nuối tiếc cho những người yêu thương hiệu Việt. Trong nhiều thập niên qua, nhắc đến M&A là người ta nghĩ đến con đường thâu tóm một chiều này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, M&A không còn là con đường một chiều nữa. Với nội lực và sự mạnh dạn, nhiều đại gia Việt đã đi trên con đường ngược lại. 

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý