Đại gia Việt và những vụ kiện đòi tài sản trăm tỷ ‘để đời’

forlife forlife @forlife

Đại gia Việt và những vụ kiện đòi tài sản trăm tỷ ‘để đời’

Những đại gia Việt dưới đây phải mất khá nhiều thời gian, tâm lực theo đuổi các vụ kiện để đòi lại tài sản của mình. Hành trình đi tìm công lý của họ cũng lắm gian truân...

02/10/2014 05:33 AM
6,175

Ông chủ Đại Nam kiện chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

 - Ảnh 1

Vụ kiện giữa đại gia Huỳnh Uy Dũng với chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cuối cùng cũng đến hồi kết.

Ngày 12/9 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương (BD) đã ra quyết định thu hồi lại quyết định trước đây do chính UBND tỉnh Bình Dương ban hành, cho phép 61,4 ha khu đất ở, thuộc KCN Sóng Thần 3 của công ty cổ phần Đại Nam, với thời hạn sử dụng “lâu dài”; đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương chuyển sang, chỉ cho phép công ty Đại Nam sử dụng khu đất trên trong “50 năm”…

Ngay lập tức, trong ngày 12/9, ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn được gọi là đại gia Dũng lò vôi) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam – đã ra tuyên bố trả lại toàn bộ khu đất 61,4 ha nói trên cho chính quyền tỉnh BD. Và, ông Dũng cũng yêu cầu UBND tỉnh BD phải hoàn trả lại cho ông Dũng số tiền khoảng 1.800 tỷ đồng…

Cách đây 10 năm, UBND tỉnh BD đã kêu gọi ông Huỳnh Uy Dũng mua giùm khu đất mà nay là KCN Sóng Thần 3, để tỉnh BD có tiền trả nợ Bộ Tài chính. Ông Dũng đã bỏ tiền mua khu đất và được UBND tỉnh BD cấp phép làm khu đất ở. Ông Dũng đã nộp đủ tiền sử dụng đất, UBND tỉnh BD đã cấp sổ đỏ cho 61,4 ha khu đất ở trên, với thời hạn sử dụng “lâu dài”.

Tỉnh BD cũng chấp thuận cho phép ông Dũng huy động vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất ở.v.v… Tuy nhiên sau đó, lấy lý do chờ phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/500, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cấm không cho công ty Đại Nam thực hiện dự án trên 61,4 ha đất trong suốt gần 5 năm qua.

Không thể chấp nhận dự án bị trì trệ, kéo dài quá lâu, vào tháng 10/2013, ông Huỳnh Uy Dũng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – về hành vi “ngâm” hồ sơ, chậm phê duyệt quy hoạch 1/500, gây thiệt hại cho công ty Đại Nam... Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra vụ tố cáo trên, với kết luận: Trong 3 nội dung tố cáo, ông Dũng “tố cáo có cơ sở” 2 nội dung, còn 1 nội dung “ tố cáo chưa có cơ sở”.

Ông Dũng không đồng ý kết luận trên và có đơn chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được phúc tra kết luận của Thanh tra Chính phủ. Song, bất chấp việc phúc tra chưa tiến hành, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thu hồi quyết định về thời hạn “lâu dài” của 61,4 ha khu đất ở.

Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, với việc làm trên của chính quyền tỉnh BD, công ty Đại Nam sẽ không đầu tư dự án trên khu đất 61,4 ha, mà trước đây UBND tỉnh Bình Dương bán cho doanh nghiệp. Trái lại, công ty Đại Nam sẽ trả lại toàn bộ khu đất cho chính quyền tỉnh Bình Dương, sau 10 năm bị bỏ hoang hóa. Ông Dũng yêu cầu UBND tỉnh BD phải hoàn trả lại cho ông toàn bộ giá trị khu đất theo đúng mức giá nhà nước ban hành hiện thời, tại khu vực “thành phố mới Bình Dương”.

Ông Dũng không yêu cầu chính quyền bồi thường cho ông những thiệt hại khác, do các nhiêu khê về thủ tục mà các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã gây ra cho công ty Đại Nam trong suốt 10 năm qua, khiến dự án không thể khởi động. Theo các quy định về mức giá đất do chính quyền tỉnh Bình Dương ban hành ở khu vực trên (khoảng 3,5 triệu đồng/m2), thì UBND tỉnh Bình Dương phải trả lại ông Huỳnh Uy Dũng tổng số tiền khoảng 1.800 tỷ đồng /61,4 ha.

Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết sẽ xin lỗi các nhà đầu tư đã góp vốn với công ty Đại Nam tại dự án trên và sẽ hoàn trả đẩy đủ vốn kèm lãi suất cho các nhà đầu tư. Toàn bộ số tiền được chính quyền tỉnh BD hoàn trả, ông Huỳnh Uy Dũng sẽ hỗ trợ mổ tim cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim bẩm sinh, mà công ty Đại Nam đang phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM thực hiện từ tháng 8/2014.

Lê Ân vác đơn đi kiện để đòi lại nhà

 - Ảnh 2

Đại gia Lê Ân đã theo đuổi vụ kiện đòi nhà tới 25 năm.

Ngày 5/2/2013, ông Đinh Khắc Huy - phó chủ tịch UBND quận Tân Bình đã ký quyết định số 32/QĐ UBND, hủy bỏ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số H00077/26968 ký ngày 14/8/2005 mà UBND Quận Tân Bình đã cấp cho bà Lê Ngọc Lan đối với căn nhà 408, đường Cách Mạng Tháng 8, phường 4, quận Tân Bình.

Quyết định này ra đời đồng nghĩa với việc đại gia Lê Ân đã giành lại được ngôi nhà mà người vợ đầu tiên đã ly dị của ông (ông Lê Ân có 6 bà vợ) đã chiếm đoạt từ năm 1988.

Đối với người vợ đầu này, hiện trong khu du lịch Chí Linh của đại gia còn lưu 3 bức tượng của 3 bà vợ bội bạc, trong đó có bà Lê Ngọc Lan.

Được biết, ngôi nhà nói trên đã được bà Lan nhượng quyền sỡ hữu cho ông Lê Đa Ni-ên (con trai đầu của ông Lê Ân và bà Lê Ngọc Lan) vào ngày 14/8/2009 nhưng với quyết định nói trên thì việc chuyển nhượng của bà Lan đã bị hủy bỏ.

Để đòi lại được ngôi nhà nói trên, đại gia Lê Ân đã theo đuổi vụ kiện tới 25 năm và cuối cùng sau nhiều năm kiện cáo, vị đại gia 76 tuổi đã được tòa án Quận Tân Bình trao lại quyền sử dụng ngôi nhà mà người vợ lớn của ông chiếm đoạt.

Vợ Dũng “lò vôi” quyết tâm đòi lại vườn cao su trị giá 170 tỷ

 - Ảnh 3

Bà Nguyễn Phương Hằng vợ đại gia Huỳnh Uy Dũng.

Bà Nguyễn Phương Hằng vợ đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) đã đâm đơn kiện chồng cũ là ông Trần Văn Thìn chiếm đoạt 360ha rừng cao su trị giá 170 tỷ của bà.

Sau khi ly hôn, hai bên thỏa thuận thương lượng chia tài sản chung. Theo đó, ông Thìn nhận trên 200ha cao su, còn bà Hằng được chia phần nhiều hơn, trên 360 ha.

Tuy nhiên, sau ly hôn, ông Thìn vẫn lén lút duy trì hoạt động của công ty Đông Nam Long không thông qua bà Hằng. Bên cạnh đó, ông Thìn còn làm các thủ tục, giả mạo chữ ký của bà Hằng trong 1 số giấy tờ để chuyển trụ sở công ty Đông Nam Long về Bình Phước... nhằm phục vụ ý đồ chiếm đoạt tài sản.

Sau khi phát hiện, bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Thìn đến công an Bình Phước. Nơi này có ra văn bản đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Thìn nhưng sau đó Viện KSND cùng cấp không phê chuẩn.

Không dừng lại ở đó, bà Hằng tiếp tục tố cáo ông Thìn đến cơ quan tố tụng cấp cao hơn. Sau đó, Bà Hằng còn tuyên bố sẽ nhờ luật sư liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết như: ủy quyền, công chứng, tặng cho… vườn cao su trị giá 170 tỷ cho đại diện của bộ đội Trường Sa.

Theo kết luận điều tra, năm 2001 ông Thìn và bà Hằng góp vốn 50/50 thành lập công ty TNHH Đông Nam Long, trụ sở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, do ông Thìn làm giám đốc.

Công ty có dự án thuê dài hạn 560ha đất của chính quyền Bình Phước để trồng cao su. Sau đó ông Thìn - bà Hằng chính thức kết hôn. Tuy nhiên cuộc hôn nhân diễn ra quá ngắn ngủi, đến đầu năm 2008 cả 2 quyết định ly hôn khi họ có 1 con chung, đồng thời cũng giải thể công ty Đông Nam Long.

Được biết, không chỉ kiện chồng cũ vì tội chiếm đoạt tài sản, bà Hằng còn từng kiện chồng cũ vì hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự của bà.

Đại gia thắng kiện tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

 - Ảnh 4

Đại gia Lê Ân thắng kiện tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sau hơn chục năm tranh đấu.

Mảnh đất hơn 12 ngàn mét vuông ở trung tâm thành phố Vũng Tàu là nguồn cơn của hàng loạt khiếu nại, kiện tụng trong suốt nhiều năm. Hồ sơ vụ án có thể được tóm lượt như sau:

Bà Nguyễn Thị Vịnh được thừa kế miếng đất rộng 12.000 mét vuông ở đường Nam Kì Khởi Nghĩa, TP. Vũng Tàu. Trước đó, năm 1967, cha của bà Vịnh cho bà Lê Thị Cường mượn đất này để canh tác.

Năm 1976, cha bà Vịnh đòi đất, bà Cường trả lại hơn 7000 mét vuông. Số đất còn lại, bà Cường không chịu trả.

Sau khi cha chết, bà Vịnh đại diện cho dòng họ bán toàn bộ diện tích đất trên cho ông Lê Ân vào năm 1992. Tuy nhiên, ông Lê Ân chỉ nhận được hơn 7000 mét vuông, khoảng 4000 mét vuông còn lại bà Vịnh sẽ đòi bà Cường rồi giao tiếp cho đại gia đất Vũng Tàu.

Bà Cường không chịu trả. Sau nhiều lần khiếu nại, khởi kiện của các bên, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ban hành quyết định số 71 với nội dung: chia đất theo tỉ lệ 3/7. Bà Cường được 3 phần khoảng hơn 1300 mét vuông. Số đất 7 phần còn lại hơn 3000 mét vuông trở về với bà Vịnh để bà Vịnh giao cho ông Lê Ân theo hợp đồng mua bán đất.

Quyết định chưa được các bên thực thi vì UBND tỉnh và bà Vịnh kháng cáo. Thế rồi, mọi rắc rối tiếp tục nảy sinh khi UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tiếp tục ban hành quyết định số 2581, kí ngày 21/5/2004, nội dung hủy quyết định 71 trước đó, giao hơn 4000 mét vuông đất đã được ông Lê Ân mua cho bà Cường sử dụng.

Thực ra, trong vụ án hành chính, tòa án chỉ buộc hủy quyết định chứ không có người thắng, thua như án dân sự tranh chấp thông thường.

Mắc mứu lớn nhất của vụ án này là năm 2000, ông Lê Ân bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM phạt tù vì tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản án của tòa ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Ân dùng tài sản của mình là miếng đất 12.000 mét vuông kể trên để khắc phục hậu quả.

Như vậy, quyết định 2581 của UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã gây thiệt hại cho ông Lê Ân vì đã giao tài sản hợp pháp của ông cho người khác, mà cụ thể ở đây là bà Lê Thị Cường, một người đi mượn đất từ nhiều năm trước.

Ngày 30/12/2013, TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Lê Ân, buộc UBND tỉnh này hủy quyết định 2581.

Sau đó, dù có kháng cáo nhưng tại phiên xử phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đại diện của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không có mặt hai lần nên hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm.

Đại gia Lê Ân thắng vụ kiện theo đuổi suốt nhiều năm liền.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý