Đại phẫu ngân hàng, anh hùng lộ diện – Kỳ 4: Dấu ấn Trầm Bê

baybykiu baybykiu @baybykiu

Đại phẫu ngân hàng, anh hùng lộ diện – Kỳ 4: Dấu ấn Trầm Bê

Đầu tư vào Southern Bank, “thâu tóm” Sacombank rồi sáp nhập hai làm một, ông Trầm Bê đang đi những nước cờ âm thầm mà cao thâm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn trước đây ông chỉ là “ngoại đạo”

31/07/2015 09:37 AM
307

   - Ảnh 1

Sáp nhập Southern Bank vào Sacombank sắp hoàn tất

Dấu ấn

Giới tài chính - ngân hàng và truyền thông trong nước đã quá quen thuộc và tạm hài lòng với sự kín tiếng của ông Trầm Bê, một đại gia nắm trong tay nhiều quyền và tiền.

Ông Trầm Bê sinh 1959, tuổi Kỷ Hợi, sách tử vi cho rằng nam nhân tuổi này số sung túc, công danh và sự nghiệp nhiều thăng tiến.

Tại Trà Vinh, nơi “chôn nhau cắt rốn”, ông Trầm Bê được nhiều người mến mộ. Không chỉ vì khối gia sản khổng lồ mà bởi các hành động thiện nguyện. Tuy nhiên, xung quanh ông và gia đình cũng có nhiều đồn đoán, liên quan đến vật dụng sở hữu trong gia đình, mục đích từ thiện và cả cách thức ông tích tụ tài sản.

Trên phương diện kinh doanh, sự xuất hiện của ông Trầm Bê với tư cách đại gia vào khoảng những năm cuối thập kỷ 90, khi ông đầu tư xây dựng bệnh viện Triều An và chi vài chục triệu USD lắp ráp nhà máy chiếu xạ thanh long đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, dù đã thành danh trên thị trường địa ốc, song ông Trầm Bê và gia đình chưa thể áp đặt thế “độc quyền” lên các đối thủ như khi làm Sơn Sơn.

Là một doanh nhân kỹ tính, chỉ xuất hiện trên truyền thông bên lề những sự kiện đặc biệt, ông Trầm Bê hình thành quanh mình màn sương bí ẩn về cách thức kinh doanh và tích lũy tài sản. Đôi lần trả lời báo chí, ông Trầm Bê nói ngắn gọn về bí quyết kinh doanh, đại ý mua rẻ bán đắt để thu lời.

Khi đã dư dả tiền bạc, cuối 2004 ông Trầm Bê đổ vốn đầu tư và tham gia quản trị ngân hàng Phương Nam. Không có nhiều thông tin về quá trình ông Trầm Bê ở Southern Bank (Ngân hàng Phương Nam) nhưng những diễn biến sau đó mà truyền thông ghi nhận cho thấy ông Trầm Bê đã đi những nước cờ âm thầm mà cao thâm để tạo dựng ảnh hưởng và nắm giữ vị trí quan trọng. Tính đến 2011, ông Trầm Bê và con gái Trầm Thuyết Kiều là 2 cổ đông cá nhân sở hữu trên 5% cổ phần tại Southern Bank.

   - Ảnh 2

Ông Trầm Bê nắm giữ trong tay nhiều cơ sở kinh doanh tài chính - kinh tế

Cũng trong 2011, tên tuổi ông Trầm Bê lại được nhắc nhiều trong thương vụ “thâu tóm” Sacombank (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín). Theo ông Trầm Bê, ý định ban đầu của ông chỉ là đầu tư vào cổ phiếu Sacombank hòng kiếm lời. Dư luận ít tin vào chia sẻ này, bởi lẽ những gì mà thực tế đem đến là việc ngân hàng Sacombank đã bị “thâu tóm” một cách đúng nghĩa.

Suốt thời gian dài sau đó, báo chí tốn nhiều giấy mực, giới kinh doanh tốn thời gian bàn luận việc Sacombank “thôn tính” Southern Bank hay ngược lại? Đạo diễn màn sáp nhập này thực sự là ai? Ai sẽ là người hưởng lợi nhất từ thương vụ này? Ý đồ sâu sa việc sáp nhập?... Dù tranh luận theo hướng nào, người ta cũng không thể loại trừ “bàn tay” của ông Trầm Bê, bởi dấu ấn ông tạo ra quá đậm.

Ngày 11/7 sẽ là khó quên với các cổ đông Sacombank khi 93,7% trong số họ có quyền biểu quyết đã nhất trí thông qua đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Tỉ lệ hoán đổi như nhiều dự đoán trước đó: 1 thành 0,75. Thị trường không có phản ứng thái quá, dù giá cổ phiếu Sacombank chốt phiên tăng điểm và lượng mua vào của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chiếm đa số.

Ẩn số

Gần như chắc chắn, cuối năm nay, sáp nhập Southern Bank vào Sacombank hoàn tất. Ngôi vương chắc chắn vẫn thuộc người nhiều tiền và có khả năng gây áp lực, Trầm Bê. Khi ấy, quyền lợi cổ đông nước ngoài sẽ ra sao và nợ xấu sẽ thế nào? Chiến lược phát triển Sacombank hậu sáp nhập?

Về nợ xấu, số liệu theo báo cáo tài chính 2014, Sacombank là 1,52% và Southern Bank là 5,8%. Đây không phải là một tỉ lệ cao, nhất là khi cả hai có trích lập dự phòng tương đối đầy đủ. Thứ nữa, với quy mô của Sacombank, khi hợp nhất tỉ lệ này chưa đến 3%.

Khi sáp nhập, ngân hàng mới sẽ có quy mô gần 15,5 ngàn tỷ. Biến động về vai trò cổ đông sẽ diễn ra, nhiều cổ đông lớn thành cổ đông nhỏ, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài.

   - Ảnh 3

Các thành viên gia đình ông Trầm Bê đang nắm giữ nhiều cổ phiếu ngân hàng Southern Bank và Sacombank

Hậu sáp nhập, Southern Bank và Sacombank sẽ tự nhân lên sức mạnh, chiến lược phát triển vì thế cũng sẽ có thay đổi. Chưa biết các nhà cầm chịch của ngân hàng mới sẽ hướng trọng tâm vào đâu nhưng cổ đông của cả 2 có vẻ đang cảm thấy yên tâm hơn và sẵn sàng cho một cuộc chơi mới. Bằng chứng điều này là gần 1 năm trở lại đây, từ khi có thông tin sáp nhập, thị trường chứng khoán chưa ghi nhận thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu nào của các cổ đông lớn của cả hai ngân hàng.

Mặc dù không nói ra nhưng những người trong gia đình ông Trầm Bê chắc chắn là mong mỏi thương vụ sáp nhập này nhất. Hàng loạt các “mớ bòng bòng” được tháo gỡ như: nợ xấu Southern Bank, sở hữu chéo, dễ dàng kêu gọi đầu tư nước ngoài…

Ông Trầm Bê có thể là một hiện tượng thú vị trong giới ngân hàng Việt Nam khi “thâm nhập” thành công Southern Bank, “thâu tóm” Sacombank rồi sáp nhập hai làm một. Bước tiếp theo của ông Trầm Bê là gì? Ngân hàng sau sắp nhập có uy lực đến đâu hay chỉ là Sacombank to xác hơn và và việc sáp nhập chỉ đơn thuần là phù hợp chủ trương tái cơ cấu?

Lưu Văn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý