Dân 'tố' bị Chủ tịch phụ nữ xã 'vay ké' cả tỷ đồng

mesu mesu @mesu

Dân 'tố' bị Chủ tịch phụ nữ xã 'vay ké' cả tỷ đồng

Số hộ bị bà Chủ tịch hội phụ nữ xã “vay ké” lên đến 113 hộ dân, với tổng số tiền lên tới 1,145 tỷ đồng.

29/07/2014 07:12 AM
1,117

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân ở xã Đắk Đrông (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) bức xúc vì đã cho bà Nguyễn Thị Đông (Chủ tịch hội Phụ nữ xã Đăk Đrông, cộng tác viên Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cư Jút) “vay ké” số tiền mà họ được ưu tiên vay theo chương trình vay vốn của Nhà nước để phát triển kinh tế. Số hộ bị bà Đông “vay ké” lên đến 113 hộ dân, với tổng số tiền lên tới 1,145 tỉ đồng. Hiện tại, số tiền mà người dân cho bà Đông vay có nguy cơ mất trắng, khiến nhiều người dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

 - Ảnh 1

Bà Hoàng Thị Hương thẫn thờ nhớ lại lúc bà Đông giật túi xách lấy tiền. Ảnh: Ngọc Hồ

Người dân tố vị Chủ tịch “vay ké”

Ngày 20/7, đường dây nóng báo Người Đưa Tin nhận được rất nhiều cuộc gọi từ người dân phản ánh những bức xúc về việc bà Nguyễn Thị Đông (SN 1959, ngụ thôn 15, xã Đăk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) lợi dụng tín nhiệm để “vay ké” trong hợp đồng vay vốn của gia đình hộ nghèo tại NHCSXH nhưng không trả, khiến cho hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh nợ nần túng quẫn. Tiếp nhận thông tin, sáng cùng ngày, PV đã có mặt tại xã Đăk Đrông để tìm hiểu rõ những khiếu nại, bức xúc của người dân.

Tại đây, PV ghi nhận được, xung quanh câu chuyện về việc bà Nguyễn Thị Đông “bày trò” làm hồ sơ vay vốn tại ngân hàng để “ké tiền” chủ yếu là hộ dân nghèo và cận nghèo, thật chí có cả hộ tàn tật. Để được vay và có tiền trong thời gian sớm nhất, người vay phải cho bà Đông “vay ké” từ 1/3 số tiền trở lên. Sự việc kéo dài qua nhiều năm, nhưng để vay được tiền nên dân nghèo không dám lên tiếng. Tuy nhiên, đến thời điểm đáo hạn ngân hàng mà bà Đông không có tiền để trả cho người dân cả vốn lẫn lãi, sự việc mới bị vỡ lở.

Tưởng chừng, hàng trăm hộ dân thoát khỏi cảnh nghèo nhờ chính sách ưu đãi từ nguồn vốn của Nhà nước, thì bây giờ lại phải “mắc cạn” vì đã trót tin lời bà Chủ tịch hội phụ nữ xã. Nói trong nước mắt. bà Hoàng Thị Hương (SN 1969, dân tộc Nùng, ngụ thôn 15, xã Đăk Đrông) cho biết: “Năm 2012, tôi có nhờ bà Đông vay vốn để chăn nuôi và bà Đông nói với hoàn cảnh của tôi sẽ vay được 30 triệu đồng, cùng với 8 triệu theo dự án nước sạch. Từ đó, bà Đông trực tiếp làm hồ sơ để cho tôi ký vay với số tiền là 38 triệu đồng, nhưng tôi nhận chỉ có 16 triệu đồng. Khi tôi nhận xong, vừa ra tới cửa thì bà Đông chặn lại để lấy tiền. Tôi không đồng ý nhưng bà Đông đã mắng như tát nước vào mặt, rồi tự tay mình giật số tiền tôi vừa vay được. Bà Đông nói, nhờ có bà nên tôi mới vay được chừng đó tiền nên buộc tôi phải cho bà ấy “ké” một nửa. Lúc đó, bà Đông và bà Ngô Thị Thơi (tổ trưởng tổ vay vốn) đã lấy 22 triệu đồng để chia nhau (bà Đông 12,5 triệu đồng, bà Thơi 9,5 triệu đồng)”.

Đặc biệt, trong số những người từng bị bà Đông “vay ké”, có cả một đại gia đình của bà Lê Thị Nhung (67 tuổi) gồm sáu người bị bà Đông cho ăn “thịt lừa”. Bà Nhung uất nghẹn kể: “Riêng gia đình tôi vay được 100 triệu đồng thì bà Đông đã “ké” hết 40 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, bà Đông không đóng tiền lãi, buộc tôi mỗi tháng phải vay mượn khắp nơi đóng 420.000 đồng tiền lãi”. Được biết, hoàn cảnh gia đình bà Nhung rất khó khăn, chồng bà thường xuyên đau ốm và còn phải chăm sóc đứa cháu và con gái bị điếc. Hằng ngày, cứ 3h sáng, bà phải thức dậy làm bánh mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi gia đình.

ông Nguyễn Văn Đăng (Trưởng thôn 14) cho biết: “Đau lòng hơn là trường hợp của anh Lê Văn Tân (là người tàn tật). Biết gia đình Tân hoàn cảnh, nên bà Đông tới nhà gạ hỏi có vay tiền hay không để bà làm hồ sơ cho. Hồ sơ vay được 28 triệu đồng và bà Đông đã “ké” hết 10 triệu đồng”. Ngoài ra, con gái bà Nhung (bị điếc) được bà Đông làm hồ sơ vay giúp 25 triệu đồng để chữa bệnh, thì bà cũng “ké” 10 triệu đồng. Khi đến hạn phải trả tiền ngân hàng, bà Đông không chịu trả số tiền “vay ké”, khiến người dân phải đi vay tiền lãi ngày để trả ngân hàng”.

Có làm giả hồ sơ vay vốn?

Không những gạ gẫm cho “vay ké”, bà Đông còn có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn. Theo phản ánh của bà Lương Thị Phép (SN 1968): “Bà Đông tự ý làm hồ sơ rồi mang xuống kêu chồng tôi ký xác nhận vào. Bà Đông nói gia đình tôi được vay 30 triệu đồng để làm ăn, nhưng chờ mãi không thấy tiền đâu. Vài tháng sau, khi ngân hàng đưa giấy về mới biết, gia đình tôi có vay, nhưng không hề nhận được số tiền trên. Gia đình tôi cũng không ký nhận tiền, nhưng không hiểu tại sao lại nằm trong tay bà Đông?”.

 - Ảnh 2

Hai vợ chồng bà  Lê Thị Nhung khóc khi tường trình vụ việc bị bà Đông “vay ké” . Ảnh Ngọc Hồ

Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân, PV đã có cuộc làm việc với chính quyền sở tại. Được biết, vào tháng 3/2014, khi UBND xã Đăk Đrông kết hợp với NHCSXH huyện Cư Jút tiến hành đối chiếu dư nợ của các hộ vay vốn, để kiểm tra việc người dân có sử dụng vốn vay đúng mục đích hay không, thì “lòi” ra chuyện. Từ năm 2010 đến tháng 3/2014, bà Đông đã “vay ké” của 113 hộ dân, với tổng số tiền 1,145 tỉ đồng. Trong đó, hộ thấp nhất 2,5 triệu đồng, hộ cao nhất 30 triệu đồng. Ban đầu, các hộ dân không dám đứng ra tố cáo việc bà Đông “vay ké”, vì lo sợ lần sau sẽ không được vay. Chỉ đến khi vài hộ khai thật, đoàn kiểm tra tiến hành rà soát nhiều lần, mới “lòi” ra số hộ và số tiền mà bà Đông “vay ké” như trên.

Theo biên bản làm việc vào ngày 28/3/2014 tại thôn 15, xã Đăk Đrông, có sự góp mặt của ông Trần Quang Điệp (Giám đốc phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút), Chủ tịch UBND xã Đăk Đrông là ông Trần Văn Thành và bà Nguyễn Thị Đông, sau khi sự việc “vay ké” bị phát giác, bà Đông bị Đảng ủy xã Đăk Đrông tạm đình chỉ công tác và có những cuộc họp nhằm trấn an tinh thần cho các hộ dân. Bà Đông xác nhận số nợ “vay ké” trên, đồng thời cam kết sẽ trả hết vào ngày 12/4/2014, nếu không sẽ “chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Thế nhưng đến nay, bà Đông vẫn chưa trả nợ cho người dân...

Để có thông tin đa chiều, chiều 21/7, PV báo Người Đưa Tin đã tìm gặp để trao đổi với bà Đông, nhưng không được. Ngay sau đó, trao đổi với PV, ông Mai Văn Nam (Giám đốc NHCSXH huyện Cư Jút) cho biết, ông đã được báo cáo về vụ việc. Tuy nhiên, ông Nam khẳng định: “Hồ sơ vay vốn đã làm đúng quy trình và NHCSXH đã giải ngân tới tận tay hộ vay. Riêng cá nhân bà Đông “có dấu hiệu làm trái quy định hay không” thì phải chờ cơ quan công an điều tra”.        

Công an huyện Cư Jút đã vào cuộc

Làm việc với PV, Đại úy Nguyễn Trung Hiếu (Trưởng Công an xã Đăk Đrông) cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh việc bà Nguyễn Thị Đông (Chủ tịch hội Phụ nữ xã) trong quá trình giúp cho người dân vay vốn ngân hàng đã “vay ké” theo hồ sơ của 113 hộ dân nghèo với số tiền 1,145 tỉ đồng, lực lượng công an đã tiến hành xác minh vụ việc. Do tính chất vụ việc nghiêm trọng, với số tiền lớn, nên công an xã trình báo lên Công an huyện Cư Jút để điều tra theo thẩm quyền”.

Có dấu hiệu của việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư Hồ Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Hồ Ngọc Hùng, đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Hành vi của bà Nguyễn Thị Đông có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức quyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 140 của bộ Luật Hình sự và tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, để khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cần phải làm rõ và xác định một số vấn đề trong quá trình làm thủ tục vay vốn. Ngoài ra, cần làm rõ cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, nhằm xác định cán bộ ngân hàng có là đồng phạm với bà Đông hay không.  

Ngọc Hồ

Xem thêm video clip : Vụ máy bay MH17: Nhiều nạn nhân chưa được tìm thấy

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý