Danh hài Minh Vượng: Thèm một vòng tay ôm

msstit msstit @msstit

Danh hài Minh Vượng: Thèm một vòng tay ôm

Trung thu này, tôi rất muốn gặp Minh Vượng để trò chuyện về nỗi niềm một nữ danh hài, hiện đang đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội của NSƯT Thúy Mùi. Nhưng chị cứ cười rất tươi và bảo tôi: “Bận quá anh Quang ơi”... Chị còn nói thêm: “Tâm sự của Vượng vẫn như đã có lần trò chuyện với anh”...

02/10/2014 03:35 PM
6,691

 

Thế là tôi tìm lại câu chuyện mà tôi đã từng thực hiện với chị tại một quán cà phê mát mẻ trong một buổi sáng Hà Nội mà nhiệt độ lên tới gần 40oC cách đây đã vài năm. Đọc lại bản thảo, thấy vẫn rưng rưng...

- Minh Vượng biết không, nhìn Minh Vượng một mình phóng xe đi phăm phăm trên phố, tôi bỗng nhớ tới một nữ nghệ sĩ mà tôi từng quen biết cách đây gần hai mươi năm. Chị ấy khi đó cũng ở độ tuổi như Minh Vượng bây giờ. Sống độc thân. Và sau một lần phải một mình phóng xe đi lo công chuyện gì đó rất vất vả, gặp tôi, chị ấy mới than rằng: “Anh biết không, làm nữ nghệ sĩ dù nổi tiếng đến mấy thì cũng khổ vậy đấy, khi vui chơi thì vô khối đàn ông muốn xán tới gần mình, còn khi làm việc thì cứ phải thui thủi một mình”… Đã bao giờ trong Minh Vượng nảy sinh một lời tủi phận tương tự như thế không?

- Minh Vượng (cười): …

- Minh Vượng là người kiêu hãnh…

- Lòng kiêu hãnh không cho phép nghệ sĩ than thân trách phận trước đám đông. Nhưng nghệ sĩ hay không nghệ sĩ thì ai mà chẳng là người. Chúng ta có là cỗ máy đâu, chúng ta ai cũng có lúc khỏe lúc yếu, lúc buồn lúc vui, lúc thăng lúc trầm, lúc được lúc mất… Nói thật, Vượng sợ nhất là những đêm đi diễn về, chỉ có mình mình đối diện với chính mình thôi… Cũng thèm có một vòng tay nào đó ôm lấy mình chứ, cũng thèm đủ thứ chứ…

Vượng biết lắm chứ, những khi ấy ranh giới giữa phần “con” và phần “người” mong manh lắm, bước qua bước lại chút ít là xong. Nhưng bước qua rất dễ nhưng cũng dễ mất nhiều thứ lắm. Thực ra thì Vượng cũng là người thích phiêu lưu, nghệ sĩ ai chẳng thích phiêu lưu! Nhưng Vượng luôn muốn giữ phần “người” của mình trong sạch. Khi bước chân vào nghề này, Vượng cũng nghe người ta bảo, xướng ca vô loài. Nhưng làm nghề xướng ca, Vượng lại không muốn trở thành kẻ vô loài. Không nên vơ đũa cả nắm. Từng ấy năm lăn lộn trong nghề, Vượng cũng biết rằng, giới nghệ sĩ cũng như tất cả các giới khác, phức tạp lắm. Cũng có kẻ buôn gian bán lận. Cũng có kẻ giai gái lừa lọc…

- Thì năm ngón tay cũng còn có ngón ngắn ngón dài…

- Đúng thế. Nhưng cũng có không ít người tốt, người tử tế, người đáng trọng… Không thể phiêu lưu để được cái cỏn con mà đánh mất tất cả những gì chính yếu, tốt đẹp trong cuộc đời mình. Đấy, Vượng cứ nghĩ như thế và kìm nén những ham muốn phiêu lưu…

Đằng nào thì mình cũng đã dành cho nghệ thuật phần lớn cuộc đời rồi, Vượng hay nói đùa là mình đang ở chân đèo rồi, tuột tí là đến Đuôi Cá, qua Đuôi Cá chút ít là sang Văn Điển, rất gần, còn gì mà ham hố nữa. Có lẽ vì nghĩ thế nên đã ba mươi năm trong nghề rồi, trở nên quen thuộc với rất nhiều khán giả, từ thành thị tới nông thôn, từ già tới trẻ nhưng Vượng đã không để lại điều tiếng gì trong cuộc sống.

- Đời ngắn ngủi, cái gì không thực của mình thì mình cũng không nên ham, cái gì đã mất rồi thì cũng không nên quá tiếc. Để sống không điều tiếng gì thì cần phải biết chọn lựa không chỉ vai diễn thích hợp mà cả thái độ sống thích hợp?

- Có được thái độ sống đúng là điều cực kỳ quan trọng đối với người nghệ sĩ. Không tử tế với người thì mình khó gặp được những điều tử tế.

- Minh Vượng có thấy oái oăm không khi trong đời thực, những người tử tế rất hay bị thiệt thòi? Minh Vượng có bao giờ cảm thấy mình là người bị thiệt thòi không?

- Thiệt nhiều chứ. Vì phải giữ mình hơn những người khác. Lấy thí dụ như chuyện đi xe máy trên đường nhé. Vượng đi cực kỳ cẩn thận, cực kỳ đúng luật, trước khi định rẽ sang đâu thì cũng xi nhan đèn từ cách xa 15-20m, vì sợ nếu phạm luật, phải đứng lại xin xỏ, khán giả quen mặt nhìn thấy cảnh đó thì mất hay đi, những câu mình giáo huấn trên sân khấu sẽ trở nên vô nghĩa trong cách cảm nhận của khán giả. Thế nhưng, dù mình đi đúng luật rồi mà lắm khi vẫn bị người khác đâm vào, tình hình giao thông ở Hà Nội thì anh biết rồi đấy.

Có lần bị đâm khá nặng, ngã vỡ cả gương xe, gượng dậy cũng định này nọ vài câu cho bõ tức nhưng vừa ngẩng mặt lên thì hai cô cậu vừa đâm vào làm mình ngã, nhận ra mình và toe toét cười: “Ôi, chị Minh Vượng, thế mà chúng em cứ tưởng là ai! Chúng em vội quá, chúng em xin lỗi chị”…

Mình thì người đau ê ẩm, xe lại bị hỏng. Còn hai cô cậu ấy lại nói: “Chị ơi, chúng em là sinh viên, không có tiền, chị thông cảm”… Đến nước ấy thì mình cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bảo: “Các em lần sau phải đi cho cẩn thận, các em bị cận, chị cũng bị cận, không cẩn thận thì khổ mình trước tiên”… Đấy, chỉ dám nói vậy thôi rồi tự mình phải đi thay gương, sửa xe lấy…

Hay chuyện này nữa: Có lẽ vì trên sân khấu Vượng hay diễn những vai bỗ bã nên nhiều khán giả gặp Vượng ngoài đời, thay vì bắt tay nhẹ nhàng hay chào hỏi bằng lời lại cứ xán tới, vỗ vào người, véo vào vai, đau ơi là đau mà mình lại vẫn phải cười tươi. Có những cái phát yêu vào lưng mà mình cảm thấy như bị thối phổi đến nơi… Một dạo, buổi sáng Vượng hay ra công viên tập thể dục nhưng bị nhiều khán giả bày tỏ sự hâm mộ bằng cách cấu véo mà mình vẫn phải cười. Sợ quá nên bây giờ đành phải mua máy tập ở nhà...

- Đấy là do trên sân khấu Minh Vượng đã tạo nên một hình ảnh phụ nữ can trường quá nên ai cũng nghĩ chị “mình đồng da sắt”, luôn luôn lạc quan, kể cả lạc quan tếu và không biết buồn rầu tủi phận bao giờ…

- (Cười):...

- Từ lâu tôi đã nhận ra điều này: Có hai dạng nghệ sĩ. Một dạng, càng tài năng, càng cống hiến, càng nổi tiếng và thậm chí là càng giàu có thì lại càng cảm thấy mình có rất nhiều việc không được làm, vì lý do lương tâm, đạo đức, vì lý do tinh thần. Nhưng có dạng khác, sự nổi tiếng, giàu có lại khiến họ nghĩ rằng họ là quyền lực vô biên, không có việc gì là không thể làm được. Các chuyên gia lý giải hiện tượng đó là ở trình độ văn hóa, không phải ở văn bằng chứng chỉ mà ở trữ lượng văn hóa bên trong. Ai đó đã nói rằng, thời kinh tế thị trường này, những người thực sự có học vấn sẽ khó thành đạt hơn vì càng có học, ta càng thấy rằng có nhiều việc không được làm. Có lẽ Minh Vượng cũng là người càng nổi tiếng thì lại càng trở nên “nhu mì” hơn và càng hiểu ra thêm những việc mà dù rất ham muốn, mình vẫn không nên làm, không được làm. Vì làm việc đó là mình đã bước qua ranh giới từ “người” sang “con” rồi.

- Cảm ơn anh. Vượng rất muốn nói rằng, mặc dù chúng ta ít gặp nhau nhưng lúc nào Vượng cũng muốn coi anh là bạn quý. Vì Vượng có cảm giác như là anh đang đọc được ý nghĩ của Vượng… Nhưng Vượng cũng muốn nói thêm rằng, thực ra Vượng không phải là người gò bó đâu. Vượng luôn chủ trương sống thực với mình, sao cho thoải mái nếu là đúng đắn. Nhưng quả thực là có những ranh giới không thể vượt qua…

- Sống là không ép xác?

- Đúng, không ép xác!

- Nhưng cũng không sa đà quá vào những công việc không phải chất của mình… Tôi cứ trộm nghĩ rằng, có lẽ không phải ngay từ đầu Minh Vượng đã nghĩ được như bây giờ. Thực sự tôi rất muốn hình dung lại gương mặt Minh Vượng của nhiều năm trước, khi chị mới bước vào nghề. Có gì khác với bây giờ trong suy nghĩ và cảm xúc? Điều gì đã giúp chị trở thành Minh Vượng của ngày hôm nay?

- Vượng sinh ra và lớn lên ở khu lao động Lương Yên, nhà có 6 anh chị em, chẳng ai đi theo nghệ thuật ngoài Vượng. Ngày nhỏ, Vượng hay được ông anh trai, hơn Vượng 10 tuổi, dẫn đi xem chiếu bóng, rồi xem biểu diễn văn nghệ ở hội trường Lương Yên… Vượng là cô bé có trí nhớ cực kỳ ấn tượng. Xem các cảnh huy hoàng trên sân khấu, về nhà, Vượng cứ bị ám ảnh mãi. Thèm vô cùng cái không khí đó.

- Phải chăng vì khu Lương Yên hồi đó quá u ám nên trí óc trẻ thơ càng hướng tới không khí rực rỡ của đời sống sân khấu? Gia đình Minh Vượng hồi đó có khó khăn về vật chất lắm không?

- Cuộc sống vật chất không khó khăn lắm. Nhưng qu��� thực là ở một khu lao động thì mọi cảnh đời thường đều đã thấy tận mắt… Giờ thì mình luôn cảm thấy biết ơn quãng đời thơ ấu ở Lương Yên vì đã giúp mình hiểu được rõ hơn, sâu hơn những nỗi niềm ấm lạnh của những người bình thường. Không có vốn sống ấy, không thể làm nghệ thuật như Vượng đã làm, đang làm…

- Và trong bối cảnh đó, nghệ thuật như là một cõi khác để Minh Vượng giải phóng trí tưởng tượng khỏi những tẻ nhạt đời thường?

- Nghệ thuật đúng là một sự giải thoát. Nó chắp cánh cho mình bay ra khỏi những tù túng xung quanh. Và mình mơ ước, giá anh ấy thế này, giá chị ấy thế kia… như trong truyện cổ tích… Mà Vượng là người cực kỳ mê truyện cổ tích. Ngay từ nhỏ. Chính vì mê cổ tích nên Vượng đã biết đọc sách trước khi đi học. Số là, hồi bé, Vượng rất thích truyện tranh Tây Du Ký. Vì bé quá, chưa biết chữ nên Vượng cứ phải thuê ông anh giai đọc, mỗi lần mất hai xu, toàn tiền xin của mẹ thôi. Nhưng xin tiền mẹ thì không phải hôm nào cũng được, mà hôm nào mình cũng thích xem truyện tranh.

Thế là Vượng mới tìm cách nhận biết con chữ bằng cách cố gắng nhớ những câu anh giai đọc cho mình rồi sau đó, so sánh với con chữ trong sách. Cứ thế dần dà Vượng cũng biết tự nhận ra mặt chữ… Khi vào vỡ lòng, do biết chữ trước rồi nên Vượng rất hay láu táu, cô chưa dạy đã nói… Thành ra suốt thời cấp 1, Vượng toàn là học sinh cá biệt. Vì mình chủ quan, cứ tự nghĩ mình là giỏi giang, thông minh hơn người. Cũng phải nói rằng, suốt thời phổ thông, Vượng toàn học các lớp E, G, H, chả bao giờ được học lớp A, B, C cả… Khi lên lớp 5, cô hiệu trưởng bảo, phải kết nạp con bé này vào Đoàn, cho nó làm lớp trưởng, để nó “bảo ban” những học sinh cá biệt…

Mà mình từ nhỏ đã hay được xếp vào các vị trí lãnh đạo, làm Bí thư Đoàn từ cấp 2, cấp 3 và luôn luôn chinh phục được những bạn bị xếp vào đội ngũ “đầu gấu”. Thì mình cứ vui vẻ, thật lòng và họ quý mình, nghe lời mình… Nhưng cũng từ hồi ấy, Vượng đã rút ra được bài học: Đừng tự đánh giá mình quá cao, đừng bao giờ nghĩ rằng cái niềm vui của mình là vui hơn so với những người khác, đừng bao giờ nghĩ rằng nỗi buồn của mình là buồn hơn những người khác…

- Lòng vả cũng như lòng sung, đừng bao giờ nghĩ chỉ có mình mới là trung tâm chú ý, mới đáng được chiều chuộng, thông cảm…

- Có những người khác còn phải buồn khổ hơn mình, rơi nhiều nước mắt hơn mình. Vậy nên mình hãy nhẫn nhịn và hãy cố gắng tự xem lại mình để xác định những việc cần làm, những việc không nên làm… Phải cân nhắc kỹ càng. Nhưng tốt hơn là biến tất cả những cái đó thành bản năng. Vì lúc nào cũng cân nhắc, cũng đong đo thì mệt lắm… Đó là những điều mà Vượng đã hiểu ra sau những vấp váp đầu đời.

- Cũng thấm thía đấy chứ...

- Thấm thía… Cũng xin nói thêm về tính hay ấn tượng của Vượng. Bây giờ cũng vẫn thế. Vượng rất thân với anh Tiến Đạt, hai anh em diễn cùng nhau nhiều lắm. Nhưng cứ hễ hôm trước anh Tiến Đạt vào vai phản diện thành công là hôm sau, Vượng cứ nhìn thấy mặt anh ấy là cảm thấy ghét. Không phải là ghét anh ấy mà ghét cái hình tượng phản diện mà anh ấy thể hiện rất đạt. Vượng mới nói: “Anh thông cảm, hôm nay em chẳng muốn ngồi uống cà phê cùng bàn với anh đâu”. (Cười)…

- Có diễn viên nào vào vai người yêu đạt đến mức tan diễn rồi cảm giác say đắm vẫn còn cho tới sáng hôm sau không?

- (Cười): Nhưng Vượng cũng hay thay đổi lắm. Có hôm xem một vở chèo hay, có vai chèo đôn hậu nào đó, Vượng cứ nghĩ, ôi, kiếp này lẽ ra mình phải sinh ra làm một diễn viên chèo… Hôm sau, xem cải lương, thì lại tự bảo, ôi giời ơi, tôi phải đóng vai cải lương… Xem xiếc, thấy hay lại muốn trở thành diễn viên xiếc… Tức là trong con người Vượng có rất nhiều khao khát khác nhau về nghề…

- Và vai diễn nào đã quyết định sự lựa chọn để có một Minh Vượng như hôm nay?

- Đó không phải là một vai diễn trên sân khấu mà là vai diễn ngoài đời. Khi tốt nghiệp khóa 1974 -1978 của Trường Nghệ thuật Hà Nội (bây giờ gọi là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), thì Vượng là diễn viên chính kịch. Nhưng ngay từ khi còn ngồi học, đạo diễn NSND Huỳnh Nga đã nói về mình rằng, con bé này đóng vai tính cách sẽ giỏi hơn đóng vai chính diện. Và trên ghế nhà trường, Vượng đã vào rất nhiều vai tính cách, có những vai mà mấy chục năm trôi qua, bạn đồng diễn vẫn còn nhớ và tấm tắc khen. Nhưng ra trường hai ba năm rồi mà Vượng vẫn không có vai để diễn.

Có dạo, lãnh đạo định chuyển cho Vượng đi học Trường Đảng Lê Hồng Phong, định đưa lên Sở Văn hóa - Thông tin làm cán bộ đoàn khung, thôi không làm diễn viên nữa. Nhưng Vượng đã từ chối vì còn làm trong ngành Văn hóa mà không được làm diễn viên thì đấy là điều mà Vượng không thể nào chịu đựng nổi…

Vượng nhớ, đạo diễn Trần Hoạt lúc đó đã nói: “Số con là vất vả đấy, con không có sắc như người khác. Nhưng con có cái tâm của nghề, cố mà theo nghề, nghề sẽ không phụ con đâu”… Biết thế nhưng lúc đó Vượng cũng buồn lắm.

- Có tâm với nghề, nghề không phụ…

- Đúng là đạo diễn Trần Hoạt có con mắt xanh thực. Vượng vẫn nhớ cách đạo diễn Trần Hoạt dựng vở. Khi các diễn viên tập trên sân khấu, không bao giờ ông ấy xem đâu, ông ấy nằm uống rượu, quay mặt vào trong. Nhưng hễ mà diễn viên nào nói hay làm động tác sai là ông ấy quay phắt lại, cầm cái gậy (ông ấy đi phải chống gậy) phi vèo lên sân khấu và mắng luôn. Chính câu nói của ông Trần Hoạt đã khiến Vượng cảm thấy cay cú với nghề và cố gắng hơn. Ngày ấy, Vượng gầy lắm, cao 1m6 nhưng chỉ nặng có 43 cân, trông chán chết…

- Bây giờ thì khác rồi!

- (Cười). Sự cay cú với nghề đã giúp Vượng vượt lên. Rồi năm 1980, anh Doãn Hoàng Giang phân cho Vượng vai bà mẹ Phương trong Hà Mi của tôi. 22 tuổi đóng vai 70 tuổi, vai người con là của cố nghệ sĩ Trần Vân. Đối với Vượng, đó là cá hoặc là vượt vũ môn thành rồng, hoặc là cam chịu phận liu điu. Và Vượng đã thành công ở vai bà mẹ này. Tiếp theo, năm 1981, trong vở kịch của anh Doãn Hoàng Giang có rất nhiều những vai nam thanh nữ tú. Anh Giang mới bảo Vượng và anh Trần Kiếm thử làm một cái gì đó cho nó khác người đi, một cái gì đó không có trong kịch bản.

Thế là Vượng với anh Trần Kiếm (anh ấy bây giờ mất rồi) cùng nghĩ ra cảnh: Anh là một người chồng già, em là một người vợ đã đứng tuổi, nhưng chúng mình có một đứa con đầu tiên. Anh ra sân ga tiễn người vợ đang mang thai về quê. Hai người dặn dò nhau trước lúc chia tay… Đó đã là một tình huống khiến khán giả cười như nắc nẻ.

Toàn bộ cảnh diễn chỉ có vài phút thôi nhưng chính nhờ vài phút đó mà sau đấy, đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi đã quyết định đặt Vượng vào vai rất khó, đó là vai bà The, một người đàn bà có 8 con trong vở kịch đầu tay của Lưu Quang Vũ Cô gái đội mũ nồi xám. Bà The theo kịch bản đã hơn 50 tuổi, mà khi ấy Vượng mới 22 tuổi đầu. Bà The đứng đầu tốp công nhân luôn chao chát tranh cãi với những cán bộ quan liêu, cửa quyền… Giờ nhớ lại, Vượng càng cảm thấy biết ơn cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi…

 - Ảnh 1

NSƯT Minh Vượng trong đêm thơ - nhạc ra mắt bộ sách thơ “Nỗi buồn tốc ký” của nhà thơ Hồng Thanh Quang.

- Anh hùng đoán giữa trần ai mới tài… Thực sự là trong bất cứ thành công nào, ngoài sự nỗ lực vượt bậc của cá nhân ta còn cần tới vô số những sự trợ giúp, đặc biệt là của các cặp mắt xanh. Không được sử dụng đúng thì ta có tài giời cũng chẳng làm nên cơm cháo gì… Nhớ điều này để mình đừng bao giờ tự huyễn hoặc về cá nhân mình.

- Đúng thế, anh Quang ạ. Vượng cũng có may mắn là được gặp nhiều cặp mắt xanh. Vượng còn nhớ, năm 1987, Nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở Nơi cuộc đời ẩn náu. Một nữ diễn viên đóng vai cô phiên dịch 4 thứ tiếng cho đoàn khách quốc tế. Ngày mai tổng duyệt thì ngày hôm nay, khi cô trả bài, đạo diễn Hoàng Quân Tạo không đồng ý. Mình lúc đó chỉ là người kiến tập thôi, nhưng mình nói, hay là anh cho em thử diễn? Anh Hoàng Quân Tạo đồng ý và mình đã vào vai thành công đến nỗi sau đó, được lên luôn hai bậc lương.

Trong thời bao cấp, hai bậc lương là chuyện đâu có nhỏ! Nhưng quan trọng hơn là sau vai đó, mình ngộ ra được mô típ nhân vật hợp với mình nhất. Tuy nhiên, phải tới năm 1988, khi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thành lập câu lạc bộ kịch và đạo diễn Vũ Minh mời Vượng làm bà mối trong vở Già kén của anh Tất Đạt thì mới là lúc Vượng bắt đầu tự khẳng định mình và được Huy chương vàng. Bà mối ấy là một con mẹ chao chát, làm mối cho mọi người rất mát tay nhưng cuối cùng, lại chỉ có một mình một bóng. Phải chăng đó là vai diễn định mệnh của Vượng? Ai gặp Vượng ngoài đời thì cũng thấy Vượng rất tự tin, rất gồ ghề, góc cạnh, rất ồn ào, vui vẻ, nhưng mấy ai biết nội tâm Vượng là một người phụ nữ đa cảm, yếu ớt.

- Tôi nhìn thấy điều đó, Vượng à!. Nhưng thôi, chúng ta chuyển sang chuyện khác, từ khi nào Vượng trở thành một trong những ngôi sao hấp dẫn hàng đầu trong các show hài như hiện nay?

- Bắt đầu từ năm 1992, trăm hoa đua nở, nhà nhà làm bầu. Vượng và Minh Hòa cũng bắt tay làm bầu. Nhưng những tiết mục như Vượng bây giờ hay diễn không phải là do tự Vượng muốn đâu mà là do Thanh Thanh Hiền và Tấn Minh. Những năm đầu 90 làm gì có điện thoại di động, chỉ có nhắn tin đã là “xịn” lắm rồi. Thanh Thanh Hiền hồi ấy đắt show lắm. Tấn Minh tuy còn đang học trong Nhạc viện Hà Nội cũng đắt show tương tự. Một lần, Vượng làm bầu cho show diễn ở Bộ Tư pháp, lúc đó còn ở 25 Cát Linh. Chương trình kéo dài một tiếng. Đến giờ diễn của Thanh Thanh Hiền và Tấn Minh rồi mà hai đứa chúng nó còn nhỡ tàu nhỡ xe ở đâu đó chưa thấy mặt. Còn 30 phút nữa mới đủ giờ hợp đồng. Chẳng biết làm cách nào, đành “liều mình như chẳng có” kể chuyện các tình huống hài hước trong cuộc sống, hết chuyện nọ đến chuyện kia, vừa kể vừa minh họa bằng các động tác. Thế mà khán giả cứ rú lên cười, mỹ mãn, quên hẳn Tấn Minh với Thanh Thanh Hiền.

Thế là ở những show diễn sau, đi đâu Vượng cũng thủ sẵn một bộ quần áo riêng để nhỡ Thanh Thanh Hiền và Tấn Minh lỡ hẹn thì có tiết mục thế vào. Cứ như thế vừa làm bầu vừa làm nghệ sĩ bất đắc dĩ, diễn hài, để lấy ngắn nuôi dài như thế thôi chứ cũng chả mơ ước gì. Tới năm 1994, sang Nga du diễn, do tình thế bắt buộc, Vượng mới bắt tay vào vở hài kịch Hoa hậu xóm liều, dựa trên ý tưởng truyện Người mẫu thời trang của nhà báo, nhà viết kịch Lê Quý Hiền. Người Việt ở Moskva xem vở này xong tấm tắc khen, chưa bao giờ thấy cái gì hay thế! Và kể từ ngày 20/3/1994, thì liên tục Vượng diễn Hoa hậu xóm liều. Đỉnh điểm là ngày 7/3/1998, Vượng diễn 18 show vở Hoa hậu xóm liều, cứ 30 phút một show, từ 7h15 đến 24h15! Nói đúng là không ai tin nhưng sự thật là vậy! Hồi ấy, mỗi show diễn chỉ được cátsê 200-300 nghìn thôi. Diễn xong, không đủ tiền để chữa thanh quản. Nhưng cái máu làm nghề là như thế!

- Đúng là như trong cơn mê!

- Cơn mê! Anh đã hỏi điều gì khiến Vượng trở thành Vượng như này hôm nay. Vượng muốn kể chuyện này. Năm 1994, sau khi đi diễn ở Nga về, Vượng cùng một số bạn bè dồn tiền vào mở một tiệm giày ở phố Bà Triệu, mỗi đứa bỏ ra mười mấy triệu. Thực ra cũng chẳng vui vẻ gì vì khi khách hàng vào mua, người ta đều quen mặt mình qua chương trình “Thư giãn” trên truyền hình. Người biết điều thì không sao, người không biết điều thì có những câu nói đùa thôi nhưng lại khiến mình chạnh lòng lắm… Có hôm nghe người ta bỡn cợt, mình đã vào một góc ngồi ứa nước mắt, diễn viên sao lại khổ thế này! Nghèo đúng là đi đôi với hèn.

Vượng hồi đó vẫn còn gầy lắm, đẩy cái tủ giày nặng, có lúc thấy tức ngực. Rồi một hôm đau ngực, máu ứa ra, vào Bệnh viện K khám, bác sĩ bảo: “U rồi, u ác tính, sao lại để muộn thế này!”. Vượng mới bảo: “Tôi còn nhiều việc lắm, cho tôi về nhà một tuần xử lý xong việc tôi sẽ vào viện mổ”. Hôm Vượng lên bàn mổ, cả nhà ai cũng khóc. Vượng cố pha trò để mọi người yên tâm. Bác sĩ phải tiêm cho Vượng tới ba liều thuốc mê, Vượng mới thiếp đi… May là khi mổ, hóa ra lại là u lành tính. Nhưng từ đó, Vượng như trở thành một con người khác. Nhiều điều mình đã ngộ ra. Mình thấy sự sống mới mong manh làm sao, không thể nào sống ác, không thể nào bon chen. Vì nói cho cùng, có nghĩa gì đâu những phù du đó…

Rồi năm 2001, Vượng bị huyết áp cao, nửa người tê dại. Phải châm cứu mãi mới khỏi. Khỏi rồi mồm còn méo, giọng còn ngọng. Vượng đã phải tập nói bằng cách giở bài thơ Chiếc lá cuối cùng của Hoàng Nhuận Cầm ra để đọc đi đọc lại, từng câu một, cho tới khi tròn vành rõ chữ thì thôi...

- “Em biết không tất cả đã qua rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vào trong mắt quá thơ ngây…”. Hồi trẻ, tôi cũng thích bài thơ này của anh Hoàng Nhuận Cầm…

- Khi bị bệnh nặng, Vượng đã giấu người thân, giấu bạn diễn. Chỉ mình Xuân Hinh biết. Chẳng hiểu thế nào mà Hinh lại đi nói với anh Hữu Ước: “Vượng béo” có khi không qua khỏi chuyến này đâu! Hay tin, anh Ước tới, mang cho tiền và sữa. Vượng bảo: “Em ngại quá, anh bận thế, đến làm gì”. Anh Ước bảo: “Mày là em anh, ốm thì anh phải đến chứ, thôi nghỉ đi cho khỏe em ạ”… Hinh ngồi cạnh, bảo: “Bà cố mà khỏe lên, tôi có vở Vợ giỏi chồng ngu đang chờ để cùng bà diễn đấy!”. Cứ tưởng chuyện nói chơi vậy thôi, vì Vượng ốm lắm, nhưng chỉ một tháng sau, Vượng đã cùng Hinh tập vở Vợ giỏi chồng ngu rồi. Cái máu nghề nghiệp đôi khi nó cũng tiếp cho mình thêm sức mạnh một cách diệu kỳ. Hồi mổ ở Viện K cũng thế, trưa hôm trước mổ mà chiều hôm sau Vượng đã cùng Minh Hòa chạy show rồi. Giờ nghĩ lại cũng hãi. Không phải vì tiền đâu mà vì hứa rồi, không tới khán giả sẽ thất vọng!

- Cuộc sống của Minh Vượng bây giờ ra sao?

- Sáng dậy, Vượng đi bộ trong nhà, trên máy tập. Rồi đùa chơi với con chó. Con chó này Vượng nuôi mười mấy năm nay rồi. Nó như một người bạn tri âm tri kỷ, Vượng nói nó biết. Người và chó cùng ăn sáng với nhau, hiếm có một người bạn nào thấy Vượng đi ăn sáng ở ngoài.

- Các show diễn có còn túi bụi không?

- Giờ thì đỡ hơn trước. Vượng hiện nay hay tới với các trường học, các làng SOS Hoà Bình, hay những nơi nuôi trẻ em cơ nhỡ, khiếm thị để dàn dựng chương trình cho các cháu. Làm việc với trẻ nhỏ thì mình cũng như trẻ ra.

- Xin lỗi, thế còn tình yêu?

- Vượng không bao giờ thiếu những người yêu mình, mà phần nhiều còn ít tuổi hơn Vượng, chỉ duy nhất có một người hơn Vượng hai tuổi. Nhưng đó chỉ là những người bạn. Với Vượng, bây giờ công việc là chính yếu. Mặc dầu nói thật, Vượng vẫn chưa nguôi máu phiêu lưu…

- Trong tình cảm?

- Trong tình cảm!

- Xin cảm ơn Minh Vượng và chúc chị gặp nhiều may mắn!

Theo Hồng Thanh Quang - báo Công an Nhân dân

Xem thêm video clip : Nguyễn Thiện Nhân hát live 'Mẹ yêu' cực hay

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý