Đạo nhạc: Cần lắm những người làm nhạc 'có tâm'!

mesuhao mesuhao @mesuhao

Đạo nhạc: Cần lắm những người làm nhạc 'có tâm'!

Liệu những động thái mạnh mẽ gần đây có khiến những người làm nhạc ở Việt Nam có ý thức hơn?

08/11/2014 02:04 PM
2,697

Việt Nam: "Đạo nhạc" thành một thói quen?

Nền âm nhạc Việt Nam đã từng có một thời kỳ mà người người, nhà nhà đều nghe những ca khúc nhạc ngoại lời Việt. Ở thời điểm đó, vấn đề bản quyền là điều mà chẳng ca sĩ hay nhạc sĩ nào để tâm. Người ta cứ nghiễm nhiên xem "của người ta" là... "của mình" và cứ thế "mang về nhà dùng".

Vấn đề đạo nhạc ở Việt Nam bắt đầu được dư luận chú ý từ sự việc nhạc sĩ Bảo Chấn cùng ca khúc nổi tiếng Tình thôi xót xa được phát hiện giống đến 99% bài hát I’ve never been to me của ca sĩ người Mỹ Charlene và bản hòa tấu Frontier của nhạc sĩ Nhật Keiko Matsui. Không chỉ riêng Bảo Chấn mà nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng thời kỳ đó như Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh... cũng có những tác phẩm "mượn" nhạc nước ngoài. Tới lúc đó người ta mỡi vỡ lẽ rằng những ca khúc nhạc ngoại lời Việt mà họ từng nghe đều đã vi phạm quyền sở hữu tác giả, đó cũng là lúc vấn đề bản quyền ở Việt Nam bắt đầu được chú ý.

Tháng 10 năm 2004, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne - công ước bảo hộ quyền tác giả và bản quyền tác phẩm trên toàn thế giới. Đó dường như là "tiếng chuông" đầu tiên về vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng ở Việt Nam. Thế nhưng vấn nạn "đạo nhạc" không hề biến mất mà vẫn tồn tại. Từ việc đạo 100% nhạc và thay lời Việt vào, ví dụ như trường hợp của nam ca sĩ Khánh Phương với rất nhiều vụ lùm xùm đạo nhạc Trung - Hàn - Nhật khiến anh được khán giả ví là "Ông hoàng đạo nhạc", hay Bảo Thy với nhiều lần bị fan "tẩy chay" do "bắt chước" từ giai điệu bài hát đến vũ đạo, kể cả MV ca nhạc.


Khánh Phương, Bảo Thy đã từng bị nhiều người lên án vì đạo nhạc.

Giờ đây các ca sĩ, nhạc sĩ đã có nhiều cách để biến ca khúc của người khác thành của mình, đó có thể là hát bài hát mới trên beat nhạc gốc, hoặc giữ lại khoảng 50% giai điệu rồi chỉnh sửa tiết tấu và hoà âm phối khí. Những ca khúc này được "xào nấu" khéo léo tới nỗi với những tai nghe nhạc phổ thông, đó vẫn là những bài hát khác nhau, nhưng với những người nghe nhạc chuyên nghiệp, đó chính là đạo nhạc.

Ranh giới giữa "học hỏi" và "đạo nhạc"

Lý lẽ mà nhiều ca sĩ và nhạc sĩ đưa ra khi bị phát hiện đạo nhạc là sự trùng hợp, hoặc là một sự "học hỏi". Thực tế đã chỉ ra rằng lằn ranh giữa học hỏi và bắt chước không hề mong manh như chúng ta nghĩ. Trên thế giới cũng có rất nhiều các ca khúc có hoà âm giống nhau, nhưng điểm khác biệt là gì? Đó chính là ý thức của một người làm nhạc chuyên nghiệp.

Đơn cử như ca khúc khá đình đám trong năm nay là Me and my broken heart của nhóm nhạc Anh quốc Rixton. Họ đã sử dụng một đoạn sample (đoạn nhạc mẫu) của bài hát nổi tiếng Lonely no moredo Rob Thomas thể hiện để tạo ra ca khúc mới, tất nhiên là đã có sự gật đầu đồng ý của ca sĩ này. Người nghe nhạc có thể dễ dàng nhận ra rằng 2 ca khúc này trùng nhau ở vòng hoà âm, tiết tấu, nhịp điệu và có thể hát bài này trên nền nhạc của bài kia. Nhưng khán giả vẫn chấp nhận ca khúc này, không coi nó là đạo nhạc vì nhóm Rixton đã tôn trọng bản quyền tác giả của Rob Thomas.


Bìa CD "Me and my broken heart" của nhóm nhạc Anh quốc Rixton.

Quay lại với âm nhạc Việt Nam, sau khi ca khúc Em của ngày hôm qua do Sơn Tùng M-TP thể hiện được phát hành, người nghe nhạc dễ dàng nhận ra ca khúc này giống ca khúc Every night của nhóm nhạc K-pop Exid. Cũng giống như trường hợp của Me and my broken heartLonely no more, hai ca khúc này giống nhau ở phần hoà âm, tiết tấu; thế nhưng rõ ràng nam ca sĩ trẻ đã không hề có động thái xin phép hay mua tác quyền ca khúc Every night. Em của ngày hôm qua gây bão cộng đồng mạng với lượt view "khủng", đưa Sơn Tùng M-TP trở thành một "hiện tượng" của giới trẻ, nhưng đồng thời cũng khiến nam ca sĩ này mang danh "đạo sĩ".


Vấn đề đạo nhạc ở Việt Nam "nóng" hơn bao giờ hết qua nghi án từ ca khúc
"Chắc ai đó sẽ về" do Sơn Tùng M-TP sáng tác và thể hiện.

Mới đây nhất, Sơn Tùng M-TP lại tiếp tục khiến dư luận dậy sóng khi bài hát nhạc phim Chắc ai đó sẽ về bị nghi ngờ giống với Because I miss you của K-pop. Thế nhưng một lần nữa, người ta lại đổ cho lý do là "trùng hợp" và "học hỏi". Nghi vấn vẫn chỉ là nghi vấn, nhưng Sơn Tùng M-TP đã bị bạn bè quốc tế gọi bằng cái tên kém hay là "kẻ cắp chuyên nghiệp". Các fan của nam ca sĩ ra sức bảo vệ cho thần tượng của mình, họ đưa ra lý do rằng đó chỉ là thành quả của việc học tập từ nền âm nhạc của nước bạn. Nhưng trước những tai nghe nhạc khó tính, đấy vẫn chưa đủ để bao biện cho những tai tiếng mà Sơn Tùng vướng phải từ nhiều ca khúc khác.

Những biện pháp cứng rắn dành cho nhạc "đạo"

Trước vấn đề đạo nhạc nhức nhối như hiện nay, dường như các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức âm nhạc đang dần có những động thái mạnh tay hơn để xử lý những ca khúc bị tố đạo nhạc. "Phát súng" đầu tiên của động thái này là việc BTC của chương trình Bài hát yêu thích loại 3 ca khúc của Sơn Tùng M-TP và mới đây là ca khúc Tương tư của nhóm nhạc FB Boiz do dính "nghi án" lấy nhạc nước ngoài.


Nhóm FB Boiz rút khỏi "Bài hát yêu thích" do đạo nhạc.

Hay gần đây nhất, BTC Làn Sóng Xanh đã quyết định loại thẳng tay các ca khúc của Sơn Tùng M-TP dính nghi án đạo nhạc ra khỏi bảng xếp hạng uy tín này. Bên cạnh đó, càng có nhiều những ý kiến lên án mang tính chuyên môn của những người làm nhạc và những người có thẩm quyền về vấn đề bản quyền ca khúc. Hơn thế nữa, giờ đây các khán giả cũng đã bắt đầu biết chọn lọc thông minh và có ý thức hơn trong việc nghe nhạc. Hi vọng rằng những động thái này sẽ "thanh lọc" được nền âm nhạc Việt Nam vẫn đang tồn tại vấn nạn "đạo nhái", và hi vọng những ca sĩ, nhạc sĩ sẽ làm nhạc "có tâm" hơn để xây dựng một nền âm nhạc đương đại phát triển.

Để kết thúc bài viết này, xin được trích những tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: "Tôi chỉ muốn góp ý nhỏ cho các bạn trẻ, là đừng vội vã viết để cho có, để bằng người này, bằng người khác. Người sáng tác nhạc phải tận dụng cảm hứng của mình đang đi tới, từ đó viết ra những nốt nhạc, viết từ cái đầu, viết từ trái tim. Đồng tình có thể nghe, có thể học hỏi nhưng hãy phát triển nó thành cái của mình bằng trí óc và sự sáng tạo của riêng mình.

Âm nhạc là nghệ thuật, nghệ thuật từ trong tim toát ra, viết ra thì phải biết thổn thức, người nghe họ mới cảm nhận, thổn thức được. Hãy viết nhạc bằng trái tim của mình!"

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý